Vì sao đoạn đường Phù Nghĩa hay xảy ra tai nạn giao thông?

07:11, 04/11/2016

Thời gian gần đây tuyến đường Phù Nghĩa, đoạn bắt đầu từ ngã tư Phù Nghĩa - Trường Chinh đến cầu Lộc Hạ, phường Hạ Long (TP Nam Định), theo phản ánh của nhiều hộ dân sống ở hai ven đường và người tham gia giao thông rất hay xảy ra các vụ tai nạn giao thông hoặc va chạm giao thông. Nhẹ thì cả người và phương tiện bị ngã, xước xát chân tay và xe, nặng thì có thể phải đi bệnh viện, thậm chí dẫn đến chết người.

Hộ gia đình ông Trần Nhất Thọ, số nhà 153, đường Phù Nghĩa, phường Hạ Long đã có thời gian sinh sống ở mặt đường này khoảng trên 30 năm. Theo ông Thọ, trước đây khi ngã tư Phù Nghĩa - Trường Chinh chưa được nâng cấp lên thành đường đôi, đường không rộng, khang trang như bây giờ. Thế nhưng tình trạng tai nạn giao thông, va chạm giao thông lại xảy ra ít hơn hẳn so với hiện tại: “Cách đây khoảng 3 năm khi thành phố được công nhận đô thị loại 1, ngã tư đường Phù Nghĩa - Trường Chinh được đầu tư nâng cấp lên thành đường đôi với lòng đường, vỉa hè khá rộng rãi. Giữa đường là dải phân cách rộng, hai bên và giữa dải phân cách được trồng khá nhiều cây to tỏa bóng râm mát. Là đường đôi nên đường Phù Nghĩa được thiết kế với 4 làn xe, thuận tiện cho các phương tiện giao thông di chuyển. Tuy nhiên từ khi hình thành đường mới, tình trạng va chạm giao thông, tai nạn giao thông lại xảy ra khá thường xuyên, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến chết người. Nhà chúng tôi ở ngay mặt đường nên rất hay chứng kiến các vụ tai nạn nói trên. Thỉnh thoảng chúng tôi còn trông giúp xe cho người bị tai nạn nặng phải đến bệnh viện cấp cứu, chờ họ đến lấy xe sau”, ông Thọ cho biết. Còn theo anh Nguyễn Văn Tiến, hành nghề xe ôm đứng ở đầu chợ Hạ Long thì “hầu như tháng nào trên tuyến đường này cũng xảy ra vài vụ tai nạn giao thông. Tôi đứng cố định ở chợ nên thấy khá nhiều tình huống tai nạn giao thông xảy ra. Nhiều khi tôi thấy lo vì nghề của mình thường xuyên phải tham gia giao thông ở khu vực này”, anh Tiến nói. Đoạn ngã tư Phù Nghĩa - Trường Chinh đến cầu Lộc Hạ kéo dài khoảng 700m, tuy nhiên trên tuyến đường này có khá nhiều “điểm nóng” giao thông. Hiện, tuyến đường là nơi đứng chân của 2 trường học gồm: Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân và THCS Lương Thế Vinh với số lượng học sinh khá đông. Đối diện với Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân là khu vực chợ Hạ Long. Chưa kể đến Trường Mầm non Hoa Sen nằm trong ngã ba đường Lưu Hữu Phước cách mặt đường chính không xa. Vì thế mật độ tham gia giao thông trong các giờ cao điểm tại các khoảng thời gian 7h, 11h sáng, 4h-6h chiều tại đường Phù Nghĩa vô cùng đông đúc. 4h chiều, chúng tôi có mặt tại cổng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân và được chứng kiến cảnh người, phương tiện tham gia giao thông đang kẹt cứng “như nêm” tại cổng trường. Vào thời gian này, đông đảo phụ huynh học sinh đang túc trực ở cổng trường để chờ đón con em tan học, nhiều phụ huynh học sinh dựng xe ngay dưới lòng đường. Họ xếp xe máy thành hàng đôi, thậm chí hàng ba, hàng tư lấn chiếm lòng đường, cản trở các phương tiện khác tham gia giao thông. Cách Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân không xa, giờ tan học trước cổng Trường THCS Lương Thế Vinh cũng đông đúc, nhộn nhạo không kém. Các em học sinh tham gia giao thông lộn xộn, xếp thành hàng bốn, hàng năm để đi. Chưa kể vào những điểm thời gian trên cũng là lúc chợ Hạ Long thu hút số lượng đông người vào mua bán, trao đổi hàng hóa. Vì thế, trên một tuyến đường ngắn đã đông đúc người nay càng đông hơn. Người và phương tiện tham gia giao thông đông, thiếu ý thức, vì vậy hậu quả tất yếu dẫn đến là khả năng xảy ra va chạm giao thông hoặc tai nạn giao thông cao. 
Cổng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, đường Phù Nghĩa, phường Hạ Long (TP Nam Định) luôn đông cứng người và phương tiện vào giờ tan học gây tình trạng lộn xộn, mất ATGT.
Cổng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, đường Phù Nghĩa, phường Hạ Long (TP Nam Định) luôn đông cứng người và phương tiện vào giờ tan học gây tình trạng lộn xộn, mất ATGT.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng hay xảy ra tai nạn giao thông, theo chúng tôi là việc bố trí hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại khu vực này chưa hợp lý. Đèn tín hiệu giao thông vốn là để điều tiết người và phương tiện tham gia giao thông một cách hiệu quả thì hình như đang bị “bỏ quên” trên tuyến đường này. Theo quan sát của chúng tôi, tuyến đường chỉ được bố trí duy nhất cột đèn tại đầu ngã tư. Suốt chiều dài từ ngã tư đến cầu Lộc Hạ, không thấy xuất hiện một cột đèn tín hiệu giao thông nào. “Đáng lẽ vào những khu vực đông dân cư, nhiều ngã ba, ngã tư như đường Phù Nghĩa, thành phố nên cho lắp đặt thêm các cột đèn tín hiệu giao thông, biển báo. Việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông có thể hạn chế tốc độ của các phương tiện tham gia giao thông vừa giúp điều tiết giao thông hiệu quả hơn. Nhưng từ khi tuyến đường được nâng cấp lên thành đường đôi, chúng tôi vẫn chưa thấy có thêm các cột đèn tín hiệu giao thông nào ở khu vực này”, ông Thọ chia sẻ thêm. Vì không có đèn nên vào những giờ cao điểm, tan học, tan tầm, nhiều đoạn trở nên khá lộn xộn do người tham gia giao thông “mạnh ai nấy đi”. Bên cạnh đó mặc dù là đường đôi song do không có quy định đường một chiều nên người dân đi cả hai chiều vào một làn đường dẫn đến tình trạng giao thông lộn xộn. Lý do nữa khiến cho đường Phù Nghĩa hay xảy ra tai nạn do đây là nơi giao cắt của khá nhiều ngã ba dẫn vào các khu dân cư đông đúc. “Đếm trên đầu ngón tay” làn đường bên phải có đến 4 ngã ba. Vì có nhiều ngã ba, đường nhánh nên người tham gia giao thông khi đi từ các con ngõ ra đường chính dễ bị hạn chế tầm nhìn có thể dẫn đến tai nạn. “Tôi nhớ cách đây khoảng 20 ngày, có một chị đằng sau chở theo con nhỏ đi từ đường Lưu Hữu Phước ra Phù Nghĩa thì đâm phải một người đi ngược chiều. Vụ va chạm tai nạn giao thông này là tình huống rất hay gặp trên tuyến đường này, gây tâm lý hoang mang cho người tham gia giao thông nói chung. Cũng may mà cả hai người chỉ bị xây xát nhẹ, không ảnh hưởng đến tính mạng”, anh Tiến kể. 
 
Trên một tuyến đường không quá dài mà thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông, va chạm giao thông hoặc các điểm ùn tắc cục bộ; thiết nghĩ, các cấp, các ngành, cơ quan chức năng có liên quan nên xem xét lại cách bố trí giao thông, đèn tín hiệu giao thông hoặc có biện pháp phân luồng giao thông phù hợp hơn. Trước mắt, cần làm tốt công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho các bậc phụ huynh, học sinh, người tham gia giao thông nhằm nâng cao ý thức, tránh tình trạng chen lấn, ùn ứ. Cùng với đó, phối hợp với các nhà trường, UBND phường xây dựng các điểm Cổng trường an toàn giao thông, các đội trật tự giúp tuyên truyền, phân luồng, hướng dẫn tham gia giao thông một cách hiệu quả… Có như vậy mới có thể khắc phục tình trạng mất an toàn giao thông, giải tỏa tâm lý lo lắng, hoang mang cho người tham gia giao thông tại một trong những tuyến đường đẹp, xanh mát nhất của thành phố./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com