Sản xuất vụ đông được tỉnh coi là vụ sản xuất thu nhập chính trong năm với hiệu quả kinh tế rất lớn cho nông dân. Do vậy tỉnh đã chỉ đạo các huyện tập trung phát triển sản xuất vụ đông. Cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, các huyện, xã có chính sách hỗ trợ thêm nhằm động viên nông dân tham gia phát triển sản xuất cây vụ đông. Tuy nhiên qua một số vụ đã triển khai, một trong những yếu tố hạn chế việc phát triển, mở rộng diện tích cây vụ đông là tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm cây vụ đông để tránh “được mùa - mất giá”.
I- Liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông 2016
Vụ đông năm nay, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng 15 nghìn ha, tập trung vào các loại cây trồng chủ lực có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như: khoai tây 2.500ha; bí xanh 1.500ha; cà chua 1.000ha; đậu tương 800ha; ngô 2.500ha; khoai lang 1.000ha; các cây rau, đậu ngắn ngày 5.700ha. Để đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông 2016, trong thời gian qua, Sở NN và PTNT đã phối hợp với Sở Công thương, UBND các huyện, thành phố tổ chức 3 hội nghị bàn giải pháp phát triển cây vụ đông; đã mời nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản bàn phương án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sau hội nghị của tỉnh, hầu hết các huyện đã tổ chức hội nghị triển khai sản xuất cây vụ đông, mời các doanh nghiệp do Sở NN và PTNT giới thiệu cùng các xã, thị trấn bàn phương án liên kết sản xuất, thống nhất cơ chế thu mua và tiêu thụ sản phẩm.
Đa số các hộ nông dân ở xã Yên Dương (Ý Yên) vẫn đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm cây vụ đông. |
Huyện Nam Trực được đánh giá là địa phương đạt hiệu quả cao trong sản xuất vụ đông những năm gần đây. Toàn huyện gieo trồng hơn 1.350ha cây màu, các loại ngô, bí xanh, đậu tương…; trong đó khoai tây chiếm tỷ trọng lớn với 700ha. Nhằm tìm kiếm đầu ra và ổn định giá cả cho nông dân, vụ đông năm nay, Nam Trực đã ký hợp đồng với Cty TNHH Thực phẩm Orion Vina thực hiện mô hình điểm liên kết sản xuất - tiêu thụ khoai tây Atlantic tại 4 xã, thị trấn: Nam Giang, Nam Dương, Nam Hùng, Nam Hoa với quy mô sản xuất 12ha. Theo hợp đồng, Cty sẽ ứng trước giống khoai tây cho các hộ nông dân và đến khi thu mua sẽ trừ vào sản lượng khoai tây thương phẩm được thu mua ngay tại ruộng. Giống khoai tây thực hiện cho mô hình liên kết là giống Atlantic của Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), là giống có thời gian sinh trưởng ngắn, củ đồng đều, có tiềm năng năng suất cao, phù hợp với yêu cầu chế biến công nghiệp. Hiện khoai tây Atlantic đang được sử dụng nhiều làm nguyên liệu chính cho công nghiệp chế biến khoai tây. Cty phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc khoai tây cho nông dân tham gia mô hình và thu mua sản phẩm. Cty cam kết thu mua 100% khoai tây thương phẩm cho bà con nông dân với giá 6.300 đồng/kg. Tại thời điểm thu mua, nếu giá thị trường thấp hơn, Cty sẽ giữ nguyên giá thu mua theo hợp đồng, còn nếu giá thị trường cao hơn thì Cty sẽ thỏa thuận với bà con giá thu mua hợp lý. Sau 15 ngày Cty sẽ thanh toán đầy đủ tiền cho bà con. Điều kiện thu mua là khoai tây phải đạt chất lượng, yêu cầu của Cty như: kích cỡ củ to từ 4,8-9cm, không dập, thối, không xanh, không nứt vỏ, không rỗng ruột. Đồng chí Vũ Văn Thắng, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Nam Trực cho biết: Trong những năm vừa qua, hầu hết sản phẩm cây vụ đông nói chung, cây khoai tây của huyện nói riêng đều được tiêu thụ qua kênh thương lái tự do, chưa có doanh nghiệp nào đứng ra thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông với bà con nên giá sản phẩm đều do thị trường, thực chất là do thương lái quyết định, nên khó tránh khỏi bị ép cấp, ép giá. Đây là vụ đầu tiên thực hiện liên kết để xác định vùng trồng khoai tây của Nam Trực là vùng nguyên liệu trọng điểm cho Cty Orion. Nếu mô hình thành công, có hiệu quả, Nam Trực sẽ tuyên truyền, vận động bà con tham gia mở rộng liên kết, diện tích có thể lên tới 300-500ha trong những vụ tiếp theo. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để nông dân Nam Trực thay thế bộ giống khoai tây cũ (chủ yếu là giống khoai tây KT3) năng suất thấp, chất lượng không cao, đặc biệt là dễ nhiễm các loại sâu bệnh như: xoăn lá vi-rút, héo xanh…
Từ tháng 3-2016, cơ sở sản xuất và tiêu thụ nông thủy sản an toàn Loan Chinh ở Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) thực hiện chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn với một số hộ nông dân xã Hải An. Dù mới đi vào hoạt động nhưng cơ sở Loan Chinh đã có chỗ đứng nhất định trong việc sản xuất, cung cấp rau sạch cho bếp ăn tập thể ở các KCN, trường học trên địa bàn tỉnh. Do vậy, vụ đông năm nay, cơ sở đã mở rộng liên kết sản xuất rau an toàn với 50 hộ nông dân tại xã Hải An và Thị trấn Thịnh Long. Với quy mô 20ha, mỗi ngày cơ sở cung cấp trên 1 tấn rau, củ, quả các loại ra thị trường. Ở chuỗi liên kết này, cơ sở giữ vai trò là đầu mối, định hướng cho nông dân về quy mô sản phẩm, chất lượng, quy cách nông sản. Tại Thịnh Long trồng các loại rau củ là su hào, cà rốt, củ cải, khoai tây…; còn tại Hải An trồng các loại rau ăn lá. Chị Võ Thị Thúy Chinh, chủ cơ sở Loan Chinh cho biết: Để có được sản phẩm rau an toàn, từ giống đến phân bón đều có sự lựa chọn, quản lý của cơ sở. Bên cạnh đó, cơ sở phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện, Trạm BVTV huyện theo dõi, hướng dẫn cho người dân phòng trừ sâu bệnh hại bằng thuốc sinh học. Toàn bộ lô hàng khi xuất sẽ được các ngành chức năng kiểm định để có chứng nhận rau an toàn. Cơ sở đã xây dựng kho bảo quản có sức chứa 5 tấn, đồng thời có xe bảo quản lạnh vận chuyển đến các bếp ăn. Hiện cơ sở đang xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi rau an toàn. Tham gia chuỗi liên kết này, các hộ nông dân không những có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định mà còn được tiếp cận với kỹ thuật sản xuất rau an toàn, được thu mua với giá cao hơn 10% so với giá thị trường…
Trong vụ đông năm 2016, huyện Nghĩa Hưng cùng với Cty CP Dược phẩm Hoa Thiên Phú mở rộng mô hình liên kết - sản xuất cây dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO lên quy mô 22ha tại 4 xã Hoàng Nam, Nghĩa Minh, Nghĩa Phúc, Nghĩa Phong. Các sản phẩm liên kết chủ yếu là cây đương quy, ngưu tất. Trước đó, trong vụ liên kết đầu tiên với Cty đã cho nông dân xã Hoàng Nam thu lãi 1,9 tỷ đồng, xã Nghĩa Minh lãi 1,58 tỷ đồng. Hiện Cty đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở chế biến dược liệu được thiết kế tiêu chuẩn GMP để đảm bảo cả các tiêu chí từ trồng sạch, canh tác sạch, sơ chế sạch và bảo quản sạch. Toàn bộ hệ thống sấy theo công nghệ nhiệt sạch với 4 máy sấy, mỗi máy có công suất 4-5 tấn dược liệu/ngày giúp Cty có thể thực hiện mở rộng liên kết mỗi vụ lên 50ha. Đồng chí Trần Trung Hiếu, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Nghĩa Hưng cho biết: mô hình liên kết phát triển vùng sản xuất dược liệu ở Nghĩa Hưng đang từng bước khẳng định mối liên kết bền vững giữa 3 “nhà”: Doanh nghiệp - Nhà nước - Nhà nông với các kết quả thiết thực như nâng thu nhập cho nông dân cao hơn 2-3 lần cấy lúa, trồng màu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vừa giúp doanh nghiệp có nguồn cung nguyên liệu ổn định, bền vững…
Tính đến nay đã có gần 100ha cây vụ đông được ký hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với 5 mô hình: đại lý Loan Chinh với các hộ nông dân xã Hải An, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) sản xuất chuỗi rau an toàn; Cty CP Đồng Giao (Ninh Bình) với xã Yên Cường (Ý Yên) sản xuất hành lá xuất khẩu; Cty Orion Vina với 4 xã của huyện Nam Trực sản xuất khoai tây Atlantic; Cty CP Nam Dược và Cty CP Dược phẩm Hoa Thiên Phú tổ chức sản xuất dây thìa canh, cây dược liệu tại các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Ngoài việc chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm cây vụ đông, xây dựng các liên kết sản xuất để bảo đảm tính ổn định, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn các địa phương, các hộ nông dân tập trung mở rộng gieo trồng các loại cây tiêu thụ, dễ bảo quản như các cây bí, cây đậu tương, cây ngô, khoai tây… Hầu hết các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông đều mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, giúp người nông dân yên tâm sản xuất, khẳng định sự cần thiết tất yếu phải hợp tác trong phát triển sản xuất nông nghiệp.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Ngọc Ánh