Ghi ở Trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh

05:05, 27/05/2017
Với trách nhiệm và nhiệt huyết của mình, thời gian qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh (Sở LĐ-TB và XH) luôn tận tình chăm sóc, giảng dạy, thiết lập mối quan hệ gần gũi với học sinh, giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng.
 
Vào những ngày giữa tháng 5, Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh đã rộn rã lời ca tiếng hát của học sinh và giáo viên đang tập luyện các tiết mục văn nghệ để chuẩn bị biểu diễn trong Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6. Hình ảnh những em nhỏ cầm đàn ghita, những em nữ múa điệu xòe ô khiến ai cũng ngỡ ngàng vì các em đều không may bị khuyết tật. Chị Bùi Thị Thu Hương, Phó Bí thư chi Đoàn Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh cho biết: Hằng tháng, Trung tâm đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ vào các buổi học ngoại khóa. Vào các dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6) hoặc Tết Trung thu hằng năm, Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh, Hội Phật tử chùa Vọng Cung và một số cơ quan, đoàn thể, trường học trong tỉnh đến thăm, tặng quà và giao lưu văn nghệ với các em. Hiện nay, Trung tâm tiếp nhận trên 100 trẻ khuyết tật từ 12-16 tuổi. Trong khoá học 3 năm tại Trung tâm, các em được hướng dẫn cách giao tiếp, sinh hoạt cá nhân, tập luyện phục hồi chức năng, học văn hóa và học nghề. Để chăm sóc, hướng dẫn trẻ khuyết tật đạt hiệu quả cao, cán bộ, giáo viên của Trung tâm luôn kiên nhẫn, tiếp cận nhiều phương pháp giảng dạy để truyền đạt kiến thức, kỹ năng sống cho các em. Dự một tiết học, chúng tôi thấu hiểu được sự vất vả của các thầy, cô giáo khi phải kiên nhẫn uốn nắn từng nét chữ cho các em câm, điếc, thiểu năng trí tuệ và dị tật bẩm sinh. Giờ học ở lớp văn hóa của cô giáo Phạm Thị Thu Nga thật đặc biệt với tiếng trẻ ú ớ đọc phát âm, tập đếm... Thấy khách đến thăm, hơn chục học sinh với nụ cười và ánh mắt ngây ngô lễ phép đứng dậy chào. Cô giáo khen các em giỏi, ngoan và nhắc các em tiếp tục ngồi xuống học bài. Khi các em gây ồn ào trong lớp, giáo viên phải dỗ dành từng em để các em tập trung vào tiết học. Cô giáo Nga cho biết: Các em khuyết tật đều sống xa gia đình nên thiếu thốn tình cảm. Bởi vậy, các thầy, cô giáo phải đối xử với các em bằng tình thương yêu chân thành, giúp các em sớm tiếp thu các kiến thức văn hóa và xã hội. Ở mỗi tiết dạy, giáo viên phải nhẹ nhàng, nắm bắt tâm lý, có lúc nghiêm nghị, có lúc phải chiều theo yêu cầu của học sinh; lúc các em đòi vui chơi thì giáo viên cũng tham gia với các em. Nhằm nâng cao chất lượng dạy môn Toán nói riêng và các môn học nói chung, vừa qua 3 giáo viên của Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh gồm các cô: Phạm Thị Thu Nga, Ngô Thị Thu Hương, Bùi Thị Thu Hương đã có sáng kiến “Áp dụng phương pháp dạy học phân hóa học sinh trong dạy học môn Toán cho trẻ khuyết tật”. Dạy học phân hóa học sinh là phương pháp đi sâu vào cá thể hóa, đối tượng hóa, đối xử cá biệt theo năng lực nhận thức của học sinh. Trước khi áp dụng phương pháp phân hóa học sinh, mức độ hứng thú của các em chỉ đạt khoảng 60% do chưa được học đúng với khả năng của mình. Sau khi áp dụng phương pháp phân hóa học sinh vào dạy môn Toán, hứng thú của học sinh đã tăng lên 90%. Phương pháp này còn được ứng dụng trong công tác phục hồi chức năng, dạy nghề... 
Lớp dạy nghề may tại Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh.
Lớp dạy nghề may tại Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh.
Ở lớp mộc của thầy Trần Thanh Sơn, rộn rã tiếng cưa, tiếng đục. Lớp có 15 học sinh đều chăm chú thực hành theo hướng dẫn của thầy giáo. Các em chậm hiểu thì học đánh giấy ráp, bào thẳng, em nhanh nhẹn và có “tay nghề” hơn thì tập cưa, bào theo đường cong, ghép mộng, phun sơn bóng... Về công tác tại Trung tâm từ năm 2013, thầy giáo Trần Thanh Sơn đã không ngừng học hỏi, tìm ra những phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất giúp các em đam mê với nghề. Thầy Sơn tâm sự: “Dạy nghề cho trẻ khuyết tật phải kết hợp động viên các em vượt qua những thiếu thốn vật chất, mặc cảm, nuôi dưỡng ước mơ để trở thành người có ích cho xã hội. Vì vậy mỗi ngày đến Trung tâm, nhìn thấy học trò không nghỉ học vì bất cứ lý do gì là những người thầy cảm thấy được an ủi, được tiếp thêm sức mạnh…”. Nhiều học trò của thầy Sơn sau khi học nghề mộc đã có sự thay đổi rõ nét từ cách ứng xử hằng ngày đến làm nghề. Em Nguyễn Mạnh Tú (Nghĩa Hưng) sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà có 3 anh em thì Tú mắc bệnh thiểu năng nhẹ. Khi còn ở nhà, em sống tách biệt hẳn với cuộc sống bên ngoài. Vào Trung tâm một thời gian, được các thầy, cô tận tình chăm sóc, chỉ bảo, Tú đã trở nên nhanh nhẹn và biết giao tiếp với bạn bè, thầy, cô. Hiện nay, Tú có thể tự tay làm được một số công đoạn của nghề mộc. Em mong muốn sau khi ra trường sẽ được nhận vào làm ở xưởng sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ gần nhà.
 
Tại lớp học nghề may, em Đỗ Thành Long, quê xã Hải Thanh (Hải Hậu) với sự hướng dẫn của giáo viên đang tỉ mỉ với từng đường may. Được theo học lớp dạy nghề may là mơ ước của Long. Em bị dị tật từ thuở lọt lòng, vượt lên mặc cảm, em đã có nhiều cố gắng vươn lên trong học tập. Vì vậy, trong quá trình học tại Trung tâm, em luôn chăm ngoan, học giỏi. Em cho biết, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố làm thợ xây, mẹ làm nghề may. Từ ngày vào học tại Trung tâm em đã thay đổi, không còn mặc cảm, tự ti. Hiện nay em đã có thể may được một số bộ phận đơn giản như nắp túi áo, đường thẳng, dọc quần... Em tin rằng sau khi tốt nghiệp sẽ tìm được việc làm để nuôi sống bản thân, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội”. Qua thực tế, việc học nghề ở Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh đã thay đổi cuộc sống của nhiều trẻ khuyết tật. Sau 3 năm học nghề ở Trung tâm, phần lớn các em đều đạt yêu cầu, được cấp chứng chỉ nghề sơ cấp, trong đó tỷ lệ đạt khá, giỏi luôn chiếm trên 70%. Với tay nghề được đào tạo, nhiều em đã tìm được việc làm, thu nhập ổn định. Em Phạm Thành Công, ở xã Lộc An (TP Nam Định), bị câm điếc bẩm sinh, sau khi hoàn thành khóa học may 3 năm ở Trung tâm đã vào làm việc tại Cty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Bạch Việt (CCN An Xá, TP Nam Định), có thu nhập 4 triệu đồng/tháng, tự trang trải cuộc sống và còn phụ giúp bố mẹ. Em Vũ Văn Tụ, quê ở xã Trực Thắng (Trực Ninh) làm mộc tại quê hương; các em Nguyễn Thị Linh, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc); Trần Thị Hoà, ở Thị trấn Gôi (Vụ Bản) làm nghề may, thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng. Em Lại Thế Anh, sinh năm 2000 sống tại khu tập thể Trường Cao đẳng Công nghiệp, sau khi kết thúc khóa học đã xin được việc ở một Cty may tại địa phương. Lĩnh tháng lương đầu tiên vào đúng ngày mùng 1-6, em đã trích 500 nghìn đồng nhờ thầy, cô giáo Trung tâm mua quà tặng cho các bạn học sinh. Em Phạm Thị Lan Anh, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) bị câm điếc nhưng khả năng tư duy tốt. Năm 2012 em đã lập gia đình với một cựu học sinh khuyết tật trong trường. Hiện vợ chồng em đều có công ăn việc làm ổn định và sinh được một cháu trai đầu lòng... 
 
Khi ánh nắng hè dần tắt là lúc các em tan học về ký túc xá. Lúc này, cán bộ, giáo viên của Trung tâm đến từng phòng động viên các em tham gia các hoạt động rèn luyện sức khỏe như đi bộ, cầu lông, bóng bàn... Với học sinh, các thầy, cô giáo ở Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh như người mẹ trong đời, thắp sáng niềm tin cuộc sống, chắp cánh ước mơ, giúp các em sớm hòa nhập, trở thành người có ích cho xã hội./. 
 
Bài và ảnh: Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com