(Tiếp theo và hết)
Chiến lược phát triển chăn nuôi của tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2020 ngành chăn nuôi cơ bản chuyển sang sản xuất trang trại công nghiệp gắn với giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp tập trung, đáp ứng phần lớn nhu cầu thực phẩm đảm bảo chất lượng cho tiêu dùng và xuất khẩu. Áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; nâng cao hiệu quả, khả năng kiểm soát dịch bệnh và môi trường đối với chăn nuôi nông hộ.
Trang trại chăn nuôi gà công nghiệp của anh Nguyễn Văn Luật, xã Hải Đông (Hải Hậu). |
II - Các giải pháp đồng bộ để phát triển chăn nuôi bền vững
Bên cạnh các khó khăn, tồn tại như chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao, giá sản phẩm đầu ra bấp bênh, dịch bệnh… thì nước ta ngày càng hội nhập sâu, rộng hơn vào kinh tế thế giới, sản phẩm chăn nuôi của tỉnh không chỉ cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trong nước mà phải cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài. Để khắc phục được tình trạng trên nhằm phát triển chăn nuôi một cách bền vững, ngành NN và PTNT đã đưa ra một số giải pháp. Trong đó, giải pháp về cơ chế, chính sách là then chốt được kỳ vọng tạo nguồn lực để tạo ra bước đột phá mới trong phát triển chăn nuôi của tỉnh. Theo đó, nghiên cứu vận dụng các chính sách của Trung ương vào địa phương để thúc đẩy phát triển chăn nuôi như: chính sách về trang trại, về đất đai, về đầu tư, chính sách thuế, chính sách giống vật nuôi. Trước mắt tập trung vào xây dựng các cơ chế chính sách: Khuyến khích chăn nuôi tập trung trong khu quy hoạch; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng khu giết mổ tập trung; hỗ trợ các chuỗi liên kết trong chăn nuôi và chế biến thịt gia súc, gia cầm. Quy hoạch, mở rộng các cơ sở sản xuất giống bố mẹ ra các huyện, thành phố để chủ động đáp ứng nhu cầu con giống tốt, tại chỗ cho người chăn nuôi, nhất là đối với giống gia cầm. Hình thành 139 vùng chăn nuôi tập trung tại các xã thuần nông (trừ các xã, thị trấn có làng nghề). Mỗi vùng có 1-2 trang trại hạt nhân làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp, sản xuất con giống, bao tiêu sản phẩm cho các trang trại và gia trại trong xã. Tùy theo điều kiện đất đai, mỗi xã quy hoạch 5-10ha trở lên để phát triển chăn nuôi tập trung theo phương thức công nghiệp. Việc quy hoạch phải phù hợp với đặc điểm sinh thái và xác định lợi thế của từng địa phương, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của từng loại vật nuôi trong từng vùng sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Đồng thời phải gắn với quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Về tổ chức sản xuất, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thành lập các HTX chăn nuôi, doanh nghiệp chăn nuôi, hiệp hội chăn nuôi trang trại, câu lạc bộ chăn nuôi… để phổ biến kinh nghiệm, thông tin giá cả thị trường, tiến bộ kỹ thuật mới và ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, tỉnh bạn và xuất khẩu sang các nước. Trong đó, tập trung đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo các chuỗi liên kết khép kín từ khâu thức ăn, chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích hình thức chăn nuôi theo hợp đồng giữa các chủ trang trại có điều kiện về vốn, tiêu thụ sản phẩm liên kết với các gia trại, trang trại nhỏ hơn. Hỗ trợ Cty CP Đầu tư và Thương mại Biển Đông (Hải Hậu) xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ đầu vào đến đầu ra. Về giải pháp kỹ thuật, tiếp tục chỉ đạo các hộ chăn nuôi sử dụng các giống gia súc, gia cầm có năng suất cao, chất lượng thịt tốt phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng vào sản xuất. Mở rộng mạng lưới thụ tinh nhân tạo cho lợn, bò; tổ chức bình tuyển, đánh giá chất lượng đàn đực giống hằng năm, nhằm loại thải thay thế những con đực giống chất lượng kém; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở nhập giống tốt, đặc biệt là nhập lợn đực giống có năng suất cao của các Cty nước ngoài. Tăng cường chọn lọc, cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng đàn lợn Móng Cái để chọn đàn nái nền tốt, lai tạo với đực giống ngoại tạo ra lợn lai phục vụ chăn nuôi lợn sữa xuất khẩu. Khuyến khích người chăn nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp, thức ăn qua chế biến, phối trộn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bố trí cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích, thâm canh ngô, đậu tương cung cấp nguồn thức ăn tinh, đạm thực vật cho gia súc, gia cầm. Ứng dụng các phương pháp chế biến nhằm nâng cao giá trị dinh dưỡng của các phụ phẩm nông nghiệp và dự trữ thức ăn vào mùa đông cho trâu, bò. Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở trong việc chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng chống dịch như: tiêm phòng dịch triệt để cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định; thực hiện tốt công tác quản lý giám sát đàn vật nuôi, giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi; phát hiện, báo cáo và xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh… Thực hiện tốt công tác khuyến nông, gắn khuyến nông với thị trường, giúp người chăn nuôi có phương pháp tiếp cận thị trường, kinh nghiệm quản lý sản xuất và kinh doanh. Chỉ đạo các hộ chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đầu tư chuồng nuôi có đệm lót sinh thái; chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAHP; sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc xử lý chất thải khử mùi hôi chuồng trại và xây dựng bể bi-ô-ga để xử lý chất thải vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa cung cấp chất đốt phục vụ sinh hoạt.
Hiện nay tỉnh đã có quy hoạch các cơ sở giết mổ tập trung; các cấp, các ngành cần tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất, vốn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung. Đào tạo, tập huấn cho cán bộ thú y cơ sở và các hộ chăn nuôi về công tác kiểm soát giết mổ, phòng chống dịch bệnh và việc sử dụng thuốc kháng sinh hợp lý đảm bảo theo nguyên tắc “3 đúng” (đúng bệnh, đúng thuốc, đúng liều lượng) nhằm hạn chế tới mức tối đa việc tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Các ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy trình quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, các quy định về bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở chăn nuôi, chế biến, giết mổ. Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước của Ban Nông nghiệp xã đối với hoạt động chăn nuôi và giết mổ trên địa bàn nhằm quản lý chặt chẽ các cơ sở chăn nuôi trang trại, gia trại; các cơ sở buôn bán, kinh doanh giống, thức ăn, thuốc thú y; các hộ giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn; tiến hành kiểm tra, thẩm định và cấp đăng ký đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh đối với các cơ sở này. Kiên quyết xử lý đối với các cơ sở không đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định và không có biện pháp bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính… để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng các cơ sở giống, chế biến thức ăn, giết mổ gia súc, gia cầm nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, tiềm năng về lao động của tỉnh…
Ngoài các giải pháp mà ngành NN và PTNT đưa ra, theo đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thì để chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững, các hộ chăn nuôi, các chủ trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi phải thay đổi chính mình với tư duy của một nhà kinh tế, nhà đầu tư. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi cần xác định, tính toán thị trường khi tiến hành đầu tư chăn nuôi, nâng cao chất lượng con giống. Doanh nghiệp cung ứng vật tư cần tuân thủ quy định của pháp luật, có sự chia sẻ với người chăn nuôi trong quá trình kinh doanh. Doanh nghiệp chế biến tổ chức xây dựng ổn định các chuỗi nguyên liệu đầu vào, vận hành nhà máy có hiệu quả, thiết lập hệ thống phân phối ổn định, xác định thị trường và có chiến lược sản phẩm. Đối với các cơ quan quản lý, chính quyền các cấp cần tiếp tục điều chỉnh, rà soát quy hoạch ngành, trong đó có quy hoạch chăn nuôi, từ đó tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng thực hiện quy hoạch. Quản lý tốt các cơ sở cung ứng vật tư chăn nuôi và quản lý giết mổ. Tăng cường cập nhật thông tin về tình hình chăn nuôi, thị trường sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng sản phẩm để cung cấp cho người chăn nuôi biết và chủ động kế hoạch sản xuất./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh