[links()]
(Tiếp theo và hết)
II. Để các cụm, điểm công nghiệp phát triển bền vững
Chủ trương phát triển các cụm, điểm công nghiệp nông thôn là đúng đắn và cần thiết để các địa phương thực hiện tốt hơn công tác thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Tuy nhiên, để phát huy tối đa vai trò, hiệu quả của các cụm, điểm công nghiệp nông thôn, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng CNH-HĐH trước hết cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch các điểm, CCN. Theo quy hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN giai đoạn 2011-2020 đã được phê duyệt, đến năm 2020, tỉnh ta ngoài 20 CCN đang hoạt động sẽ phát triển thêm 11 CCN mới với tổng diện tích 491ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng là 1.280 tỷ đồng. Song do thiếu vốn đầu tư và nhu cầu mặt bằng của các doanh nghiệp còn thấp nên có nơi quy hoạch lại chưa thực hiện được. Trong khi đó, ở một số địa phương, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhu cầu mặt bằng để phát triển sản xuất, kinh doanh thì lại không trong quy hoạch xây dựng CCN. Một số CCN hình thành trước năm 2007 như: CCN Thịnh Long (Hải Hậu); Thịnh Lâm (Giao Thủy) do chưa có kinh nghiệm nên dự án lập không sát thực tế, hệ thống hạ tầng chưa được đồng bộ, cộng với việc định hướng phát triển, thu hút đầu tư kém dẫn đến hậu quả khả năng lấp đầy ít. Trong 20 CCN chỉ có 3 CCN là: An Xá (TP Nam Định), Xuân Tiến (Xuân Trường) và Tống Xá (Ý Yên) được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng kinh phí 26,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 2 hệ thống xử lý nước thải đã hoạt động, còn hệ thống xử lý nước thải của CCN Tống Xá (tổng kinh phí 6,5 tỷ đồng) vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Sản xuất băng gạc y tế tại Cty TNHH Đầu tư và Thương mại An Lành, CCN An Xá (TP Nam Định). |
Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động của các CCN cũng còn nhiều bất cập. Toàn tỉnh đã có 6 Trung tâm Phát triển CCN có chức năng quản lý Nhà nước và khai thác hạ tầng các CCN nhưng thiếu quy chế hoạt động thống nhất, cụ thể nên chưa phát huy được vai trò. Đó là những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng vẫn còn nhiều CCN chưa được lấp đầy như: Trung Thành, Quang Trung (Vụ Bản); Thịnh Long (Hải Hậu)… Một số vấn đề nữa trong công tác quy hoạch, định hướng phát triển các điểm công nghiệp nông thôn là chưa chú trọng tới các yếu tố: quỹ đất, nguồn lao động, vấn đề an sinh xã hội và bảo đảm vệ sinh môi trường, trật tự an toàn xã hội đối với các cụm, điểm công nghiệp không có sẵn nguồn lao động tại chỗ, phải sử dụng nhiều lao động bên ngoài đến làm việc kéo theo các nhu cầu về nơi ở, các vấn đề an sinh xã hội khác. Cả 218 điểm công nghiệp nông thôn trong toàn tỉnh mới được quy hoạch sử dụng đất, chưa có định hướng thu hút đầu tư cụ thể nên chưa phát huy được lợi thế cạnh tranh của từng địa phương như: vị trí địa lý, nguồn nhân lực, nguồn cung ứng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất… Do thiếu quy hoạch tổng thể, đồng bộ nên các điểm công nghiệp nông thôn dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo về thu hút đầu tư, phát triển ngành nghề sản xuất phù hợp. Công tác quản lý các dự án đầu tư vào các điểm công nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn do quy mô, năng lực của địa phương, nhất là các vấn đề liên quan đến công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường của các dự án đầu tư. Vấn đề quan trọng nhất là số lượng và diện tích các điểm công nghiệp nông thôn cũng cần được quan tâm. Huyện Ý Yên là địa phương đề xuất xây dựng nhiều điểm công nghiệp nhất tỉnh với 72 điểm, tổng diện tích 362,14ha, điểm công nghiệp có diện tích thấp nhất 1,7ha, cao nhất là 27,3ha. Không bố trí xây dựng nhiều điểm công nghiệp như huyện Ý Yên nhưng các huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng lại quy hoạch các điểm công nghiệp “đặc biệt” với diện tích rất lớn. Huyện Nghĩa Hưng chỉ có 19 điểm công nghiệp nhưng lại chiếm tới 649,78ha, trong đó điểm công nghiệp lớn nhất có diện tích 70,5ha. Huyện Trực Ninh cũng chỉ có 21 điểm công nghiệp nhưng chiếm tới 600ha và điểm công nghiệp lớn nhất có diện tích lên đến 80,5ha (gần bằng diện tích của CCN An Xá và gấp hơn 2 lần diện tích của 3 CCN đang hoạt động trên địa bàn huyện là: Cát Thành, Cổ Lễ và Trực Hùng). Số lượng điểm công nghiệp quá nhiều hay diện tích một điểm công nghiệp quá lớn khiến mọi người không khỏi băn khoăn về những hệ lụy do phát triển công nghiệp nông thôn dàn trải, phân tán, năng lực quản lý, thu hút đầu tư không tương xứng…
Trước tình hình trên, để các cụm, điểm công nghiệp phát triển bền vững, hợp lý, thúc đẩy tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của các địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Sở Công thương đã đề xuất với UBND tỉnh triển khai một số giải pháp cụ thể đối với các CCN và điểm công nghiệp. Đối với Sở Công thương đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh Quy hoạch phát triển các CCN giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025; củng cố, hoàn thiện quy chế để thống nhất và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm Phát triển CCN; hỗ trợ UBND các huyện có CCN chưa lấp đầy xây dựng phương án thu hút đầu tư, từng bước khai thác hiệu quả quỹ đất CCN hiện có… Đối với các điểm công nghiệp nông thôn: đề nghị UBND tỉnh lựa chọn một số khu đất (đã quy hoạch) dành cho phát triển điểm công nghiệp để đưa vào quy hoạch phát triển điểm công nghiệp; thống nhất xây dựng định hướng đầu tư, ngành nghề sản xuất tại từng điểm công nghiệp… Trên cơ sở tham mưu của Sở Công thương, UBND tỉnh đã giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, UBND các địa phương tổ chức rà soát lại kế hoạch, quy hoạch phát triển các cụm, điểm công nghiệp giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025, điều chỉnh theo hướng 3-4 xã, thị trấn có 1 CCN hoặc điểm công nghiệp, diện tích CCN không quá 50ha và diện tích điểm công nghiệp tối thiểu khoảng 10ha. Yêu cầu UBND các huyện, thành phố thống nhất về chủ trương điều chỉnh quy hoạch, đầu tư xây dựng thu hút đầu tư vào các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn; sau khi điều chỉnh quy hoạch chỉ tiến hành xúc tiến, thu hút doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư vào các cụm, điểm công nghiệp trong quy hoạch./.
Bài và ảnh: Thành Trung