Vừa qua, Báo Nam Định nhận được đơn thư của nhiều bạn đọc ở xóm 1, xóm 2 và xóm 7, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) phản ánh việc UBND xã triển khai xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt tại khu vực Tam Tòa và An Phú mà không thông tin đầy đủ cho người dân biết nên nhân dân đã phản đối quyết liệt vì lo ngại ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hiện tại của mình cũng như các thế hệ con cháu sau này…
Từ những “lo ngại” của người dân…
Để tìm hiểu sự việc, sáng ngày 30-3-2017, phóng viên Báo
Nam Định đã có mặt tại nhà anh Mai Văn Chín ở xóm 1, xã Nghĩa Trung. Ngay khi biết thông tin chúng tôi có mặt tại địa phương, hàng trăm người dân ở các xóm 1, 2, 7 và cả một số người dân ở xã Nghĩa Sơn đã có mặt để phản ánh sự việc. Theo phản ánh của người dân thì 7h sáng 29-3-2017, UBND xã Nghĩa Trung đã huy động các lực lượng chức năng cùng doanh nghiệp chuyên xây dựng tại địa phương tiến hành triển khai thi công các hạng mục công trình của lò đốt rác xã Nghĩa Trung. Tuy nhiên, người dân các xóm nằm liền kề với vị trí được xác định xây dựng lò đốt rác đã không đồng ý nên đã xảy ra va chạm khiến 3 người gồm anh Nguyễn Xuân Phúc và các chị Vũ Thị Thê, Ngô Thị Hà đều ở xóm 7 phải đi bệnh viện cấp cứu. Sự việc giằng co diễn ra suốt từ 7h sáng đến hơn 13h chiều mới kết thúc khi đơn vị thi công buộc phải rút lui trước sự phản đối quyết liệt của nhân dân. Cùng với người dân ra tìm hiểu tại thực địa, chúng tôi nhận thấy vị trí được chọn xây dựng lò đốt rác là khu đất ruộng khá màu mỡ, nằm ngay sát chân đê tả Đáy thuộc khu vực Tam Tòa và An Phú. Qua quan sát, chúng tôi thấy trên diện tích rộng gần 2.000m
2, đất đã được đào đắp thành bờ bao xung quanh; về phía nam cách khoảng hơn 20m là một khu nghĩa trang và cách khu dân cư khoảng hơn 250m; về phía bắc cách một nghĩa trang khác khoảng 320m và cách khu dân cư khoảng hơn 300m; toàn bộ phía đông là cánh đồng canh tác 2 vụ lúa của người dân. Có mặt tại đây, bác Nguyễn Văn Phang năm nay 83 tuổi, là đảng viên, thương binh ở xóm 7 bức xúc: “Tôi chưa bao giờ thấy chính quyền lại hành xử với người dân như ở Nghĩa Trung khi chưa quan tâm lắng nghe và xem xét thấu đáo những nguyện vọng chính đáng của người dân đã tiến hành thi công xây dựng công trình lò đốt rác. Việc quan trọng như vậy cần phải có sự bàn bạc kỹ lưỡng, xem xét cẩn trọng mọi vấn đề liên quan thì hãy tiến hành, chứ làm như xã đang làm không thể chấp nhận được…”.
|
Nhiều người dân phản ánh sự việc với phóng viên Báo Nam Định tại thực địa. |
… Đến nguyên nhân dẫn đến sự không đồng thuận
Theo người dân thì nguyên nhân dẫn đến việc phản ứng quyết liệt như trên là do vị trí xây dựng lò đốt rác nằm gần sát khu dân cư, 2 khu nghĩa địa; cách xa hơn một chút về phía xã Nghĩa Sơn lại có nhà máy nước sạch đang được xây dựng, nếu đặt khu xử lý rác thải tại đây mà không xử lý tốt thì rất có thể sẽ làm nguồn nước bị ảnh hưởng và người dân địa phương sẽ là những người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả. Bên cạnh đó, khi triển khai xây dựng một công trình có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của người dân mà chính quyền xã không tổ chức họp dân một cách nghiêm túc để lắng nghe ý kiến phản ánh, những tâm tư nguyện vọng của họ. Bác Hoàng Thị Nhìu ở xóm 1 khẳng định: “UBND xã đã không đứng ra mà lại giao cho ông Trần Minh là trưởng thôn đứng ra tổ chức họp dân, dân chất vấn nhưng lãnh đạo thôn không trả lời được. Khi đó nhân dân đề nghị lãnh đạo xã đến họp để giải đáp những vấn đề mà người dân còn băn khoăn, thắc mắc thì lãnh đạo xã không đến. Sau đó, UBND xã tiếp tục tổ chức mời chúng tôi đi tham quan mô hình lò đốt rác tại huyện Vũ Thư (Thái Bình) nhưng chúng tôi không tham gia vì mất niềm tin với chính quyền”. Trên hết và sâu xa hơn dẫn đến những phản ứng tiêu cực của người dân chính là việc tại xóm 11 và 12 hiện vẫn đang tồn tại một bãi rác rộng tới 7.200m
2 (khu vực Liêu Hải) đã bị người dân “đóng cửa” vì gây mùi sú uế, mất vệ sinh. Nguyên do dẫn đến tình trạng trên là sau khi cơn bão số 1 năm 2016 đổ bộ vào địa bàn tỉnh ta đã làm phần lớn bờ tường bao xung quanh và công trình phụ trợ của bãi rác này bị sụt đổ, hư hại. Tuy nhiên chính quyền xã Nghĩa Trung không chỉ đạo các lực lượng chức năng thu dọn, khắc phục hậu quả để tiếp tục sử dụng bãi rác này. Không quản lý, vận hành tốt nên người dân đã tự ý xả thải bừa bãi gây nên tình trạng như đã nói ở trên. Trước tình trạng bãi rác gây ô nhiễm, người dân các xóm 8, 11 và 12 đã chặn không cho xe cũng như người dân trong xã vào đổ rác tại bãi rác này dẫn đến tình trạng rác ùn ứ, khiến chính quyền xã Nghĩa Trung phải nhờ các xã lân cận cho đổ rác nhờ. Theo đồng chí Dương Đức Thịnh, Phó trưởng Phòng TN và MT huyện Nghĩa Hưng, nếu quản lý tốt và tổ chức vận hành đúng quy trình thì bãi rác này hoàn toàn có thể sử dụng được trong vòng từ 1 đến 2 năm nữa. Nhìn nhận và đánh giá từ thực tế bãi rác tại khu vực Liêu Hải, người dân các xóm 1, 2 và 7 “lo ngại” sẽ lại có một bãi rác tương tự nữa “mọc lên” ở địa bàn mình nên đã quyết liệt phản đối!?. Vẫn theo bác Nhìu và một số người dân khác thì “Với một xã quy mô loại II thì có nhất thiết trên địa bàn phải cùng lúc có 2 khu xử lý rác?. Và, nếu nhất định phải xây dựng khu xử lý rác thải mới, chúng tôi đề nghị UBND xã nên đầu tư củng cố lại bãi rác khu vực Liêu Hải, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, gây lãng phí tiền của của Nhà nước và người dân, trong khi ngân sách địa phương đang còn hạn hẹp”.
Những mong mỏi, băn khoăn lo lắng của người dân địa phương cũng rất cần được quan tâm, xem xét và giải quyết một cách “thấu tình, đạt lý”. Song “cái khó” của cấp ủy, chính quyền trước thực tế địa phương cũng cần được người dân chia sẻ. Tại buổi làm việc với chúng tôi, đồng chí Phạm Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung cho biết: Việc lựa chọn vị trí xây dựng lò đốt rác đối với chúng tôi rất khó khăn vì xã chỉ rộng 4km
2, địa thế gần như là hình vuông. Được huyện ủy, UBND huyện ủng hộ, sự giúp đỡ của các ngành chức năng của huyện, qua khảo sát và tính toán cụ thể, chúng tôi thấy vị trí đã lựa chọn là phù hợp nhất. Còn khu đất ngoài bãi sông thì không thể xây dựng vì vi phạm hành lang bảo vệ đê. Đối với kiến nghị của một số người dân tại sao xã không tiếp tục xây dựng ở khu vực bãi rác cũ, đồng chí Chủ tịch UBND xã giải thích: Vị trí bãi rác cũ ở khu vực Liêu Hải hiện đã bị ô nhiễm, lại nằm gần khu dân cư, hơn nữa mật độ dân cư ở đây vừa đông, vừa tập trung hơn các vị trí khác. Vì vậy xã quyết định lựa chọn vị trí xây dựng lò đốt rác tại xóm 1. Vẫn theo đồng chí Thắng thì việc người dân phản ứng là do chính quyền còn thiếu sót khi trong quá trình triển khai, kế hoạch xây dựng lò đốt rác mới chỉ bàn thảo, thống nhất trong cấp ủy, chính quyền, chưa tổ chức họp bàn và lấy ý kiến người dân một cách cụ thể… Thậm chí, theo lãnh đạo Phòng TN và MT huyện xác nhận với phóng viên, chính quyền xã Nghĩa Trung tiến hành thi công xây dựng công trình mà chưa hoàn thiện các phương án quan trắc, đánh giá tác động môi trường, chưa hoàn thiện các thủ tục giải phóng mặt bằng… được cấp có thẩm quyền phê duyệt!? Cũng tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Những hạn chế này đang được xã tích cực triển khai khắc phục. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi người dân, từ đó tạo sự đồng thuận và chia sẻ với chính quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường ở địa phương.
Thay cho lời kết
Chủ trương nhất quán và xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của huyện ủy, UBND huyện Nghĩa Hưng là phải làm tốt công tác môi trường của tất cả các xã, thị trấn, bảo đảm đạt tiêu chí NTM về môi trường. Vì vậy, việc xây dựng công trình xử lý rác thải ở các địa phương là cần thiết và xã Nghĩa Trung cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, những việc làm có phần “nóng vội”, thiếu bài bản của chính quyền xã Nghĩa Trung đã đẩy sự việc rất bình thường rơi vào tình trạng khó khăn, người dân căng thẳng, đối đầu với chính quyền. Bài học ở xã Nghĩa Trung cần được các địa phương khác trong tỉnh xem xét, rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện tốt hơn tại địa phương mình, góp phần hoàn thành tiêu chí về môi trường - một trong những tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng NTM./.
Bài và ảnh:
Khôi Nguyên