Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là tập hợp các điều kiện và biện pháp cần thiết để thực phẩm không gây hại cho sức khỏe và tính mạng con người. Để bảo đảm chất lượng VSATTP thì tất cả các khâu trong chuỗi bảo đảm chất lượng thực phẩm; từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, đến sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng đều phải đạt vệ sinh và an toàn. Nếu khâu nào không đạt yêu cầu thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) đều có thể xảy ra.
Chế biến và đóng gói thực phẩm tại Cty TNHH Minh Dương (CCN An Xá, TP Nam Định). |
Những năm qua, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm ở tỉnh ta vẫn còn xảy ra tình trạng gây mất ATTP. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP là phải áp dụng việc quản lý sản phẩm theo chuỗi để tăng cường giám sát, quản lý chất lượng, có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong trường hợp xảy ra các vụ NĐTP. Trong “quản lý theo chuỗi”, các công đoạn sản xuất đều được các cơ quan chức năng quản lý, giám sát theo mô hình khép kín. Chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn bắt đầu từ công đoạn cung cấp vật tư nông nghiệp (giống, phân, thuốc, thức ăn chăn nuôi…) đến khâu sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt…) và cuối cùng là đến giai đoạn sơ chế, chế biến, đóng gói để chuyển đến tay người tiêu dùng. Trong đó, việc xây dựng, kết nối sản phẩm và chuỗi sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng đóng vai trò “cầu nối” trong các khâu với mục đích đưa sản phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng. Hiện tại việc xây dựng, kết nối sản phẩm và chuỗi sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng tại tỉnh ta đã đạt được kết quả khích lệ với việc đã xây dựng thành công 10 chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng bao gồm: Chả cá Hùng Vương của Cty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương (xã Giao Nhân, Giao Thủy), nguồn thu mua là từ các tàu khai thác thủy sản đã được kiểm tra đảm bảo ATVSTP và đã tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn. Cá bống bớp Nghĩa Hưng của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh giống thủy sản Sơn Nguyệt (Thị trấn Rạng Đông, Nghĩa Hưng) do các cơ sở nuôi tại địa phương tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn cung cấp. Nước mắm Ninh Cơ của Cty CP Chế biến Hải sản Nam Định (Thị trấn Thịnh Long, Hải Hậu), nguồn cung từ các tàu khai thác tại địa phương và các cơ sở đủ điều kiện ATTP. Nghêu sạch lenger, hàu sạch lenger của Cty Thủy sản Lenger Việt Nam (CCN An Xá, TP Nam Định), nguồn cung là từ các cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP tại các vùng được kiểm soát ATTP. Ngao sạch Giao Thủy của doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung (xã Giao Xuân, Giao Thủy), nguồn cung là các cơ sở thu mua đủ điều kiện đảm bảo ATTP tại các vùng được kiểm soát đảm bảo an toàn. Ngô sấy, khoai tây sấy Minh Dương của Cty TNHH một thành viên Minh Dương (CCN An Xá, TP Nam Định), đơn vị cung cấp là Trung tâm Giống cây trồng Nam Định. Gạo sạch Toản Xuân của Cty TNHH Toản Xuân (xã Yên Lương, Ý Yên), nguồn cung là các HTX, các hộ sản xuất lúa đã cam kết sản xuất đảm bảo ATTP. Sứa ăn liền Tân Long của Cty TNHH Chế biến hải sản Tân Long (Thị trấn Thịnh Long, Hải Hậu), nguồn cung từ các cơ sở thu mua sơ chế sứa biển được kiểm tra đủ điều kiện đảm bảo ATTP. Giò 7 phút Nam Phát của Cty CP Đầu tư Nam Phát (đường Phù Nghĩa, phường Lộc Hạ, TP Nam Định), nguồn cung từ các cơ sở chăn nuôi, giết mổ đủ điều kiện vệ sinh thú y hoặc cam kết đảm bảo ATTP. Các sản phẩm rau, củ, quả của Trung tâm Giống cây trồng Nam Định được sản xuất áp dụng mô hình sản xuất rau, quả an toàn theo công nghệ Nhật Bản và Trung tâm cam kết sản xuất rau, quả đảm bảo ATTP (xã Liên Bảo, Vụ Bản). Cùng với 10 chuỗi sản phẩm đã được xây dựng thành công, 3 chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đang tiếp tục được hoàn thiện. Đi đôi việc xây dựng, kết nối sản phẩm, các ngành chức năng đã thực hiện kiểm soát, giám sát, chứng nhận và quảng bá mạnh cho các sản phẩm thực phẩm an toàn được kiểm soát theo chuỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng; hướng dẫn mô hình sản xuất thực phẩm sạch theo các tiêu chuẩn tiên tiến tại các huyện: Giao Thủy, Xuân Trường, Ý Yên, Vụ Bản, Hải Hậu... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số cửa hàng giới thiệu thực phẩm an toàn, là địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng lựa chọn. Đã có một số doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn, bài bản, thiết lập mối liên kết chặt chẽ, kiểm soát đầy đủ các công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất, kinh doanh từ sản xuất ban đầu đến tiêu dùng như: Cty TNHH Toản Xuân, Cty TNHH một thành viên Minh Dương..., tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trong thời gian tới. Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm an toàn, kết nối giữa cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng còn được đẩy mạnh thông qua hội nghị liên kết, kết nối tiêu thụ giữa các nhà sản xuất với cơ sở kinh doanh, phân phối sản phẩm và thông qua việc tổ chức các đoàn doanh nghiệp của tỉnh gặp gỡ, trao đổi, xúc tiến thương mại với doanh nghiệp tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...; qua việc phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (các kênh VTV1, VTV2, VTV3), TTXVN, Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh... để đưa tin, bài quảng bá cho các cơ sở, các sản phẩm an toàn được sản xuất trên địa bàn tỉnh; qua việc hỗ trợ các cơ sở tổ chức một số điểm cung cấp sản phẩm an toàn trên địa bàn Thành phố Nam Định và xây dựng kênh phân phối sản phẩm trực tuyến.
Tuy nhiên, việc xây dựng, kết nối sản phẩm và chuỗi sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng còn gặp nhiều trở ngại do quy mô các mô hình còn nhỏ nên chưa tác động nhiều đến cộng đồng. Từ đó, nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng và doanh nghiệp đối với chuỗi thực phẩm an toàn còn hạn chế. Một số người bán hàng vì lợi nhuận nên trà trộn sản phẩm thông thường với sản phẩm an toàn, khi người tiêu dùng phát hiện ra thì mất niềm tin nên không mua sản phẩm. Với người sản xuất, khó khăn lớn nhất là bản chất sản xuất quy mô nhỏ nên rất khó để tập hợp, thực hành quy định về quản lý chất lượng, hoặc không có khả năng cung ứng ổn định một số lượng lớn các sản phẩm bảo đảm chất lượng và VSATTP. Từ đó, sự liên kết giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp lỏng lẻo, kém hiệu quả, chủ yếu trong tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Bên cạnh đó, nhận thức trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, các cơ quan quản lý Nhà nước về tầm quan trọng của công tác quản lý chất lượng ATTP còn chưa đầy đủ nên chỉ đạo chưa kiên quyết hoặc chưa có kinh nghiệm trong việc quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”; chưa xây dựng được nhiều thương hiệu của sản phẩm… Để khắc phục những tồn tại trên, việc xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn đang cần những giải pháp có tính đột phá và bền vững để quản lý tốt chất lượng ATTP. Bên cạnh đó cần có sự đồng lòng, quyết tâm cao của các bên tham gia để tạo sự chuyển biến trong việc cải thiện tình trạng mất ATTP, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng./.
Bài và ảnh: Minh Thuận