Những nông dân điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi

07:08, 02/08/2017
Với bản tính cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, nhiều nông dân “chân lấm tay bùn” đã trở thành những triệu phú, tỷ phú trên chính mảnh đất quê hương. Họ, dù được học hành bài bản, đỗ đạt nhưng vẫn thiết tha với đồng ruộng, với quê hương, nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng, tạo thêm việc làm cho nhân dân trong vùng.
 
Tốt nghiệp đại học năm 2009, có bằng cử nhân, những tưởng Nguyễn Văn Vinh (sinh năm 1986) sẽ phấn đấu để “làm ông nọ bà kia”, nhưng anh lại về quê ở Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) phát triển kinh tế gia đình bằng cách lựa chọn nghề nuôi cá chạch. Đến nay, trung bình mỗi năm, trang trại của gia đình anh có doanh thu trên 1 tỷ đồng.
 
Vốn là con nhà nông với sự cần cù, chịu khó, sau khi tốt nghiệp Đại học Nha Trang chuyên ngành thủy sản, không như nhiều lứa sinh viên khác, Vinh đã quyết định về quê gây dựng trang trại nuôi cá, đặc biệt là nuôi giống cá chạch Đài Loan. Với kiến thức đã học cộng với kinh nghiệm tích lũy trong thời gian đi thực tập ở các trang trại nuôi thủy sản lớn ở các tỉnh trong cả nước, Vinh đã bắt tay vào xây dựng trang trại nuôi thủy sản của riêng mình. Đến giờ anh đã trở thành ông chủ của trang trại rộng hơn 4ha với sản phẩm chủ yếu là cá chạch đồng. Khi chúng tôi đến thăm, “cậu Cử Vinh” đang bận rộn với công việc chăm sóc cá chạch giống bố mẹ. Chia sẻ kinh nghiệm, Vinh cho biết: “Nuôi cá chạch sinh sản phải cẩn thận, chú ý đến thời gian khi cá chuẩn bị đẻ. Nhiều khi đang đêm hôm, nửa khuya cũng phải dậy trực, nếu chậm trễ, sai “một ly là đi một dặm” ngay. Hiện trang trại của anh Vinh mỗi năm xuất bán hàng trăm triệu con cá chạch giống ra thị trường. Riêng thị trường khu vực huyện Nghĩa Hưng, anh cung ứng hầu hết cá chạch giống cho bà con. Khi chạch lớn đến kỳ thu hoạch, anh lại đứng ra thu mua lại cá thương phẩm với tổng sản lượng ước tính hơn 300 tấn/năm. Anh Vinh chia sẻ thêm: “Cá chạch giống Đài Loan này rất dễ nuôi và có thể nuôi được quanh năm. Đặc biệt thời gian nuôi loài cá da trơn này ngắn và ít bị dịch bệnh. Người nuôi chỉ cần chú ý phòng chống các thiên địch như chim, cóc, rắn... là được. Đối với con cá trê cũng thế, bà con có thể thả giống với mật độ cao. Loài này phàm ăn, nên các chủ trang trại cho ăn cám công nghiệp hay cá con đều được”. Với bản tính cần cù chịu khó, dám nghĩ, dám làm, cơ sở sản xuất cá chạch giống và thương phẩm của “anh Vinh” đang là điểm tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm của nhiều hộ nuôi thủy sản ở địa phương và các tỉnh lân cận.
Trang trại nuôi thỏ của gia đình anh Triệu Đình Hợi, xóm 14, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) cho thu nhập trên 600 triệu đồng/năm.
Trang trại nuôi thỏ của gia đình anh Triệu Đình Hợi, xóm 14, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) cho thu nhập trên 600 triệu đồng/năm.
Về huyện Vụ Bản, chúng tôi được các cán bộ Hội Nông dân huyện giới thiệu một điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là anh Triệu Đình Hợi, xóm 14, thôn Vụ Nữ, xã Hợp Hưng (Vụ Bản). Chia sẻ với chúng tôi, anh Hợi cho biết, năm 2009, được sự quan tâm tạo điều kiện của Đảng uỷ, UBND và Hội Nông dân xã Hợp Hưng, gia đình anh mạnh dạn nhận khoán diện tích đất công ích trên 16 nghìn m 2 thuộc xứ đồng Thành Gang. Với diện tích trên gia đình anh đã đầu tư kinh phí xây dựng trên 2.500m 2 chuồng trại để chăn nuôi lợn nái ngoại, gà sạch thương phẩm. Năm 2011, gia đình anh đầu tư kinh phí nuôi 8.000 con gà sạch thương phẩm cho thu lãi khoảng 250 triệu đồng/năm. Từ năm 2012-2014, gia đình anh tiếp tục đầu tư kinh phí mở rộng chuồng trại duy trì và phát triển đàn gà sạch thương phẩm với số lượng từ 9.000 đến 10 nghìn con, đàn lợn nái từ 100 đến 200 con. Tuy nhiên đến năm 2014 do giá cả đầu vào thức ăn chăn nuôi tăng cao, đầu ra tiêu thụ sản phẩm không ổn định, giá gà thịt, lợn hơi xuống thấp, công việc chăn nuôi gặp khó. Được sự động viên của gia đình, chính quyền địa phương và tổ chức Hội Nông dân các cấp, cùng với tinh thần quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh tiếp tục tìm tòi hướng kinh doanh mới. Tích cực tìm hiểu thị trường, qua internet, học hỏi kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh, cuối năm 2015, anh nhận thấy mô hình nuôi thỏ New Zealand phù hợp với điều kiện của gia đình. Trọng lượng thỏ New Zealand từ khi sơ sinh đến khi trưởng thành đều cao hơn giống thỏ địa phương. Sau 3 tháng nuôi, thỏ có thể đạt trọng lượng bình quân từ 2,2-2,5 kg/con. Giống thỏ này có khả năng sinh sản khá cao, thỏ cái sau 5 tháng nuôi đã bắt đầu sinh sản, bình quân mỗi năm sinh sản từ 7-8 lứa, mỗi lứa trung bình từ 6-8 con. Lựa chọn được con vật nuôi đã khó, tìm đầu ra cho con thỏ lại càng khó hơn, lại một thời gian nghiên cứu, tìm tòi, nhờ mối bạn hàng, anh đã liên hệ được với Cty NIPPON Zoki của Nhật Bản tại Việt Nam và được biết Cty đang có nhu cầu mua thỏ với mục đích dùng làm thí nghiệm để chế tạo vắc-xin. Tuy nhiên, quy trình nuôi thỏ vô cùng chặt chẽ và phải tuân thủ tuyệt đối. Sau một thời gian ngắn học hỏi những kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi thỏ, anh mạnh dạn ký kết hợp đồng với Cty NIPPON Zoki bao tiêu đầu ra cho con thỏ. Gia đình anh đã tiến hành đầu tư kinh phí cải tạo lại toàn bộ chuồng trại, lồng, cũi, khu chuồng trại được thiết kế quy mô và khoa học trên diện tích 1.640m 2, xây dựng 4 dãy chuồng kiên cố, mỗi dãy được ngăn thành từng lồng, mỗi lồng lại được chia thành từng ngăn để nuôi thỏ, kích thước mỗi ngăn cỡ 50x70cm. Lồng nuôi thỏ được đặt trên các trụ cách nền chuồng khoảng 50-60cm. Ban đầu, chưa có kinh nghiệm, anh chỉ đầu tư mua 150 con thỏ bố, mẹ về nuôi. Nuôi một thời gian thỏ phát triển tốt, mau lớn, sau 60 ngày thỏ mẹ đã sinh sản được 490 con. Được sự giúp đỡ của cán bộ kỹ thuật Cty và cán bộ Hội Nông dân xã, đến nay, trang trại nuôi thỏ của gia đình anh đã phát triển nuôi 6.000 con; trong đó có 800 con thỏ bố mẹ. Bình quân hằng tháng, trang trại của gia đình anh xuất cho Cty từ 1.500-1.600 con thỏ thương phẩm, mỗi con có trọng lượng 2,2kg, với giá 178-180 nghìn đồng/con. Tổng doanh thu hằng tháng đạt khoảng 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, nhân công lao động, khấu hao chuồng trại…, gia đình anh đã có thu nhập trên 80 triệu đồng. Chia sẻ với chúng tôi về việc lựa chọn mô hình nuôi thỏ, anh Hợi cho biết: “Khi trước nuôi gà, lợn có lúc thu vài trăm triệu, có năm thu cả tỷ đồng, nhưng khi giá cả thị trường xuống thấp, dịch bệnh xảy ra thì cũng mất cả trăm triệu đồng. Nuôi thỏ tuy lãi không cao nhưng đều và ổn định. Qua mô hình nuôi thỏ, gia đình tôi có điều kiện tham gia công tác nhân đạo, từ thiện của địa phương và tạo việc làm cho 15 lao động với mức lương từ 3,5-3,7 triệu đồng/người/tháng”. Hiện anh cũng đang cải tạo, xây dựng thêm 600m 2 chuồng trại để mở rộng quy mô nuôi thỏ nhằm tạo thêm công ăn việc làm ổn định cho người lao động. 
 
Với sự nỗ lực của bản thân và gia đình, từ năm 2010 đến nay, gia đình anh Triệu Đình Hợi luôn được bình xét là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, cấp tỉnh. Và đặc biệt trong tháng 6 vừa qua, anh vinh dự là một trong 4 đại biểu của tỉnh được đi dự Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017./. 
 
Bài và ảnh: Thanh Tuấn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com