Những vấn đề cần quan tâm trong phát triển nghề truyền thống ở Yên Tiến

08:09, 19/09/2017

Yên Tiến (Ý Yên) từ lâu được xem là “xã nghề” phát triển với nhiều ngành nghề truyền thống như: sơn mài - tre nứa chắp; sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ… Trong đó, làng nghề sơn mài Cát Đằng có lịch sử truyền thống lâu đời, được hình thành và phát triển trên nền tảng văn hóa truyền thống của địa phương có từ thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ IX-X) đã được Bộ VH, TT và DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, những năm gần đây xã Yên Tiến còn nhân cấy thêm một số nghề mới của các địa phương lân cận như: chế biến và sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ, dân dụng; đúc đồng; tái chế lốp cao su…        

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của Cty TNHH Nam Hải, xã Yên Tiến (Ý Yên).
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của Cty TNHH Nam Hải,
xã Yên Tiến (Ý Yên).

Trong câu chuyện với chúng tôi, đồng chí Ngô Văn Chiên, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Tiến cho biết: Hiện tại toàn xã có khoảng 3.000/3.587 hộ tham gia làm sơn mài - tre, nứa chắp, mộc mỹ nghệ; hộ ít thì có từ 1-2 lao động thường xuyên, hộ đông thì có từ 3-5 người nhận khoán sản phẩm gia công cho các doanh nghiệp trong xã. Những năm 2002 trở về trước, toàn xã có trên 60 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm truyền thống nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 30 doanh nghiệp sản xuất với quy mô tập trung từ 50-60 lao động trở lên. Ước tính, mỗi ngày người dân Yên Tiến sử dụng từ 150 tấn nguyên liệu tre, nứa và hàng chục m3 gỗ các loại để phục vụ sản xuất. Ngoài một số cửa hàng kinh doanh ở khu vực Quốc lộ 10, phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của xã nằm rải rác ở các thôn: Thượng, Lâm Trang, Tân Cầu, Thượng Đồng… Nguyên liệu chính để sản xuất là tre, nứa, luồng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Yên Tiến phải nhập ở các tỉnh Thanh Hóa, Hà Giang, Lạng Sơn. Để tăng độ dẻo dai, chống mối mọt nguyên liệu khi nhập về phải ngâm nước một thời gian, tùy vào độ “già” của tre, nứa mà thời gian ngâm dài hay ngắn. Sau đó, nguyên liệu phải phơi thật khô rồi mới đem vào xử lý bằng các loại máy công nghiệp hiện đại như máy chà, xoay li tâm, chần, phun…, để chẻ nan, vót nhẵn, đánh bóng, đan sản phẩm. Sản phẩm thô hoàn thành, những người thợ Yên Tiến tiếp tục đổ sơn bào, kẹt đá cho đầy rãnh, dùng máy mài đánh nhẵn bề mặt ngoài. Sau đó họ cốn để chống xé, tránh nứt rồi tiếp tục bả phẳng bề mặt một lần nữa rồi mới phun màu, phun bóng đều toàn bộ thành phẩm. Nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu thị trường, vài năm trở lại đây, ngoài những sản phẩm truyền thống là bát, âu, khay, lọ…, những thợ nghề Yên Tiến còn mạnh dạn thử nghiệm một số sản phẩm mới như thìa, dĩa với chất liệu từ gỗ và các loại sản phẩm: lộc bình sơn khảm vỏ trứng, vẽ hoa văn trên các sản phẩm gốm, sứ hoặc tạo ra những sản phẩm có bề mặt ngoài sơn bằng nhũ bóng… Nhiều sản phẩm mỹ nghệ của xã đã xuất sang các thị trường lớn, khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ... Bên cạnh nghề sơn mài - tre nứa chắp do nằm sát cạnh xã Yên Ninh nên người dân xã Yên Tiến còn phát triển mạnh nghề mộc mỹ nghệ với dòng sản phẩm chủ yếu là các loại đồ thờ (linh vật, hoành phi, câu đối, ngai, tượng, tòa...) được sơn, thếp các chất liệu PU hoặc vàng, bạc tùy theo yêu cầu của khách hàng. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn xã hiện có gần 100 xưởng mộc mỹ nghệ, tạo việc làm thường xuyên cho 800-1.000 lao động. Ngoài 2 nghề chính, trên địa bàn xã còn có các cơ sở: đúc đồng của ông Nguyễn Trọng Hạnh, xóm Thượng Đồng và cơ sở tái chế cao su của ông Nguyễn Lương Thông, xóm Văn Tiên sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 100 lao động. Nhờ phát triển sản xuất CN-TTCN đã mang lại nguồn thu nhập khá cho hàng nghìn lao động trong xã với mức lương từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2016, tổng thu từ CN-TTCN trên địa bàn xã đạt trên 200 tỷ đồng. Giá trị hàng hóa xuất khẩu hằng năm đạt 140 tỷ đồng trở lên; góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 30 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,3% (theo tiêu chí chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều); tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm chiếm 95%...

Tuy nhiên, nghề truyền thống của Yên Tiến đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức: Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu truyền thống của xã đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều làng nghề khác trong cả nước. Việc giữ bí quyết hay tạo nét khác biệt cho sản phẩm làng nghề để cạnh tranh là rất khó, gần như không thể. Vì thế, đầu ra cho sản phẩm; thông tin thị trường và mở rộng thị trường mới đang là nan đề đối với sự phát triển bền vững của nghề sơn mài - tre nứa chắp ở Yên Tiến. Thậm chí, do việc tổ chức, liên kết sản xuất ở làng nghề chưa tốt dẫn đến tình trạng có quá nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ cùng loại mặt hàng nên có tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh ngay trong làng nghề. Bên cạnh những khó khăn trên, sự phát triển nhanh chóng của nghề truyền thống tre nứa chắp ở Yên Tiến cũng đi liền với những hệ lụy về ô nhiễm môi trường sống. Ngoài một số doanh nghiệp có tiềm lực đã đầu tư xây dựng xưởng sản xuất rộng rãi, thoáng mát và trang bị nhiều loại máy móc hỗ trợ để xử lý các yếu tố gây ô nhiễm như bụi mài (tre nứa, sơn…) mùi nguyên liệu ngâm… thì còn nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể tận dụng diện tích sân vườn, khu nhà ở làm xưởng sản xuất. Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và nằm ngay trong khu dân cư, diện tích chật hẹp nên tiếng ồn, bụi, khí thải độc hại ảnh hưởng đến môi trường sống của cả làng. Nan giải nhất là vấn đề ngâm sơ chế nguyên liệu trước khi sản xuất. Từ nhiều năm trước, xã Yên Tiến đã quy hoạch và xây dựng khu ngâm nguyên liệu tập trung rộng 3ha ở thôn Thiện Chương để phục vụ sản xuất. Ngoài ra, ở các thôn đều có quy hoạch khu vực ngâm tre, nứa nguyên liệu tập trung. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay tất cả diện tích mặt nước trên địa bàn xã đều được tận dụng để ngâm, ủ nguyên liệu. Thêm nữa, các loại phế thải từ quá trình sản xuất như: nước thải, mùn cưa do không có biện pháp xử lý triệt để nên hầu hết đều thải trực tiếp xuống ao, hồ, kênh vừa gây ô nhiễm, vừa gây bồi lắng ách tắc dòng chảy.

Để sản xuất CN-TTCN ở Yên Tiến phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội, cấp uỷ, chính quyền địa phương cần có các biện pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức cho các chủ cơ sở sản xuất và người lao động về công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm và tăng cường hợp tác, chống cạnh tranh không lành mạnh trong nội bộ làng nghề. Chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, thiết thực hơn, đề xuất, phối hợp với ngành chức năng và thực hiện xã hội hóa để đầu tư khu xử lý chất thải công nghiệp, tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất tập trung ngoài khu dân cư. Các cấp và các ngành chức năng cần hỗ trợ địa phương nghiên cứu, sắp xếp lại sản xuất hợp lý, đầu tư khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ sản xuất; tư vấn các giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



Giải đáp deadline là gì

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com