Về xóm 25, xã Hải Đường (Hải Hậu) hỏi về Anh hùng LLVTND Nguyễn Quang Hạnh, bà con ai cũng hào hứng chỉ đường: “Ông Hạnh, Anh hùng lái xe vượt Trường Sơn chứ gì… Đấy, các bác cứ đi vào gần Nhà thờ xứ đạo Nam Đường là thấy nhà ông ấy ngay”.
Anh hùng LLVTND, Đại tá Nguyễn Quang Hạnh (giữa) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm những năm tháng chiến đấu gian khổ, hy sinh nhưng anh dũng, rất đỗi tự hào. |
Như đã hẹn trước, ông Hạnh và các cựu chiến binh Hội truyền thống Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh đã chờ tôi từ rất sớm. Tiếp tôi trong căn nhà mái bằng, hiên có giàn hoa leo, ông Hạnh vừa nhấp chén nước vối tươi, vừa hào hứng kể cho chúng tôi nghe về những tháng năm lịch sử và những dấu mốc quan trọng ông đã trải qua. Tháng 5-1965, người thanh niên Nguyễn Quang Hạnh lên đường nhập ngũ và được chọn đi học lớp lái xe sáu tháng rồi được biên chế về đội lái xe Đại đội công binh 31, Tiểu đoàn 15, Sư đoàn 312. Tháng 7-1967, anh được điều về Đoàn 559, vào Binh trạm 35, trên con đường chiến lược ngã ba nam sông Bạc, hạ Lào. Thử thách đầu tiên với anh là khai thông chuyến xe xuyên đêm vượt dốc Pô-Phiên vô cùng hiểm trở. Con dốc sừng sững thách thức những chiến sĩ lái xe đã từng vận chuyển hàng hóa trên cung đường này. Được giao nhiệm vụ, anh Hạnh bước lên buồng lái chiếc Mônô hai cầu, nổ máy. Bình tĩnh, quả cảm, anh xử lý các tình huống mau lẹ, chính xác, đưa chiếc xe dã chiến đi đầu vượt dốc Pô-Phiên thành công. Trong suy nghĩ của người chiến sĩ lái xe Nguyễn Quang Hạnh khi ấy người lái xe mặt trận không chỉ bình tĩnh, vững vàng trong buồng lái, mà cần cả mưu lược, linh hoạt trong việc xử lý các tình huống trên thực địa và phải biết “tham mưu” đề xuất với chỉ huy các phương án khai thông khi tắc đường; biết hợp đồng tác chiến với công binh, với bộ đội phòng không, phải hiểu rõ thủ đoạn và quy luật hoạt động của kẻ địch trên trời dưới đất để đưa hàng tới đích. Rồi những chuyến xe lấy đêm làm ngày vượt qua những bãi bom phá, bom từ trường, bom bi trong vòng lượn của máy bay địch suốt ngày đêm lồng lộn xoi mói, oanh kích bắn phá các trọng điểm dọc đường Trường Sơn; những quả đồi đất thành bột, vách đá thành vôi, những sông bùn, những vực thẳm chồng chất xác xe cháy đổ. Khi đã ở cương vị chỉ huy, anh vẫn tự mình xông pha đi đầu, giúp đỡ, động viên, chia sẻ mọi khó khăn với đồng đội. Là chiến sĩ sáu năm liền lái xe xung trận trên cung đường 120km tây Trường Sơn với bao hiểm nguy thách thức, anh Hạnh được đồng đội, cấp trên tin tưởng. Thời kỳ đó, đường 9 Khe Sanh sang Lào (phía Tây Trường Sơn) là cung đường anh Hạnh cùng đồng đội vận chuyển hàng hóa, quân lương, nhu yếu phẩm, vũ khí phục vụ chiến đấu. Bình thường, một đại đội khi ấy chỉ có 36 xe, nhưng anh được giao quản lý 100 xe vận chuyển quân lương, vũ khí, hàng hóa từ Quảng Bình về điểm tập kết, giao hàng trên đất bạn Lào. Hoạt động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa bàn hiểm trở, thêm vào đó để đảm bảo bí mật, tránh bị địch phát hiện, anh cùng đồng đội phải thực hiện phương châm “xa dân, lánh địch” nên hoạt động hậu cần vận chuyển gặp muôn vàn khó khăn. Đặc biệt, trong hai năm 1968-1969, anh thường vượt định mức 25% trở lên. Có lần vào một ngày tháng 11-1967, trên đường vận chuyển, một xe kéo pháo bị máy bay địch bắn cháy, anh nhanh chóng lao vào dập lửa và cõng hai thương binh đưa về nơi an toàn. Mùa khô năm 1968-1969, trên cung đường vận chuyển dài 120km, anh là người đầu tiên đạt kỷ lục cao nhất của Trung đoàn 35. Mùa khô sau đó, trong 60 ngày đêm tổng công kích của chiến dịch vận chuyển, anh chạy xe liên tục, không nghỉ đêm nào. Ngày 17-3-1969, đoàn xe đơn vị đang chạy thì chiếc đi đầu bị trúng bom, lái xe bị thương. Anh Hạnh xung phong lái chiếc xe đó để thông đường. Khi xe chạy, sáu quả bom nổ chung quanh, anh vẫn chắc tay lái, cả đoàn xe 19 chiếc vượt qua bãi bom an toàn. Ngày 25-11-1972, một chiếc xe chở xăng bốc cháy, không quản nguy hiểm, anh lái chiếc xe này tiến lên trước, đi vào đường tránh, thu hút hỏa lực địch rồi chạy bộ trở lại chỉ huy đoàn xe chở người vượt qua trọng điểm. Với những chiến công hiển hách, anh đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, bốn Huân chương Chiến công hạng Ba, 3 lần là Chiến sĩ Quyết thắng... Ngày 31-12-1973, Thiếu úy Nguyễn Quang Hạnh, Đại đội trưởng Đại đội 1 ô tô vận tải, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 36, Đoàn 471, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Đất nước thống nhất, khi ấy Nguyễn Quang Hạnh với quân hàm Trung tá đã là Tham mưu phó, rồi Tham mưu trưởng Trung đoàn 17, Binh đoàn 12 - đơn vị nhận lệnh vận chuyển vật tư kỹ thuật xây dựng tuyến đường 279 trên phòng tuyến biên giới phía Bắc, luôn hoàn thành vượt mức khối lượng được giao. Tiếp đó, anh được đề bạt làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 17, chỉ huy đơn vị triển khai đồng thời hai nhiệm vụ: củng cố quốc phòng và phát triển kinh tế. Rồi anh được cử làm Giám đốc Xí nghiệp cung ứng vật tư vận tải thuộc Tổng Cy Xây dựng Trường Sơn. Lại có thời gian anh chỉ huy đơn vị bộ đội thi công san lấp mặt bằng xây dựng ở Thủ đô. Quản lý người, vật tư kỹ thuật với hàng trăm phương tiện vận tải, máy móc chuyên dụng, Nguyễn Quang Hạnh luôn thể hiện năng lực điều hành vững vàng, phẩm chất liêm chính của người cán bộ quân đội.
Sau nhiều năm phục vụ Tổ quốc, được nghỉ chế độ Đại tá Nguyễn Quang Hạnh trở về địa phương và được bầu là Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn huyện Hải Hậu. Với lối sống khiêm nhường, tác phong sinh hoạt giản dị, chân thành, ông luôn được các CCB và người dân tin yêu, quý trọng./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn