Vụ TNGT kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 7-5-2017 trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai làm 13 người tử vong, 32 người khác bị thương, trong đó tỉnh ta có 6 người tử vong và 11 người bị thương. Sau một cú đâm va, nhiều gia đình, nhiều làng quê ở các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nam Trực, Nghĩa Hưng chìm trong nước mắt bởi những nỗi đớn đau, mất mát.
Để sẻ chia nỗi đau với người thân các nạn nhân của vụ TNGT, trong hai ngày, 8 và 9-5-2017, đoàn công tác của Ban ATGT tỉnh đã trực tiếp tới thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có nạn nhân tử vong trong vụ TNGT. Khi tiếp đoàn thăm hỏi của Ban ATGT tỉnh, vợ anh lái xe khách Nguyễn Văn Vượng, sinh năm 1965, xã Giao Nhân (Giao Thủy) đã khụy xuống suy sụp với nỗi đau quá lớn. Không chỉ người nhà mà toàn thể bà con chòm xóm nơi đây đều đau xót trước sự ra đi đột ngột của người đàn ông sống tử tế, đức độ. Cũng tại tang lễ ông Vũ Trọng Khoái, sinh năm 1955, xã Điền Xá (Nam Trực), nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn, đoàn công tác không khỏi chạnh lòng trước xúc cảm của con trai nạn nhân. Người bố yêu quý của anh đã dốc cả cuộc đời để chăm sóc, nuôi dưỡng và hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần để con cái khôn lớn đã ra đi một cách tức tưởi, đau đớn. Tiếp đoàn thăm hỏi của Ban ATGT tỉnh, trong không khí tang gia đau xót, ông nội của anh Nguyễn Văn Đản, sinh năm 1987 xã Hải Đông (Hải Hậu), là lái phụ của xe khách cũng bị tử vong trong vụ tai nạn, nghẹn ngào nói: “Nỗi đau do TNGT gây ra cho gia đình thật sự quá lớn và đột ngột, không gì có thể bù đắp nổi”. Anh Đản vốn là trụ cột chính trong gia đình; vợ chồng anh đã có 2 con nhỏ và hiện tại vợ anh đang mang thai cháu thứ 3. Sự ra đi đột ngột của anh Đản không chỉ dồn hết gánh nặng gia đình sang đôi vai gầy của người vợ trẻ phải bươn trải, mưu sinh để nuôi nấng các con ăn học mà chị còn phải đảm trách thêm vai trò làm cha để giáo dưỡng các con nên người; đứa con út chưa ra đời đã phải chịu nỗi đau mất cha. Có không ít gia đình, nỗi đau nối tiếp nỗi đau khi người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh; không ít em bé sinh ra không biết mặt cha và biết bao đứa trẻ lớn lên không thể hình dung ra khuôn mặt mẹ chỉ vì TNGT. Những câu chuyện, hoàn cảnh, nỗi niềm ấy cứ day dứt, ám ảnh đoàn chúng tôi suốt chặng đường về. Thông tin ban đầu là chiếc xe tải gây ra vụ tai nạn kinh hoàng đã chạy với tốc độ trên 100 km/h khi đâm vào xe khách. Vì cái tốc độ ấy, bao gia đình, cuộc đời từ đây rơi vào khốn khó!
|
Ban ATGT tỉnh thăm hỏi, hỗ trợ gia đình bà Vũ Thị Len, sinh năm 1967, xóm 1, xã Hải Chính (Hải Hậu), nạn nhân tử vong trong vụ TNGT thảm khốc tại Gia Lai ngày 7-5-2017. |
Đồng chí Phan Phương Đông, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, người vừa cùng đoàn công tác của Ban ATGT tỉnh và các địa phương đi thăm các gia đình nạn nhân vụ TNGT thảm khốc, anh chân thành chia sẻ: Nỗi đau phía sau những vụ TNGT là điều luôn trăn trở thường trực trong mỗi cán bộ làm công tác bảo đảm trật tự ATGT. Chính vì vậy, trong đợt hưởng ứng “Tuần lễ ATGT đường bộ lần thứ 4” của Đại hội đồng LHQ năm 2017 với chủ đề “Tốc độ” được toàn tỉnh đồng loạt thực hiện từ ngày 8 đến ngày 14-5-2017, các cấp, ngành chức năng, tổ chức hội, đoàn thể đã tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, ATGT. Tập trung tuyên truyền việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, trong đó nghiêm túc tuân thủ các quy định về tốc độ khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính và nguy cơ gây TNGT khi phương tiện chạy quá tốc độ cho phép. Rà soát công tác tổ chức giao thông và điều chỉnh, bổ sung hệ thống biển báo tốc độ trên toàn tỉnh theo đúng quy định, quy chuẩn hiện hành; tăng cường các biện pháp kiểm soát tốc độ như làm gờ giảm tốc, sơn sửa vạch kẻ đường, cắm các biển báo nguy hiểm, biển báo hạn chế tốc độ. Tăng cường đầu tư, xây dựng, nâng cao điều kiện bảo đảm ATGT, kiểm soát tốc độ, đặc biệt là các khu đông dân cư, khu đường giao nhau, đường bộ qua đường sắt. Đầu tư hệ thống giám sát và xử lý vi phạm về bảo đảm trật tự ATGT bằng hình ảnh trên hệ thống đường bộ. Tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về tốc độ trên toàn tỉnh, sau đó duy trì thường xuyên theo kế hoạch tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự ATGT đường bộ; ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ trong việc giám sát phát hiện và xử lý vi phạm tốc độ; đánh giá kết quả thực hiện. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh vận tải vi phạm về tốc độ thông qua dữ liệu giám sát hành trình xe ô tô. Điều tra xử lý nghiêm các vụ TNGT, đặc biệt là các vụ có nguyên nhân từ vi phạm tốc độ, kiên quyết đề nghị truy tố trước pháp luật các vụ TNGT có đủ yếu tố cấu thành tội phạm và xử lý trách nhiệm của đơn vị chức năng có liên quan trong việc để xảy ra tai nạn. Đặc biệt, rút kinh nghiệm sau vụ TNGT thảm khốc này, lực lượng chức năng sẽ tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách, siết chặt kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ. Đồng thời tập trung rà soát, hoàn thiện quy định về trang bị dây bảo hiểm và thắt dây bảo hiểm đối với người ngồi trên ô tô, áp dụng trong thời gian sớm nhất.
Khi TNGT vẫn còn là hiểm họa thường trực hằng ngày đối với mỗi người tham gia giao thông thì mỗi người cần nâng cao nhận thức tham gia giao thông an toàn chính là yếu tố tiên quyết giảm thiểu TNGT. Vì vậy, phải tích cực xây dựng văn hóa giao thông, tạo dựng ý thức, trách nhiệm tham gia giao thông an toàn trong mỗi người dân để đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy