Thời gian qua, mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nạn lấn chiếm hành lang luồng đường thủy nội địa, tuy nhiên, trên các tuyến sông vẫn tồn tại nhiều bến bãi chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh vật liệu xây dựng, xây dựng nhà ở, công trình phục vụ kinh doanh chưa quan tâm đầu tư hệ thống bảo đảm an toàn đê, kè ven sông, ảnh hưởng xấu đến công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa. Đáng báo động, trên toàn tuyến còn có một số bến bãi (thậm chí có bến còn lắp đặt thiết bị bốc dỡ hàng hóa) vi phạm ngay sát hành lang bảo vệ cầu gây mất ATGT cho các phương tiện đường thủy.
Bến bãi kinh doanh, sản xuất vật liệu xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ cầu Nam Định. |
Mới đây khi tham gia chuyến đi kiểm tra, bảo dưỡng tuyến đê sông của Cty Quản lý đường sông số 5 trên sông Đào, tại địa phận xã Tân Thành (Vụ Bản) chúng tôi trực tiếp chứng kiến một tàu đã hi hữu tránh được tình huống va quệt vào trụ cầu Nam Định khi đánh lái để quay đầu đỗ vào bãi vật liệu xây dựng vi phạm lấn chiếm hành lang ngay gầm cầu Nam Định. Nếu va quệt vào trụ cầu có thể dẫn đến rất nhiều thiệt hại to lớn, không thể lường hết về người và kinh tế. Trên tuyến sông Đào, tại khu vực cầu Tân Phong dù đã có biển cấm đỗ tại khu vực hành lang cầu nhưng song song với biển cấm đỗ này lại có biển báo bến đỗ của bến xăng dầu. Cầu Tân Phong nằm ở vị trí cong cua, có nhiều điểm bị khan, cạn, luồng chạy tàu hẹp, tầm nhìn bị che khuất. Đặc biệt sau khi cầu Tân Phong đưa vào sử dụng luồng chạy tàu của khu vực này tiếp tục bị thu hẹp gây nhiều nguy cơ mất an toàn dẫn đến TNGT đường thủy, nhất là vào mùa lũ bão các vị trí cong cua tạo thành địa thế phức tạp, khó khăn trong điều khiển phương tiện thủy của người lái. Ngoài khó khăn do địa thế tự nhiên, cầu Tân Phong còn tiềm ẩn nguy hiểm, thường trực nguy cơ va quyệt do hoạt động của các bến bãi đã được cấp phép từ trước ngay trong hành lang bảo vệ cầu. Trên tuyến sông Ninh Cơ có hai vị trí vi phạm điển hình. Trong đó, tại cầu Quần Liêu, doanh nghiệp đóng mới và sửa chữa phương tiện vi phạm hành lang cầu không được cấp phép hoạt động nhưng thường xuyên đỗ tàu ngay tại điểm cua sát hành lang cầu, nhất là vào những ngày doanh nghiệp hạ thủy phương tiện hoặc rải cái đóng tàu mới lấn chiếm ra ngoài hành lang gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. Tại chân cầu Lạc Quần, bến vật liệu xây dựng vi phạm hành lang cầu, phương tiện đậu đỗ ngay trong vùng cắm biển cấm đỗ. Bến này đã xây dựng hệ thống mố cầu cảng bốc xếp hàng hóa gây mất ATGT đường thủy, ảnh hưởng đến hành lang các công trình giao thông đường bộ... Các vi phạm hành lang bảo vệ cầu kể trên cùng nhiều vị trí vi phạm khác trên tuyến đường thủy nội địa của tỉnh đều đã được các lực lượng chức năng phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, xử phạt rất nhiều lần. Tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, các ngành chức năng đã tổ chức 3 đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp tỉnh. Tuy nhiên sau mỗi lần kiểm tra, thanh tra, các ngành, các địa phương được nhắc nhở về vi phạm đều hứa hẹn rút kinh nghiệm kiểm tra, khắc phục, xử lý nhưng đến thời điểm hiện nay tất cả các trường hợp vi phạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm, chủ yếu mới “quyết liệt trên văn bản” mà chưa khắc phục kịp thời các bất cập. Trong khi đang là mùa bão, lũ sự tồn tại thường trực của các vi phạm với nguy cơ gây mất ATGT gây bất an cho các ban, ngành chức năng và người hoạt động trên đường thủy. Đặc biệt, kinh nghiệm từ việc quản lý hành lang an toàn đường bộ, đường sắt đã cho thấy, việc chậm trễ trong quản lý và xử lý vi phạm hành lang ATGT đường thủy vừa ảnh hưởng trực tiếp đến ATGT, vừa gây tốn kém khi triển khai các dự án liên quan đến kết cấu hạ tầng đường thủy. Vì vậy, lập lại trật tự, quản lý hành lang đường thủy theo Luật Giao thông đường thủy nội địa rất cấp thiết. Bên cạnh đó, một số trường hợp vi phạm do tồn tại từ lịch sử chính quyền một số địa phương cấp phép cho các hộ kinh doanh thuê đất làm nơi tập kết vật liệu xây dựng không đúng thẩm quyền; công tác cấp phép bến bãi phát sinh các bất cập mới. Về thực trạng cho thuê đất, mỗi địa phương cho thuê một kiểu, nhưng đa phần còn cho thuê sai thẩm quyền, không có mẫu sai phạm chung. Theo quy định xã chỉ có thẩm quyền cho thuê trong thời hạn không quá 5 năm tương đương 1 nhiệm kỳ HĐND nhưng kết quả kiểm tra cho thấy có xã cho thuê tới 20 năm, 30 năm, thậm chí 40 năm. Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) còn ban hành quyết định cho thuê đất để kinh doanh tất cả các lĩnh vực pháp luật không cấm. Tại khu vực cầu Tân Phong, các bến bãi giáp hành lang cầu đã được cấp phép hoạt động từ trước khi thi công cầu. Theo quy định khi hoàn thành thi công, đưa cầu vào sử dụng phải chuyển các bến bãi ra khỏi phạm vi hành lang bảo vệ an toàn cầu nhưng đến nay giấy phép hoạt động của các bến bãi này vẫn còn hiệu lực và ngành GTVT là đơn vị cấp phép cho bến bãi hoạt động vẫn chưa có giải pháp gì để xử lý việc chuyển các bến bãi này đến vị trí khác.
Để việc xử lý lấn chiếm hành lang luồng lạch đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Đối với các cơ sở kinh doanh trái phép trên sông, các lực lượng cần phối hợp kiên quyết xử lý buộc tháo dỡ các công trình xây dựng, hoạt động sản xuất, kinh doanh trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng tàu chạy. Đối với các bến thủy nội địa trái phép, ngoài xử phạt vi phạm hành chính, phải đình chỉ hoạt động và có biện pháp giải tỏa, di dời về đúng nơi quy định. Đối với các chủ phương tiện đang sinh sống, neo đậu tại các chân cầu trong phạm vi hành lang ATGT cầu thì vận động di dời về neo đậu tại các vị trí an toàn, đúng quy định khác, nếu không chấp hành phải có biện pháp xử lý nghiêm. Thiết nghĩ, để hiện thực hóa những mong mỏi chính đáng của người dân cũng như hoàn thành chức trách được giao trong quản lý, bảo đảm ATGT đường thủy, trước mắt các cấp, ngành chức năng cần tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, vi phạm đã được xác định qua các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành. Về bất cập trong cấp phép hoạt động bến bãi, cần khẩn trương quy hoạch các điểm kinh doanh bến bãi, tập kết, bốc dỡ vật liệu xây dựng... tạo thuận lợi cho các địa phương trong công tác quản lý, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đặc biệt, từ thực tế kiểm tra, xử lý vi phạm cho thấy cần phải tăng cường sự phối hợp, thống nhất trong kiểm tra, xử lý vi phạm để đảm bảo hiệu quả xử lý cao bởi cùng một hành vi vi phạm nhưng lại có rất nhiều quy định quản lý theo các chuyên ngành khác nhau (như đất đai, GTVT...), cán bộ từng ngành không thể nắm hết tất cả các quy định thuộc lĩnh vực, ngành khác./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy