Rộn rã xuống đồng ngày xuân

08:02, 06/02/2017

Dù không khí Tết, lễ hội đầu năm vẫn còn tràn ngập trong mỗi gia đình nhưng nhiều nông dân đã nô nức xuống đồng sản xuất vụ xuân để tận dụng nguồn nước xả từ các hồ thủy điện, bảo đảm lịch thời vụ. Khí thế lao động hối hả ở khắp mọi vùng quê trên toàn tỉnh hứa hẹn một vụ xuân thắng lợi. Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, toàn tỉnh đã gieo được 1.841ha mạ, bừa lồng 47 nghìn ha, bừa cấy 1.700ha…

Ngay từ mùng 3 Tết, trên cánh đồng các xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Minh, Nghĩa Sơn... của huyện Nghĩa Hưng đã có khá đông nông dân lấy nước đổ ải, đắp bờ, dọn ruộng. Trên những thửa ruộng đã đủ nước, tiếng máy cày bừa giòn tan khiến không khí xuân càng thêm rộn rã. Dừng tay phát bờ thửa ruộng, anh Nguyễn Văn Nam - nông dân xã Nghĩa Sơn cho biết: Tranh thủ thời tiết nắng ấm nên nông dân trong xã ra đồng từ rất sớm để bơm nước, bừa lồng, làm đất gieo cấy lúa xuân. Năm nay việc lấy nước đổ ải đợt 1 và đợt 2 thuận lợi hơn so với những năm trước và nước về đến đâu, người dân làm đất ngay tới đó để có thể gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất. Nhanh tay đắp bờ, chị Nguyễn Thị Lan, HTX Đại Thắng, xã Nghĩa Thịnh cho hay: “Tranh thủ có nước, tôi ra đắp bờ, cuốc góc trước rồi thuê máy cày làm đất. Nhờ thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa nên sản xuất nông nghiệp đỡ vất vả hơn hẳn so với những năm trước. Hiện toàn bộ cánh đồng này đều được gieo sạ vừa đẩy nhanh tiến độ sản xuất, vừa tiết kiệm chi phí”. Dẫn chúng tôi tới cánh đồng xã Nghĩa Trung, anh Trần Trung Hiếu, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Nghĩa Hưng cho biết: Năm nay, huyện Nghĩa Hưng gieo cấy 10.390ha lúa xuân; trong đó, tập trung giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao như: Bắc thơm số 7, Nếp 97, TBR25... Đến hết ngày mùng 5 Tết, toàn huyện đã bừa lồng 100% diện tích, đang chuyển sang bừa cấy; đã gieo 571ha mạ, đủ số mạ để cấy.

Nông dân xã Nam Thái (Nam Trực) xuống đồng làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa xuân.
Nông dân xã Nam Thái (Nam Trực) xuống đồng làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa xuân.

Không còn quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, ngay sau Tết Nguyên đán, từ các huyện phía nam tỉnh đến các huyện phía bắc tỉnh, nông dân hối hả xuống đồng bơm nước, làm đất, gieo mạ, cấy lúa vụ xuân. Tại huyện Xuân Trường, không khí xuống đồng đầu năm đông vui như đi hội. Trên cánh đồng xã Xuân Kiên, bà Trần Thị Xuân cho biết: Năm nay thời tiết nắng ấm, do vậy nhân dân ở đây đã hoàn thành làm đất, đổ ải từ trước Tết Nguyên đán. Không riêng Xuân Kiên, khắp cánh đồng của các xã Xuân Ninh, Xuân Thành, Xuân Thượng... nông dân đồng loạt vệ sinh đồng ruộng, lấy nước, làm đất, gieo mạ. Ông Ngô Đức Hoàn, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện cho biết: Vụ xuân này Xuân Trường gieo cấy 5.680ha lúa. Đến ngày mùng 5 Tết, 100% diện tích gieo cấy của huyện đã làm đất đổ ải, huyện cũng đã hoàn thành công tác gieo mạ... Tại xã Giao Tiến (Giao Thủy), chính quyền địa phương đang cùng bà con nông dân tích cực chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho việc tổ chức “Ngày hội xuống đồng - xây dựng NTM” vào ngày 16-2 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và tỉnh Nam Định phối hợp thực hiện. Đây là hoạt động nhằm giữ gìn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, phát huy truyền thống, tôn vinh đóng góp của giai cấp nông dân trong sản xuất nông nghiệp và thực hiện vận động toàn dân chung sức xây dựng NTM. Trên các cánh đồng sản xuất lúa giống của các xã Trực Thái, Trực Hùng (Trực Ninh); Xuân Ninh, Xuân Thành (Xuân Trường); Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng); Minh Tân (Vụ Bản)… bà con nông dân đang tích cực chăm sóc cây mạ, tập trung vận chuyển phân bón ra bờ ruộng. Những năm gần đây, sản xuất lúa giống ở các địa phương này thường cho thu nhập bình quân mỗi vụ trên dưới 100 triệu đồng/ha nên bà con nông dân rất hào hứng vào vụ mới. Dọc theo đường Vàng qua các xã Nam Hoa, Nam Hùng và Thị trấn Nam Giang (Nam Trực), các hộ nông dân đổ xuống đồng thu hoạch nốt diện tích khoai tây đông để giải phóng đồng, trồng lạc xuân. Từ hiệu quả trồng cây lạc cao gấp 2-3 lần cấy lúa mấy năm qua nên diện tích trồng lạc được nhân rộng trên các chân ruộng cao hạn, cơ giới nhẹ, gieo cấy lúa năng suất thấp, kém hiệu quả. Từ 3.500ha những vụ xuân trước, đến nay diện tích lạc xuân của toàn tỉnh đã đạt trên 4.500ha.

Vụ xuân 2017, Nam Định gieo trồng 89 nghìn ha, trong đó: lúa xuân 75.500ha, còn lại là các loại cây rau màu khác. Do thời điểm các hồ thủy điện xả nước đợt 2 diễn ra từ ngày 23-1 đến 26-1 và đợt 3 từ ngày 6-2 đến 13-2 trùng vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu, để bảo đảm đầy đủ nước phục vụ sản xuất, các Cty TNHH một thành viên KTCTTL đã vận hành tối đa trạm bơm cố định, dã chiến trong thời gian hồ thủy điện xả nước để bơm nước vào đồng ruộng, tích trữ trong ao hồ, kênh tưới, khu vực đồng trũng; vận động, tuyên truyền nhân dân giữ nước trong đồng, làm đất để bảo đảm diện tích đủ nước theo kế hoạch. Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, đến chiều 1-2 (mùng 5 Tết), gần 90% diện tích gieo cấy lúa xuân của tỉnh đã có đủ nước đổ ải. Một số huyện có diện tích đổ ải đạt 100% như: Trực Ninh, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Vụ xuân năm nay, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành phố gieo cấy cơ bản trong trà xuân muộn; gieo mạ tập trung sau Tết Nguyên đán từ ngày 30-1 đến 3-2, hoàn thành trước ngày 5-2; cấy từ 10-2 và cơ bản xong trước ngày 25-2. Gieo sạ tập trung từ ngày 10-2 đến 15-2. Huyện Trực Ninh có kế hoạch gieo cấy 7.650ha lúa xuân. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn mở rộng trà xuân muộn, chủ yếu được cấy bằng mạ non gieo trên nền cứng với các giống ngắn ngày; chỉ sử dụng mạ dày xúc, mạ dược ở những chân ruộng trũng. Đồng thời phấn đấu mở rộng lúa hàng hoá, chất lượng cao lên trên 70% diện tích. Trên những cánh đồng ở các xã Trung Đông, Trực Nội, Trực Thanh… bà con đang nhộn nhịp chở phân bón ra đồng, nơi bừa lồng làm đất, nơi gieo mạ, cấy lúa. Tại xã Trực Đạo, do được bơm nước đổ ải từ đầu tháng 1, hiện nay, các thôn đã bừa lồng xong, nhiều hộ đang chuẩn bị cấy. Xã phấn đấu cơ bản gieo cấy xong gần 400ha lúa xuân trong tháng 2.

Để giành vụ xuân thắng lợi, hiện nay các địa phương đang chỉ đạo nông dân sẵn sàng gieo cấy khi mạ đủ tuổi. Huy động mọi lực lượng, phương tiện làm đất nhanh theo phương châm “ruộng chờ mạ”. Có biện pháp bảo vệ, chống rét cho mạ khi nhiệt độ không khí xuống dưới 150C; chỉ cấy hoặc sạ khi nhiệt độ bình quân ngày trên 150C. Phấn đấu cấy xong toàn bộ diện tích lúa xuân trong tháng 2, đồng thời áp dụng quy trình thâm canh hợp lý, chủ động phòng trừ chuột, sâu bệnh... bảo vệ sản xuất ngay từ đầu vụ./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com