Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định - Những ký ức hào hùng

07:04, 28/04/2017

Những ngày này, khi qua Khu đô thị Dệt may Nam Định đang trong quá trình xây dựng trở thành khu đô thị khang trang, hiện đại trên nền đất của Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định (nay là Tổng Cty CP Dệt may Nam Định), người dân Thành phố Nam Định không khỏi bồi hồi, xúc động. Những ký ức không thể nào quên về “một thời đạn bom, một thời hào hùng” trong sản xuất và chiến đấu của cán bộ, công nhân Nhà máy càng hun đúc niềm tin về một đô thị phát triển trong tương lai.

Bác Trần Văn Thắng, 68 tuổi, ở đường Hùng Vương (TP Nam Định) - người có gần 30 năm gắn bó với Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định vẫn lưu giữ nhiều tư liệu về nhà máy. Giở quyển sổ ghi chép, bác đọc cho tôi nghe về lịch sử hình thành Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định. Tiền thân là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa của thực dân Pháp; đến năm 1898 thì lập nhà máy tơ chạy bằng hơi nước. Thời Pháp thuộc, Nhà máy có quy mô lớn nhất Đông Dương, trong đó năm 1939 có 3 nhà sợi, 3 nhà dệt, 1 xưởng nhuộm, 1 xưởng chăn, 1 xưởng cơ khí, 1 xưởng động lực. Lịch sử xây dựng và phát triển của Nhà máy gắn chặt với lịch sử cách mạng của Đảng, các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, những trang sử hào hùng của Thành phố Nam Định và của tỉnh Nam Định, là niềm tự hào mãi mãi của người dân trong tỉnh.

Một góc khu đô thị Dệt may Nam Định. Ảnh: Đức Toàn
Một góc khu đô thị Dệt may Nam Định. Ảnh: Đức Toàn

Nhắc đến Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định, bác Vũ Thị Bích Liên, 76 tuổi ở 11/5/51 phố Phan Bội Châu (TP Nam Định) xúc động: “Nhà máy như một phần thân thể của những người công nhân như tôi với 38 năm gắn bó. Kỷ niệm về những phân xưởng sản xuất rộng lớn, tiếng máy tiếng thoi, tiếng còi tầm vang lên mỗi ca làm... cứ luôn thường trực trong tâm trí tôi”. Năm 18 tuổi, cô gái trẻ Vũ Thị Bích Liên vào làm công nhân Nhà máy và được phân về buồng Dệt B. Ngày đó, “3 ca sáng, 2 ca chiều, 2 ca đêm, đổi ca 1 ngày” trở thành nhịp sống của những người công nhân mà mãi sau này về hưu, nhiều người không thể quên được. Công việc vất vả khi hằng ngày tiếp xúc với tiếng ồn và buồng máy nóng như lửa đốt, nhưng cán bộ, công nhân luôn gắng sức sản xuất vì đồng bào cả nước. Khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, trong đó có trọng điểm là Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định, Nhà máy phải sơ tán nhiều nơi; một bộ phận công nhân ở lại vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Các thành viên Đội tự vệ trực chiến của Nhà máy tranh thủ những lúc máy bay giặc ngừng đánh phá thì làm việc, khi có còi báo động thì sẵn sàng chiến đấu, vận chuyển máy móc, thu dọn hậu quả các điểm bị máy bay địch bắn phá. Các phong trào “tay thoi, tay súng”, “tay búa, tay súng”, “đội bom mà sản xuất”, “địch đánh ngày, ta sản xuất đêm”, “địch đánh cả đêm ta sản xuất cả ba ca”… diễn ra sôi nổi. Bác Liên bảo, thật tự hào là công nhân Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định Anh hùng là 3 lần được Bác Hồ về thăm vào các năm 1957, 1959 và 1963. Những lần về thăm của Bác đã cổ vũ, động viên công nhân nơi đây làm việc hăng say hơn, năng suất lao động cao hơn, đưa Nam Định trở thành trung tâm Dệt của cả nước. Là một trong số ít công nhân của Nhà máy được cử sang Bình Nhưỡng (Triều Tiên) để trình diễn kỹ thuật dệt cho công nhân nước bạn học tập, khi về nước, đoàn đã được vào báo công với Bác Hồ. Tấm ảnh chụp hôm báo công với Bác Hồ qua 67 năm vẫn được bác Liên gìn giữ như một báu vật. Còn đối với bác Trần Thị Bình, 64 tuổi ở 8/15 ngõ Chùa Cả, phường Vị Xuyên (TP Nam Định) có 25 năm gắn bó với Nhà máy, những năm tháng làm công nhân của xưởng dệt 2 sơ tán về các xã Nhân Chính, Lý Nhân (Hà Nam) vừa lao động, vừa sẵn sàng chiến đấu không bao giờ phai nhạt trong ký ức. Khó khăn khi xa gia đình, thay đổi nếp sinh hoạt không làm nhụt ý chí, tinh thần của các cán bộ, công nhân Nhà máy. Họ vẫn lao động miệt mài với những ca làm việc mà mỗi người công nhân phải đứng 8-12 máy, đi lại tới 30km, mồ hôi ướt đẫm áo. Vậy nhưng, những chiếc bánh mì, bánh bao bồi dưỡng ca làm đêm, các cô, các chị công nhân đều dành sáng sớm mang về cho các con ở nhà. Nghe tin Nhà máy Liên hợp Dệt rời đi để nhường chỗ cho khu đô thị mới, nhiều lần bác nói chồng, con chở qua ngắm nhìn lại nhà máy với tâm trạng buồn vui lẫn lộn!

Với dã tâm biến miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá, cắt đứt nguồn chi viện cho miền Nam, giành lại vị thế trên chiến trường, giặc Mỹ không tiếc bom đạn ném xuống miền Bắc, các cơ sở kinh tế là những trọng điểm đánh phá, trong đó có Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định. Mỗi lần đánh phá Thành phố Nam Định, địch đều tập trung phần lớn bom đạn đánh vào Nhà máy, có ngày 2, 3 trận. Thời gian này, Nhà máy còn được gọi là “Cồn Cỏ của Thành Nam” để khắc họa rõ nét tinh thần quật cường, chiến đấu gian khổ, không nề hà sự sống chết của bản thân, đảm bảo sản xuất. Năm 1967, công nhân Nhà máy Liên hợp Dệt còn được ca ngợi với hình ảnh đầy tự hào “Đội bom mà sản xuất”. Với ý chí “Địch đến ta đánh, địch chạy ta lại sản xuất”, trong điều kiện gần 80% nhà cửa, 20% máy móc bị phá hủy, trên 168 nghìn ngày công tập trung đánh Mỹ phá hoại; những cán bộ, đảng viên, công nhân vẫn phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch sản xuất. Năm 1967, cả Nhà máy vượt 81.551 mét vải, hoàn thành định mức 1 triệu 74 vạn mét vải trước thời gian quy định. Qua 8 năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược (từ tháng 7-1965 đến tháng 1-1973), dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định đã lãnh đạo đội ngũ công nhân lập nhiều thành tích vẻ vang trong sản xuất và chiến đấu. Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định ở lại sản xuất trên địa bàn thành phố cùng với nhân dân, cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức nhà máy đã dũng cảm đọ sức quyết liệt với 131 trận oanh tạc của đế quốc Mỹ; trong đó có 41 trận bom rơi trực diện vào nhà máy gây thiệt hại nặng nề cả về hạ tầng, máy móc lẫn người. Chúng đã huy động 1.101 lượt máy bay, sử dụng 1.231 tấn bom đạn, gây nhiều tội ác đẫm máu tại các khu vực Hàng Thao, Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định, Ga Nam Định… Tuy kẻ thù đã trút hàng nghìn quả bom, tên lửa xuống các khu vực sản xuất nhưng không thể ngăn cản được từng mét vải từ các máy móc tuôn chảy vào chi viện cho miền Nam. Từ tháng 7-1965 đến tháng 12-1972, máy bay Mỹ đã phá hủy 22% thiết bị máy móc và 70% nhà xưởng, 151 cán bộ, công nhân hy sinh, 197 người bị thương. Tự vệ Nhà máy đã trực tiếp bắn rơi máy bay Mỹ bằng pháo 100 ly, bắt sống giặc lái Mỹ, động viên hàng nghìn thanh niên công nhân lên đường nhập ngũ trực tiếp vào chiến trường chiến đấu, góp phần thắng lợi vào cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hình ảnh Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định sẽ còn lưu mãi trong tâm trí của những người dân Nam Định và những người công nhân ngành dệt may Việt Nam. Bởi vậy, trước khi di chuyển nhà máy ra khỏi trung tâm thành phố, năm 2010, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã tiếp quản, sửa chữa, nâng cấp Nhà truyền thống của Cty CP Dệt Nam Định trở thành Nhà truyền thống ngành Dệt may Việt Nam. Nhà truyền thống được khánh thành giai đoạn I năm 2012 với quy mô 2ha, khu trưng bày 2 tầng, hiện lưu giữ 119 hiện vật khối, 99 hiện vật giấy, 78 hiện vật vải, 674 phim, 389 ảnh, trong đó tầng dưới có 17 máy dệt, sợi. Chị Phạm Thu Hà, hướng dẫn viên Nhà truyền thống ngành Dệt may Việt Nam cho biết: Nhà truyền thống được trưng bày theo 5 chuyên đề: Cơ cấu tổ chức, bộ máy của Tập đoàn Dệt may Việt Nam; Dệt may Việt Nam qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; Bác Hồ với Dệt may Việt Nam; Dệt may Việt Nam với bạn bè quốc tế; Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước với Dệt may Việt Nam”. Ngoài ra, trong khuôn viên Nhà truyền thống có nhà thờ Tổ ngành Dệt may, hào giao thông, ghế đá dưới cây muỗm nơi Bác Hồ ngồi làm việc với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ; khẩu pháo mà các chiến sĩ nữ tự vệ Nhà máy Dệt đã bắn rơi máy bay F4 của Mỹ ngày 22-7-1972... Nhà truyền thống sẽ giới thiệu với du khách quá trình gần 120 năm tồn tại và phát triển của ngành Dệt may Việt Nam, trong đó Nam Định là trung tâm dệt may của cả nước.

Nhằm bảo đảm phù hợp hơn với yêu cầu phát triển của thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, được sự nhất trí chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đã di chuyển khu sản xuất ra KCN Hòa Xá (TP Nam Định) để trên nền đất cũ tiến hành xây dựng Khu đô thị Dệt may Nam Định hiện đại với quy mô 24,8ha. Hiện tại, Cty CP Phát triển đô thị Dệt may Nam Định đã hoàn tất gần 96% khối lượng công việc của giai đoạn 1, bao gồm xây dựng các tuyến đường nội thị, hạ tầng ngầm điện, nước, chiếu sáng đồng bộ đảm bảo có thể đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà ở, văn phòng của hơn 330 lô đất. Trong tháng 4-2017, Cty đã hoàn tất khâu cải tạo, nâng cấp đường Trần Phú, tiến hành thảm nhựa 460m từ nút giao chùa Vọng Cung đến điểm giao cắt với đường Hoàng Diệu. Tiếp tục kết nối khu vực 3 nhà ở chia lô sát sân vận động Cotonkin với đường Trần Đăng Ninh. Trong quý II-2017, Cty sẽ tập trung hoàn thiện các thủ tục để tiếp tục triển khai ngay giai đoạn 2 của dự án Khu đô thị Dệt may Nam Định. Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định thu hồi, giao đất hơn 6,5ha đất sản xuất, kinh doanh của Tổng Cty CP Dệt may Nam Định cho Cty để chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch và triển khai dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị. Trong đó, có hơn 2,5ha đất ở chia lô; 2.391m2 đất ở biệt thự và đất phục vụ xây dựng các hạng mục phụ trợ xã hội như đất nhà văn hóa, đất cây xanh, TDTT, bãi đỗ xe và đất giao thông. Dự kiến kết thúc năm 2017, Cty sẽ tiến hành hoàn thiện và đưa vào sử dụng các khu hạ tầng thuộc giai đoạn 2 đảm bảo kết nối liền mạch 2 tuyến đường Trần Phú và Trần Đăng Ninh.

Di chuyển khu sản xuất ra KCN Hòa Xá là cơ hội để Tổng Cty CP Dệt may Nam Định có vốn đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, thực sự “lột xác” với năng lực sản xuất mạnh hơn, công nghệ hiện đại và đảm bảo môi trường, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Mặt khác, cũng tạo cơ hội để đầu tư chỉnh trang đô thị theo yêu cầu phát triển Thành phố Nam Định thành đô thị trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, tạo một diện mạo mới trên nền đất xưa. Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định, một biểu tượng sống động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của giai cấp công nhân Nam Định./.

Đức Thiện Đức Toàn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com