Tết sớm ở vùng hoa Hải Xuân

04:01, 13/01/2017

Những ngày giáp Tết, có dịp về xã Hải Xuân (Hải Hậu) đi khắp các xóm từ Bắc, Trung đến Phương Đông, Phương Tây, Xuân Hương… nơi nào cũng thấy hoa. Những vườn hoa cúc đủ sắc màu đang ngậm nụ chờ bung sắc dịp Tết; những luống hoa dơn xanh mượt “đã được 9 lá”; và xen kẽ đây đó là cả những loại hoa “khó chiều” như ly, đồng tiền… Đêm xuống, ánh đèn điện trên các luống hoa sáng trưng. Người trồng hoa Hải Xuân đang tất bật chuẩn bị thu hoạch vụ hoa Tết.

Hoa cúc đông tại vườn của ông Nguyễn Văn Điệu, xóm Bắc, xã Hải Xuân.
Hoa cúc đông tại vườn của ông Nguyễn Văn Điệu, xóm Bắc, xã Hải Xuân.
Nếu cứ nhìn không khí tất bật của người trồng hoa và diện tích các vườn hoa, số hộ trồng hoa năm sau cao hơn năm trước, ít ai có thể ngờ rằng, hơn chục năm trước, trồng hoa chỉ là nghề phụ, không đáng kể của xã Hải Xuân. Ông Phạm Hồng Hộ, xóm Bắc, một trong những người đầu tiên trồng hoa ở Hải Xuân và có 26 năm gắn bó với các loại hoa cho biết: trước đây, ngoài cây lúa, nguồn thu lớn của người dân các xóm là nuôi cá giống; vì thế, nhà nào cũng đào ao, thả cá. Trên bờ, có người trồng các loại cây ăn quả lưu niên, có người trồng rau màu, riêng ông thì trồng một vài khóm cúc đại đóa, cẩm bào, long tu… cho vui mắt! Vì hoa cúc là loại hoa chơi được lâu, dễ trồng, chăm sóc không mất nhiều công, nhiều người mua, nhất là vào các dịp lễ, Tết Nguyên đán nên từ năm 1991, ông lặn lội lên các làng hoa Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Nam Phong (TP Nam Định)… mua giống hoa cúc về trồng ở hơn 1 sào vườn nhà. Những vụ hoa đầu tiên, vừa phần là kinh nghiệm còn non, giống cúc cũ nên sản lượng chỉ ở mức vừa phải nhưng tính ra thu nhập của ông và gia đình cũng cao tương đương nuôi cá giống và gấp vài lần trồng lúa mà lại nhàn hơn. Ông Hộ quyết đoán lấp ao làm 2 sào vườn, vụ xuân hè thì trồng các loại rau màu ngắn ngày, vụ đông thì trồng hoa cúc bán Tết. Từ thành công của gia đình ông Hộ, nhiều hộ trong xóm cũng học tập tận dụng diện tích vườn nhà để trồng hoa cúc như hộ các ông: Phạm Văn Mạnh, Phạm Văn Bạo. Từ năm 2000 đến nay, khi nghề nuôi cá giống thoái trào, từ hiệu quả kinh tế của nghề trồng hoa, nhiều người dân trong xã đã tìm đến các vùng chuyên canh hoa trong và ngoài tỉnh học tập kinh nghiệm, kỹ thuật trồng hoa và mua giống về ươm. Nghề trồng hoa ở xóm Bắc có bước phát triển mạnh hơn với trên 100 hộ tham gia và lan ra 11/13 xóm trong xã. Từ một giống hoa cúc ban đầu, đến nay, cơ cấu hoa ở Hải Xuân đã đa dạng về chủng loại; riêng hoa cúc đã có đến hàng chục loại như: cúc đông, cúc chi, cúc Xinh-ga-po với màu sắc đa dạng: vàng, trắng, tím, ánh bạc, kể cả màu xanh (giống cúc Pháp và cúc chi Xinh-ga-po)… mà khách hàng rất ưa chuộng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Ông Nguyễn Văn Tuyền, một trong những người có thâm niên trồng hoa cúc ở Hải Xuân cho biết: để có hoa cúc đúng dịp Tết, người trồng hoa phải xuống giống từ đầu tháng 8 âm lịch, mật độ trồng 40 gốc/m 2. Khi cây bén rễ và cao khoảng 5-7cm thì bấm ngọn để cây phát triển 2-3 nhánh, mỗi nhánh là một bông, tỷ lệ nở của hoa cúc cao đến 80-85% nên mỗi gốc thường cho thu hoạch từ 2-3 cành. Sau khoảng 2 tháng cây đã trổ nụ bắt đầu tỉa nụ nhánh, chỉ nuôi 1 bông đẹp. Như vậy, mỗi sào trồng được 1,3-1,4 vạn gốc hoa cúc, sau 100-120 ngày chăm sóc, cho thu hoạch từ 2,6-3 vạn cành hoa cúc. Phần lớn hoa được thương lái về tận vườn thu mua với giá từ 1.000-1.200 đồng/cành, còn lại theo các bà, các chị bán tại các chợ xung quanh như: chợ Đập, chợ Cồn, chợ Cầu Đôi… Sau khi trừ chi phí giống, phân bón, thuốc trừ sâu, điện thắp sáng, công chăm sóc hết khoảng 5-6 triệu đồng, người trồng thu lãi ròng vụ hoa Tết từ 25-30 triệu đồng/sào. Sau khi thu hoạch xong vụ hoa cúc Tết, một số hộ trồng hoa có kinh nghiệm còn thu hoạch thêm một vụ hoa “tái sinh” vào khoảng tháng 3-4 năm sau. Gốc hoa đã thu hoạch được cắt cách mặt đất 5cm, tăng cường chăm sóc trong vòng 65-70 ngày, mỗi gốc chỉ để 1 cành, mỗi cành chọn bông đẹp nhất để bán. Vụ hoa tái sinh sản lượng không cao, chỉ bằng 40-50% vụ hoa Tết nhưng lại không mất tiền giống, ngắn ngày nên các hộ có thêm khoản thu nhập chừng 10 triệu đồng/sào. Bên cạnh giống hoa chủ lực là các loại cúc, vài năm trở lại đây, vụ hoa Tết của Hải Xuân còn có thêm các loại hoa cao cấp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường là: hoa ly, dơn, đồng tiền, phong lan… Khác với các loại cúc trồng được quanh năm, hoa ly xuất xứ từ Hà Lan, là giống hoa ưa thời tiết lạnh nên mỗi năm chỉ trồng được duy nhất một vụ để đón Tết. Hoa ly mỗi sào trồng được 9.000 gốc. Vụ hoa ly Tết thường được xuống giống từ khoảng đầu tháng 9 âm lịch. Vì phải nhập giống từ nước ngoài về, yêu cầu kỹ thuật rất cao, các công đoạn chăm sóc rất tỉ mỉ (tránh nắng, tránh sương…) nên đầu tư trồng hoa ly chi phí cao (gấp 18-20 lần so với hoa cúc), khoảng 90-100 triệu đồng/vụ. Mỗi gốc hoa ly thường cho từ 3-9 bông (gốc nào càng nhiều bông càng đắt), chơi được từ 7-10 ngày, đủ cả hương và sắc; phù hợp với nhiều không gian gia đình trong dịp Tết, giá bán dao động từ 120 nghìn đồng/chậu, mỗi chậu từ 3-5 gốc. Mỗi sào trồng hoa ly cho thu nhập thực tế từ 150-200 triệu đồng/vụ. Cũng là loại hoa cao cấp như ly nhưng hoa dơn trồng được mật độ cao hơn, khoảng 10-11 nghìn gốc/sào. Anh Nguyễn Văn Điệu người đã nhiều năm trồng hoa dơn cho biết: nhà anh có 2,5 sào vườn thì có 1 sào trồng hoa dơn. Mỗi vụ, anh xuống giống 1,3 tạ dơn củ, thu được từ 9-10 nghìn gốc, nếu chăm sóc tốt và thời tiết ủng hộ với giá bán tại vườn từ 50-60 nghìn đồng/chục, mỗi sào hoa dơn ít nhất cũng cho thu nhập từ 45-50 triệu đồng. Sau vụ hoa Tết, diện tích đất trồng hoa lại được anh bắc dàn trồng bí và các loại rau màu ngắn ngày để dưỡng đất. Nhờ đó, vụ hoa Tết ở Hải Xuân rực rỡ về màu sắc, đa dạng về chủng loại để cung ứng cho nhu cầu trong tỉnh và thương lái tìm về tận vườn thu mua để cung ứng đi các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa…

Nghề trồng hoa phát triển đã mở ra một hướng phát triển kinh tế mới, bền vững cho người dân xã Hải Xuân. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã vui mừng cho biết: đối với người trồng hoa thu nhập bình quân từ 40-50 triệu đồng/sào/năm là bình thường, còn những hộ trồng 3 vụ/năm thì phải có thu nhập đến 70 triệu đồng/năm. Nhờ đó, năm 2016, bình quân thu nhập của xã đã được nâng lên 34,7 triệu đồng/người. Nghề trồng hoa được mở rộng, cuộc sống của người trồng hoa ở Hải Xuân được cải thiện. Nhờ trồng hoa, nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu, mua sắm được các tiện nghi sinh hoạt hiện đại, có điều kiện cho con cái học hành đầy đủ. Nghề trồng hoa đã mở ra một hướng phát triển mới làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



Công ty quà tặng doanh nghiệp grand crushop hoa tại quận 2

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com