Kinh doanh thực phẩm sạch đang được đánh giá là một thị trường rất tiềm năng với nhu cầu tiêu dùng ngày một lớn. Người kinh doanh cũng đã rất nhanh nhạy nắm bắt cơ hội đã mở nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch với cơ cấu hàng tương đối phong phú từ rau xanh đến thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản và thực phẩm chế biến sẵn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên do những hạn chế trong công tác quản lý của cơ quan chức năng và kinh nghiệm của người tiêu dùng nên bên cạnh sự nỗ lực của một số đơn vị kinh doanh chân chính, trên thị trường đã xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh lợi dụng trà trộn hàng hóa không đảm bảo quy chuẩn.
Sáng sớm vừa gặp nhau, chị đồng nghiệp vốn là “tín đồ” của “thực phẩm sạch”, luôn rất cẩn thận trong việc lựa chọn thực phẩm đã “tuôn” hàng loạt tâm sự bức xúc về một cửa hàng thực phẩm sạch mà chị đã mua hàng. Chị kể: kinh doanh thực phẩm sạch gì mà hỏi nguồn gốc hàng hóa thì nhân viên lúng ta lúng túng, chỉ nói mỗi câu chị yên tâm sản phẩm nhà em lấy tại cơ sở trồng trọt chăn nuôi an toàn đã được Nhà nước kiểm định. Khi được hỏi về chứng nhận an toàn của từng sản phẩm lại không cung cấp được bất cứ giấy tờ gì. Không những thế, thịt lợn sạch mà bày vô tư trên quầy suốt từ tờ mờ sáng đến tận trưa trong thời tiết mùa hè nóng nực này mà không có bất kỳ biện pháp bảo quản nào thì liệu còn an toàn được không? Rồi thực phẩm đông lạnh thì tem nhãn bị nhàu nát, lại còn có dòng nước khác màu rỉ ra từ thực phẩm… Như vậy làm sao mà tin tưởng yên tâm được. Sau khi cung cấp cho chị địa chỉ một số cửa hàng cung ứng thực phẩm sạch có uy tín trên địa bàn, tôi tức tốc đi tìm hiểu thực hư của những lời phàn nàn trên mới thấy thị trường kinh doanh thực phẩm sạch đang bị lạm dụng trục lợi. Không chỉ ở các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, trên kênh bán hàng online mà những dòng quảng cáo: “Thực phẩm quê chính hiệu”, “Rau sạch 100% nhà tự trồng”, “hoa quả vườn nhà”… cũng được người bán hàng ở các chợ, hàng rong vô tư chào mời. Từ rau xanh, thịt, cá, trứng gia cầm… đều được gắn mác “sạch”; rồi đến nhiều loại đồ uống, giải khát như cà phê, sữa đậu, nước mía vỉa hè cũng gắn kèm từ “sạch” để thu hút khách hàng và tăng giá bán. Tuy nhiên vấn đề thực tế là hầu hết những thực phẩm được quảng cáo “sạch” đều do người bán hàng “tự phong” mà không có cơ sở, văn bản chứng nhận nào nên cũng không có gì để ràng buộc trách nhiệm về tuyên bố đó. Tại chợ Văn Miếu (TP Nam Định), một chị bán hàng đon đả mời khách mua thực phẩm sạch, nào là rau tự trồng không phun thuốc hóa học trừ sâu, không bón hóa chất tăng trưởng; còn trứng gà nhà nuôi toàn ăn thóc, trứng gà mới đẻ, đảm bảo an toàn cực kỳ… Với người bán hàng thế đã là đủ tiêu chuẩn thực phẩm sạch rồi. Thế nhưng để có thực phẩm sạch phải có hàng loạt chỉ tiêu chất lượng về nguồn đất, nguồn nước, không khí của khu vực trồng rau hay đối với trứng gia cầm thì phải được kiểm soát chất lượng từ đầu vào (con gà có được tiêm phòng đầy đủ không, chế độ dinh dưỡng có bảo đảm, có sử dụng thức ăn có chứa chất kích thích tăng trưởng không…). Không chỉ người bán hàng nhỏ lẻ mà trong rất nhiều cơ sở đăng ký kinh doanh thực phẩm sạch cũng có nhận thức hết sức đơn giản về tiêu chuẩn thực phẩm sạch, an toàn.
|
Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN và PTNT) kiểm tra nông sản sạch tại Cty TNHH Rau sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh). |
Một số liệu từ cơ quan chức năng hẳn khiến nhiều người tiêu dùng ngỡ ngàng, bởi theo tổng hợp của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và hải sản (Sở NN và PTNT), trên địa bàn tỉnh ta chỉ có 10 cơ sở đăng ký và được cấp phép kinh doanh thực phẩm an toàn. Trong đó có 2 cơ sở chuyên kinh doanh hoa quả nhập khẩu và hoa quả có thương hiệu trong nước còn lại 8 cơ sở kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy hải sản. Các cơ sở này chủ yếu tập trung ở Thành phố Nam Định và huyện Ý Yên. Thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh, Chi cục đã tổ chức tập huấn kiến thức ATVSTP trong nuôi trồng, chế biến và kinh doanh nông sản thực phẩm và hướng dẫn các quy định của pháp luật đối với kinh doanh thực phẩm an toàn cho các chủ cơ sở. Đồng thời tiến hành kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở theo quy định của pháp luật. Kết quả kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn cho thấy ngoài 2 chi nhánh của cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch Linh Chi tại đường Nguyễn Trãi và Trần Thái Tông (TP Nam Định), cơ sở kinh doanh hoa quả nhập khẩu là nhập hàng tại những vùng nuôi trồng, cơ sở chế biến nông, thủy sản an toàn và có đủ giấy tờ liên quan đến từng nhóm sản phẩm hàng hóa. Có 3/8 cơ sở đạt chứng nhận kinh doanh thực phẩm loại B; 4/8 cơ sở đạt chứng nhận kinh doanh thực phẩm đạt loại C và 1 cơ sở đang được đoàn kiểm tra gia hạn thời gian hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Những cơ sở kinh doanh này đều chưa nắm rõ quy trình kiểm soát chất lượng và cách chứng minh nguồn gốc xuất xứ của từng sản phẩm dẫn đến việc quản lý chất lượng sản phẩm chưa chặt chẽ, đúng yêu cầu kỹ thuật. Hầu hết các cơ sở chưa thực hiện được việc test nhanh chất lượng sản phẩm và kiểm tra định kỳ tại vùng sản xuất. Kết quả kiểm tra, rà soát của cơ quan chức năng đã minh chứng cho những bức xúc mà người tiêu dùng phản ánh về tình trạng nhập nhèm trên thị trường thực phẩm sạch là hoàn toàn đúng.
Để thị trường kinh doanh thực phẩm sạch đi vào đúng quỹ đạo, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng thì mỗi cơ sở kinh doanh phải tự ý thức được trách nhiệm xây dựng niềm tin với khách hàng bằng chính chất lượng sản phẩm. Chủ động đầu tư, tăng cường khả năng cạnh tranh, tạo sự khác biệt rõ rệt giữa cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch với các cơ sở kinh doanh đơn thuần khác thông qua việc minh bạch thông tin sản phẩm, tạo lòng tin đối với người tiêu dùng. Dần tiến tới việc khách hàng có thể kiểm tra bằng điện thoại thông minh để truy suất xác định chính xác sản phẩm đó có tuân thủ quy trình sản xuất nông sản sạch hay không. Các cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác hỗ trợ tập huấn, phổ biến kiến thức về ATTP trong nuôi trồng, chế biến, sản xuất, kinh doanh nông sản. Đồng thời kiên quyết xử lý kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng để trục lợi bất chính. Bên cạnh đó cũng tạo điều kiện tối đa cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương