Để người tiêu dùng được tiếp cận nguồn rau an toàn

08:12, 20/12/2016

Rau xanh là loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình. Tuy nhiên thực trạng rau xanh nhiễm tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng hiện đang ở mức báo động, gây ra những hệ lụy và tác hại khôn lường cho sức khỏe con người.

Trước thực trạng này, trên địa bàn tỉnh, một số doanh nghiệp đang tập trung sản xuất rau an toàn theo một số mô hình tiên tiến như: sản xuất rau an toàn theo công nghệ của Ít-xra-en tại một trang trại trồng rau ở Mỹ Thắng (Mỹ Lộc); sản xuất rau theo công nghệ Nhật Bản của Trung tâm Giống cây trồng Nam Định (Sở NN và PTNT); sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Yên Dương (Ý Yên)... Tuy nhiên, việc sản xuất rau xanh theo các mô hình trên chỉ như “muối bỏ bể”, chỉ số ít người được sử dụng trong khi phần lớn người dân trên địa bàn tỉnh vẫn sử dụng nguồn rau chưa được quản lý, kiểm soát về chất lượng. Nguyên nhân do sự liên kết giữa nhà sản xuất - nhà kinh doanh còn lỏng lẻo trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, các mô hình sản xuất rau an toàn tại tỉnh ta còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa phát triển thành các mô hình hợp tác như tổ, đội sản xuất, hợp tác xã, công ty… để hỗ trợ sản xuất, phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Có một thực tế hiện nay là người dân đang rất cần sử dụng nguồn rau an toàn, nhưng các nhà sản xuất rau an toàn không tìm kiếm và phát triển được thị trường tiêu thụ. Nhiều vùng đã được quy hoạch sản xuất rau an toàn nhưng phải thu hẹp lại diện tích quay trở lại tập quán canh tác rau truyền thống do tiêu thụ chậm. Đơn cử như tại xã Yên Dương (Ý Yên), từ 3ha được quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn ban đầu, nay thu hẹp lại chỉ còn 1ha trong tổng số 200ha trồng rau do thị trường tiêu thụ chậm, sản phẩm tồn đọng nên người dân rút khỏi mô hình…

Thu hoạch cà chua tại một trang trại trồng rau an toàn của xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc).
Thu hoạch cà chua tại một trang trại trồng rau an toàn của xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc).

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho sản xuất và giá thành sản phẩm rau an toàn cao hơn nhiều so với các sản phẩm rau thông thường gây khó khăn cho tiêu thụ và phát triển sản xuất. Anh Lê Văn Tuấn, Tổ trưởng tổ dịch vụ sản xuất HTX Yên Dương cho biết: Hiện trên địa bàn xã có khoảng 20 hộ tham gia sản xuất rau an toàn trên diện tích 1ha, gồm các loại rau: Su hào, bắp cải, lơ xanh, cải ngọt, rau muống, cải ngồng, đậu cô ve, cải bó xôi… mỗi tháng cung cấp ra thị trường từ 5-7 tấn rau xanh các loại, chủ yếu tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số cửa hàng rau trên địa bàn tỉnh thông qua các thương lái. Tuy nhiên, ngoài những gia đình có điều kiện kinh tế, “con đường” để nguồn rau an toàn đến tay người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình vẫn còn nhiều nan giải. Bởi, giá của rau an toàn khi đến tay người tiêu dùng thường gấp đôi so với giá trị thực của sản phẩm. Một khó khăn nữa là người mua chưa mấy mặn mà với rau an toàn vì vẫn nghi ngờ chất lượng thực sự của sản phẩm. Do vậy, theo anh Tuấn, để nguồn rau an toàn đến tay người tiêu dùng, nhà kinh doanh cần phải giảm tối đa các chi phí vận chuyển, bao bì, đóng gói… để hạ giá thành sản phẩm đồng thời phải cam kết trách nhiệm về độ an toàn của sản phẩm. Điều này cần sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường trách nhiệm giữa người sản xuất với người kinh doanh để quy trình sản xuất rau phải thực sự an toàn; và phải xây dựng được lòng tin giữa nhà sản xuất - nhà kinh doanh với người tiêu dùng. Muốn vậy, nhà kinh doanh phải “kích cầu” sản xuất bằng cách chia sẻ lợi ích với nhà sản xuất để họ không quay về tập quán canh tác rau truyền thống. Còn anh Trần Trọng Việt, chủ trang trại trồng rau an toàn theo công nghệ Ít-xra-en tại xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) cho biết, từ năm 2014, anh bắt tay triển khai trang trại trồng rau an toàn trên quy mô 4ha tại xã Mỹ Thắng gồm các loại rau, củ, quả theo mùa như cải ngọt, cải thảo, rau muống, rau dền, su hào, súp lơ, cà chua, khoai tây, bắp cải, dưa lưới, cà chua, trái cây… Trung bình mỗi tháng, trang trại của anh cung cấp ra thị trường, chủ yếu là Hà Nội và một số cửa hàng rau sạch tại Thành phố Nam Định khoảng 16-20 tấn rau, củ, quả. Ưu điểm của mô hình sản xuất rau, củ, quả theo công nghệ của Ít-xra-en là hệ thống tưới nước phun sương, tưới nhỏ giọt giúp tận dụng tuyệt đối lượng nước và phân bón. Trước khi bắt tay vào vụ canh tác người lao động được hướng dẫn về quy trình sản xuất và cách sử dụng công nghệ mới. Hiện tại, trang trại của anh Việt tạo việc làm cho khoảng gần 10 lao động với thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng/tháng tùy thuộc vào tay nghề. Cũng theo anh Việt, “con đường” để nguồn rau sạch tới tay người tiêu dùng hiện còn nhiều nan giải do chi phí phụ trội và công sức nhà sản xuất phải bỏ ra để xây dựng quy trình trồng rau an toàn, chưa kể chi phí cho việc giám định chất lượng sản phẩm, chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn cho sức khỏe người sử dụng, chi phí đóng gói, dán tem nhãn, chi phí vận chuyển và những rủi ro do điều kiện thời tiết... Theo anh, để khắc phục khó khăn, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn rau an toàn, cần phải thay đổi thói quen lựa chọn thực phẩm của người dân theo hướng: “Tốt cho sức khỏe - an toàn - ngon miệng - đẹp mắt”. Ngoài ra, cần tổ chức các doanh nghiệp thực phẩm an toàn lại thành một hiệp hội để vừa cung cấp đa dạng các sản phẩm, vừa kiểm soát được chất lượng thực phẩm, từ đó mới hạ được giá thành sản phẩm và tạo dựng được lòng tin của người tiêu dùng. Các ngành chức năng cũng cần xiết chặt lại quy trình cấp và chứng nhận sản phẩm an toàn. 

Để tất cả người dân được tiếp cận với nguồn rau an toàn, ngoài việc các nhà sản xuất, kinh doanh liên kết chặt chẽ để giữ vững uy tín, thương hiệu, hạ giá thành sản phẩm, thì sản phẩm rau an toàn cũng được gắn tem thương hiệu sản phẩm thể hiện nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, nhà sản xuất, kinh doanh cũng cần xây dựng hệ thống đại lý cung ứng rau, củ, quả sạch ổn định tại các địa bàn trong tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để người dân nhận thức được và bài trừ những sản phẩm rau không an toàn, tẩy chay những sản phẩm rau không đạt chất lượng, những cửa hàng bán rau sạch không đúng cam kết để thúc đẩy sản xuất rau an toàn. Ngoài ra, để rau an toàn có “chỗ đứng” trên thị trường, các ngành chức năng, các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt việc quy hoạch mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com