Chúng tôi đến làng nghề mới Mộc Kênh, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), tiếng máy bào, máy cưa xẻ gỗ… cùng tiếng đục lạch cạch vang khắp làng. Hiện nay, làng nghề mộc Mộc Kênh phát triển khắp 2 tổ dân phố Đông Bắc Đồng và Tây Kênh đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 1.000 lao động địa phương. Để có được điều đó ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền Thị trấn Cổ Lễ, 2 tổ dân phố còn có sự đóng góp công sức, trí lực và tình yêu quê hương của anh Nguyễn Đoàn Phó, Trưởng làng nghề Mộc Kênh - một người con quê hương luôn nỗ lực vì sự phát triển của làng nghề.
Nghề sản xuất đồ mộc gia dụng ở làng nghề Mộc Kênh ngày càng phát triển, thu hút và tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. |
Chúng tôi gặp anh Phó khi anh và các cộng sự của mình đang nhập 3 công-ten-nơ gỗ lim vừa được nhập khẩu qua cảng Hải Phòng về cho Doanh nghiệp tư nhân Đoàn Cầu và một phần cung cấp cho các hộ trong làng nghề Mộc Kênh. Qua trao đổi, anh Phó cho biết: Năm 2012, thực hiện chủ trương phát triển CN-TTCN, làng nghề của UBND huyện Trực Ninh và Thị trấn Cổ Lễ nhằm tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cho người dân địa phương theo định hướng xây dựng nông thôn mới (NTM), anh Phó và một số người con quê hương đã đứng ra vận động các hộ sản xuất đồ mộc ở 2 tổ dân phố Đông Bắc Đồng và Tây Kênh bàn hướng xây dựng làng nghề mới. Các hộ sản xuất cùng bàn xây dựng quy chế hoạt động và thực hiện cam kết bảo vệ môi trường để bảo đảm phát triển sản xuất ổn định, bền vững. Lúc đầu cũng có nhiều ý kiến “tán ra, bàn vào” nhưng với quyết tâm, nỗ lực của bản thân cùng sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương và sự tham gia tích cực của các hộ dân, năm 2014 làng nghề Mộc Kênh đã chính thức được UBND tỉnh công nhận là làng nghề. Hiện nay, làng nghề có trên 300 hộ tham gia sản xuất các sản phẩm đồ gỗ gia dụng, với gần 1.000 lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Điều đáng mừng là các sản phẩm của làng nghề đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, người làng nghề làm không hết việc, uy tín của “thương hiệu” đồ gỗ Mộc Kênh đang ngày càng được nâng cao, tạo được sức mạnh cạnh tranh trên thị trường. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất như: Doanh nghiệp tư nhân Đoàn Cầu, Doanh nghiệp Quốc Doanh, cơ sở sản xuất đồ gỗ Hoài Hương, Minh Nghĩa, Lương Văn Giáp với tiềm lực kinh tế uy tín thị trường lớn nên ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh riêng đồng thời còn là nhà cung cấp các loại gỗ nguyên liệu, tìm kiếm hợp đồng mới và đứng ra bao tiêu sản phẩm cho các hộ trong làng nghề. Anh Hương chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Hoài Hương cho biết: Với 2 xưởng sản xuất rộng trên 500m2, hiện cơ sở của anh đang tạo việc làm cho 12 lao động tập trung, với mức thu nhập 4,5-5,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài tạo việc làm cho người lao động tại xưởng, cơ sở của anh còn có hàng chục hộ nhận hàng về gia công tại nhà, giúp anh luôn bảo đảm thời gian giao hàng và giữ được chữ tín với khách hàng trong và ngoài tỉnh… Với vai trò trưởng làng nghề, anh Phó còn tham mưu và phối hợp tổ chức các buổi làm việc giữa đại diện chính quyền với các ngân hàng, tổ chức tín dụng đang hoạt động trên địa bàn để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ làm nghề vay vốn đầu tư thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, giảm lao động nặng nhọc và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện các hộ sản xuất, kinh doanh trong làng nghề đang có dư nợ trên 25 tỷ đồng tại các ngân hàng và tổ chức tín dụng tại địa phương. Nguồn vốn tín dụng đã giúp nhiều hộ có thêm nguồn lực để đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua nguyên liệu và máy móc phục vụ sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả. Trong 3 năm trở lại đây, tổng doanh thu hằng năm của làng nghề đều đạt trên dưới 100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động địa phương, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động trong độ tuổi theo tiêu chí NTM của thị trấn.
Điều khiến anh Phó trăn trở suy nghĩ hiện nay là làm thế nào để phát triển làng nghề bền vững, tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế làng nghề, hướng tới xây dựng thương hiệu cho làng nghề Mộc Kênh để tiếp tục mở rộng thị trường trong nước và hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Để giải quyết những trăn trở và cụ thể hóa mục tiêu lâu dài này, anh Phó đang cùng với các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất uy tín tập trung mở các lớp đào tạo nghề cho người lao động, từ đó lựa chọn những người thợ tài hoa, tâm huyết với nghề để xây dựng đội ngũ nghệ nhân trở thành nòng cốt “giữ lửa” cho làng nghề. Anh Phó cho biết thêm: Hiện anh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Nam Định mở lớp đào tạo nghề một cách bài bản cho người lao động của làng nghề. Qua đó tiếp tục nâng cao trình độ, kỹ năng hành nghề cho người thợ, tạo cơ sở nâng cao chất lượng và gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của làng nghề Mộc Kênh trên thị trường. Cùng với đó, anh Phó đang từng bước nghiên cứu, tiếp cận với các đơn vị, ngành chức năng của tỉnh để có những bước đi cụ thể trong việc chuẩn bị xây dựng thương hiệu cho làng nghề, từ đó nâng cao giá trị và tạo thuận lợi hơn cho đầu ra của sản phẩm làng nghề…
Nặng tình với quê hương, anh Nguyễn Đoàn Phó đang không ngừng nỗ lực tìm cách đưa làng nghề Mộc Kênh phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn. Với những đóng góp của mình cho dân, cho làng, anh Phó đang được người dân bầu là Trưởng làng nghề Mộc Kênh với sự trân trọng và cảm phục. Tuy vậy để làng nghề Mộc Kênh phát triển ổn định và bền vững, ngoài sự nỗ lực của anh Phó, các doanh nghiệp… vẫn rất cần sự quan tâm vào cuộc cũng như tạo điều kiện từ cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở địa phương./.
Bài và ảnh: Phạm Văn Đại