Ngành Thống kê ngày ấy, bây giờ…

06:04, 28/04/2017

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ngành Thống kê tỉnh đã luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, khẳng định vai trò là cơ quan cung cấp thông tin thống kê chính thống phục vụ sự nghiệp xây dựng cũng như giám sát, kiểm tra thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Một thời để nhớ

Theo giới thiệu của đồng chí Trần Đức Quý, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính (Cục Thống kê tỉnh) chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ ở số 17/38 đường Điện Biên (TP Nam Định) để gặp ông Đào Văn Mão, nguyên Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Nam Định giai đoạn 1997-1999. Điều đầu tiên mà tôi cảm nhận được ở ông chính là sự minh mẫn và rất nhiệt thành mặc dù đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”. Sau khi biết tôi là phóng viên của Báo Nam Định, ông Mão rất vui cho biết hằng ngày vẫn đọc và theo dõi thông tin trên báo tỉnh. Ông Mão sinh năm 1939 tại Thành phố Nam Định. Lớn lên như bao thanh niên khác cùng trang lứa, năm 1956 ông vào làm công nhân tại Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định. Sau 3 năm làm công nhân thì “bất ngờ” ông được chọn cử đi học lớp bổ túc công nông theo chủ trương đào tạo đội ngũ cán bộ trí thức công nông để kế tục đội ngũ cán bộ trưởng thành trong kháng chiến và một số cán bộ được “thu dung”. Như một “cơ duyên” đến với ngành Thống kê bởi sau khi theo học lớp bổ túc được 3 năm, ông Mão thi đỗ vào lớp Điện khí hóa xí nghiệp nhưng khi nhập học thì lại được phân về học lớp Thống kê công nghiệp, Khoa Thống kê, của Trường Đại học Kinh tài. Sau khi tốt nghiệp, năm 1968 ông Mão được về nhận công tác tại Chi cục Thống kê Nam Hà. Mặc dù là một trong số rất ít những cán bộ được đào tạo một cách bài bản, lại được phân về đúng cơ quan chuyên ngành được đào tạo nhưng trong điều kiện đất nước còn chiến tranh, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc thiếu thốn nên ông không tránh khỏi những sự bỡ ngỡ ban đầu. Chính vì vậy, ông luôn tự nhủ phải cố gắng học tập từ lớp cán bộ đi trước để khắc phục hạn chế, đồng thời luôn cẩn thận, tỉ mỉ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được phân công, nỗ lực vận dụng những kiến thức đã được học vào thực tế công việc được giao. Khi mới bước vào ngành cũng là thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc ngày càng ác liệt, địch tăng cường đánh phá các tuyến đường giao thông, phong tỏa cửa sông, mặt biển, các tuyến đường thủy, các cơ sở công nghiệp, các công trình thủy lợi. Đặc biệt Thành phố Nam Định, Thị xã Phủ Lý là các đầu mối quan trọng trên tuyến vận chuyển các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm bằng đường sắt, đường bộ từ hậu phương lớn miền Bắc vào chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam nên trở thành “trọng điểm” đánh phá ác liệt của địch hòng làm tê liệt sức chiến đấu của quân và dân tỉnh nhà. Để đối phó với chiến tranh phá hoại của địch, các cơ quan của tỉnh, trong đó có Chi cục Thống kê Nam Hà phải liên tục sơ tán vào huyện Vụ Bản, rồi lên các xã Nhân Tiến, Nhân Hậu (Hà Nam). Lúc đó cả Chi cục có hơn 30 cán bộ thì chủ yếu ở tản mát trong nhà dân, chỉ khi cần họp bàn, giao ban mới tập trung về trụ sở chính của cơ quan là ngôi nhà lá dựng tạm… Ngày 30-4-1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất trong niềm vui khôn tả của cả dân tộc, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ cuối năm 1975 đến năm 1997, theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, tỉnh ta đã 3 lần sát nhập rồi chia tách. Thời bao cấp, những cán bộ làm thống kê như ông Mão luôn phải đối diện với bao khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần, sự thiếu thốn về phương tiện, trang thiết bị làm việc, nhưng vượt lên tất cả bằng sự yêu nghề, sự đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau đã giúp cho những cán bộ của ngành Thống kê hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Trong cả quá trình công tác của mình với hơn 33 năm gắn bó với ngành Thống kê, điều khiến ông Mão nhớ nhất là những chuyến đi cơ sở để thu thập, nắm bắt và tổng hợp thông tin để hoàn thiện các loại báo cáo và viết các báo cáo chuyên đề. Ngày đó, theo sự phân công của Phòng Thống kê Công nghiệp, bác phải kẽo kẹt cưỡi chiếc xe đạp xuống các huyện Xuân Thủy, Hải Hậu hay vào tận Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô (Ninh Bình), rồi lên Kim Bảng, Duy Tiên (Hà Nam); đến từng xí nghiệp, hợp tác xã hay những cơ sở làm nghề cơ khí, sản xuất tiểu thủ công nghiệp… để nắm tình hình, khai thác thông tin thống kê. Mỗi lần đi công tác phải dậy từ 2-3 giờ sáng, với hành trang là chiếc bút và quyển sổ tay cho vào chiếc túi sà cột được may bằng vải bạt rồi đạp xe không kể nắng mưa, rét buốt; chuyến công tác nhanh cũng phải 5-7 ngày, dài thì đến cả tháng trời mới về nhà. Vất vả, khó khăn là vậy nhưng mỗi chuyến đi cơ sở luôn rất vui vì được người dân, cán bộ ở cơ sở trân trọng, quý mến, đùm bọc. Trở về nhà, ông lại cặm cụi bên những chiếc máy tính quay tay do Đức, Tiệp Khắc trang bị để tính toán, lập bảng biểu thống kê theo yêu cầu của cơ quan, các ngành chức năng và của tỉnh…

Đồng chí Nguyễn Văn Liệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trao tặng Bằng khen của Bộ KH và ĐT cho tập thể lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành.
Đồng chí Nguyễn Văn Liệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trao tặng Bằng khen của Bộ KH và ĐT cho tập thể lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành.

Sẵn sàng với những yêu cầu, nhiệm vụ mới

Theo từng giai đoạn lịch sử phát triển của tỉnh ta, ngành Thống kê luôn bám sát yêu cầu và nhiệm vụ chính trị được giao, toàn ngành đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, thu thập thông tin phản ánh sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Được sự quan tâm của Tổng cục Thống kê, của tỉnh, Cục Thống kê tỉnh đã từng bước đầu tư trang bị các loại máy tính hiện đại, máy in kim, in laser, máy photocopy và thành lập Trung tâm Dịch vụ tính toán là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục đảm nhiệm việc xử lý thông tin trong ngành, xử lý tài liệu các cuộc điều tra, tổng điều tra dân số, in ấn văn bản… Tiếp tục “đồng hành” đi lên cùng đất nước, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ thông qua việc ban hành hệ thống các văn bản, nhất là Luật Thống kê đã tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho ngành Thống kê và các hoạt động thống kê có điều kiện củng cố, phát triển về mọi mặt. Trải qua hơn 60 năm thành lập và phát triển, đến nay ngành Thống kê tỉnh đã có một hệ thống tổ chức bộ máy, cơ cấu cán bộ tương đối hoàn chỉnh từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn được đào tạo cơ bản, có trình độ, kinh nghiệm công tác với cơ sở vật chất, phương tiện làm việc được tăng cường và hoàn thiện. Hiện nay, ngành đã đủ năng lực hoàn thành đầy đủ các báo cáo nhanh, báo cáo thống kê định kỳ đối với Tổng cục Thống kê và đáp ứng yêu cầu thông tin thống kê của ngành và phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, ngành và các địa phương cũng như người dân trong tỉnh. Các loại báo cáo thống kê kinh tế - xã hội hằng tháng, hằng quý, 6 tháng và cả năm bảo đảm kịp thời, đủ số lượng và sát tình hình thực tế của tỉnh, trở thành tài liệu phục vụ các cuộc họp kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương. Niên giám thống kê của tỉnh hằng năm được tập trung biên soạn và phát hành kịp thời, đáp ứng yêu cầu sử dụng thông tin của các cấp, các ngành và các đối tượng sử dụng. Tổ chức thực hiện đầy đủ các cuộc điều tra thường xuyên trong chương trình công tác của Tổng cục Thống kê.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, Cục Thống kê tỉnh sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt các báo cáo nhanh về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm đủ số lượng, đúng thời gian và từng bước nâng cao chất lượng. Tăng cường công tác phân tích và dự báo thống kê tình hình kinh tế - xã hội, nhất là các chỉ tiêu ước tính cả năm. Tích cực triển khai thực hiện các nội dung trong Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê. Tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung nâng cao chất lượng cũng như hình thức các sản phẩm thống kê phục vụ kịp thời yêu cầu của ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng thông tin thống kê. Trong đó chú trọng tới các sản phẩm thống kê: Niên giám thống kê huyện, thành phố; tờ gấp số liệu thống kê chủ yếu 6 tháng và cả năm; báo cáo thống kê kinh tế - xã hội hằng tháng, các bảng số liệu, kết quả các cuộc điều tra… Để hoàn thành các mục tiêu trên, Cục Thống kê tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các địa phương về việc thực hiện thông tin số liệu thống kê. Tổ chức tập huấn về công tác thông tin thống kê cho đội ngũ cán bộ thống kê của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và của ngành về hệ thống các chỉ tiêu thống kê quốc gia, tỉnh, huyện, xã. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Thống kê tại các hội nghị nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác thống kê, sự cần thiết, những nội dung chủ yếu của Luật, đặc biệt là vấn đề quản lý Nhà nước trong hoạt động thống kê, góp phần tăng cường năng lực của toàn bộ hệ thống thống kê từ khâu thu thập, xử lý, truyền đưa, lưu giữ, biên soạn, phân tích và công bố thông tin thống kê. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng số liệu thống kê, tích cực nắm bắt tình hình và khai thác tốt kết quả các cuộc điều tra vào quá trình thực hiện các báo cáo. Cùng với đó, Cục Thống kê tỉnh cũng chú trọng đầu tư xây dựng và từng bước hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm phục tốt nhiệm vụ công tác chuyên môn của ngành. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê” và Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đẩy mạnh công tác tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ của ngành và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình trong các cuộc điều tra, thu thập tổng hợp các chỉ tiêu thống kê. Tập trung đổi mới phương pháp điều tra, thống kê nhằm nâng cao chất lượng số liệu thống kê. Thực hiện các cuộc điều tra thống kê nghiêm túc, đúng quy trình, trình tự theo quy định và hướng dẫn của Tổng cục Thống kê. Quan tâm chỉ đạo các hoạt động thu thập thông tin đầu vào, trong đó đặc biệt chú trọng đến tổ chức các cuộc điều tra. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cuộc điều tra thống kê. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố trong việc điều tra thống kê, xử lý các số liệu thống kê./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com