(Tiếp theo kỳ trước)
Là đơn vị trực tiếp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nước sạch bán cho người tiêu dùng trên địa bàn, trong những năm qua mặc dù Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Vụ Bản đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc khắc phục những tồn tại nhưng vẫn là chưa đủ để bảo đảm cung cấp nguồn nước sạch cho người dân.
Kỳ II. Đến nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước… bẩn
|
Khu vực bể sơ lắng đầu tiên của Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Vụ Bản. |
Năm 2003, bà con nhân dân huyện Vụ Bản vui mừng đón nhận thông tin Nhà máy Nước sạch Vụ Bản được khởi công xây dựng với nguồn vốn hơn 26 tỷ đồng do Chính phủ Công quốc Lúc-xăm-bua tài trợ cùng nguồn vốn đối ứng hơn 3 tỷ đồng của nhân dân các xã, thị trấn được thụ hưởng dự án đóng góp. Sau hơn 2 năm thi công, với sự giám sát của các chuyên gia nước ngoài, đến tháng 12-2005, công trình chính thức được đưa vào vận hành, khai thác. Theo thiết kế, Nhà máy có công suất 1.200 m3/ngày đêm sẽ bảo đảm cung cấp nước sạch hợp tiêu chuẩn cho người dân các xã: Kim Thái, Cộng Hòa, Tam Thanh, Liên Minh, Vĩnh Hào và Thị trấn Gôi. Trước nhu cầu sử dụng nước sạch ngày một gia tăng của người dân, tháng 11-2011 UBND tỉnh đã quyết giao quyền quản lý, điều hành Nhà máy Nước sạch Vụ Bản cho Cty TNHH một thành viên Kinh doanh Nước sạch Nam Định quản lý và Cty lại tiếp tục phân cấp quản lý cho Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Vụ Bản. Tại buổi làm việc với chúng tôi, đồng chí Ngô Xuân Kiệm, Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Vụ Bản cho biết: Với sự quan tâm, tạo điều kiện của Cty, sự ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, Xí nghiệp đã duy trì, đổi mới công nghệ, nâng công suất sản xuất nước sạch lên 7.000 m
3/ngày đêm. Hiện nay, Xí nghiệp đang cung cấp nước sạch cho 13.254 khách hàng của các xã: Vĩnh Hào, Tam Thanh, Liên Minh, Kim Thái, Cộng Hòa và Thị trấn Gôi (Vụ Bản) cùng 2 xã: Yên Mỹ, Yên Minh (Ý Yên). Xí nghiệp luôn chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng nước nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Giám đốc Xí nghiệp khẳng định: “Dây chuyền sản xuất nước sạch hiện nay của đơn vị là một trong những dây chuyền hiện đại nhất miền Bắc. Xí nghiệp thường xuyên được đón các đoàn chuyên gia nước ngoài, từ các tỉnh bạn đến tham quan, nghiên cứu, học tập trước khi quyết định đầu tư xây dựng công trình nước sạch mới(!)”. Theo đó, nguồn nước mặt từ sông Sắt được thu vào hồ sơ lắng thông qua 2 đường ống phi 400, qua các công đoạn xử lý lắng, lọc, loại bỏ tạp chất, chất hữu cơ, rồi qua thiết bị trộn khử hóa chất Clo, tiếp tục bơm vào bể lắng la-mem rồi thu vào máy lọc nhanh bằng in-nox (tốc độ 5 m
3/s). Từ đây nước được bơm tự động xuống 12 bể lọc có sử dụng cát, sỏi, đá thạch anh và trục lọc, sau đó bơm xuống bể chứa và tiếp tục được khử trùng trước khi bơm vào trạm bơm cấp 2 để phát nước tới người tiêu dùng. Ngoài ra, Cty còn mời các chuyên gia của Nhật Bản, Liên bang Nga, Viện Hóa học Việt Nam, Khoa Cấp thoát nước và Môi trường - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nghiên cứu tìm biện pháp xử lý; đồng thời ký hợp đồng với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm tra và chứng nhận nước đạt chuẩn mới bán nước cho khách hàng. Hiện, Xí nghiệp không dùng Clo khí như trước đây mà dùng Clo, Javen đậm đặc của Nhà máy Hóa chất Việt Trì cung cấp - đồng chí Giám đốc Xí nghiệp cho biết thêm. Còn đồng chí Đỗ Hữu Minh, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Cty TNHH một thành viên Kinh doanh Nước sạch Nam Định - đơn vị chủ quản của Xí nghiệp khẳng định: Nước của Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Vụ Bản cấp đến các hộ dân luôn được kiểm tra chất lượng một cách khoa học, chặt chẽ trên hệ thống thiết bị máy móc hiện đại, tự động và đạt chuẩn… Như vậy có thể thấy, với những hệ thống máy móc hiện đại, quy trình sản xuất nước sạch và quá trình kiểm tra, đánh giá chất lượng nước như trên thì người tiêu dùng hoàn toàn “yên tâm” khi mua nước sạch của Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Vụ Bản để sử dụng?!
Tuy nhiên, quá trình đi tìm “lời giải” cho những băn khoăn, thắc mắc, thậm chí là bức xúc của nhân dân ở các địa phương dùng nước sạch do Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Vụ Bản cung cấp, chúng tôi nhận thấy: Hiện nay, nguồn nước đầu vào đang được Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Vụ Bản lấy từ sông Sắt chảy qua địa bàn 2 huyện Vụ Bản và Ý Yên. Theo quan sát của phóng viên, cách vị trí đầu thu nước thô của Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Vụ Bản chừng 60-70m là cửa xả của kênh S40. Đây là dòng kênh bị ô nhiễm nặng do hoạt động sản xuất của các làng nghề đúc đồng Tống Xá, mây tre đan Cát Đằng, đồ gỗ La Xuyên… cũng như việc xả thải bừa bãi của người dân địa phương. Nước của dòng kênh này thường có màu đen, mùi xú uế bốc lên nồng nặc mà bất cứ ai đi qua cũng đều có thể cảm nhận được. Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư số 50/2015/TT-BYT ngày 11-12-2015 của Bộ Y tế thì vị trí nước đầu vào phải bảo đảm “khu vực bảo vệ nguồn nước trong phạm vi khoảng cách tối thiểu 200m từ điểm lấy nước lên thượng nguồn, tối thiểu 100m từ điểm lấy nước xuống hạ nguồn và tối thiểu 100m về phía 2 bên bờ sông tính từ mực nước cao nhất không có nguồn xả thải bị ô nhiễm”. Tại buổi làm việc với phóng viên, đồng chí Phạm Văn Hiền, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vụ Bản cho biết: “Hiện nay, nguồn nước mặt sông Sắt đã bị ô nhiễm do tác động của hoạt động phát triển sản xuất công nghiệp, làng nghề, các loại chất thải, nhất là hoạt động xả thải của các trang trại, gia trại nuôi thủy sản và công tác vệ sinh môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Đã có thời điểm ghi nhận tình trạng cá tự nhiên trên sông Sắt bị chết hàng loạt… Đối chiếu theo những quy định của Bộ Y tế thì Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Vụ Bản không được sử dụng nguồn nước này để sản xuất nước sinh hoạt mà chỉ sử dụng cho công tác vệ sinh”. Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm nhanh của Trung tâm Y tế huyện Vụ Bản tại thời điểm giữa tháng 7-2017 còn cho thấy: Hàm lượng chất NO
2 trên sông Sắt cao hơn mức cho phép và hàm lượng chất NO
3 đã chạm ngưỡng chuẩn cho phép của Bộ Y tế. Trung tâm này kết luận: “Nguồn nước bị nhiễm bẩn cao…”. Còn theo kết luận của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tại “Phiếu chấm điểm nguy cơ vệ sinh nơi khai thác nguồn nước nguyên liệu” và “Phiếu ngoại kiểm vệ sinh, chất lượng nước” ngày 10-7-2017 đối với Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Vụ Bản đã ở mức “Có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước”. Cùng với tình trạng nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm thì một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng nước cung cấp đến các hộ dân không được bảo đảm chính là do hệ thống đường ống dẫn nước đã bị xuống cấp. Đồng chí Ngô Xuân Kiệm, Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Vụ Bản thừa nhận: Do trước đây xây dựng có tới trên 90% đường ống là kim loại và được chôn sâu dưới nước, đất, đường giao thông và được thi công xây dựng đã lâu nên đến nay nhiều khớp nối đã tự phân hủy. Mặc dù Cty chủ quản và Xí nghiệp đã nỗ lực đầu tư sửa chữa, thay thế nhưng chưa hết; thậm chí có nhiều vị trí đường ống chôn sâu trên 4m nên không thể phát hiện được những điểm bị hư hỏng để thay thế, khắc phục, sửa chữa. Mặt khác, thời gian gần đây tốc độ phát triển đô thị hóa và xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi ở các địa phương diễn ra mạnh mẽ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự toàn vẹn của hệ thống đường ống dẫn nước. Hơn nữa phạm vi phục vụ của Xí nghiệp không ngừng mở rộng cũng đồng nghĩa với thực tế đường ống dẫn nước quá dài. Và như vậy, nguy cơ nguồn nước thành phẩm bị ô nhiễm do đường ống bị dạn nứt, thậm chí bị vỡ là hiện hữu. Ngoài ra, cũng không thể không nhắc tới ý thức của một bộ phận người dân khi chưa triệt để tuân thủ những quy định của Xí nghiệp trong việc sửa chữa, đấu nối đường ống dẫn nước. Điều này cũng đồng nghĩa với kết quả khảo sát của Trung tâm Y tế huyện Vụ Bản xác nhận khi tỷ lệ nước hao hụt thất thoát của Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Vụ Bản là khá cao, lên tới 30%./.
(còn nữa)
Bài và ảnh:
Khôi Nguyên
[links()]