Về với vùng biển, đảo phía Tây Nam Tổ quốc

06:05, 10/05/2017

Trong những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi may mắn có chuyến công tác về với vùng biển, đảo phía Tây Nam của Tổ quốc, nơi có đến 150 đảo lớn nhỏ, liên kết với nhau trở thành những căn cứ tiền tiêu chiến lược vô cùng quan trọng để bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế và giao lưu, hội nhập quốc tế. Chuyến đi do Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4 (BTL vùng CSB 4) tổ chức. Tham dự chuyến đi có đồng chí Trương Mỹ Hoa,  nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, hiện là Chủ tịch Quỹ học bổng “Vừ A Dính”, Chủ nhiệm câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu”; Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam. Là thành viên trong đoàn, lần đầu tiên được đặt chân đến vùng biển, đảo phía Tây Nam đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc khó quên về một vùng biển, đảo đầy tiềm năng, về sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ CSB trong trận tuyến bảo vệ và thực thi pháp luật trên biển cũng như đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển.

I -  Thiên đường du lịch Phú Quốc

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Đây là đảo lớn nhất trong 27 hòn đảo lớn nhỏ trên Vịnh Thái Lan. Huyện đảo Phú Quốc có diện tích 580km2, nằm ở vị trí trung tâm thị trường du lịch năng động của vùng Đông Nam Á. Từ Phú Quốc đến thủ đô các quốc gia ASEAN chỉ khoảng 2 giờ bay. Đồng thời lại được gắn kết bằng đường biển với các quốc gia ASEAN có biển và nằm trên trục vận tải biển với các nước có ngành du lịch phát triển như: Xinh-ga-po, Thái Lan và các quốc gia ở Đông Bắc Á. Từ lâu, đảo Phú Quốc đã nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước về vẻ đẹp tự nhiên; đã được mệnh danh là hòn đảo ngọc trên vùng biển Tây Nam Việt Nam. Địa hình thiên nhiên thoai thoải chạy từ bắc xuống nam với gần 100 ngọn núi, cùng 150km bờ biển trải dài, cát trắng mịn, nhiều bãi biển đẹp và dãy rừng nguyên sinh trùng điệp. Khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa mưa nắng rõ rệt đã làm thỏa mãn nhu cầu của du khách ưa du lịch khám phá. Điều đặc biệt khiến Phú Quốc trở thành thiên đường du lịch bởi người dân nơi đây đã khéo kết hợp giữa du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, tìm hiểu phong tục, tập quán cư dân xứ đảo, những làng nghề truyền thống, những đặc sản của địa phương như nước mắm thơm ngon, vị tiêu cay nồng, giống chó xoáy tinh khôn và các cơ sở nuôi trai lấy ngọc. Một đặc trưng nữa của Phú Quốc là mặc dù ở giữa một vùng biển, đảo nhưng nơi đây lại không phải gánh chịu ảnh hưởng từ bão; lại có hệ sinh thái biển phong phú, hiếm có. Đây là yếu tố vô cùng thuận lợi giúp đảo ngọc có thể khai thác du lịch quanh năm. Trên đảo có tới 36 nghìn hecta rừng với một hệ sinh thái rất đa dạng, độ che phủ rừng chiếm trên 60% diện tích của đảo và cả một hệ thống sông suối, hồ dự trữ nước ngọt lớn đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đảo.

Tàu cá tại Cảng An Thới, Thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang).
Tàu cá tại Cảng An Thới, Thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

 Để khai thác tiềm năng phát triển kinh tế du lịch, ngày 5-10-2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 178 phê duyệt Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc thành Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, hiện đại ở vùng phía Tây Nam, từng bước hình thành một Trung tâm du lịch, giao thương mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Ngày 11-5-2010, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế - hành chính thuộc tỉnh Kiên Giang với cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt, đủ sức cạnh tranh quốc tế nhằm thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Trong đó phải kể đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, từ sân bay quốc tế, hệ thống đường trục bắc nam, đường vòng quanh đảo, Cảng biển quốc tế An Thới, đường cáp ngầm 110kV Hà Tiên - Phú Quốc đưa điện lưới quốc gia ra đảo... Thêm vào đó chính sách miễn thị thực cho khách quốc tế với thời gian tạm trú không quá 30 ngày để kích thích du khách nước ngoài đến tham quan, nghỉ dưỡng, làm việc tại đảo. Với những ưu đãi đó, giai đoạn 2011-2015, Huyện ủy, UBND huyện đảo Phú Quốc đã vận dụng sáng tạo những cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh thu hút nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư xây dựng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, khu đô thị, khu kinh tế biển, du lịch, thương mại và dịch vụ, tạo điều kiện cho ngành du lịch thương mại phát triển. Tính đến thời điểm này đã có 193 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích 7.210 hecta, tổng vốn đăng ký trên 215 nghìn tỷ đồng, trong đó có 30 dự án đã đi vào hoạt động, 24 dự án đang triển khai xây dựng, các dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Một số tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư vào Phú Quốc như: Vingroup, Sungroup, Bimgroup, CEOgroup... Bên cạnh việc thu hút đầu tư, UBND tỉnh Kiên Giang, huyện Phú Quốc còn khuyến khích người dân, doanh nghiệp xây dựng, phát triển mạnh nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách đến với Phú Quốc như các mô hình kinh tế - du lịch tìm hiểu làng nghề truyền thống; đồng thời chuẩn hóa các sản phẩm chủ lực của Phú Quốc thông qua hình thức hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Trong đó nhiều sản phẩm đã được chứng nhận như nước mắm, ngọc trai, hạt tiêu, rượu sim… và cả những đặc sản dân dã như: đặc sản bánh canh cá thu, ghẹ Hàm Ninh, ốc nướng Dinh Cậu, bún Kèn, gỏi cá trích, cơm chiên ghẹ, gỏi xoài ốc giác, mực om nước mắm, canh chua cá bớp, nấm tràm, nhum nướng mỡ hành… Đóng góp vào nhịp sống sôi động của cư dân đảo Phú Quốc, những người con quê hương Nam Định đang công tác, làm ăn, sinh sống trên đảo cũng nhanh chóng khẳng định mình ở mọi lĩnh vực, bao gồm cả cán bộ, công chức, sĩ quan, chiến sĩ ở các đơn vị hành chính, lực lượng vũ trang nhân dân và cả người dân phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ. Đặc biệt, khi định cư ở Phú Quốc người Nam Định vốn cần cù, chịu khó, năng động đã mang theo nghề truyền thống của quê hương như nghề nấu phở, gia công cơ khí, mộc, nề… làm giàu trên quê mới. Mỗi người một công việc nhưng hơn một trăm người con Nam Định ở Phú Quốc luôn quần tụ với nhau trong ngôi nhà chung Hội đồng hương để hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, góp phần xây dựng đảo ngọc mến yêu.

 Phú Quốc đang trên đà trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp mang tầm thế giới, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đảo trung bình hằng năm đạt trên 30%, trong đó riêng ngành du lịch tăng trưởng trung bình khoảng 43%/năm. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay còn 1,2%. Với mục tiêu từng bước trở thành đặc khu kinh tế trực thuộc tỉnh, giai đoạn 2016-2020, Phú Quốc tiếp tục đầu tư phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, liên kết với các vùng trong và ngoài nước; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch đặc trưng; gắn phát triển du lịch với bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái đặc thù. Từng bước phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch - dịch vụ lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á theo mô hình đặc khu kinh tế mở, hướng ngoại với 3 trụ cột chính: công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng; dịch vụ tài chính, ngân hàng và kinh tế biển. Bên cạnh đó, huyện đảo cũng tập trung phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái và dịch vụ tài chính ngân hàng. Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, huyện đảo Phú Quốc tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn ngày càng vững chắc. Tất cả những dự án được đầu tư vào đảo đều được thẩm định và bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Huyện đã chủ động củng cố các công trình quốc phòng, nhất là các công trình phòng thủ trọng yếu; điều chỉnh các phương án bảo vệ mục tiêu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trong đó, hệ thống giao thông, bến cảng, sân bay và những khu công nghiệp được coi trọng từ khâu quy hoạch đến kế hoạch sử dụng, tổ chức sản xuất đều phải gắn với quốc phòng - an ninh, là cơ sở trực tiếp tăng cường tiềm lực quốc phòng, đảm bảo việc đáp ứng tốt nhu cầu hậu cần - kỹ thuật trong tác chiến khu vực phòng thủ. Đồng thời xây dựng lực lượng tự vệ, lực lượng dự bị động viên vững mạnh, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương./.

(còn nữa)
Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com