Những ngày này, ở các địa phương trong tỉnh chúng tôi được chứng kiến cảnh người dân nô nức sắm vàng mã. Ở các cơ sở sản xuất vàng mã, xe tải, xe máy nối đuôi nhau chở hàng đi “phân phối” cho các “đại lý”. Anh Bùi Thế Chấn (28 tuổi) ở huyện Mỹ Lộc là tài xế xe tải cho biết: Dịp tháng 7 hằng năm với nhiều người là tháng cô hồn nhưng với tôi là thời điểm nhiều việc nhất bởi các cơ sở sản xuất vàng mã đều “đặt lịch” thuê xe vận chuyển hàng đến các đại lý. Việc chở vàng mã vừa sạch sẽ, vừa nhàn bởi tải trọng thấp nên nhiều người có xe tải cũng tranh thủ làm thêm trong dịp này...
Hàng mã ở phố Minh Khai (TP Nam Định). |
Khảo sát một vòng quanh Thành phố Nam Định chúng tôi thấy các mặt hàng vàng mã đa dạng về mẫu mã, giá cả. Tại phố Minh Khai (TP Nam Định), nhiều gia đình làm hương, vàng mã truyền thống bày bán khá nhiều loại sản phẩm; từ mặt hàng đơn giản như tiền, vàng, các loại quần áo, giầy, mũ đến những vật dụng “hiện đại” như điện thoại, nhà lầu, xe hơi, xe mô tô. Giá các loại hàng mã rất đa dạng: Quần áo đại trà khoảng 15-30 nghìn đồng/1 tập 5 bộ; 100 nghìn đồng/5 bộ bao gồm đầy đủ quần áo, mũ nón, giầy dép. Các loại quần áo khác như comple, áo dài… khoảng 20 nghìn đến 50 nghìn đồng/bộ tùy loại thiết kế và chất liệu giấy. Nếu là những bộ có thiết kế đặc biệt tinh xảo giống hàng thật có giá từ 100 nghìn đồng/bộ trở lên. Ở nông thôn, không khí mua sắm các vật dụng chuẩn bị cho rằm tháng 7 cũng sôi động không kém. Tại chợ Viềng, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) nhiều đại lý bán hàng tạp hóa đã nhập các loại hàng mã đang “hot” trên thị trường để bày bán. Điều đáng nói, cùng với các mặt hàng vàng mã truyền thống như giấy tiền xanh, tiền vàng... nhiều gia đình đã chọn mua đồ vàng mã như điện thoại, ô tô, cây xăng, người hầu. Thời gian qua, ở nhiều di tích lịch sử - văn hóa, tình trạng đốt vàng mã cũng trở thành vấn nạn. Ở các di tích đều có lầu hóa sớ, hóa vàng mã được chỉ dẫn rõ ràng nhưng nhiều du khách vẫn thản nhiên đốt vàng mã, hóa sớ không đúng nơi quy định. Những hành động đó vừa gây mất sự tôn nghiêm, vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ ở khuôn viên di tích. Đặc biệt, do ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở một số đền, phủ trong tỉnh đang có biểu hiện lệch lạc, gây phản cảm như: Tình trạng nhiều người mua sắm lễ vật xa hoa, lãng phí, lạm dụng việc đốt nhiều vàng mã để cầu ước những điều không hợp đạo lý, trái ngược tín ngưỡng thờ Mẫu. Chưa kể tới việc một số thanh đồng lợi dụng việc “nhập thánh” phán truyền người xem phải “trả nợ tào quan”, “cắt duyên âm” bằng hình thức mua vàng mã, đốt hình nhân thế mạng. Còn ngoài đường, tình trạng rải tiền vàng, tiền thật ở các đám tang đang có chiều hướng gia tăng. Vào thời điểm đưa tang, nhiều gia đình đã rải vàng mã bay tứ tung xuống đường, gây ảnh hưởng đến khả năng điều khiển xe và gây mất vệ sinh, mỹ quan đô thị. Cùng với tiền âm phủ, những loại tiền có mệnh giá nhỏ (từ 500 đồng đến 2.000 đồng) được tang chủ rải ở các ngã ba, ngã tư hay khi đi qua cầu không chỉ vi phạm các quy định quản lý đồng tiền của Nhà nước mà còn có thể dẫn đến tai nạn khi có người xông ra giữa đường nhặt tiền.
Thực hiện Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, lễ hội, thời gian qua các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đã tích cực vào cuộc để giảm thiểu tình trạng đốt, rải vàng mã. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động tăng ni, phật tử thực hiện NSVM trong việc tang, giảm thiểu và chấm dứt việc rải tiền, vàng mã trên đường gây mất ATGT, mất vệ sinh môi trường. Sở VH, TT và DL đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định pháp luật về NSVM trong việc tang; tăng cường cung cấp thông tin cho người dân về ý nghĩa, mục đích của việc đốt, rải vàng mã; yêu cầu các cơ sở sản xuất, buôn bán vàng mã, cơ sở kinh doanh dịch vụ tang lễ có trách nhiệm thông tin, hướng dẫn các gia đình có tang không được rải tiền, giấy vàng mã, tiền thật hoặc bất cứ vật gì khác trên đường đưa tang… Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo phù hợp với tình hình địa phương trong việc hạn chế việc đốt, rải vàng mã. Huyện ủy Giao Thủy đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/HU ngày 14-5-2013 về “Thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội trên địa bàn huyện”. Đến nay, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đã ban hành quy chế NSVM địa phương. UBND huyện đã thành lập Đoàn kiểm tra thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội ở cả 22 xã, thị trấn. Nhờ các giải pháp đồng bộ, đến nay việc đốt, rải vàng mã trong các đám tang và các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện giảm đáng kể. Ở huyện Hải Hậu, quy định về việc đốt, rải vàng mã được ghi trong hương ước các xóm, tổ dân phố và phổ biến rộng rãi để nhân dân nghiêm chỉnh thực hiện. Ở các di tích, Ban quản lý các di tích đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chấp hành các quy định thực hiện NSVM lễ hội. Thường xuyên rà soát hệ thống thiết bị phòng, chống cháy nổ ở di tích, hạn chế tình trạng đốt vàng mã và thắp hương trong khu vực nội tự di tích. Ở các gia đình, việc đốt vàng mã khi có giỗ, rải vàng mã khi có tang cũng giảm mạnh bởi cấp ủy, đoàn thể các đơn vị đã tích cực vào cuộc.
Để nâng cao ý thức người dân trong việc đốt, rải vàng mã, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành chức năng cần tích cực vận động, giải thích, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, mục đích của việc đốt, rải vàng mã. Bên cạnh đó mỗi người dân nên tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa cách hành lễ truyền thống trong lễ hội, đám tang để hạn chế những tiêu cực nảy sinh trong quan niệm văn hóa tín ngưỡng, từ đó, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, hướng con người tới những việc làm tốt đẹp trong cuộc sống hằng ngày./.
Bài và ảnh: Viết Dư