Vùng đất kiên cường
Khách phương xa, dù một lần đặt chân đến miền quê chân sóng Nghĩa Phúc; tiếp xúc với người dân, tham quan bến cá, ruộng muối, sẽ có cho mình những cảm nhận riêng, rất đặc trưng của đất và người vùng biển bồi. Trong quá trình quai đê lấn biển, lập thôn, cư dân nơi đây phải đối diện với thiên tai, lũ lụt. Trò chuyện với các cụ cao niên trong xã - những người đã từng sống, lao động sản xuất, chiến đấu bảo vệ quê hương trong những ngày tháng gian khổ, ác liệt, chúng tôi càng thêm xúc động và tự hào về truyền thống cách mạng của người dân nơi đây: “Đồng nguyên bất khuất - Nghĩa Lâm anh dũng - Nghĩa Phúc kiên cường”.
Đồng chí Bùi Văn Đề, 56 năm tuổi Đảng là một trong những người đầu tiên đặt chân đến Nghĩa Phúc nhớ lại: Cách đây hơn 50 năm, để chủ động đối phó với âm mưu của địch, ngày 30-6-1961, Huyện ủy Nghĩa Hưng đã xây dựng kế hoạch an ninh mang mật danh “TBK” với mục tiêu tạo lập một “Vành đai cứng” khép chặt tuyến biển. Năm 1963 lực lượng thanh niên đầu tiên trong huyện đã tiến hành khởi công xây dựng con đê biển với chiều dài 3,8km. Năm 1965, con đê hoàn thành với hàng triệu ngày công. Ngày 25-4-1965 Chính phủ đã ra quyết định thành lập xã Nghĩa Phúc, với 295 hộ dân, 1.682 khẩu; công việc chính là sản xuất muối. Thời kỳ thành lập xã cũng là thời điểm đế quốc Mỹ tăng cường các hoạt động do thám, trinh sát và thâm nhập miền Bắc; trong đó vùng cửa sông ven biển là các khu vực trọng điểm leo thang điên cuồng đánh phá của địch. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”! Vừa mới đặt chân lên vùng đất mới, nhưng hơn 1.000 người dân với tinh thần khẩn trương bắt tay ngay vào công việc “mỗi người làm việc bằng hai”, “làm ngày chưa đủ tranh thủ làm đêm”, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa dựng nhà. Chỉ sau một thời gian, 295 hộ đã có nhà để an cư lập nghiệp.
Ngày 19-5-1965 mẻ muối đầu tiên 1.500kg đã được thu hoạch, đánh dấu sự tồn tại của cuộc sống nơi đây. Bên cạnh sản xuất muối, Đảng ủy, UBND xã đã tổ chức các ngành nghề phụ giải quyết việc làm, tăng thu nhập phục vụ đời sống dân sinh như: đốt vôi, đốt gạch, mua thuyền vận chuyển vật tư, hàng hóa, chuyển muối về kho. Tuy nhiên do nằm sát biển, là nơi “đầu sóng ngọn gió” thiên tai bão lớn thường xuyên xảy ra làm thiệt hại nặng nề đến sản xuất và đời sống, nhà cửa của nhân dân. Trận bão ngày 18-7-1971 đã làm vỡ 3 quãng đê, nước biển tràn vào nhấn chìm cả xã trong nước mặn, 245 ngôi nhà bị đổ, 11 kho đựng muối của tập thể bị hỏng, 150 tấn muối bị mất, 3ha ruộng muối phải bỏ không sản xuất được. Sau trận bão này nhân dân xã Nghĩa Phúc phải hầu như làm lại từ đầu. Ngoài việc đóng góp sức người, sức của để ứng cứu đê biển, mọi người, mọi nhà không kể đêm tối, mưa to gió lớn sẵn sàng có mặt trên đê để ứng cứu khi xảy ra bão gió.
Đồng chí Trần Văn Roanh, 89 tuổi, 51 năm tuổi Đảng cho biết: Do địa bàn nằm sát biển, liền kề với cửa sông Ninh Cơ, là đầu mối giao thông đường thủy quan trọng nên xã Nghĩa Phúc trở thành mục tiêu đánh phá của địch. Đế quốc Mỹ đã dùng nhiều máy bay, tàu chiến trút xuống mảnh đất nhỏ bé này hàng trăm tấn bom đạn, thủy lôi, tàn phá nhà cửa, giết hại dân lành. Những trận đánh phá ác liệt của kẻ thù là những thử thách nghiệt ngã, sống còn. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân xã Nghĩa Phúc với truyền thống cách mạng và kiên cường đã thực hiện tốt nhiệm vụ vừa sản xuất vừa chiến đấu. Mỗi người dân trong xã là một chiến sĩ, bảo vệ vùng trời, vùng biển quê hương với khẩu hiệu “tay trang, tay súng”. Trận chiến đấu ngày 12-8-1966, chỉ bằng 29 viên đạn súng bộ binh, tổ trực chiến xã Nghĩa Phúc do đồng chí Trần Ngọc Đoàn làm tổ trưởng đã bắn rơi 1 chiếc máy bay A4D của đế quốc Mỹ. Đây là chiếc máy bay đầu tiên bị bắn rơi trên đất Nam Hà và Quân khu 3 bằng súng bộ binh. Từ chiến công này, xã Nghĩa Phúc được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba; 32 cán bộ, chiến sĩ dân quân được tặng thưởng Huy hiệu Mùng 5 tháng 8. Trận cứu tàu Hải quân ngày 17-4-1967, quân và dân xã Nghĩa Phúc đã bất chấp hiểm nguy, dùng thuyền lao ra biển giữa lúc hàng chục máy bay địch đang quần đảo trên đầu để cứu chiếc tàu Hải quân mang biển hiệu 103 của ta đang bị địch săn đuổi.
|
Nông thôn mới xã Nghĩa Phúc hôm nay. |
Trong phục vụ chiến đấu, dân và quân xã Nghĩa Phúc đã đào đắp hàng nghìn công sự hầm gia đình trú ẩn; chi viện hết mình cho tiền tuyến; có 164 thanh niên hăng hái lên đường tòng quân đánh giặc, trong đó, có 61 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường; nhiều người là thương binh, bệnh binh. Trong điều kiện một xã vừa mới được hình thành luôn đối mặt với bão lũ, vỡ đê, phải đương đầu với nhiều trận đánh phá bằng máy bay và tàu chiến của địch, nhưng Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân xã Nghĩa Phúc đoàn kết, kiên cường, vừa sản xuất tốt vừa chiến đấu giỏi, lập nhiều chiến công xuất sắc. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Nghĩa Phúc được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất. Năm 2002, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân xã Nghĩa Phúc được phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Khởi sắc “tam nông”
Kế thừa và phát huy truyền thống của quê hương, với sự năng động, sáng tạo trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân xã Nghĩa Phúc hôm nay đang vững tiến trên con đường CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, tạo ra bước chuyển vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội. Tháng 3-2016, Nghĩa Phúc được công nhận “Xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020”. Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Thực hiện công cuộc xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã vượt qua khó khăn thử thách, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng quy hoạch, kế hoạch và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, tạo động lực xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng NTM; khuyến khích phát triển các con nuôi có giá trị kinh tế cao. Cùng với hỗ trợ kinh phí của cấp trên, ngân sách xã, đóng góp của nhân dân và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, xã đã triển khai thi công và hoàn thành các hạng mục công trình của xã, xóm khu theo Đề án xây dựng NTM. Trong đó đã hoàn thành 6km đường bê tông trục xã, liên xóm; 5km đường dong xóm; nâng cấp, tu sửa cơ sở vật chất của 3 ngành học, trạm y tế, khu công sở xã. Chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường được toàn dân quan tâm. Đến nay xã đã có khu vực xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh đường làng, ngõ xóm luôn sạch đẹp. Về sản xuất muối, tổng kinh phí đầu tư cho nạo vét thủy lợi, xây dựng cầu cống, đường giao thông, hỗ trợ mô hình kỹ thuật sản xuất muối sạch trong thời gian qua đạt trên 10 tỷ đồng. Năng suất muối đến nay đạt 85 tấn/ha; tổng sản lượng hằng năm đạt 4.500 tấn, giá trị thu nhập đạt 120 triệu đồng/ha/năm. Cùng với diêm nghiệp, các ngành kinh tế khác của xã cũng từng bước phát triển, cơ cấu kinh tế dần dần thay đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, ngành nghề ngày càng phát triển phong phú, đa dạng. Bên cạnh nghề sản xuất muối, thời gian qua, xã đã chuyển đổi được hơn 30ha đất vườn tạp trong khu dân cư sang trồng màu. Ngoài sản xuất muối, các hộ dân còn trồng ngô, lạc, đậu tương và các loại rau; nuôi trồng thủy hải sản. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế ở Nghĩa Phúc có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng CN-TTCN, dịch vụ, thương mại. Toàn xã hiện có trên 200 hộ kinh doanh dịch vụ, cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Để tạo điều kiện cho nhân dân phát triển sản xuất, xã có chính sách hỗ trợ về mặt bằng, tiếp cận nguồn vốn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật. Do vậy đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng NTM là trên 30 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 33,7 triệu đồng/người/năm. Trong 5 năm qua, xã Nghĩa Phúc đã huy động hàng tỷ đồng đầu tư xây dựng hệ thống NVH; trang bị tủ sách pháp luật và các trang thiết bị âm thanh, bàn ghế đồng bộ, hiện đại cho các NVH. Đến nay, cả 8 NVH xóm trong xã đều đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ VH, TT và DL, phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Trong khuôn viên các NVH xóm, các sân tập luyện TDTT được xây dựng khang trang gồm các sân cầu lông, bóng chuyền, sân bóng đá mi-ni, khu tập luyện dưỡng sinh..., góp phần đẩy mạnh phong trào luyện tập TDTT, nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Đến nay, xã Nghĩa Phúc đã có 100% xóm được công nhận “Làng văn hóa”, các trường học và trạm y tế xã đều đạt danh hiệu “Đơn vị có nếp sống văn hóa”.
Lịch sử hình thành và phát triển mảnh đất, con người Nghĩa Phúc là thành quả đấu tranh kiên cường trong công cuộc mở đất và giữ đất, là khí phách con người mãnh liệt hơn cả bão to, sóng lớn nên biển phải lùi xa. Đó là sự đồng cam, cộng khổ, sự cố kết cộng đồng, tính cần cù, sáng tạo và nhẫn nại, kết tinh trí tuệ, mồ hôi và cả máu của đất và người vùng chân sóng để bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
Bài và ảnh:
Việt Thắng