Nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh

08:11, 04/11/2016
Chúng tôi đến chùa Phúc Lâm, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) đúng lúc trời đang mưa tầm tã và bắt gặp cảnh ni sư Thích Đàm Mến đang tất tả gấp gọn những chiếc áo mưa của các cháu nhỏ vừa đi học về. Thấy chùa có khách, các cháu đều chào lễ phép rồi cháu dọn đồ chơi, cháu dọn ghế, cháu pha nước mời khách. Trước vẻ ngỡ ngàng của chúng tôi, ni sư Thích Đàm Mến xúc động kể: Từ năm 2006 đến nay, nhà chùa đã nhận nuôi dưỡng 10 trẻ bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Đa số các cháu đều bị mẹ để lại cổng chùa cùng mảnh giấy viết vội dòng chữ “Xin nhà chùa nuôi giúp”; có trường hợp người mẹ đặt bé ở cổng chùa rồi lấy sim rác gọi người nhà chùa ra cổng “cứu người”… Năm 2006, nhà chùa phát hiện một bé gái kháu khỉnh nặng 3,2kg kèm 1 lá thư được đặt trước cửa chùa. Trong lá thư, người mẹ viết rằng vì hoàn cảnh không thể nuôi được con nên mong nhà chùa nuôi giúp. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm chăm trẻ, ni sư đã nhờ sự tư vấn của các bác sĩ dinh dưỡng và đọc sách hướng dẫn để chăm sóc đứa trẻ một cách khoa học. Bé gái sau đó được đặt tên khai sinh là Bùi Quang Anh. Trong câu chuyện của ni sư Thích Đàm Mến chúng tôi được biết, trường hợp của 2 cháu Bùi Phương Anh (2007) và Bùi Hoài Anh (2010) nếu không được nhà chùa phát hiện kịp thời chắc chắn đã nguy hiểm đến tính mạng. Bùi Phương Anh được phát hiện đặt ở cửa chùa khi trên người chỉ quấn vội chiếc tã, cân nặng chưa đầy 1,4kg, tiếng thở yếu ớt. Còn Bùi Hoài Anh được phát hiện vào một buổi tối mùa đông năm 2010 với thân thể tím tái, không cất nổi tiếng khóc. Cả 2 cháu được nhà chùa sơ cứu rồi đưa đi viện cấp cứu ngay trong đêm… Ni sư Thích Đàm Mến cho biết thêm: Tất cả trường hợp các bé bị bỏ rơi khi được nhà chùa tiếp nhận đều có sự chứng kiến của nhân dân, chính quyền và các ngành, đoàn thể của địa phương. Các cháu đều được nhà chùa tiến hành đầy đủ các thủ tục để chính quyền địa phương cấp giấy khai sinh. Trong số 10 cháu, hiện có 3 cháu đang học ở Trường Tiểu học Quất Lâm gồm: Bùi Quang Anh, Bùi Phương Anh và Bùi Hoài Anh. Cả 3 cháu đều có thành tích học tập giỏi và tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ của nhà trường, của địa phương. Đi thăm cơ sở vật chất, chỗ ở của các cháu mới thấy hết được tâm sức và mong ước của nhà chùa nhằm tạo dựng môi trường sống tốt nhất cho các em. Trong khuôn viên phía sau chùa có một sân khấu nhỏ để tổ chức cho các cháu và học sinh địa phương biểu diễn văn nghệ vào dịp Trung thu, lễ tất niên, ngày sinh nhật… Nhà khách chùa gồm 2 tầng, tầng 1 được chia phòng là nơi nghỉ và học của các cháu, tầng 2 đặt 10 cây đàn Oocgan để các cháu học nhạc. Với mong muốn các cháu phát triển toàn diện và nền nếp, ni sư Thích Đàm Mến đã lên thời khóa biểu khoa học. Các buổi tối trong tuần các cháu được học tiếng Anh, trong đó ngày thứ 5 và thứ 6 sẽ có cô giáo người nước ngoài trực tiếp giảng dạy. Sau khi học xong tiếng Anh, các cháu có 30 phút để luyện tập đàn Oocgan cùng ni sư; những ngày cuối tuần, các cháu được học đàn Oocgan do giáo viên âm nhạc giảng dạy. Điều đặc biệt ở lớp học này là có nhiều em học sinh ở địa phương thuộc diện khó khăn đến xin học cùng và đều được nhà chùa chào đón. Tấm lòng của ni sư Thích Đàm Mến và ni trưởng Thích Đàm Chính (57 tuổi - trụ trì chùa) đã tiếp thêm niềm tin để các cháu trưởng thành và thực hiện ước mơ riêng của cuộc đời. Cháu Bùi Quang Anh chia sẻ: Với chúng cháu, ni sư Thích Đàm Mến và ni trưởng Thích Đàm Chính mãi là hai người mẹ đã tiếp sức cho những đứa trẻ bơ vơ sự tự tin trong cuộc sống. Ước mơ của cháu sau này sẽ thi đỗ vào một trường đại học âm nhạc. Còn Bùi Phương Anh cho rằng, nhiều người nghĩ cuộc sống của chúng cháu sẽ thiệt thòi nhưng ở đây tất cả đều như một gia đình, với mẹ là ni sư Thích Đàm Mến và ni trưởng Thích Đàm Chính, chị cả là Quang Anh. Ước mơ lớn nhất của cháu là trở thành giáo viên tiếng Anh và mở một lớp tiếng Anh dạy miễn phí cho trẻ em nghèo trong huyện… 
Một buổi học đàn của các cháu ở chùa Phúc Lâm, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy).
Một buổi học đàn của các cháu ở chùa Phúc Lâm, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy).
Ở huyện Hải Hậu, còn có nhiều ngôi chùa nuôi dưỡng các cháu nhỏ bị bỏ rơi và người già neo đơn. Tại chùa Nam Anh, xã Hải Sơn từ năm 2003, ni sư Thích Đàm Minh - trụ trì chùa đã tiếp nhận nuôi dưỡng cháu Hoàng Hồng Diễm. Sinh ra trong một gia đình đông con (6 anh chị em) ở Lào Cai, do không có điều kiện nuôi con, cha mẹ cháu nhờ các mối quan hệ liên lạc với nhà chùa để cưu mang. Hiện nay, Diễm đang học lớp 7, Trường THCS Hải Phương. Cháu được giáo viên và bạn bè đánh giá chăm ngoan, học giỏi, hòa đồng các hoạt động của nhà trường và địa phương. Năm 2015, nhà chùa tiếp nhận thêm một bé sơ sinh do mẹ mang đến mong chùa nhận nuôi, tên trong giấy khai sinh là Hoàng Hồng Diệu. Chùa Phúc Long, xã Hải Long do Đại đức Thích Thanh Kim trụ trì cho biết: Từ năm 2012 đến nay nhà chùa đã nuôi dưỡng 3 cháu nhỏ gồm: Trần Gia Linh, Trần Minh Quân, Trần Mỹ Linh (2015). Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền và nhân dân địa phương cùng sự tận tâm của Đại đức Thích Thanh Kim, đến nay cả 3 cháu đều có giấy khai sinh và 2 cháu Gia Linh, Minh Quân đang học lớp mẫu giáo 4 tuổi. Mong ước lớn nhất của Đại đức Thích Thanh Kim là nuôi dưỡng các cháu trưởng thành bình thường như bạn bè cùng trang lứa. Chùa Linh Ứng tọa lạc ở Thị trấn Thịnh Long là nơi cưu mang hàng chục mảnh đời cơ cực, bất hạnh. Người khởi xướng hoạt động này là ni sư Thích Đàm Bích, trụ trì chùa. Không chỉ lo cho nghiệp tu hành, ni sư luôn đi đầu trong các hoạt động nhân đạo từ thiện đúng với tinh thần từ bi, hỉ xả, cứu khổ, cứu nạn của đạo Phật. Gắn bó với mảnh đất Thịnh Long từ khi sơ khai đến nay đã gần 50 năm, chùa Linh Ứng đã cưu mang hàng trăm con người, mang lại mái nhà bình yên cho nhiều cụ già không nơi nương tựa. Hiện nay, nhà chùa đang cưu mang 20 trẻ mồ côi và 10 người già neo đơn, trong đó có nhiều trường hợp trẻ sơ sinh, người tâm thần do người nhà đưa đến bỏ ở cổng chùa. Gần đây nhất, nhà chùa tiếp nhận 2 trẻ sơ sinh gồm: Đỗ Diệu Anh và Lê Thị Gái. Đến nay các cháu đã được 7 tháng tuổi. Ni sư Thích Đàm Bích cho biết: Trường hợp bé Lê Thị Gái rất đáng thương vì bị dị tật bẩm sinh, bại não, sức khỏe yếu. Thời gian đầu, cháu thường xuyên ốm và nhà chùa phải đưa em đi điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Nhi tỉnh. Bằng tình thương yêu của các ni sư, sức khỏe em bé có nhiều tiến triển, hiện cân nặng đã được 5kg. Nhiều trường hợp người già cơ nhỡ, khó khăn ở địa phương khác cũng tìm đến nhờ nhà chùa giúp đỡ như trường hợp bà Trần Thị Dung ở xã Hải Sơn lấy chồng ở Thịnh Long, sau khi chồng lâm bệnh nặng qua đời bà bị đau ốm liên miên, không có con cháu chăm sóc nên đã xin vào và đã ở chùa hơn 20 năm. Để tăng thêm thu nhập và cải thiện bữa ăn, nhà chùa hiện canh tác 5 sào vườn trồng các loại rau, lạc… Ngoài việc nhận nuôi, chăm sóc những người có hoàn cảnh khó khăn, nhà chùa còn có nhiều hoạt động từ thiện khác như: Ủng hộ đồ dùng học tập cho một số trường mầm non ở thị trấn; tặng quà tết cho các gia đình nghèo, khó khăn; phát thuốc, khám chữa bệnh miễn phí cho người dân trên địa bàn... Với những hoạt động từ thiện trên, chùa Linh Ứng đã được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc (2006), Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam (2006), Hội Khuyến học Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp khuyến học Việt Nam (2006). Chùa Linh Ứng nhiều năm liền đạt danh hiệu chùa tinh tiến. 
 
Sau khi thăm những ngôi chùa đã và đang cưu mang những mảnh đời bất hạnh, những gì đọng lại trong chúng tôi thật đáng nhớ, đó là âm thanh tiếng bi bô trẻ con tập nói, hình ảnh các em gọi nhau đi ăn cơm cùng nụ cười nhân ái của các vị ni sư, trụ trì khi chuyện trò với các em nhỏ… Mong rằng những mái ấm tình thương như thế tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm để nhiều mảnh đời bất hạnh được chở che./.
 
Bài và ảnh: Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com