Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều mùa mưa bão

08:05, 16/05/2017
Là địa phương có hệ thống đê điều, thủy lợi lớn, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung đầu tư tu bổ nâng cấp, song vẫn còn một số trọng điểm xung yếu. Để chủ động phòng chống lụt bão có hiệu quả, phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã và đang tập trung nguồn lực, tăng cường công tác quản lý bảo vệ an toàn các công trình đê điều.
 
Toàn tỉnh có 663km đê, trong đó 365km đê cấp I đến cấp III (gồm 91km đê biển, 274km đê sông) và 298km đê dưới cấp III. Tổng các đoạn kè gần 150km, trong đó có 65km kè đê biển được thiết kế theo chỉ tiêu chống được bão cấp 10 triều cường, trung bình tần suất 5%, tương ứng mực nước thiết kế tại Văn Lý (Hải Hậu) 2,29m và 92km kè đê sông (trong đó gần 50km kè mặt lát bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn được thiết kế theo quy hoạch phòng chống lũ chi tiết các tuyến đê sông tỉnh Nam Định). Có 31 bối, gồm 28 bối có dân sinh sống và 3 bối canh tác. Nhiều bối lớn và có đông dân cư sinh sống như bối Yên Trị (Ý Yên), bối Thắng Thịnh (Nam Trực) có từ 7-13 nghìn dân hiện đang định cư. Trong 91km đê biển và đê Cồn Xanh, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, từ năm 2006 đến nay tỉnh ta đã nâng cấp hoàn chỉnh được khoảng 70km đê, những đoạn trực diện với biển (Hải Hậu 27km, Giao Thuỷ 22km, Nghĩa Hưng 21km); 80 mỏ kè giữ bãi bảo vệ đê và đang hoàn thiện nâng cấp đê Cồn Xanh (Nghĩa Hưng) dài 7,871km. Hiện tỉnh đang tiếp tục thực hiện những dự án chuyển tiếp từ năm 2016. Dự án điều chỉnh bổ sung xử lý khẩn cấp đê, kè Kiên Chính và hệ thống mỏ kè giữ bãi đoạn từ K11+460 đến K11+562 trên tuyến đê biển huyện Hải Hậu hiện nhà thầu thi công xong dàn van của hạng mục cống số 4; lát mái kè đến cao trình (+4,7)/(+4,7) đạt 180m/220m; tường chắn sóng đạt 150m/170m; đổ xong bê tông nhà quản lý cống. Đường cứu hộ từ Quốc lộ 21 đến cống số 4 khối lượng đất đắp khuôn đường đạt 6.000m 3/8.000m 3, rải base lớp 1 xong, rải lớp móng 2 đạt 1.600m/2.403m. Dự án xây dựng khẩn cấp các đoạn đê, kè xung yếu tuyến đê biển tỉnh giai đoạn III, trong đó gói xây lắp đê, kè Nghĩa Phúc - Đông Nam Điền đê biển huyện Nghĩa Hưng đã nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng từ K13+562 đến K15+142 dài 1.820m/2.120m. Gói xây lắp đê, kè Nghĩa Phúc - Đông Nam Điền từ K15+682 đến K16+613, Nam Điền - Nghĩa Hải từ K21+500 đến K25+925 với tổng chiều dài 5.354m đê biển Nghĩa Hưng đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng 2.987,8m.
Thi công dự án xử lý khẩn cấp kè Mặt Lăng đê hữu sông Hồng, huyện Trực Ninh.
Thi công dự án xử lý khẩn cấp kè Mặt Lăng đê hữu sông Hồng, huyện Trực Ninh.
Về đê sông, từ năm 2010 đến nay, có 15 cống qua đê đã được nâng cấp về quy mô, kết cấu và xây mới thay thế cống cũ hư hỏng; nâng cấp được trên 76,45km đê sông và hơn 51,8km kè bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn. Hiện các nhà thầu đang thi công 17 kè. Trong đó, tuyến hữu sông Hồng có 4 kè dài 4,624km gồm: kè Vạn Hà (Mỹ Lộc) dài 1.008m; kè Trường Nguyên (Nam Trực) dài 1.450m; kè Cống Mý tới kè Hồng Hà dài 524m và kè Hồng Hà tới kè Tân Đệ dài 1.642m trên địa bàn huyện Mỹ Lộc. Kè Bắc Quần Liêu đoạn từ K0 đến K1+780 thuộc tuyến đê tả sông Đáy huyện Nghĩa Hưng đã thi công xong. Tuyến đê tả sông Đào 4 kè dài 2,8km đến nay đã cơ bản hoàn thành hạng mục cống Cốc Thành, hoàn thành kè Đắc Thắng (Nghĩa Hưng) dài 490m; các hạng mục kè Hạ Kỳ (dài 236m), kè Hải Lạng (1.326m), kè Bình A (704m) Nghĩa Hưng đã thi công xong. Các công trình đê, kè bị hư hỏng sau bão số 1 năm 2016, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo tận dụng mọi nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh nhanh chóng khắc phục, cụ thể là đê Cồn Ba, Cồn Tư và đê Giao Hương (Giao Thủy); kè Quy Phú (Nam Trực); kè Mặt Lăng (Trực Ninh); đê Phú Ân (Xuân Trường); bối Ngọc Lâm và bối Nam Quần Liêu (Nghĩa Hưng). Các công trình xử lý đột xuất đã hoàn thành là kè Mỹ Trung 2 thuộc tuyến ngoài đê hữu sông Đào, xã Thành Lợi (Vụ Bản); kè Trực Mỹ và kè Đền Ông thuộc tuyến đê hữu sông Ninh Cơ (Trực Ninh); kè Quán Khởi đê hữu sông Đào, xã Yên Phúc (Ý Yên); kè Tam Tòa đê tả sông Đáy (Nghĩa Hưng). Hoàn thành xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở kè Trực Mỹ trên tuyến đê hữu sông Ninh Cơ (Trực Ninh). Một số công trình tu bổ, sửa chữa, nâng cấp đê, kè PCTT đang tiếp tục được thực hiện. Dự án xử lý cấp bách kè Độc Bộ đê tả sông Đáy (Ý Yên) nhà thầu đã hoàn thành thả rồng, đúc cấu kiện; đang tiến hành thả rối đầu rồng, xếp cơ và lát mái kè. Dự án xử lý cấp bách kè Vị Khê đê hữu sông Hồng (Nam Trực) giai đoạn 1 thi công cơ bản xong, đang thi công dầm đinh và các hạng mục còn lại; giai đoạn 2 thi công xong phần dưới nước, đang thi công các hạng mục tiếp theo. Dự án xử lý cấp bách đê, kè Nam Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) đang thi công dầm chân kè, mái kè…
 
Mặc dù đê, kè, cống đã được đầu tư củng cố, xây dựng nhưng trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến nhanh có thể gây ra tác động tiêu cực. Bên cạnh đó, những dự án đê kè biển được đầu tư chủ yếu bằng nguồn vốn Trung ương, kinh phí phân bổ ít và kéo dài trong nhiều năm nên ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành công trình, cần phải chủ động phương án hộ đê. Trên các tuyến đê sông của tỉnh hiện vẫn còn nhiều đoạn xung yếu như: 17km đê hữu sông Ninh Cơ (Nghĩa Hưng) cao trình đê thấp hơn thiết kế bình quân 0,6-0,8m. Trong 21 công trình kè sông (xây dựng từ những năm 1970-1980 đã bị sạt lở, hư hỏng) phải xử lý cấp bách. Hiện vẫn còn nhiều kè chưa được đầu tư nâng cấp như: Quy Phú, Giao Hương đê hữu sông Hồng; Trực Bình, Trực Mỹ, Trực Đại đê tả, hữu sông Ninh Cơ; Đống Cao đê hữu sông Đào… sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an toàn đê. Hiện các huyện, thành phố đã tổng kết công tác PCTT năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017; tổng kiểm tra đánh giá hiện trạng công trình đê điều, thủy lợi trước mùa mưa, lũ. Các địa phương đã xác định 28 trọng điểm chống bão, lụt năm 2017; trong đó có 1 trọng điểm cấp tỉnh là đoạn từ K26+680 đến K40+580 tuyến đê hữu sông Ninh Cơ qua các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng). Để làm chủ tình thế, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo Ban quản lý dự án, các nhà thầu phải chủ động phương án đảm bảo an toàn người, vật tư, thiết bị; an toàn các công trình, dự án đang thi công. Trong mùa lũ bão, khi kiểm tra phát hiện những công trình đê điều hư hỏng, sự cố, các huyện, thành phố phải chủ động tu bổ, sửa chữa và xây dựng phương án bảo vệ công trình an toàn theo phương châm “4 tại chỗ”. Hiện tại tất cả vật tư dự trữ PCTT như: 43.690m 3 đá hộc, 1.354m 3 đá dăm, 2.225 rọ thép, 40.148m 2 vải lọc, 527.313 bao ni-lon và 252.238 bạt chống tràn… đã được tập kết tại các trọng điểm, các tuyến đê biển, đê sông của tỉnh. Các địa phương đang tập trung chỉ đạo các hộ dân chuẩn bị bao ni-lon đất chống lụt, cây tre… đảm bảo sẵn sàng vật tư tại chỗ phục vụ chống bão. Cùng với vật tư dự trữ của các hộ dân; các xã, phường, thị trấn (kể cả những địa phương không có đê) đều huy động lực lượng xung kích hộ đê, sẵn sàng bảo vệ các trọng điểm chống lụt bão nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra/.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com