Tích cực đấu tranh ngăn chặn xâm hại động vật hoang dã

08:12, 19/12/2016
Động vật hoang dã là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, góp phần quan trọng tạo nên sự cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống trong lành cho con người. Tuy nhiên đây là nhóm đối tượng đang bị xâm hại, cần có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hữu hiệu.
 
Theo đồng chí Mai Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN và PTNT), hiện nay nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm ở tỉnh ta, trong đó có loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, đã và đang bị săn bắt, buôn bán, xuất khẩu trái phép, thậm chí bị giết mổ đáp ứng nhu cầu thưởng thức đặc sản tại các nhà hàng, khách sạn. Lợi nhuận cao đã kích thích nhiều người bất chấp các quy định của Nhà nước, dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, khó đấu tranh, kiểm tra xử lý để buôn bán trái phép động vật hoang dã. Nếu vận chuyển với số lượng ít, động vật hoang dã thường được ngụy trang đựng trong bao bì, cặp số, sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Nếu là hàng quý hiếm với số lượng lớn thì quá trình vận chuyển được chia ra nhiều cung đoạn, thay đổi nhiều phương tiện. Trong quá trình vận chuyển, đối tượng thường có thái độ liều lĩnh, manh động, điều khiển xe chạy với tốc độ cao, nếu gặp lực lượng chức năng kiểm tra, đối tượng không hợp tác, sẵn sàng chống đối bằng mọi cách hoặc tìm cách bỏ hàng chạy thoát thân. Lợi dụng kẽ hở trong chính sách pháp luật cũng như bất cập lỏng lẻo trong việc chấp pháp nhiều đối tượng thường sử dụng chứng từ của động vật hoang dã được phép gây nuôi hợp pháp để đối phó, ngụy tạo cho việc buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã tự nhiên; trong khi không phải lực lượng chức năng nào cũng có đủ điều kiện, phương tiện để thực hiện các biện pháp giám định để xác định nguồn gốc động vật. Hoạt động gây nuôi sinh sản động vật hoang dã hợp pháp là một trong những biện pháp để bảo tồn nguồn gen, hạn chế đánh bắt từ tự nhiên, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Nhưng nếu quản lý không tốt sẽ dễ bị lợi dụng, biến tướng để che giấu việc buôn bán động vật hoang dã trái phép, đặc biệt có thể gây nguy hiểm tới tính mạng con người tại các cơ sở gây nuôi một số loài thú dữ (gấu, hổ...). Theo thống kê của Sở NN và PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 7 cơ sở gây nuôi 1.062 cá thể động vật rừng thông thường, 8 cơ sở nuôi 17 cá thể gấu ngựa; 7 cơ sở nuôi 808 cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm (trừ gấu) bao gồm: rắn hổ mang thường, rắn ráo trâu, cá sấu nước ngọt. Số lượng các trại, cơ sở nuôi và số lượng loài, số lượng cá thể nuôi ở tỉnh ta không lớn, các hộ nuôi đều đảm bảo đúng các quy định đã cam kết, đăng ký, được cấp phép chăm nuôi. Tuy nhiên, qua theo dõi quản lý cho thấy trên thực tế, không phải hộ nuôi nào cũng chăm nuôi các cá thể động vật hoang dã này theo đúng quy chuẩn bảo tồn, không gây tổn hại đến sức khỏe cá thể động vật hoang dã đang nuôi. Ngoài ra, trong số 14 cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã hung dữ trên toàn tỉnh còn có một số cơ sở chưa chấp hành đúng các quy định về quản lý, nuôi, chăm sóc, đe dọa đến tính mạng, an toàn cho người dân, gây ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng. 

Trước thực trạng kể trên, thời gian gần đây, tỉnh đã tăng cường chỉ đạo đồng bộ nhiều biện pháp nhằm bảo vệ tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái, từng bước lập lại trật tự kỷ cương trong việc bảo vệ và phát triển động vật hoang dã, đặc biệt là những loài động vật quý hiếm. Các ngành chức năng đã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý bảo vệ động vật hoang dã cho cán bộ chuyên ngành; tổ chức các lớp tập huấn quản lý bảo vệ phát triển động vật hoang dã cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình gây nuôi động vật hoang dã trên toàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác quản lý gây nuôi. Sở NN và PTNT đã chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã hung dữ trên địa bàn. Đối với những cơ sở không đảm bảo yêu cầu về an toàn, tiêu chuẩn chuồng trại theo quy định kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi và áp dụng biện pháp xử lý kịp thời. Hướng dẫn và yêu cầu người nuôi động vật hoang dã hung dữ xây dựng, thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và cộng đồng dân cư, triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng ngừa dịch bệnh; chủ động ứng phó với tình trạng động vật tấn công người hoặc thoát khỏi môi trường kiểm soát; có biện pháp phòng ngừa rủi ro phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh và các quy định của pháp luật. Sở NN và PTNT tuyên truyền, vận động các chủ nuôi không tiếp tục nuôi nhốt và chuyển giao cá thể động vật hoang dã nguy cấp quý, hiếm nhóm IB, đặc biệt là các loài hung dữ về Trung tâm cứu hộ, cơ sở nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường theo quy định. Chi cục Kiểm lâm đã tuyên truyền, vận động thành công gia đình ông Trần Minh Hiền, ở xã Xuân Hòa (Xuân Trường) tự nguyện chuyển giao để tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) cứu hộ và đưa một cá thể gấu chó không gắn chíp điện tử đã bị nuôi nhốt trong cũi làm cảnh suốt 8 năm từ khi gấu mới chỉ nặng có 1kg về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, tại Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái phép. Theo đó, Sở NN và PTNT tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo đối với công tác bảo vệ, bảo tồn các loài động vật hoang dã. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, lên án các hành vi, việc làm trái pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Ký cam kết với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn không kinh doanh buôn bán các loài động vật hoang dã trái pháp luật; tích cực tham gia bảo tồn, bảo vệ các loài động vật hoang dã. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan tố tụng và các sở, ngành liên quan thực hiện các chuyên án triệt phá các đường dây mua bán, tàng trữ, vận chuyển, xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất trái phép mẫu vật các loài động vật hoang dã. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hoạt động bầy bán, buôn bán qua mạng, quảng cáo, sử dụng trái phép mẫu vật sừng tê giác và ngà voi trên thị trường. Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh tăng cường thực hiện việc tiếp nhận, điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết các vụ việc có liên quan đến các hoạt động buôn bán, xuất nhập khẩu, chế tác, quảng cáo, sử dụng trái pháp luật các mẫu động vật hoang dã./.

 
Thanh Thúy


đồ ăn mèo Hạt Reflex cho mèo

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com