Nhìn lại vụ đông "nhiều" khó

06:03, 13/03/2017

Vụ đông năm 2016 triển khai trong điều kiện thời tiết nóng, hạn nên các loại cây ưa nhiệt được mùa trong khi các loại cây ưa lạnh, nhất là cây khoai tây, gặp rất nhiều khó khăn. Toàn tỉnh gieo trồng 11.527ha, đạt 88% kế hoạch. Diện tích của một số cây trồng chính: ngô 2.027ha, khoai lang 349ha, cà chua 704ha, bí xanh 790ha, dưa chuột 154ha, khoai tây 1.937ha… Các địa phương có diện tích gieo trồng lớn là: Hải Hậu 2.265ha, Giao Thủy 2.000ha, Ý Yên 1.860ha, Nghĩa Hưng 1.420ha…

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT và các huyện, thành phố đã tập trung chỉ đạo, tích cực triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất vụ đông; thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn; tổ chức nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn quy trình gieo trồng các cây vụ đông cho các hộ nông dân ngay từ đầu vụ; phân công cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn để hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng; tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây vụ đông. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển các loại cây ưa nhiệt như: ngô, khoai lang, bí xanh, bí đỏ…; tập trung mở rộng một số loại cây thực sự có hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ trên đất 2 lúa; không làm vụ đông theo phong trào; xây dựng và nhân rộng nhanh các mô hình sản xuất “Cánh đồng liên kết chuỗi giá trị” và các mô hình sản xuất nông sản sạch, an toàn. Ðể giúp các địa phương chủ động tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông, Sở NN và PTNT phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, mời các doanh nghiệp chế biến nông sản bàn giải pháp tiêu thụ cho nông dân. Ðã xuất hiện một số mô hình liên kết như: Ðại lý Loan Chinh (Hải Hậu) liên kết với nông dân Thị trấn Thịnh Long và xã Hải An sản xuất 20ha rau an toàn; Cty Orion Việt Nam liên kết với 4 xã của huyện Nam Trực sản xuất 20ha khoai tây Atlantic; Cty Toản Xuân liên kết với xã Yên Nhân (Ý Yên) sản xuất 10ha khoai tây sạch… Hầu hết các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người nông dân yên tâm sản xuất. Trong vụ đông năm 2016, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã triển khai thực hiện 2 mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản tại Trung tâm Giống cây trồng tỉnh và xã Giao Phong (Giao Thủy). Quy mô mỗi mô hình là 1.000m2 tập trung vào các loại rau: bắp cải, su hào, cải củ, cải bó xôi, rau diếp... Mô hình đã khẳng định một số ưu điểm như: kỹ thuật dễ thực hiện, sản phẩm thu được đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, không gây ô nhiễm môi trường, độ phì của đất được duy trì, hiệu quả và năng suất cao hơn so với phương pháp truyền thống. Bên cạnh đó, mô hình còn góp phần tạo chuyển biến cả về nhận thức và hành động của nông dân, giúp họ hiểu được trong sản xuất, kinh doanh chất lượng sản phẩm là điều tiên quyết và sống còn để duy trì sự phát triển. Ðồng thời thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, mang lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu cho ngành trồng trọt và góp phần bảo vệ người tiêu dùng. Ðây là mô hình cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Nông dân xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) thu hoạch cà chua đông.
Nông dân xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) thu hoạch cà chua đông.

Ðến nay, bà con nông dân trong tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong cây vụ đông. Ðây là một vụ đông nóng, hạn nên các loại cây ưa nhiệt như: ngô, đậu tương, cà chua, bí xanh… gặp nhiều thuận lợi; các loại rau như: cải bắp, su hào, rau ăn lá… năng suất khá. Tuy nhiên theo phản ánh của nhiều hộ nông dân tại các vùng đồng màu thì giá bán tại ruộng của các loại cây không cao, thậm chí có thời điểm giá xuống thấp nên hiệu quả sản xuất đem lại cho nông dân kém hơn so với mọi năm, nhất là tại thời điểm thu hoạch rộ. Rau cải bắp đầu vụ giá đạt từ 5.000-6.000 đồng/cây nhưng có thời điểm xuống chỉ còn 3.000 đồng/cây; su hào giá bán đầu vụ đạt 4.000-5.000 đồng/củ, song đến giữa vụ giá bán 1.500-2.000 đồng/củ… Thậm chí cà chua thời điểm đầu vụ giá trên 10 nghìn đồng/kg, đến gần Tết Nguyên đán giảm chỉ còn 2.000 đồng/kg. Trong khi đó, các cây trồng ưa lạnh năng suất thấp hơn so với mọi năm, nhất là cây khoai tây. Do thời tiết ít mưa, là vụ đông hạn nên bệnh héo xanh, sương mai xuất hiện muộn và nhẹ hơn mọi năm. Thân lá khoai tây phát triển tốt nhưng khả năng tích lũy củ kém. Bà Triệu Thị Lan, xóm 7, xã Nam Hoa (Nam Trực) cho biết: “Gia đình tôi trồng 2 sào khoai tây. Mọi năm năng suất khoai tây thường đạt 4-5 tạ/sào, tuy nhiên năm nay khoai củ nhỏ, năng suất chỉ đạt 3 tạ/sào. Không những năng suất thấp, giá khoai tây cũng chẳng cao. Mọi năm ở thời điểm mới thu hoạch này chúng tôi thường bán với giá trên 10 nghìn đồng/kg nhưng ở vụ này giá bán khoai tây tại ruộng chỉ từ 6.000-7.000 đồng/kg”. Bà Nguyễn Thị Xuân ở xã Liên Bảo (Vụ Bản) 3 sào trồng khoai tây, năng suất thậm chí chỉ 2 tạ/sào. Bà Xuân cho biết, chi phí sản xuất khoai tây rất lớn mà năng suất và giá bán như hiện tại thì bà hầu như không có lãi. Có thể nói, sau vụ đông 2015, vụ đông năm nay tiếp tục là vụ đông không thuận lợi đối với cây khoai tây khi năng suất thấp, giá bán không cao.

Không chỉ gặp khó về giá cả, vụ đông 2016 còn nhiều tồn tại, hạn chế. Diện tích gieo trồng thấp hơn so với mọi năm, tập trung nhiều trên đất màu, trong đó diện tích trồng trên đất 2 lúa chỉ đạt 2.452ha. Tại một số vùng có truyền thống trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa ở các huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu diện tích giảm. Một số xã của Nghĩa Hưng đã luân canh cả 3 vụ trong nhiều năm nên đất không được ải, trong vụ này tập trung cày ải để bồi dưỡng đất nên không trồng cây vụ đông. Tại một số xã Liên Minh, Thành Lợi (Vụ Bản)…, diện tích vụ đông giảm do thiếu lao động khi nhiều lao động trẻ chuyển sang làm tại các doanh nghiệp trong các KCN có thu nhập ổn định và cao hơn. Một số loại cây hiệu quả kinh tế thấp diện tích giảm mạnh; cây đậu tương các năm trước diện tích gieo trồng luôn đạt trên dưới 1.000ha, năm nay chỉ còn 41ha. Nguyên nhân do những năm qua vụ đông ngày càng gặp nhiều khó khăn bởi biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường, ngày càng khắc nghiệt với cây trồng. Bên cạnh đó thu nhập từ sản xuất vụ đông nhìn chung còn thấp hơn với các công việc khác nên một bộ phận người dân ít quan tâm, không thiết tha làm vụ đông, do vậy việc phát động mở rộng diện tích cây vụ đông gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương chưa quyết tâm cao, chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt nên có những diện tích lúa mùa thu hoạch sớm nhưng không phát triển được sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa. Các vùng sản xuất vụ đông mặc dù đã được quy hoạch nhưng không được gieo trồng tập trung nên việc tạo nguồn tưới nước cho cây trồng gặp nhiều khó khăn. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất vụ đông hàng hóa ở một số nơi chưa thực hiện tốt; một số mô hình còn triển khai tùy tiện, không đúng kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Mặc dù các ngành Nông nghiệp, Công thương đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, tuy nhiên số lượng các doanh nghiệp, HTXDVNN hoặc các tổ hợp tác tham gia tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông còn quá ít. Chưa có nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng.

Vụ đông 2016 là vụ “được mùa, mất giá”, riêng với cây khoai tây còn không được mùa, không được giá nên hiệu quả sản xuất của nông dân không cao. Và mục tiêu phát triển sản xuất vụ đông hàng hoá tập trung, bền vững nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân tiếp tục là bài toán khó đặt ra cho ngành Nông nghiệp và các địa phương trong những vụ tiếp theo./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com