Nhờ khai thác tốt tiềm năng địa thế ven biển, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) đã lãnh đạo và vận động nhân dân phát triển nghề nuôi thủy sản mang lại nguồn thu lớn cho người dân nơi đây.
|
Cơ sở nuôi cá bống bớp của anh Nguyễn Văn Sơn, khu 6, Thị trấn Rạng Đông. |
Theo thống kê của UBND Thị trấn Rạng Đông, hiện thị trấn có khoảng 453ha diện tích nuôi thủy sản. Trong đó, diện tích nuôi mặn lợ là 228ha, diện tích nuôi nước ngọt là 251ha. Giá trị bình quân hằng năm từ việc nuôi thủy sản mang lại ước đạt từ 250-320 triệu đồng/ha. Các đối tượng được nuôi thả là cá mú, cá bống bớp, ngao, tôm thẻ chân trắng và các loại cá truyền thống nước ngọt… Trong đó, ngao và cá mú là 2 đối tượng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Diện tích nuôi thả ngao vạng là 95,45ha với sản lượng trung bình hằng năm là 1.336-1.527 tấn, ước giá trị thu được từ nuôi ngao đạt 17,3-19,8 tỷ đồng/năm. Còn đối với cá mú, số lượng các hộ nuôi chiếm từ 40-45% tổng số các hộ nuôi thủy sản ở Rạng Đông. Anh Lại Văn Trung, khu 5 vừa thu hoạch 4 ao nuôi cá mú và đang tiến hành cải tạo ao đầm để chuẩn bị bắt tay vào vụ nuôi mới. Anh Trung cho biết, trước kia gia đình anh nuôi cá chuối. Tuy nhiên hiệu quả không cao do giá cả, thị trường không ổn định nên anh đã tìm kiếm một đối tượng nuôi khác với hy vọng nâng cao hiệu quả sản xuất. Rồi anh nắm bắt được thông tin về cá mú, loại cá có chất lượng thịt dai, thơm ngon được nhiều khách hàng ưa chuộng lại có tốc độ tăng trưởng nhanh nên anh đã mạnh dạn nhập giống cá mú của các cơ sở sản xuất giống uy tín trên địa bàn huyện về nuôi thả. Bước đầu khá thuận lợi vì anh đã có sẵn cơ sở hạ tầng nuôi cá, không phải đầu tư nhiều. Anh tập trung vào cải tạo, tát cạn, vét bùn đáy ao nuôi; chú trọng đảm bảo độ mặn, độ sâu của nước ao. Đặc biệt ao nuôi đã được anh thiết kế trang bị đầy đủ hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt, đảm bảo luôn có nguồn nước sạch để cá phát triển khỏe mạnh. Đến nay, anh Trung nuôi cá mú đã được hơn 6 năm và đạt giá trị kinh tế ổn định, trung bình mỗi năm anh thu được hơn 100 triệu đồng tiền lãi. Để có được những thành công trên, anh Trung cho biết thêm: “Khi thu hoạch, cá không vận chuyển đi ngay mà được đưa vào bể để cho cá hồi khỏe và quen với môi trường chật hẹp nhằm giảm hao hụt khi vận chuyển. Có thể sử dụng đá lạnh thả vào bể giữ cá để hạn chế hoạt động của cá nhằm tránh sây sát, giúp nâng cao giá trị cá thương phẩm”. Bên cạnh cơ sở nuôi cá mú của anh Trung, còn nhiều cơ sở nuôi tôm thẻ, cá bống bớp… đạt hiệu quả kinh tế cao như cơ sở của anh Nguyễn Văn Sơn, khu 6; Nguyễn Văn Biêm, khu 5; Nguyễn Trí Dũng, khu 4; Phạm Văn Mạnh, khu 2; Lã Văn Đức, khu 3… Cơ sở của anh Nguyễn Văn Sơn, khu 6 là có tiếng trong nuôi cá bống bớp. Vừa nuôi cá thương phẩm, anh Sơn còn có 18 bể ương giống cá bống bớp nhân tạo với diện tích 4ha. Có những ngày cao điểm, anh xuất bán được 6 tấn cá giống ra thị trường. Ngoài ra anh còn nhập cá giống tự nhiên do người dân bắt được ngoài bãi triều về để thuần. Với chất lượng thịt thơm ngon, được đảm bảo, có thể vận chuyển tươi sống một cách dễ dàng, nhiều năm qua, cá bống bớp không những được ưa chuộng tại thị trường trong nước như Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn… mà còn được xuất khẩu sống sang Trung Quốc, Hồng Công… Để đảm bảo chất lượng con giống cũng như chất lượng của đàn cá thương phẩm, anh Sơn tập trung đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng trại giống, ao đầm khang trang. Anh còn mời các kỹ sư thủy sản hợp tác trực tiếp theo dõi tình trạng của cá và hỗ trợ kỹ thuật để việc sản xuất đạt hiệu quả cao.
Nhờ nghề nuôi thủy sản phát triển mạnh, kinh tế của Thị trấn Rạng Đông ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân trở nên khấm khá hơn. Nuôi thủy sản trở thành một trong những thế mạnh mũi nhọn của địa phương. Trong định hướng phát triển nghề nuôi thủy sản năm 2017, Đảng ủy, UBND Thị trấn Rạng Đông tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo củng cố các mô hình nuôi thủy sản, tạo điều kiện để người dân mở rộng vùng nuôi, lựa chọn các đối tượng phù hợp, nghiên cứu tìm kiếm những đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao nhằm đa dạng hóa các đối tượng nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời tích cực phối hợp mở thêm nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản, khuyến khích người nuôi áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, liên kết chặt chẽ với các cơ quan chức năng để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản; khuyến khích các hộ nuôi liên kết, tạo vùng sản xuất tập trung để phát triển nuôi thủy sản bền vững./.
Bài và ảnh:
Thanh Hoa