Sau những đợt tăng giá liên tiếp, từ những tháng cuối năm 2016, giá thịt lợn hơi đảo chiều, “lao dốc” không phanh từ 55 nghìn đồng/kg xuống 40 nghìn đồng/kg; thời điểm giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu còn 30 nghìn đồng/kg. Ở mức giá này, ước tính người nuôi đã bị lỗ trên 1 triệu đồng mỗi con lợn tạ. Từ đầu năm 2017 đến nay, giá thịt lợn hơi lại liên tiếp giảm sâu, hiện còn khoảng 18-20 nghìn đồng/kg đối với lợn siêu nạc, còn lợn trắng lai giá xuống còn 15-17 nghìn đồng/kg. Với cách thức chăn nuôi hiện nay, giá lợn xuất chuồng như vậy người chăn nuôi càng nuôi càng lỗ nặng bởi theo tính toán để hòa vốn và có lãi phải đảm bảo giá khoảng 35-40 nghìn đồng/kg. Còn giá lợn tại thời điểm này khiến người chăn nuôi có thể bị lỗ từ 1,5-2 triệu đồng/con. Nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang lâm vào cảnh trắng tay, thua lỗ, nợ nần khi giá lợn hơi xuống thấp đến mức kỷ lục. Gia đình ông Trần Văn Tấn, thôn 10, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) có tổng đàn lợn 500 con, nếu giá cả ở thời điểm xuất chuồng mà thuận lợi sẽ cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Ông Tấn cho biết, khoảng từ tháng 4-2016 giá thịt lợn hơi khoảng 52 nghìn đồng/kg, sau đó đến cuối năm 2016 giá giảm sâu xuống còn 32 nghìn đồng/kg và đến tháng 4-2017, ở thời điểm lợn nhà ông xuất chuồng, giá chỉ còn 20 nghìn đồng/kg. Dù giá giảm nhưng gia đình ông vẫn chấp nhận bán 200 con và thua lỗ trên 400 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện trang trại của ông vẫn còn 300 con với trọng lượng trên 100kg đang chờ giá nhích lên để bán. Theo ông Tấn, với mức giá như hiện nay, gia đình ông lỗ nặng và không thể thu hồi được vốn đầu tư mua con giống, thức ăn cũng như các chi phí khác. “Mấy chục năm chăn nuôi nhưng đây là đợt giảm giá kinh khủng nhất” - ông Tấn cho biết. Nhất là giai đoạn lợn đã đạt trọng lượng xuất chuồng hiện nay, nếu không bán được thì càng để người chăn nuôi càng lỗ. Gần 1 tháng nay gia đình ông đã phải chọn cách giảm khẩu phần ăn cho đàn lợn so với thông thường để cầm cự, hạn chế bớt tiền cám. Cũng như hộ ông Trần Văn Tấn, trang trại của ông Đinh Văn Thiểm, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) có quy mô chuồng nuôi 200 con lợn nái và 400 con lợn thịt cũng đang lao đao khi giá lợn xuống thấp kỷ lục. Với giá xuất chuồng lợn siêu nạc hiện nay chỉ ở mức 18-20 nghìn đồng/kg, mỗi con lợn tạ gia đình ông lỗ 1,8 triệu đồng. Trước tình hình đó, gia đình ông đã tự tìm giải pháp trước mắt đó là tự giết lợn đem ra chợ bán nhằm vớt vát một phần chi phí đầu tư, tuy nhiên mỗi ngày cũng chỉ tiêu thụ được 2 con, một con số không thấm vào đâu so với tổng đàn của trang trại. Không chỉ vậy, ông Thiểm còn phải chịu “thiệt đơn, thiệt kép” với giá lợn giống. Nếu như trước kia, mỗi năm ông xuất bán 4.000 con lợn giống với giá 1,6-1,7 triệu đồng thì nay giá lợn giống giảm xuống còn 400 nghìn đồng/con. Theo ông, số tiền này chỉ đủ tiền mua vắc-xin cho lợn mẹ và lợn con, giống gần như cho không, lỗ cả tiền cám cho con giống mà “bán chẳng ai mua”. Cực chẳng đã, gia đình ông Thiểm giữ lại lợn giống để nuôi. Hiện đàn lợn thịt của ông đã “phình” lên hơn 600 con, ông cũng cắt giảm đàn lợn nái xuống còn 160 con. Ông Thiểm ngán ngẩm cho biết: Mặc dù đã giảm khẩu phần ăn cho lợn để duy trì nhưng chi phí sản xuất (điện, nước, vắc-xin, thức ăn, thuốc men) vẫn tiêu tốn 8 triệu đồng/ngày. Từ tháng 10-2016 đến nay, gia đình tôi đã lỗ 2,4 tỷ đồng.
Giá thịt lợn hơi xuống thấp, ông Đinh Văn Thiểm, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) vẫn phải duy trì sản xuất với chi phí 8 triệu đồng/ngày. |
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tổng đàn lợn của tỉnh hiện nay có khoảng 780 nghìn con, tổng sản lượng thịt khoảng 165 nghìn tấn. Mức tiêu thụ thịt lợn của người dân trong tỉnh ước 100 nghìn tấn, còn lại là bán cho thương lái tiêu thụ tại các tỉnh và xuất sang Trung Quốc. Hiện nay, còn khoảng 50 nghìn con lợn đến tuổi xuất chuồng. Nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đang rơi vào tình cảnh khó khăn chung, đặc biệt là các hộ chăn nuôi tự do, sản xuất tự phát, không có hợp đồng tiêu thụ. Nguyên nhân dẫn đến giá lợn “lao dốc” là do đầu ra không ổn định. Thị trường tiêu thụ hầu hết qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc và tiêu dùng trong nước. Đặc biệt là tình trạng người chăn nuôi thiếu kinh nghiệm phân tích thị trường, tự phát triển “nóng” đàn lợn. Khi thấy giá thịt lợn hơi liên tục tăng cao, người nuôi lợn lãi lớn nên nhiều hộ ồ ạt tăng đàn, mở rộng quy mô chuồng nuôi trong khi không nắm chắc đầu ra. Một nghịch lý nữa là khi nguồn thịt lợn trong nước dư thừa, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục nhập khẩu thịt lợn ngoại. Bên cạnh đó, khâu chế biến cũng đang là khâu yếu nhất của ngành Chăn nuôi. Thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi chấp nhận lỗ để có thể tiêu thụ được sản phẩm thịt; tự tổ chức giết mổ, bán lẻ mong gỡ gạc được chút tiền và không phải tốn chi phí chăm sóc lợn nữa, giá bán rẻ hơn thị trường. Trên các tuyến giao thông, các chợ ồ ạt xuất hiện các bàn, quầy bán thịt lợn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tự phát của các hộ dân, không thể giải quyết vấn đề một cách căn bản. Không chỉ người chăn nuôi lao đao mà ngay cả những đại lý bán thức ăn chăn nuôi cũng lâm vào khó khăn. Chủ yếu các đại lý bán thức ăn gia súc thực hiện bán cám cho người chăn nuôi theo hình thức trả chậm, chỉ thu được tiền sau khi người dân xuất chuồng vật nuôi. Hiện nhiều đại lý thức ăn chăn nuôi cũng chẳng dễ dàng gì để đòi được những khoản nợ của một số khách hàng. Bà Đỗ Thị Thảo, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) - chủ một đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi cho biết: Một số chủ trang trại, gia trại trong thời gian qua thua lỗ do nuôi lợn đã phải bỏ nhà đi nơi khác làm ăn. Có những hộ chăn nuôi nợ đọng lại một vài chục triệu đồng, chúng tôi cũng phải cố gắng để cung ứng cám cho họ, để họ xoay xở kéo lại vốn. Từ thực tế này cho thấy vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng càng có ý nghĩa quan trọng. Hiện chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu mang tính nhỏ lẻ, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Để phát triển chăn nuôi lâu dài, bền vững cần phải phát triển theo quy hoạch, có định hướng; tổ chức các chuỗi liên kết khép kín, trong đó tập trung đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo các chuỗi từ trang trại đến bàn ăn.
Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tình trạng giá lợn như hiện nay còn có thể kéo dài một vài tháng nữa. Trong khi đó, công tác dự báo giá cả thị trường còn yếu. Do vậy, người chăn nuôi cần phải tập trung vào các giải pháp trước mắt. Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Người chăn nuôi cần phải tính toán thật kỹ. Thứ nhất cần dựa vào tiềm lực kinh tế của gia đình, xác định rõ khả năng kinh phí để mua được thức ăn chăn nuôi trong thời gian bao lâu? Nếu trọng lượng của một con lợn đạt 100kg mà tiếp tục đầu tư nuôi thêm 1 tháng nữa thì chi phí tiền cám cho lợn rất lớn, lỗ lại chồng lỗ thì nên bán. Nếu con lợn mới 70-80kg, có thể nuôi thêm 1 tháng vẫn đảm bảo được trọng lượng xuất bán thì nên tiếp tục nuôi.
Lợn là một đối tượng con nuôi chủ lực trong định hướng phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh khi tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời với các giải pháp hỗ trợ tức thời cho người nuôi lợn vượt qua thời điểm “khủng hoảng” này, các nguyên nhân, bài học cần được các cấp, các ngành, các nhà kinh tế phân tích thấu đáo. Từ đó đưa ra được các giải pháp căn cơ cho cả người chăn nuôi và ngành kinh tế quan trọng của tỉnh./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh