Trong không khí tưng bừng của cả nước thi đua lập thành tích chào mừng 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 chúng tôi về xã Minh Tân (Vụ Bản). Làm việc với lãnh đạo xã, đi đến các thôn xóm, chứng kiến cảnh quan NTM và trò chuyện với người dân, chúng tôi cảm nhận rõ nét sự phát triển khởi sắc của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng.
Nhân dân xã Minh Tân vốn có truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, cần cù trong lao động sản xuất, kiên cường dũng cảm trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân và lực lượng vũ trang xã đã thực hiện 29 trận chống càn, gài chông, đánh mìn 36 lần, phối hợp chiến đấu 14 trận, bao vây quấy rối quân địch hơn 300 lần, góp phần tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng khác; huy động 300 lượt người tham gia bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, 1.200 lượt người tham gia dân công hỏa tuyến; đóng góp 30 tấn lương thực, 5 tấn thực phẩm các loại, 1 cây vàng, 500kg đồng, 6 vạn tiền Đông Dương… góp sức cùng với quân dân cả nước đánh bại thực dân Pháp xâm lược. Phát huy truyền thống quê hương, trong 10 năm (1965 đến 1975), cán bộ, nhân dân Minh Tân lại tiếp tục đóng góp sức người, sức của cùng nhân dân cả nước kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Kết thúc 2 cuộc kháng chiến, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Minh Tân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba… Trong sự nghiệp đổi mới, tinh thần cách mạng đó đã được Đảng bộ và nhân dân xã Minh Tân phát huy mạnh mẽ, đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng quê hương. Tình hình chính trị ổn định, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân, công tác an ninh, quốc phòng được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới. Minh Tân đã hoàn thành 19 tiêu chí trước kế hoạch 1 năm và trở thành xã NTM từ năm 2015. Sau gần 5 năm quyết liệt triển khai chương trình xây dựng NTM, xã Minh Tân đã huy động mọi nguồn lực được trên 127 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp và những người con xa quê ủng hộ bằng vật chất và tiền mặt là 15,3 tỷ đồng) để đầu tư kiến thiết cơ sở vật chất kinh tế kỹ thuật, cải thiện diện mạo nông thôn.
Một góc NTM xã Minh Tân (Vụ Bản). |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định “bước đột phá” để tiếp tục thúc đẩy kinh tế địa phương, phát triển NTM bền vững là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đa dạng hóa ngành nghề. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, UBND xã, nhân dân Minh Tân đã tập trung phát huy truyền thống thâm canh, tăng vụ, tích cực khảo nghiệm đưa một số giống lúa mới cho năng suất và hiệu quả cao, đồng thời đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Ngoài sản xuất nông nghiệp, xã tập trung chỉ đạo phát triển CN-TTCN, đa dạng hóa ngành nghề, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính, mặt bằng, thuế…, góp phần đóng góp thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Nhờ khai thác tốt lợi thế vị trí địa lý, tiềm năng lao động và triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, đến nay trên địa bàn xã đã thu hút được 5 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho gần 1.200 lao động địa phương. Trong đó có 3 doanh nghiệp ngành dệt may là các Cty TNHH T.B.O Vina (Hàn Quốc); Cty CP May 4 (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định) và Cty CP Dệt may Sơn Nam và Cty TNHH Đại Vượng hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Năm 2011, được xã tạo điều kiện cho mượn khu vực hội trường UBND cũ và hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo nghề miễn phí cho lao động địa phương qua các kênh khuyến công, Đề án 1956 của Chính phủ, Cty CP May 4 đã đầu tư trên 12 tỷ đồng xây dựng Nhà máy May Minh Tân ở thôn Ngăm Hạ. Nhà máy có tổng diện tích nhà xưởng trên 1.600m2 với 5 chuyền may tiêu chuẩn, 1 trạm biến áp 250KVA riêng, tạo việc làm cho trên 150 lao động địa phương, phần lớn công nhân đạt mức thu nhập từ 4-7 triệu đồng/người/tháng. Cty TNHH T.B.O Vina của nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư trên 70 tỷ đồng xây dựng nhà máy may xuất khẩu. Với quy mô công suất 2 triệu sản phẩm/năm, Cty tạo việc làm cho trên 700 lao động của xã Minh Tân và các xã lân cận của các huyện Vụ Bản, Ý Yên. Với cơ chế hỗ trợ hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi tối đa không chỉ cho doanh nghiệp và cả người lao động, trong năm 2016, xã Minh Tân đã thu hút thêm được dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sợi và xưởng may các loại khăn bông xuất khẩu của Cty CP Dệt may Sơn Nam (TP Nam Định) trên tổng diện tích 4,15ha. Hiện Cty đang triển khai hoàn thiện việc lắp đặt các thiết bị phục vụ sản xuất, đồng thời tiến hành đào tạo lao động để chính thức đi vào hoạt động. Dự kiến, dự án của Cty CP Dệt may Sơn Nam sẽ tạo việc làm cho 1.000-1.500 lao động mới.
Với những định hướng đúng đắn, phát huy được nội lực của địa phương và tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, cấp ủy, chính quyền, nhân dân xã Minh Tân đã góp phần làm khởi sắc diện mạo vùng quê giàu truyền thống cách mạng, hòa chung vào công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước, viết tiếp những trang tự hào của lịch sử cách mạng và phát triển quê hương./.
Bài và ảnh: Thành Trung