Sức xuân ở vùng chân sóng

09:01, 23/01/2017

Một mùa xuân mới đang về, sắc xuân tràn ngập trên khắp các xóm làng trên vùng quê biển Nghĩa Hưng. Từ những góc phố Thị trấn Liễu Đề cho đến những nẻo đường về miền chân sóng xa xôi như Nghĩa Thắng, Nam Điền, Rạng Đông..., không khí thi đua lao động sản xuất, dịch vụ diễn ra hối hả, bắt nhịp thời gian để đón chào một mùa xuân mới… Tất cả tạo nên bức tranh sống động của một miền quê đang chuyển mình trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là phát triển kinh tế toàn diện trên cả lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại dịch vụ gắn với hoàn thiện xây dựng NTM, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, những ngày này, trên khắp các miền quê của huyện, đâu đâu cũng nô nức khí thế thi đua lao động, sản xuất, phát triển các loại hình dịch vụ thương mại nâng cao đời sống của người dân. Đến Thị trấn Liễu Đề, điểm đầu của huyện Nghĩa Hưng, chúng tôi đã bắt gặp sắc xuân hiện rõ với những sắc màu rực rỡ của đào, quất, của những siêu thị, trung tâm thương mại, biển hiệu quảng cáo…, tạo nên diện mạo của một thị trấn năng động. Là trung tâm buôn bán sầm uất nhất huyện Nghĩa Hưng, Thị trấn Liễu Đề phát triển hạ tầng thương mại toàn diện với 1 chợ đầu mối nông sản, thực phẩm, 1 chợ dân sinh và 2 trung tâm thương mại cùng hàng chục tuyến phố thương mại với trên 1.000 hộ kinh doanh, đáp ứng nhu cầu giao thương của 9 xã khu vực trung tâm huyện và một số xã của các huyện Trực Ninh, Ý Yên, Vụ Bản, thậm chí cả huyện Yên Khánh (Ninh Bình). Trục phát triển thương mại dịch vụ của huyện còn thông suốt tới Thị trấn Đông Bình, Thị trấn Quỹ Nhất rồi Thị trấn Rạng Đông nhằm tạo sự kết nối, trung chuyển, tiêu thụ nhóm hàng nông sản, đặc biệt là sản phẩm rau màu, cây vụ đông cho các xã miền hạ của huyện như Nghĩa Lạc, Nghĩa Phong, Nghĩa Phú, Nghĩa Tân, Nghĩa Lâm, Nghĩa Hải và đẩy mạnh dịch vụ kinh tế biển, vừa cung ứng nguyên, nhiên liệu đầu vào, vừa thu mua tiêu thụ sản phẩm từ hơn 2.000ha nuôi trồng thủy sản mặn lợ cùng hàng trăm tàu đánh bắt thủy, hải sản của các xã ven biển. Góp phần thúc đẩy dịch vụ thương mại phát triển, trên địa bàn huyện có 3 bến xe với khoảng 700 đầu xe. Đây là những “cánh tay nối dài” đưa hàng hóa, nông sản của huyện Nghĩa Hưng đi đến mọi miền đất nước, đồng thời cũng thu gom tất cả những hàng hóa độc đáo ở các địa phương khác về phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh của người dân trong huyện. Vậy nên mặc dù là huyện ven biển lại được bao bọc bởi 3 con sông lớn (sông Đào, sông Đáy và sông Ninh Cơ) nhưng hoạt động thương mại dịch vụ của huyện Nghĩa Hưng vẫn sầm uất không thua kém bất cứ địa phương nào. Hoạt động thương mại dịch vụ phát triển không chỉ tạo việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho hàng chục nghìn lao động, vực dậy nghề sản xuất truyền thống của quê hương, thúc đẩy việc xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương như cá bống bớp, ngao, vạng, cua biển và các loại thủy, hải sản qua chế biến và góp phần quan trọng vào việc thay đổi diện mạo quê hương. Cùng với thương mại dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Nghĩa Hưng có nét khởi sắc đáng kể bởi hàng loạt đổi mới trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư. Trong đó, UBND huyện đã tích cực thực hiện rà soát lại hệ thống chợ nông thôn, trung tâm thương mại để đầu tư cho hợp lý; rà soát lại các điểm, cụm công nghiệp ở các xã, thị trấn theo hướng bảo đảm tính thống nhất chung trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện để đảm bảo cơ cấu kinh tế và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi đầu tư. Cách làm này là bước cải cách mang tính “thuận hóa” thủ tục đầu tư so với trước đây, tránh tình trạng doanh nghiệp cần đầu tư, chính quyền mới lần giở hồ sơ, xin ý kiến cấp trên… gây mất rất nhiều thời gian. Từ cách làm này đã góp phần định hình nhiều công trình trọng điểm như các điểm công nghiệp dệt may ở các xã Nghĩa Thái, Nghĩa Lạc, Thị trấn Quỹ Nhất. Trong năm 2016, nhiều dự án đầu tư mới đi vào sản xuất như điểm công nghiệp Nghĩa Thái thu hút trên 2.000 công nhân; điểm công nghiệp Nghĩa Lạc thu hút trên 1.000 công nhân và điểm công nghiệp Nghĩa Minh với dự án sản xuất giầy da… Những điểm nhấn trong phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp sẽ thu hút hàng chục vạn lao động, góp phần nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của nhân dân.
Nghề trồng quất, đào cảnh tại xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình.
Nghề trồng quất, đào cảnh tại xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình.
Trong sản xuất nông nghiệp, ngoài cây lúa, huyện Nghĩa Hưng kiên trì mục tiêu mở rộng diện tích cây vụ đông và đẩy mạnh khai thác kinh tế biển. Thực tế ở Nghĩa Hưng, sản xuất cây vụ đông đã trở thành một nghề mang lại thu nhập tốt cho người dân nơi đây. Nhiều loại cây cho hiệu quả kinh tế cao như: bí xanh lãi trên 50 triệu đồng/ha, bí đỏ khoảng 70 triệu đồng/ha, cà chua 120 triệu đồng/ha, khoai tây 52 triệu đồng/ha… Đặc biệt những năm gần đây, người dân còn mạnh dạn đưa cây cảnh, hoa, đào thế, quất cảnh về trồng trên đồng đất các vùng Liễu Đề, Nghĩa Trung, Nghĩa Lạc, Quỹ Nhất… Đến nay, diện tích gieo trồng cây vụ đông của huyện Nghĩa Hưng đạt 3.000ha, trong đó diện tích sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa đạt 185ha với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cà chua, dưa chuột bao tử, ngô bao tử, ngô ngọt, ớt, dưa kim cô nương và dưa lê Hàn Quốc. Về xã Nghĩa Bình, địa phương nổi tiếng trong việc phá thế độc canh cây lúa, đưa cây màu trở thành một nghề chính của nông dân. Đã qua rồi khó khăn vất vả của những năm đầu chuyển đổi, “bắt” cà chua, bí xanh, dưa chuột, rau các loại… vốn là những cây trồng có giá trị kinh tế cao ra hoa, kết trái trên phần đất bao đời nay chỉ dành cho cây lúa, đến nay cơ cấu mùa vụ đã được định hình với những mô hình 2 vụ lúa + 1 vụ màu cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, 2 vụ màu + 1 vụ lúa, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Không dừng lại ở đó, từ sản phẩm cây vụ đông, xã đã trở thành địa chỉ tin cậy để các doanh nghiệp chế biến nông sản như Nhà máy chế biến cà chua Hải Phòng, Cty Luveco Nam Định… tìm về đầu tư, vừa liên kết thu mua nông sản cho nông dân vừa chế biến tại chỗ. Ngoài Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng xuất hiện nhiều địa danh mang thương hiệu cây vụ đông như cây bí xanh Nghĩa Hồng, Nghĩa Phong, Nghĩa Lạc; cà chua Thị trấn Quỹ Nhất, Nam Điền, Rạng Đông; cây ngô Nghĩa Thịnh, Hoàng Nam, Nghĩa Châu; đậu tương Nghĩa Sơn, Nghĩa Châu, Nghĩa Minh… Nghề trồng cây vụ đông đang mang lại cơ hội làm giàu cho người dân khu vực nội đồng còn ở các xã ven biển, với chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, Huyện ủy, UBND huyện đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất; đầu tư phương tiện đánh bắt xa bờ, đồng thời khuyến khích đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Đến nay, toàn huyện hiện có gần 3.000ha nuôi thủy sản với tổng sản lượng nuôi trung bình hằng năm đạt hơn 17 nghìn tấn. Trong đó, sản lượng thủy sản nước ngọt đạt khoảng 6.000 tấn; sản lượng nuôi mặn lợ là hơn 11 nghìn tấn. Các đối tượng nuôi chủ yếu là cá truyền thống, ngao, tôm, cá bống bớp… Trên địa bàn huyện cũng hình thành các vùng nuôi chuyên canh nổi tiếng như Cồn Xanh, Nông trường Rạng Đông hay một số vùng chuyển đổi từ diện tích trồng lúa và làm muối kém hiệu quả tại các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Lợi, Nghĩa Châu và khu vực ven sông Ninh Cơ… Nhiều con nuôi như cá bống bớp, cua biển; các sản phẩm chế biến từ hải sản như nước mắm và các sản phẩm dạng mắm mang thương hiệu Nghĩa Hưng đã khẳng định uy tín trên thị trường. 
 
Kinh tế phát triển tạo động lực cho các lĩnh vực văn hóa, giáo dục đạt những đỉnh cao mới. Chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực được nâng cao; văn hóa, xã hội phát triển đồng bộ với tăng trưởng kinh tế; đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người trên 33 triệu đồng/năm. Hiện Nghĩa Hưng đã có 92% cơ quan, 98,8% trường học, 100% trạm y tế đạt danh hiệu văn hóa; gần 82% hộ gia đình, gần 77% khu dân cư đạt tiêu chuẩn văn hóa; 2 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Toàn huyện giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 3%. Đến cuối năm 2016, huyện có thêm 11 xã, thị trấn đang đề nghị UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, phấn đấu đến hết năm 2017, 100% xã, thị trấn trên địa bàn đạt chuẩn NTM và hoàn thiện chương trình xây dựng NTM cấp huyện. Đồng thời phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 12%/năm; giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 25%, công nghiệp - xây dựng 40,5%, dịch vụ - thương mại 34,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm.
 
Một mùa xuân mới đã về. Hòa cùng dòng chảy của mùa xuân đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghĩa Hưng quyết tâm tạo dựng những tiền đề quan trọng và những bước đi mới nhanh hơn, mạnh hơn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
 
Bài và ảnh: Văn Trọng
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com