Chúng tôi về Thịnh Long (Hải Hậu) khi nắng chiều đang nghiêng bóng. Biển mùa xuân luôn lãng đãng sương mù. Cái ranh giới vốn đã thiếu một nét chì than ngăn cách lại càng mờ nhòe trong bức tranh trời nước. Trong thời tiết ấy, một dải màu xanh của vùng trồng rau màu trên đất liền lại nổi bật lên. Ở Thị trấn Thịnh Long, ngoài những món quà từ biển khơi như tôm, cua, cá…, những người nông dân ở thị trấn còn biết khai thác thế mạnh từ đồng đất quê hương, làm giàu từ những cây rau màu có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập bình quân 270 đến 300 triệu đồng/ha.
Dẫn chúng tôi đi thăm vùng trồng màu của thị trấn, đồng chí Ngô Quang Hào, Phó Chủ tịch Hội Nông dân (HND) thị trấn cho biết: Trong khi một số địa phương sau 2 vụ lúa thường bỏ phí đất đai thì người dân ở Thị trấn Thịnh Long bằng sự cần cù, chịu khó đã tận dụng nguồn đất đai hiệu quả để phát triển kinh tế. Không cho đất nghỉ, những người dân ở đây với phương thức canh tác luân canh, gối vụ (vụ xuân trồng lạc; vụ hè thu trồng dưa lê, dưa hấu; vụ đông trồng rau màu các loại: củ cải, su hào…) mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Bình quân mỗi sào canh tác, người nông dân thu về 20 triệu đồng/năm (khoảng 540 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí cũng có thu nhập 270-300 triệu đồng/ha). Hiện diện tích trồng rau màu của thị trấn có trên 200ha, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 800 hộ dân nơi đây. Để hỗ trợ nông dân mở rộng quy mô sản xuất theo chuỗi sản xuất hàng hóa, với vai trò của mình, những năm qua, HND thị trấn đã xây dựng mối “liên kết 4 nhà” trong đó, HND thị trấn đứng ra ký kết với các doanh nghiệp đầu mối và nhận bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Hằng năm, vào đầu vụ sản xuất, HND đã phối hợp với các doanh nghiệp, Cty, HTX tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ nông dân. Hộ nào thiếu vốn được HND thị trấn phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH để tạo điều kiện cho vay vốn. Ông Trần Văn Hưng, hội viên nông dân tổ dân phố 22 cho biết, vụ đông này, gia đình ông trồng 4 sào củ cải. Giống củ cải trắng, ngọt được HND đứng ra cung cấp. Đây là giống rất phù hợp với đất cát nên việc luân canh gối vụ rất thuận lợi. Vài năm trở lại đây, nhờ luân phiên trồng cây rau màu mà gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định. Trung bình sau 3 tháng vụ đông, gia đình ông thu khoảng 8 triệu đồng từ củ cải, su hào; trong đó cứ 45 ngày thu một lứa củ cải, su hào. Bà Trần Thị Tốt cũng ở tổ dân phố 22 cho rằng, không để đất trống đang là phương châm của gia đình bà và các hộ dân trong tổ dân. Trước đây, gia đình bà chỉ chuyên nghề đi biển đánh bắt hải sản nhưng thu nhập lại phụ thuộc vào thời tiết. Vài năm trở lại đây, với việc trồng rau màu “mùa nào thức nấy”, vụ hè trồng dưa chuột, dưa lê, vụ xuân trồng lạc, rồi rau màu các loại, vụ đông trồng rau su hào, cải bắp, củ cải theo kiểu luân canh gối vụ mà kinh tế gia đình bà đi lên rõ rệt. Với từng luống cây su hào, củ cải trồng từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11 thu hoạch, bà thu lãi khoảng 12 triệu đồng. Vụ hè trước, bà trồng dưa lê cũng thu về 1,8-2 triệu đồng/sào. Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch HND thị trấn, những năm gần đây, người dân không còn trồng theo kiểu độc canh mà chuyển sang trồng nhiều loại cây phù hợp với thời tiết và thổ nhưỡng ở từng mùa. Với việc luân canh gối vụ, nhiều người dân trong thị trấn có nguồn thu nhập ổn định.
Nông dân Thị trấn Thịnh Long thu hoạch củ cải. |
Dưới cái se lạnh của những ngày đầu đông, những người nông dân ở Thị trấn Thịnh Long vẫn cần mẫn trên từng thửa ruộng. Năng suất cao, hiệu quả kinh tế lớn chính là động lực để nhà nhà, người người hăng say lao động quay vòng đất. Để có được kết quả đó, những người nông dân phải tính toán cẩn trọng từ cách gieo trồng đến cách chăm sóc sao cho rau phát triển thuận lợi. Với 2 sào rau cải bắp và 4 sào su hào, vụ này, ông Nguyễn Văn Chất chia thành nhiều luống nhỏ để dễ thoát nước nếu gặp mưa. Trước khi gieo trồng, ông bón lót bằng đạm, lân để chủ động chất dinh dưỡng từ đất cho cây hấp thụ khi lớn. Theo kinh nghiệm của ông, ngoài dinh dưỡng, yếu tố để rau phát triển tốt chính là độ ẩm thích hợp, bởi thế mà trên mỗi thửa ruộng, nông dân đều đào giếng khoan để tích trữ nước tưới cho rau. Nếu bị sâu bệnh, ông dùng chế phẩm sinh học để phun trừ, thời gian phun đến khi thu hoạch tuân thủ đúng quy định nên vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vừa giữ được chữ tín với người thu mua và người tiêu dùng. Năm nay, thời tiết thuận lợi, trồng rau màu năng suất cao hơn năm trước mà giá rau thời điểm này cũng cao. Gia đình ông đang thu hoạch su hào, trung bình mỗi sào đạt khoảng 2.000 củ, với giá bán từ 3.000-4.000 đồng/củ có thể thu từ 6-8 triệu đồng/sào/vụ. Điều phấn khởi với các hộ nông dân là với sự liên kết bao tiêu sản phẩm giữa HND với các doanh nghiệp đầu mối, nên hầu hết sản phẩm đều được các doanh nghiệp đánh xe tải về đến tận ruộng để thu mua, ít khi phải mang ra chợ bán. Một tài xế của doanh nghiệp đầu mối tại Hà Nội cho biết, cứ theo hợp đồng, mỗi tuần doanh nghiệp cho khoảng 3-4 xe về để thu mua rau cho bà con. Hầu hết các loại rau, củ, quả ở thời điểm này đều có giá cao hơn so với mọi năm như: su hào có giá bình quân 4.000 đồng/củ; củ cải có giá bình quân 8-10 nghìn đồng/kg. Vụ này trồng rau màu tuy chăm sóc vất vả hơn một chút nhưng bù lại các hộ lại thu được lợi nhuận khá cao. Đến nay, những lứa rau xuất ra thị trường đều bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng tin tưởng mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng.
Tranh thủ thời tiết nắng ráo, bà con nông dân thị trấn lại hối hả ra đồng chăm sóc các cánh đồng màu. Người dân trong thị trấn cũng rất năng động trong việc tìm hiểu thị trường, đưa các giống mới được người tiêu dùng ưa chuộng vào sản xuất. Thời gian tới, thị trấn đang kêu gọi, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào đầu tư, xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả, góp phần đa dạng hóa cây trồng hàng hóa cho thu nhập cao. Nghề nông dẫu vẫn còn những vất vả nhưng người dân Thị trấn Thịnh Long vẫn luôn gửi trọn niềm tin vào đất, thủy chung với đồng ruộng quê mình, nhất định đất sẽ không phụ công người gieo hạt./.
Bài và ảnh: Thanh Tuấn