“Không bảng, không phấn, không bục giảng. Giáo án không, chỉ có một tấm lòng”,“cô giáo” trẻ Nguyễn Thị Ngọc Tâm đã miêu tả về lớp học của mình bằng những vần thơ như thế. Bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, phải nghỉ học từ năm lên lớp 9, nhưng “cô giáo Tâm” vẫn miệt mài lên lớp mỗi ngày. Với mong muốn được sống một cuộc sống có ích gần 10 năm trước, Tâm đã mở lớp học miễn phí kèm cặp cho những học sinh nghèo.
Lớp học “ba không”
Lọt lòng mẹ, Nguyễn Thị Ngọc Tâm, sinh năm 1990, thôn Trại 4, Yên Quang (Ý Yên) đã phải gánh chịu số phận không may mắn, bị mắc bệnh xương thủy tinh. Một chân của Tâm còn bị ngoặt lên trên bụng không thể duỗi thẳng. Ngày Tâm chào đời, bố mẹ Tâm chỉ biết ứa nước mắt nhìn con. Chạy vạy khắp nơi, họ đưa Tâm lên Bệnh viện Nhi Thụy Điển phẫu thuật chân. Sau lần phẫu thuật đó, chân Tâm đã duỗi thẳng nhưng vẫn không đi lại được. Đến tuổi đi học Tâm đã khóc khi nhìn bạn bè đồng trang lứa tung tăng cắp sách đến trường. Riêng Tâm, cô bé tự ý thức, việc đi học sẽ cực kỳ khó khăn bởi ai mắc bệnh xương thủy tinh cũng rất dễ bị gãy xương, đi học càng thêm phần nguy hiểm. Nhưng không vì vậy mà nản lòng, Tâm tha thiết xin bố mẹ, ông bà cho đi học. Thấy con gái buồn bã khi không thể đến trường, bố mẹ Tâm động viên nhau trong lo sợ: “con đã muốn đến trường, không thể không cho con đi học”. Trên chiếc xe đạp cà tàng, ngày ngày mẹ rồi ông ngoại thay nhau chở Tâm đến trường. Cặp sách mới, những con đường khúc khuỷu đầy ổ gà mỗi sáng mai còn in vội dấu sương trên bánh xe đạp nối ước mơ được đi học của cô gái nhỏ. “Em đi học được là một sự cố gắng vô cùng lớn không chỉ của em mà của cả gia đình. Họ là những người động viên, giúp đỡ, cổ vũ… cho em. Em tự hứa với bản thân sẽ trở thành một cô giáo, để có thể giúp đỡ được nhiều học sinh hơn. Để, nếu ở đâu đó có một cô bé như em, cũng có thể đến trường, cũng nhận được những tình cảm, những sự giúp đỡ chân thành như em”, Tâm nói. Không qua bậc học mầm non, Tâm vào thẳng lớp 1 mà chưa biết một chữ cái… Những ngày đầu đến lớp, Tâm chỉ biết ngồi im vì không biết đọc, biết viết. Có lẽ, mọi người trong gia đình Tâm cũng không kỳ vọng nhiều ở việc học hành của em. Chỉ là để Tâm đỡ buồn. Nhưng em không nghĩ thế, Tâm đến lớp để đi học. Bố Tâm thấy con gái hằng ngày hì hục, khó nhọc luyện từng con chữ thì xin nghỉ việc tạm thời ở nhà dạy Tâm đọc và viết. Chỉ sau 2 ngày, Tâm đã thuộc lòng bảng chữ cái. Cứ như thế, chương trình lớp 1 rồi lớp 2, lớp 5, lớp 9 được hoàn thành, trong đó nhiều năm đạt danh hiệu học sinh giỏi. Tuy nhiên, để hiện thực hóa ước mơ của mình, Tâm cũng phải “trả giá” không ít. Sức khỏe của em ngày càng yếu đi. Cộng với việc lên cấp 3, trường quá xa nhà, Tâm không thể tiếp tục đi học nữa.
Nghỉ học nhưng con đường tới trường của Tâm không vì thế mà kết thúc. Thay vì đến trường, Tâm có cách để thực hiện ước mơ được “đứng trên bục giảng” riêng. Đó là khi những học sinh nhỏ tuổi hàng xóm láng giềng vẫn sang nhà Tâm chơi, nhờ chị Tâm giảng bài. Ban đầu là vài ba đứa trẻ, sau đông hơn. “Chúng mang tất cả các loại vở bài tập sang nhà em học, hỏi em những bài mà chúng không hiểu. Em cặn kẽ ngồi giải thích, hướng dẫn từng bài tập một. Có lẽ do thấy dễ hiểu nên ngày càng có nhiều học sinh đến “học” em hơn, phụ huynh thì hoàn toàn tin tưởng”, Tâm cười kể về “lớp học” đầu tiên của mình. Thế rồi, cái lớp học “tự phát” ấy cứ đông dần thêm, to dần ra cho đến ngày “cô giáo” trẻ chính thức… nghỉ học thì quy mô đã lớn hơn nhiều. Vào những dịp nghỉ hè, Tâm ngày 2 buổi, 8 tiếng “lên lớp”. Tổng số học sinh dịp này lên đến khoảng 40 em. Buổi sáng Tâm dạy cho các em học sinh cấp 1, buổi chiều dạy các bạn học cấp 2. Giáo án là sách giáo khoa, lý thuyết và bài tập căn cứ trên sách giáo khoa mà giảng, từ đó rồi nâng cao dần lên. Vào năm học, Tâm dặn học sinh mang theo thời khóa biểu để học cho kịp tiến độ trên lớp. Hiện, cô giáo trẻ đang kèm cặp cho khoảng 30 học sinh. Tất cả học sinh đến lớp đều được miễn hoàn toàn “học phí”. Hỏi Tâm, em lấy sức đâu mà mỗi ngày đều đặn lịch dạy học như thế? Tâm cười: “Em đã nghe rất nhiều người hỏi như vậy. Hiện nay, hằng ngày em đều phải uống thuốc để duy trì. Nhưng thuốc uống cứ uống, lên lớp cứ lên thôi”, Tâm cười lớn. Bởi, với Tâm, “không phải bạn sống lâu hay ít trên đời. Quan trọng là bạn có sống vui hay thấy cuộc đời có ý nghĩa hay không”. Tâm hạnh phúc vì mỗi ngày có thể làm việc, có thể giúp đỡ người khác. Tâm vui vì bao nhiêu năm qua đi, có những học sinh, Tâm không còn nhớ rõ tên, mỗi lần Tết, mỗi lần hè đều về thăm cô, thăm “chị”, cùng ngồi ôn lại những kỷ niệm ngày đến nhà cô học…
|
“Cô giáo” Nguyễn Thị Ngọc Tâm, thôn Trại 4, Yên Quang (Ý Yên) trong giờ “lên lớp”. |
Thủy tinh màu lấp lánh
“Tuổi thơ em không được vẹn tròn. Khi em ra đời, đôi chân không duỗi thẳng. Di chứng chiến tranh, nỗi đau dai dẳng ngấm vào thịt xương, dân tộc, giống nòi. Tuổi thơ em cay đắng thiệt thòi. Không được nhảy dây, hái hoa, bắt bướm”… (Tuổi thơ). Có dịp đọc những dòng thơ viết tay của Nguyễn Thị Ngọc Tâm, chúng tôi rất cảm động. Đấy là những câu thơ “tự sự”, những câu thơ đơn giản kể về một cuộc sống không hề đơn giản, nhiều thiệt thòi, luôn tự tranh đấu. Tranh đấu với bệnh tật, với những cơn đau và có thể cả những tự ti. Nhưng, ngay sau đó, trong một bài thơ khác Tâm lại viết:
“Tôi và bạn cùng chung số phận. Cùng sinh ra, cùng chịu những thiệt thòi. Dù chúng ta mỗi đứa một phương trời. Nhưng bạn hỡi! Hãy cùng nhau cố gắng”… Đó còn là lời tự dặn lòng của Tâm với chính mình và với cả những ai có hoàn cảnh như em. Những lúc rảnh rỗi, những khi buồn, Tâm có thói quen lấy giấy bút viết ra những điều mình nghĩ. Lấy cảm hứng từ chính cuộc sống của mình, từ niềm vui, nỗi buồn hằng ngày. Đến nay Tâm đã sáng tác được khoảng 30 bài thơ đăng trên một số báo. Ngoài thơ, Tâm còn viết truyện ngắn. Trong đó, năm 2011 với truyện ngắn
“Mơ ước” của cô bé khuyết tật đạt giải khuyến khích trong cuộc thi
“Tôi có một ước mơ” do kênh VTV6 Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức; Năm 2014, Báo Du học tổ chức cuộc thi
“Con yêu mẹ 2014”, bài dự thi
“Thư từ đứa con gái xương thủy tinh” của Tâm đạt giải Bài dự thi cảm động nhất. Còn trong cuộc thi cảm nhận về cuốn sách
“Hạt giống tâm hồn năm 2015”, bài viết
“Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ” của Tâm cũng được ban tổ chức cuộc thi đánh giá là một trong những bài viết tốt nhất. “Viết, đối với em, như một cách để giải tỏa cảm xúc, để được giãi bày, để tự động viên mình và động viên những người cùng cảnh ngộ” Tâm chia sẻ. Nhìn những trang giấy học trò phẳng phiu ghi những bài thơ được làm từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường của Nguyễn Thị Ngọc Tâm, tôi mới hiểu, những bài thơ, truyện ngắn chắc chắn chỉ để ghi ra giấy thôi cũng đã tốn bao công sức, nhọc nhằn. Vậy mà mỗi lần có chút nhuận bút, Tâm lại trích số tiền ít ỏi mua thêm sách vở tặng các học sinh đạt thành tích học tập cao trong lớp. Hoặc để mua thêm tài liệu, giáo trình nâng cao kiến thức.
Tạm biệt lớp học của cô giáo trẻ khi trời chiều mùa đông đã tắt nắng. Chưa dứt cơn ho, Tâm vẫy tay tiễn chúng tôi ra về. Nhìn lại bóng dáng nhỏ nhắn ấy, tôi chỉ mong cho em thật nhiều sức khỏe để thực hiện ước mơ của em mỗi ngày. Tâm trấn an tôi bằng câu nói lúc mới gặp mặt: con người ta, quan trọng không phải là sống lâu hay ít trên đời, mà phải cảm thấy vui, thấy ý nghĩa với cuộc sống này. Dẫu là vậy, khi nhìn về phía cô gái có cái tên rất đẹp, rất “Tâm” ấy, vẫn cứ thấy cảm giác lo lắng, bất an. Thế rồi, nhìn lại dãy bàn với những chiếc ghế nhựa còn chưa kịp sắp xếp lại sau buổi học, tôi bỗng tin, cuộc đời đang bù đắp lại cho em một thứ còn tốt đẹp, đáng để chúng ta ngưỡng mộ hơn: đó là cái tâm, là nghị lực sống luôn tỏa sáng./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hoa Xuân