Trong các lễ hội truyền thống dịp Tết cổ truyền của nước ta, bên cạnh phần nghi lễ linh thiêng và trang trọng đậm ý nghĩa tâm linh, phần hội vô cùng sôi động đầy sức hút với các trò chơi dân gian không thể thiếu, mang đậm bản sắc văn hóa. Các trò chơi dân gian trong lễ hội như múa rồng, kéo co, chọi gà, đàn và hát dân ca, múa rối… bên cạnh việc khuyến khích rèn luyện sức khỏe và thể hiện sự khéo léo của người chơi còn góp phần nâng cao tinh thần cộng đồng và gắn kết tình làng nghĩa xóm. Và chọi gà là môn có mặt ở lễ hội truyền thống của nhiều làng quê.
Con gà, từ loài vật nuôi làm kinh tế phổ biến, gắn bó với người nông dân đã được khai thác các tập tính để rèn luyện trò giải trí cho con người là chọi gà. Thú vui dân dã của cha ông xưa có sức hút đông đảo người tham gia, từ nông thôn đến thành thị, từ người già đến trẻ nhỏ, không phân biệt giàu nghèo. Tự vô thức trong chiều sâu tâm hồn của người Việt thì chọi gà ngoài hình thức giải trí còn là hình thức nuôi dưỡng tinh thần thượng võ, thể hiện sự bất khuất và dũng cảm thông qua “chất gà nòi”, đồng thời cũng là chất keo gắn kết cộng đồng ở các hội làng xưa. Cho đến nay, vẫn có rất nhiều làng cổ ở Việt Nam sử dụng trò chơi này trong lễ hội truyền thống mỗi dịp xuân sang. Đến hẹn lại lên, qua Tết Nguyên đán đến dịp Tết Nguyên tiêu mười tư - mười rằm tháng Giêng người dân xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) lại tổ chức hội làng tại đền Phạm Văn Nghị. Ngoài việc tế lễ ở đền đình, tại đây còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian như đánh cờ người, tổ tôm điếm, thi vật, hát quan họ... Trong đó, sôi động nhất là môn chọi gà. Nghĩa Lâm nổi tiếng là nơi quy tụ nhiều “anh hùng hào kiệt - kê sư” chuyên đào tạo gà nòi chiến đã từng gặt hái được nhiều chiến công trong và ngoài tỉnh. Đến xã Nghĩa Lâm vào ngày giáp Tết, bất kể người nào có gà hay không, là người trong thôn hay thôn lân cận, thậm chí cả những “chủ gà” của huyện hay tỉnh khác, hễ nghe thấy ở đâu có hội chọi gà là tìm đến vây quanh, xem và cổ vũ. Tết Đinh Dậu này vừa đúng dịp năm “chẵn” (tròn 165 năm lễ hội đền) vừa trùng với quan niệm dân gian “Năm gà vàng” nên hội chọi gà năm nay quy tụ đông đảo và sôi nổi hơn không chỉ các “kê sư” ở xã Nghĩa Lâm mà cả các xã lân cận như Nghĩa Thành, Nghĩa Hùng, Thị trấn Quỹ Nhất… cùng hội chiến. Chủ gà nào muốn tham gia lễ hội phải đăng ký trước rồi bốc thăm cặp thi đấu. Tùy theo số lượng gà tham gia chọi mà sẽ tổ chức ít hay nhiều “sới”.
Đồng chí Lê Văn Tinh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trò chơi chọi gà trong dân đã có từ lâu, nhưng năm 1989, nó mới chính thức là trò chơi có mặt trong lễ hội đền Phạm Văn Nghị hằng năm và được tổ chức thành hội chọi gà. Thông thường, cứ năm chẵn xã lại tổ chức hội đền lớn một lần, nhưng hội chọi gà thì hầu như năm nào cũng mở. Chọi gà đã thành niềm đam mê của nhiều người dân nên không chỉ ngày Tết mà ngày thường ở Nghĩa Lâm cũng có hội chọi gà. Chả thế mà ở nơi đây quy tụ hơn 100 người chơi chọi gà. Ngay cả trẻ con cũng đã thuộc lòng câu vè truyền miệng về tiêu chuẩn chọn gà: “Đầu công, mình cốc, mắt hạt trai/Đùi dài, khoản ngắn chẳng sợ ai”. Điểm danh các bậc lão làng đã nâng tầm chọi gà từ thú chơi đến mức nghệ thuật được gọi là “sư kê” ở Nghĩa Lâm có hơn 10 người. Anh Trần Văn Thường ở xóm 13 - một “sư kê” có tiếng ở xã đã chơi gà chọi được gần 20 năm nay. Hiện tại, anh có 6 con gà nòi có thể mang ra thi đấu bất cứ lúc nào. Anh Thường chia sẻ: “Để “đúc” được một con gà tài, việc then chốt là phải biết chọn dòng tông giống. Gà mẹ phải được xuất thân từ dòng gà bền bỉ, có sức chịu đòn tốt, gan dạ. Còn gà bố phải thuộc dòng có chân đá hiểm hóc, nhiều đòn thế hay. Gà mái phải nuôi vỗ trong vòng 3 năm mới có thể xác định đủ điều kiện “đúc” được gà con. Được hội tụ những tố chất trên, trong đám gà con được sinh ra thế nào cũng có được ít nhất là 1 con gà tài”. Chọn gà tài phải được bắt đầu từ thuở “sơ sinh”. Trong một bầy gà vừa nở, người ta sẽ chọn con gà sớm tách bầy đi bắt sâu kiếm ăn một mình, hoặc đêm về không “rúc vào nách mẹ” ngủ mà lại nằm ngủ đối mặt với mẹ (gọi là gà chầu mỏ). Còn nếu chọn gà không do sư kê tự “đúc” thì dựa trên những tiêu chuẩn căn bản như: Nhất thủ, nhì vũ, tam hình, tứ túc (đầu, lông, dáng, chân vẩy); cựa nhật nguyệt (cựa đen, cựa trắng), cựa lục đinh hoặc các con gà có tướng “linh kê” như gà lưỡng nhãn (2 con mắt khác màu), gà có bớt trong lưỡi hoặc gà tử mị (tối nằm ngủ sải chân, sải cánh, duỗi cổ như chết). Chọn được gà ưng ý rồi nhưng nếu nuôi không đúng cách, huấn luyện không bài bản thì cũng chẳng thể nên gà tài. Chế độ ăn của gà phải được tuân thủ: Một ngày chỉ cho ăn 2 diều lúa, trưa cho ăn xen kẽ rau xanh, vài ngày mới cho ăn một ít mồi đạm tươi. Nuôi kỹ quá gà sẽ bị “nục” (mập quá) cũng không tốt. Theo anh Thường, thông thường, một chú gà chọi từ lúc nở ra đến lúc bước vào giai đoạn huấn luyện phải mất chừng 10 tháng. Trước khi bước vào huấn luyện, chủ gà sẽ tiến hành cắt tai, cắt tích gà tạo bộ mã cho gà chiến; tỉa bớt lông cổ, lông nách riêng đầu thì nhổ trụi. Giai đoạn “om trường” là vất vả, kỳ công nhất và cũng quan trọng nhất. Hằng ngày “sư kê” phải dùng nghệ vàng giã nhỏ, trộn với rượu, một chút muối, ngải cứu… đun sôi, để ấm rồi dùng khăn chườm lên gà, vỗ và “mát xa” cho gà, sau đó đưa gà ra quần sương, quần nắng mỗi sớm mai. Làm như vậy thường xuyên để da gà được săn chắc và dày, sẵn sàng đón nhận những cú mổ hay đá của đối phương mà không hề hấn gì. Một ngày của gà được khởi động bằng việc quần sương, quần nắng, rồi bọc thêm chì vào chân cho gà chạy bu (chạy lồng) để xương thịt dẻo dai, cơ bắp săn chắc và tăng khả năng di chuyển. Bên cạnh các bài tập để rèn thể lực, gà còn được bồi dưỡng kỹ năng chiến đấu thông qua “vần hơi” và “vần đòn”. Khi vần hơi, các cặp gà đồng cân, đồng lạng được sắp xếp cho đá với nhau, với mục đích là kích thích bản năng chiến đấu và rèn sự dẻo dai cho gà chiến sau này nhưng phải bịt mỏ và cựa chân để tránh làm đối phương bị thương. Tiếp đó là vần đòn, gà được bịt mỏ đánh theo hồ (hiệp đấu kéo dài 15 phút và nghỉ 5 phút). Tùy thuộc vào lịch tập mà “kê sư” chủ động cho gà dưỡng sức dài hay ngắn và om trường đằng đẵng trong suốt gần 3 tháng. Qua nhiều cuộc vần, vỗ như thế, gà sẽ trở nên gan dạ, tinh khôn, quen chịu đựng và vì các cuộc đá thử không bao giờ đi đến hồi kết thúc, tính hiếu thắng của gà không được thoả mãn, gà trở nên hiếu chiến hơn. Cũng thông qua cuộc đấu mà các chú gà chiến bộc lộ rõ sở trường, sở đoản trong lối đánh để sư kê uốn nắn, phát huy, tạo cơ sở để lựa chọn đối thủ ghép trong các trận đấu. Giai đoạn huấn luyện này quyết định thành bại của một chú gà chiến khi lên sới. Có nhiều kiểu đánh như: cùm vía, cưa đề, đả đao, đá đòn luồn, hầu kiểng, đòn mé… song quý nhất trong giao đấu là loại gà biết sinh thế, bất kỳ các loại thế nào của đối phương cũng có thể ứng tác để trừ và sinh thế khác đánh trả. Hiện tại, anh Thường đang sở hữu 2 con gà chiến nòi có máu mặt ở đất Sỹ Lâm là con Xám điện với 12 kỳ thắng thông và con Ô linh kê với 11 kỳ thắng thông. Càng gần đến ngày hội đền Phạm Văn Nghị, anh Thường càng phải chăm gà kỹ càng hơn dù gà chọi phải có chế độ ăn uống riêng, đủ nước uống. Thức ăn ngoài ngô, lúa còn phải có chất béo, đạm động vật. Trước ngày lên sới phải om bó, tẩm bổ cho gà thức ăn có nhiều chất đạm như lươn, tôm, cá sống. Chúng tôi lại gặp bác Đoàn Đức Độ ở xóm 7 cũng là một sư kê thâm niên trong giới chọi gà địa phương. Bác Độ chia sẻ: “Công việc đồng áng bận rộn nhưng tôi vẫn tranh thủ mọi lúc rảnh rỗi chuẩn bị sẵn 1 gà chiến nòi tía chân xanh để hội chiến ở lễ hội năm nay. Đây là lần thứ 5 tôi tham gia hội gà chọi của xã. Đối với tôi, phần thưởng cho chức vô địch tuy giá trị vật chất không lớn chỉ vài chục nghìn đồng nhưng chính tinh thần thượng võ, ý chí không khuất phục của các chú gà chiến đã làm nên sức hấp dẫn của thú chơi này ở lễ hội đền Phạm Văn Nghị”. Nói rồi ông cười lớn đầy sảng khoái.
Trong khí trời ấm áp những ngày xuân, còn gì thích thú bằng việc được chiêm ngưỡng những trận chọi gà, quan sát những thế đánh và thấu hiểu những kinh nghiệm, thậm chí cả những triết lý, quan điểm sống, đối nhân xử thế của người đời. Hòa vào những âm thanh sôi nổi từ các hội đá gà ngày Xuân, chúng ta sẽ cảm nhận được những nét độc đáo từ thú chơi dân dã thuần Việt này./.
Trần Gia