Đừng để người dân Vụ Bản phải sử dụng nước không hợp vệ sinh (kỳ 1)

08:08, 14/08/2017
Thời gian gần đây, Báo Nam Định nhận được khá nhiều thông tin từ nhân dân các xã: Liên Minh, Vĩnh Hào, Tam Thanh (Vụ Bản)… phản ánh về tình trạng Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Vụ Bản cung cấp nguồn nước không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hằng ngày cũng như sức khỏe của người dân.
 
Kỳ I. Từ thực tế phản ánh của người dân…
Theo chị Phạm Tố Loan ở thôn An Lễ, xã Liên Minh (Vụ Bản) nước mới xả từ đường ống do Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Vụ Bản cung cấp thường có màu vàng và váng nên không dám sử dụng cho ăn uống.
Theo chị Phạm Tố Loan ở thôn An Lễ, xã Liên Minh (Vụ Bản) nước mới xả từ đường ống do Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Vụ Bản cung cấp thường có màu vàng và váng nên không dám sử dụng cho ăn uống.
Nhằm xác minh cụ thể những vấn đề người dân phản ánh, một ngày tháng 7 phóng viên Báo Nam Định đã tìm về thôn An Lễ, xã Liên Minh để tìm hiểu. Hơn 7h sáng, tại cổng làng thôn An Lễ, hàng chục người dân đang ngồi nghỉ, bàn tán xôn xao về một chuyện gì đó, thấy “người lạ” dừng xe, mọi người ngừng chuyện, đưa ánh mắt nhìn tôi thăm dò. Tôi nhanh chóng tắt xe máy và giới thiệu mình là phóng viên của báo tỉnh muốn tìm hiểu về tình trạng nước sinh hoạt ở địa bàn thôn. Chỉ cần có thế, trút bỏ hết những nghi hoặc ban đầu khi gặp người lạ, tất cả mọi người đều mau mắn thông tin và thực sự “ngán ngẩm” về tình trạng “nước không sạch” đang diễn ra với mật độ ngày càng nhiều ở địa bàn thôn trong thời gian gần đây. Như để chứng minh cho những lời nói của mình là sự thật, bác Nguyễn Thị Hòa, năm nay 64 tuổi, vừa đẩy chiếc xe đưa đứa cháu nội mới hơn 2 tuổi vừa dẫn tôi về khu nhà tắm rồi chỉ tay vào xô nước của gia đình nói: “Đấy anh xem, xô nước tôi vừa vặn trực tiếp từ vòi nước của Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Vụ Bản cung cấp, nó có màu vàng đục như này thì ai dám dùng”. Được biết, theo thói quen lâu nay thì sáng nào bác Hòa cũng dậy sớm ra vườn hái mấy cành chè tươi vào rửa sạch, rồi hãm nước uống cho cả ngày. Nhưng hôm nay thì bác không dám rửa chè và càng không dám múc nước để ủ chè mời mọi người uống(!). Bác Hòa cho biết thêm: “Ở thôn này, gia đình tôi là một trong những người đầu tiên dùng nước sạch do Nhà máy Nước sạch Vụ Bản cung cấp. Trước kia khi chưa có nước sạch, chúng tôi thường sử dụng nước mưa. Từ năm 2006 khi có nước sạch tôi đã bảo các con phá bỏ bể nước mưa để chuyển sang dùng nước sạch. Vì vậy, mọi nguồn nước cho ăn uống, tắm giặt hiện nay đều trông vào nguồn nước của Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Vụ Bản. Vậy mà chất lượng nước thế này thì sao chúng tôi sống được…”. Rời nhà bác Hòa, tôi tiếp tục “mục sở thị” tại gia đình bác Trần Văn Thọ, Nguyễn Văn Thao, chị Phạm Tố Loan… thì được biết, thời gian gần đây tình trạng nước không bảo đảm chất lượng vẫn diễn ra với mật độ dầy hơn và ở nhiều thời điểm khác nhau trong ngày. Câu chuyện “nước sạch, nước bẩn” trở thành vấn đề “nóng” được người dân bàn tán khắp nơi. Vừa vặn vòi xả nước ra chậu, chị Loan vừa cho biết: “Mỗi tháng gia đình tôi phải bỏ từ 130-160 nghìn đồng để trả tiền mua nước sạch của Xí nghiệp, vậy mà nguồn nước đâu có sạch. Nhiều khi nước vẩn đục, bám khoáng nên gia đình không dám rửa?!”. Để “đối phó” với tình trạng này, cuối tháng 6 vừa qua chị Loan đã phải mua trả góp chiếc máy lọc nước để có nước phục vụ nhu cầu ăn, uống hằng ngày, còn những nhu cầu khác vẫn phải “bấm bụng dùng liều” sử dụng nguồn nước do Xí nghiệp cung cấp. Chị Loan phân trần: Hai vợ chồng làm nông nghiệp, thu nhập bấp bênh, lại đang nuôi con ăn học đại học trên Hà Nội nên rất khó khăn. Nhưng vì sức khỏe của bản thân nên phải mua máy lọc nước trả góp, lại mất thêm chi phí tiền bảo dưỡng, vận hành, tiền điện cho máy lọc nước… Gia đình vốn đã khó lại càng khó hơn! Trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Kiều, trưởng thôn An Lễ, chúng tôi được biết: Cả thôn An Lễ có tới trên 97% hộ gia đình đã sử dụng nước sạch. Trước tình trạng chất lượng nước ngày càng xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt của người dân, tôi đã nhiều lần kiến nghị với HĐND, UBND xã Liên Minh cũng như Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Vụ Bản có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên đến đầu tháng 7-2017, Xí nghiệp mới cử đoàn công tác xuống kiểm tra, xác minh. Song được vài ngày nước lại “bẩn” trở lại khiến người dân hết sức bức xúc, hoang mang vì hiện nay tình trạng bệnh liên quan đến môi trường nước ngày một gia tăng.
 
Tình trạng nước không sạch không chỉ diễn ra ở thôn An Lễ, mà còn diễn ra khá phổ biến ở thôn Nhì Giáp, Ngõ Trang xã Liên Minh; thôn Phú Thứ, Quảng Cư, Tây Côi Sơn, xã Tam Thanh; tổ dân phố Văn Côi, Lương Thế Vinh Thị trấn Gôi; thôn Cựu Hào, Đại Lại xã Vĩnh Hào… Qua tiếp xúc và tìm hiểu thực tế tại các địa phương này, đa phần người dân đều cho rằng: Gần đây, nước sạch do Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Vụ Bản cung cấp luôn ở trong tình trạng có mùi tanh, thậm chí có khoáng, màu vẩn đục.
 
Những năm trước đây còn mùi Clo nhưng từ nhiều tháng trở lại đây thì không thấy nữa (?!). Chính vì thế nhiều hộ dân không dám sử dụng nước trực tiếp từ Xí nghiệp cung cấp mà phải xây thêm bể lắng, dự trữ nước để lắng rồi mới dám dùng để tắm, rửa, giặt giũ, còn nguồn nước ăn, uống phải tiếp tục xử lý qua máy lọc nước. Điều đó đã gây thêm rất nhiều tốn kém và bất tiện cho người dân, trong khi đó họ vẫn phải trả từ một đến vài trăm nghìn đồng tiền mua “nước sạch” hằng tháng cho Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Vụ Bản./.
 
(còn nữa)
Bài và ảnh: Khôi Nguyên


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com