Phát triển các cụm, điểm công nghiệp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn (kỳ 1)

08:11, 14/11/2016

Trong giai đoạn 2011-2016, toàn tỉnh đã hình thành và phát triển được 20 CCN tập trung với tổng diện tích 339,25ha. Các CCN đã thu hút 471 dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 3.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho gần 19 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài các CCN tập trung, đến nay, toàn tỉnh đã phát triển thêm được 218 điểm công nghiệp (có diện tích từ 1,5ha trở lên) với tổng diện tích 2.270,9ha… Đó là những nòng cốt thúc đẩy phát triển sản xuất CN-TTCN nông thôn của tỉnh.

I. Những kết quả đáng khích lệ

Với tổng diện tích đất công nghiệp là 216ha; tổng mức đầu tư gần 570 tỷ đồng (tổng kinh phí đã thực hiện trên 322,3 tỷ đồng), 20 CCN tập trung đã cho thuê xấp xỉ 177ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt trên 82%. Trong 6 tháng đầu năm 2016, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư mở rộng 2 CCN là: Đồng Côi (Thị trấn Nam Giang, Nam Trực) và Thị trấn Lâm (Ý Yên) với tổng diện tích 25,59ha, tổng vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật là 171,5 tỷ đồng, thời hạn hoàn thành vào các năm 2018 và 2020. Các CCN chủ yếu tập trung tại các địa phương có nhiều làng nghề sản xuất CN-TTCN phát triển như: huyện Xuân Trường có 4 CCN; các huyện: Ý Yên, Trực Ninh, Hải Hậu có 3 CCN; huyện Nam Trực có 2 CCN. Riêng Thành phố Nam Định chỉ có 1 CCN tập trung nhưng lại có diện tích lớn nhất tỉnh, 97ha và huyện Mỹ Lộc chưa có CCN nào. Cả 20 CCN tập trung đã đi vào hoạt động trước năm 2010 với hạ tầng cơ sở như: hệ thống giao thông, điện, cấp - thoát nước tương đối hoàn chỉnh là một trong những yếu tố quan trọng để công tác thu hút đầu tư đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến các địa phương để thu hút đầu tư vào các CCN. Trong giai đoạn 2011-2015, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề nông thôn. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành 4 quyết định về các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi thu hút đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh trong các CCN tập trung; chỉ đạo các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh.

Sản xuất giày da xuất khẩu tại Cty CP Cơ khí Nam Hà, CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng).
Sản xuất giày da xuất khẩu tại Cty CP Cơ khí Nam Hà,
CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng).

Để nâng cao vai trò quản lý Nhà nước và phát triển bền vững các CCN theo đúng quy hoạch, UBND tỉnh đã quyết định thành lập 7 Trung tâm phát triển CCN của các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Vụ Bản và Thành phố Nam Định làm cánh tay nối dài của chính quyền các huyện, thành phố, sở, ngành chức năng trong quản lý Nhà nước đối với các hoạt động của CCN, xúc tiến thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc thực hiện các chương trình Khuyến công, Đề án 1956 vừa góp phần đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi đến đầu tư; vừa tăng cường năng lực kỹ thuật, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp ở nông thôn. Cùng với quyết tâm của tỉnh và các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố cũng tập trung chỉ đạo các phòng chức năng nghiên cứu các cơ chế, chính sách khuyến khích của Trung ương, của tỉnh và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của huyện để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các CCN. Tại nhiều địa phương, các CCN tập trung đã trở thành những trung tâm sản xuất CN-TTCN, phát huy vai trò “hạt nhân” thúc đẩy phát triển sản xuất ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn. Không chỉ thu hút các dự án quy mô vừa, các CCN đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn (trong đó có cả những dự án đầu tư nước ngoài) như: dự án đầu tư vào CCN Nam Hồng của Cty TNHH Yamani Dynasty (Đài Loan), sản xuất các sản phẩm từ da, với tổng mức đầu tư 25 triệu USD đã được nâng lên quy mô 4 xưởng sản xuất với tổng diện tích gần 24 nghìn m2, gồm 21 chuyền, tạo việc làm cho 2.700 lao động; dự án đầu tư của Cty CP May Sông Hồng với tổng mức đầu tư trên 350 tỷ đồng vào CCN Hải Phương (Hải Hậu) với 4 xưởng may công nghiệp thu hút trên 2.200 lao động, thu nhập bình quân từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng; Cty TNHH Đầu tư và Thương mại An Lành đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bông gạc, găng tay y tế trên diện tích 1,2ha tại CCN An Xá (TP Nam Định) với tổng trị giá trên 5 triệu USD, tạo việc làm cho gần 300 lao động…  Nhờ đó, giá trị sản xuất (giá so sánh năm 1994) của các CCN tập trung năm 2015 đã đạt giá trị trên 4.852 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,6% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. 10 tháng năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh hệ thống các CCN tập trung, các địa phương căn cứ vào quỹ đất dành để phát triển sản xuất công nghiệp - dịch vụ (từ 1,5ha trở lên, đã được phê duyệt trong Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025) của các xã để xây dựng các điểm công nghiệp nông thôn. Huyện có nhiều điểm công nghiệp nông thôn nhất là Ý Yên với 72 điểm công nghiệp; điểm công nghiệp nông thôn có diện tích lớn nhất thuộc về huyện Trực Ninh với diện tích 80,5ha. Trong những năm qua, quỹ đất xây dựng điểm công nghiệp nông thôn đã giúp nhiều huyện, xã chủ động các biện pháp quảng bá, kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động địa phương theo hướng xây dựng NTM. Theo số liệu của Sở Công thương, đến năm 2016, đã có 75 dự án đầu tư vào các điểm công nghiệp nông thôn trên địa bàn các huyện: Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Xuân Trường, Nam Trực… Các dự án đầu tư tại các điểm công nghiệp nông thôn không chỉ đạt giá trị đầu tư lớn mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn như dự án đầu tư của: Cty CP May Sông Hồng đầu tư 350 tỷ đồng xây dựng nhà máy may công nghiệp tại xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động; ở huyện Vụ Bản Cty CP May Nam Âu đầu tư 85,7 tỷ đồng tại xã Hiển Khánh, Cty CP Dệt may Sơn Nam đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sợi và xưởng may các loại khăn bông xuất khẩu tổng diện tích 4,15ha tại xã Minh Tân.

Kết quả hoạt động của các cụm, điểm công nghiệp đã cho thấy hiệu quả thực tiễn về nhiều mặt kinh tế - xã hội của chủ trương này. Các cụm, điểm công nghiệp ra đời đã đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển sản xuất công nghiệp, ngành nghề nông thôn, các yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động trong nông nghiệp, nông thôn; giải phóng các tiềm năng kinh tế, năng lực sáng tạo của nông dân, nông thôn./.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com