Tái đàn vật nuôi gắn với phòng, chống dịch bệnh

09:02, 28/02/2017

Như thường lệ, sau Tết Nguyên đán là thời điểm người chăn nuôi tập trung tái đàn gia súc, gia cầm để ổn định chăn nuôi và chủ động về nguồn cung thực phẩm. Hiện người chăn nuôi đang tập trung chăm sóc con giống, phát triển đàn mới nhanh chóng ổn định tổng đàn. Tuy nhiên đây cũng đang là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát nên các hộ chăn nuôi cần tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Trong năm, dịch cúm gia cầm đã phát sinh tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Từ ngày 10-12-2016 đến ngày 18-2-2017 đã xảy ra dịch cúm gia cầm tại các xã Giao Tiến (Giao Thủy), Minh Tân (Vụ Bản), Trực Nội và Trực Thuận (Trực Ninh). Tổng số gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy gần 10 nghìn con. Nguyên nhân dịch xảy ra được xác định là do mầm bệnh tồn tại sẵn trong cơ thể gia cầm và trong môi trường nuôi, khi gặp điều kiện môi trường thuận lợi đã phát triển, gây bệnh. Bên cạnh đó, người chăn nuôi không tiêm phòng vắc-xin cúm cho gia cầm, không làm tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, chưa chú ý chăm sóc tốt đàn vật nuôi. Ngay sau khi phát hiện các ổ dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng với các huyện Giao Thủy, Vụ Bản, Trực Ninh đã trực tiếp chỉ đạo các xã có các ổ dịch thực hiện các biện pháp bao vây, dập dịch. Tổ chức tiêu hủy triệt để các đàn gia cầm mắc bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm phát tán mầm bệnh. Thông báo thường xuyên tình hình dịch cúm gia cầm trên hệ thống truyền thanh của các xã; hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu khi phát hiện gia cầm ốm, chết bất thường phải báo ngay cho lực lượng thú y xã và chính quyền; không giết mổ gia cầm ốm, chết làm thực phẩm; không ăn tiết canh, không vứt xác gia cầm chết ra ngoài môi trường; khi tiếp xúc với gia cầm phải trang bị bảo hộ cá nhân, sau khi tiếp xúc với gia cầm phải rửa tay bằng xà phòng. Thực hiện nuôi nhốt gia cầm, chủ hộ chăn nuôi mua vắc-xin tiêm phòng bệnh cúm cho gia cầm. Giao trưởng thôn xóm, mạng lưới thú y giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, kiểm tra rà soát nắm chắc tổng đàn, kết quả tiêm phòng vắc-xin, tình hình dịch bệnh gia cầm trên địa bàn toàn xã. Đặt biển báo khu vực có dịch cúm gia cầm; cấm việc giết mổ; thành lập các chốt gác để kiểm soát việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra vào vùng dịch. Tổ chức phun hóa chất tiêu độc, khử trùng; chủ động mua vôi bột để rắc tại trục đường giao thông quanh khu vực ổ dịch, khu vực tiêu hủy gia cầm và tại hộ chăn nuôi có gia cầm bệnh. Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện phối hợp với Phòng NN và PTNT đôn đốc, chỉ đạo các xã, thị trấn, đặc biệt là những xã tiếp giáp với xã có dịch tăng cường giám sát phát hiện, báo cáo kịp thời những trường hợp dịch bệnh phát sinh. Tập trung theo dõi, giám sát những đàn gia cầm có số lượng lớn, nhất là đàn thủy cầm. Phân công cán bộ bám sát cơ sở để kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi tại xã Hải Đông (Hải Hậu).
Phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi tại xã Hải Đông (Hải Hậu).

Không chỉ trên đàn gia cầm, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc cũng rất cao. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Văn Hiểu cho biết: Việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trước và sau Tết tăng mạnh là điều kiện để mầm bệnh phát tán, lây lan. Đây cũng là thời điểm bà con tập trung nhập con giống tái đàn; thời tiết có nhiều biến động khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm… là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh. Trong khi đó, các địa phương đang tập trung nhân lực cho sản xuất vụ xuân; hiện giá thịt lợn hơi xuống thấp nên nhiều hộ chăn nuôi chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh, không đầu tư vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi…

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm

Nhằm tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, cung cấp sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho tiêu dùng, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, ngay từ đầu năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND và Kế hoạch số 07/KH-UBND chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, tập huấn được các cấp, các ngành tuyên truyền sâu, rộng bằng nhiều hình thức như đưa tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh xã về kỹ thuật chăn nuôi; quy trình thực hành chăn nuôi tốt; các quy định, biện pháp phòng, chống dịch; cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước… để người dân nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, từ đó tự giác thực hiện. Trang trại của anh Phạm Văn Dục, xã Yên Phương (Ý Yên) thường xuyên duy trì chăn nuôi 5.000 con gà đẻ Ai Cập nên việc làm tốt vệ sinh chuồng trại luôn được quan tâm, bảo đảm thông thoáng, mật độ nuôi hợp lý; thường xuyên quét dọn vệ sinh chuồng trại, thu gom và xử lý chất thải. Anh Dục cho biết: Trước khi bước vào nuôi lứa mới, bao giờ anh cũng xét nghiệm máu đàn gà trước khi nhập chuồng. Sau tái đàn khoảng 1 tuần, anh chủ động tiêm phòng cho đàn gia cầm một số loại vắc-xin như: Newcastle, Gumboro, tụ huyết trùng, cúm gia cầm... Do vậy, đàn gà của gia đình anh hầu như không bao giờ mắc bệnh. Gắn bó với nghề chăn nuôi từ nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Luật, xã Hải Đông (Hải Hậu) cho biết: Gia đình anh thường xuyên duy trì nuôi 15 nghìn con gà, trên 600 con lợn. Để giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi thì trước hết người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về công tác thú y. Mỗi khi nhập đàn mới về nuôi, anh luôn thông báo tới cán bộ thú y của xã tổ chức tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi, nhờ đó hằng năm đàn gia súc, gia cầm của gia đình anh phát triển tốt, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Hiện đang là thời điểm bà con tập trung tái đàn, để chăn nuôi hiệu quả, các địa phương, hộ chăn nuôi cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề phòng chống dịch bệnh bởi điều kiện thời tiết những ngày đầu năm có nhiều biến động bất lợi cho gia súc, gia cầm khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm, dễ mắc bệnh. Do đó, người chăn nuôi cần thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường chăn nuôi, nghiêm túc trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Sau khi xuất đàn cần vệ sinh, khử trùng sạch sẽ chuồng trại. Khi nhập giống gia súc, gia cầm từ ngoài tỉnh cần kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ, xác nhận giống của cơ quan thú y, kiểm dịch không nhập con giống không rõ nguồn gốc, hay con giống ở vùng có dịch đề phòng lây lan mầm bệnh, tránh thiệt hại và ảnh hưởng tới an toàn dịch bệnh trên địa bàn. Cần tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm theo đúng độ tuổi, đúng liều lượng để phòng dịch bệnh hiệu quả. Chú ý chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần tăng cường đưa con giống, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất để tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi, góp phần nâng cao giá trị, thu nhập.

Thời gian này, ngành Nông nghiệp đang tiến hành kiểm tra, rà soát lại tổng đàn để lập kế hoạch công tác tiêm phòng vụ xuân các loại dịch bệnh, như: cúm gia cầm; dịch tả, tụ huyết trùng ở lợn; lở mồm long móng cho trâu, bò, dê... trên địa bàn toàn tỉnh. Thời gian tiêm phòng dự kiến trong tháng 3-2017./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com