Trước và sau Tết cổ truyền là thời điểm phát sinh nhiều tệ nạn xã hội phức tạp như: trộm cắp tài sản, bài bạc, bói toán, ăn xin, đổi tiền… với những phương thức, thủ đoạn khác nhau làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội và gây tâm lý bất an trong nhân dân.
Như đã thành thông lệ, trong những ngày Tết và sau Tết Nguyên đán, tệ nạn cờ bạc lại nở rộ tại nhiều địa điểm như: đền, chùa, phủ… trong tỉnh. Lễ hội Phủ Dầy hằng năm thu hút không ít du khách tới tham quan và hành lễ. Tuy nhiên, du khách không khỏi ngao ngán khi tận mắt chứng kiến sự xâm lấn của các tệ nạn, những trò đỏ đen vô tư tung hoành bất chấp những quy định được đọc đều đặn trên loa phát thanh của ban quản lý. Tình trạng này cũng tái diễn tại một số di tích văn hóa khác như Đền Trần, hội chợ Viềng… Tết đến xuân về cũng là dịp để trò đỏ đen có cơ hội “bùng phát” tại nhiều làng xã. Sau Tết, có dịp đến thăm một người bà con xa quê ở Phương Định (Trực Ninh), tôi “tá hỏa” khi chứng kiến cảnh “sới bạc” gia đình với đầy đủ các nam, phụ, lão, ấu ngồi chen chân xung quanh một người được gọi là “nhà cái” đang xóc “điên đảo”. Giữa chiếu, một chiếc bát úp trên đĩa sứ, bên trong bát là ba khối hình vuông trên mặt có vẽ hình tôm, cá, cua, gà, hươu, hồ lô. Theo cách gọi của những người dân, chúng tôi được biết đó là trò “Tôm, cua, bầu, cá”. Nghĩa là, người chơi sẽ đặt tiền vào những ô có hình vẽ trên con xúc xắc. Khi “nhà cái” mở bát, hình nào lật ngửa trên đĩa thì sẽ được đền gấp đôi. “Nhà cái” vừa xóc vừa hô hoán người chơi xuống tiền. Trên mặt chiếu, trước mặt người chơi là những tờ tiền có mệnh giá từ 1.000 đồng đến 100 nghìn đồng bày la liệt. Chủ nhà vừa cười vừa nói với chúng tôi, chơi “vui” là chính. Và mặc dù chỉ chơi vui nhưng có những người vẫn “méo mặt” khi ra khỏi chiếu mà phải rỗng túi. Bên cạnh đó dịp sau Tết Nguyên đán, tình trạng tụ tập chơi bài ăn tiền trong giới công chức đã trở thành một trào lưu khá phổ biến. Sau một vài gợi ý nho nhỏ của mấy nam cán bộ ở một Cty nọ, lập tức có người khép cửa phòng nháy mắt: “Làm tý cho vui, kiếm tiền uống nước chè”. Cỗ bài tú lơ khơ cất ở trong tủ làm việc được lôi ra. Có mấy anh không đủ nhóm, vui vẻ làm chân chầu rìa. Họ chơi theo kiểu đánh phỏm, ai “cháy” phỏm phải nộp 100 nghìn đồng. Sau một buổi sáng như thế, có người kiếm được từ vài trăm đến hàng triệu đồng. Đương nhiên có người được sẽ có người thua tùy theo mức độ đánh “to” hay “nhỏ” theo quy ước. Người ta coi đây như một hình thức “giao lưu” vui vẻ, được thua chỉ là chuyện “lì xì” đầu năm cho nhau. Có không ít người ba ngày Tết trôi qua trên chiếu bạc, bỏ bê cả việc thăm thú anh em, bạn bè. Trong không ít lễ hội, các trò cờ bạc trá hình thu hút rất đông du khách tham dự. Đây còn là dịp “làm ăn” của nhiều người hành nghề mê tín dị đoan, ăn xin. Chính vì lẽ đó, hầu hết ở chùa, đền nào trong tỉnh cũng có khu vực bói toán, giải hạn với lượng khách rất đông đúc, nhộn nhịp.
|
Tại khu di tích lịch sử - văn hóa Trần, không khó để bắt gặp những người đi xem bói “dạo”. Họ có thể đến rỉ tai khách ngang nhiên, mời anh, chị, ông, bà xem tử vi, vận hạn trong năm. Đó là chưa kể, đền, chùa miếu mạo nào cũng thường kê những chiếc bàn nhỏ đặt ở 2 bên cửa các bàn xóc thẻ, giải tử vi. Đến với các bàn này, du khách phải trả khoảng 20 nghìn đồng (bao gồm cả tiền rút lá số tử vi và nghe “thầy” giải quẻ). Và, chẳng biết lời giải của thầy tốt xấu ra sao, chỉ thấy có khách chen vào rồi lại đi ra với khuôn mặt hỉ hả, người lại có vẻ khó chịu, buồn rầu, thất vọng. Sau một buổi sáng, có những thầy “giải quẻ” đút túi vài trăm nghìn đồng. Rõ ràng, việc xem bói, hành nghề mê tín dị đoan của một số đối tượng đã gây mất an ninh trật tự, vi phạm pháp luật. Hệ lụy của việc làm này khiến không ít người dân, nhất là nông dân bỏ bê công việc đồng áng, tốn kém tiền của, công sức để mua lấy lo âu vào người. Đặc biệt, một số người nghèo quá mê tín, sau khi nghe thầy bói nói dọa (cốt để moi tiền) phải chạy đôn, chạy đáo vay nợ tốn kém bạc triệu sắp lễ giải hạn, khiến cảnh nghèo lại càng thêm khốn khó. Có trường hợp hoang mang lo sợ dẫn đến bệnh tật, vợ chồng lục đục, tan cửa nát nhà... Khu vực Đền Trần nhiều năm nay cũng là nơi “trú ngụ” cho hàng trăm người giả khuyết tật, lợi dụng lòng thương của mọi người để hành nghề ăn xin. Họ đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau, lê la trên mặt đất, “chèo kéo” lòng thương hại của du khách để kiếm tiền, gây nên tình trạng mất mỹ quan, phản cảm cho lễ hội Đền Trần. Ngoài tệ nạn cờ bạc, bói toán, dịp trước và sau Tết còn là “mùa làm ăn” của những “đạo chích”. Thời điểm này, tội phạm trộm cắp tài sản thường xảy ra nhất là tình hình trộm cắp xe máy và trộm đột nhập vào nhà. Đối với loại tội phạm trộm xe máy, đối tượng thường lợi dụng sự chủ quan của chủ tài sản, để xe trước nhà, không có người trông coi, đối tượng nhanh chóng ra tay trộm cắp. Vì vậy, người dân không nên để xe không người trông giữ, dù có công việc gấp cũng phải dắt xe vào nhà, khóa cổ xe và rút chìa khóa ra khỏi xe. Khi đến những nơi như: chợ, đi đám tiệc, lễ hội... cần gửi xe vào nơi có người trông giữ cẩn thận; không để nơi khuất tầm nhìn. Dịp lễ, Tết, người dân cần cẩn thận hơn khi đến các lễ hội, khu vui chơi, giải trí. Vì đây là những nơi dễ bị đối tượng lợi dụng sơ hở để móc túi, cướp giật. Đối tượng có thể hoạt động đơn lẻ hoặc đi theo nhóm, từ 2 tên trở lên, lợi dụng sự chen chúc, xô đẩy, chúng len vào móc túi, giật dây chuyền, bông tai, túi xách, điện thoại di động... Đối với phụ nữ, khi tham gia giao thông, nếu đeo trang sức có giá trị như dây chuyền, bông tai, nhẫn cần phải mặc áo dài tay, áo kín cổ vì đây sẽ là mục tiêu mà bọn tội phạm sẽ quan sát, bám theo và thực hiện hành vi phạm tội khi có điều kiện.
Thiết nghĩ, chính quyền và các đoàn thể cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi người, kiên quyết đấu tranh với những thói hư tật xấu, tệ nạn trên, thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới ở cơ sở. Từ đó, góp phần mang lại những ngày xuân thật sự ý nghĩa, chuẩn bị cho một năm mới đầy hy vọng./.
Bài và ảnh:
Hoa Xuân