Kiên quyết khởi kiện các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm chính sách Bảo hiểm xã hội (kỳ 1)

08:11, 30/11/2016
Luật BHXH 2014 (có hiệu lực từ 1-1-2016) quy định tổ chức Công đoàn sẽ chịu trách nhiệm khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trước thực trạng các doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng, chậm đóng BHXH, vi phạm chính sách BHXH, trong tháng 12-2016, BHXH tỉnh hoàn thiện hồ sơ chuyển LĐLĐ tỉnh tiến hành các bước khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH. Việc khởi kiện là giải pháp hữu hiệu, sẽ tạo nên những tín hiệu tích cực trong việc thu hồi nợ BHXH, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
 
I. Thực trạng nợ đọng BHXH
 
Tình trạng chậm đóng, chây ỳ, cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN tại tỉnh ta ngày càng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ BHXH, BHYT và quyền lợi của người lao động. Đến 20-10-2016, tổng số tiền các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nợ BHXH, BHYT, BHTN là 166 tỷ 921 triệu đồng; trong đó, nợ BHXH là 142 tỷ 147 triệu đồng (nợ BHXH từ trên 1 tháng đến dưới 6 tháng là 72 tỷ 271 triệu đồng; nợ BHXH từ 6 tháng trở lên là 69 tỷ 876 triệu đồng); nợ BHYT là 17 tỷ 254 triệu đồng; nợ BHTN là 7 tỷ 520 triệu đồng. 
 
Thành phố Nam Định là đơn vị có số doanh nghiệp vi phạm chính sách về BHXH lớn nhất toàn tỉnh. Tính đến ngày 31-10-2016, trên địa bàn thành phố có 229 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền nợ gần 78 tỷ 811 triệu đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp trốn đóng nhiều tháng như: Cty CP Nam Tiệp nợ 4 tỷ 891 triệu đồng; Cty TNHH Dệt Vĩnh Phúc tại Nam Định nợ 3 tỷ 534 triệu đồng; Cty TNHH Bạch Việt MB nợ 3 tỷ 54 triệu đồng; Cty TNHH May Garnet Nam Định nợ 3 tỷ 114 triệu đồng; Cty CP May Nam Hải nợ 4 tỷ 201 triệu đồng; Cty CP Thương mại tổng hợp Nam Định nợ 2 tỷ 367 triệu đồng; Cty CP Xây lắp I nợ 4 tỷ 89 triệu đồng... Như vậy, người lao động trong 229 doanh nghiệp nợ đọng BHXH từ 3 tháng trở lên sẽ không được thanh toán chế độ khi họ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động; một số người lao động đến tuổi nghỉ hưu không được hưởng trợ cấp hưu trí do chưa đủ thời gian đóng BHXH. Theo BHXH tỉnh, tình trạng nợ đọng dây dưa, bắc cầu đang trở thành phổ biến ở các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền BHXH dùng vào những việc khác; thậm chí, chấp nhận bị xử phạt. Với mục tiêu chủ yếu là lợi nhuận nên nhiều chủ sử dụng lao động tìm mọi cách trốn tránh việc tham gia BHXH bằng cách ký hợp đồng lao động với người lao động dưới 3 tháng và cách quãng thời gian; không đăng ký tham gia BHXH cho người lao động đúng với mức lương người lao động được trả, chỉ tham gia với mức lương tối thiểu của Nhà nước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng BHXH trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp là do tính tuân thủ pháp luật trong việc tham gia BHYT, BHXH chưa cao của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và của một số nhóm đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia BHYT, BHXH đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, một số đơn vị trốn tránh tham gia BHXH, BHYT cho người lao động. Tại các đơn vị, doanh nghiệp trên, ý thức tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, nhiều doanh nghiệp cố tình nợ BHXH chấp nhận bị phạt để chiếm dụng quỹ BHXH, trong khi đó cơ quan BHXH khi kiểm tra phát hiện các đơn vị sử dụng lao động vi phạm chỉ có thể nhắc nhở. Hiện nay, quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng, khiến doanh nghiệp cố tình chây ỳ đóng BHXH để chiếm dụng vốn. Ngoài ra, do tình hình kinh tế còn khó khăn, sản xuất kinh doanh, sức mua thị trường suy giảm, doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động không có khả năng đóng BHXH làm cho nợ BHXH tăng nhanh.
 
Tình trạng chây ỳ, cố tình trốn đóng BHXH nêu trên đã tạo ra thách thức lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu thu do BHXH Việt Nam và UBND tỉnh giao, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi của hàng nghìn lao động. Báo động là, một số đơn vị, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn cũng nợ, các hội, đoàn thể, UBND các xã, các HTX nông nghiệp và trường học “đua nhau’’ nợ BHXH, BHYT. Trong đó, nhiều đơn vị thuộc khối hành chính - sự nghiệp, hưởng lương ngân sách trên địa bàn tỉnh cũng “chây ỳ” nợ BHXH, BHYT. Tiêu biểu là: Trường Cao đẳng nghề Kinh tế Kỹ thuật Vinatex là đơn vị “tốp đầu” nợ đọng BHXH, BHYT với số tiền hơn 2 tỷ 317 triệu đồng; Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Nam Định nợ 170 triệu đồng; Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng nợ 365 triệu đồng; Trường Tiểu học Trực Đông nợ 122 triệu đồng; Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định nợ 140 triệu đồng; Trường Trung cấp Nghề Tầu thủy IV; Phòng Tư pháp Hải Hậu; Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Nghĩa Hưng nợ 30 triệu đồng... 
 
Theo Luật BHXH, BHYT, người lao động, cụ thể là cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương Nhà nước, thì hằng tháng, đơn vị đều có trách nhiệm trích nộp BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan BHXH. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, chủ sử dụng lao động trong khối hành chính - sự nghiệp đã không tuân thủ các quy định pháp luật về đóng nộp BHXH, BHYT hằng tháng. Nhiều đơn vị nợ với số tiền trên 3 tháng trở lên cũng phải chịu phạt lãi theo luật định như: UBND xã Yên Lộc, UBND xã Yên Xá, UBND xã Hải Bắc, UBND xã Điền Xá, UBND xã Nam Thái; UBND xã Nghĩa Lợi, UBND xã Nghĩa Hùng, UBND xã Trực Nội, Hội Đông Y huyện Nghĩa Hưng, Hội CCB Thành phố Nam Định. Trả lời câu hỏi vì sao hưởng lương ngân sách lại nợ BHXH, BHYT, lãnh đạo các đơn vị nêu trên viện cớ nhiều lý do; trong đó, đối với UBND các xã nợ đọng BHXH, BHYT thì đưa ra nguyên nhân là đầu năm đã duyệt dự toán thu - chi nhưng trong năm không có nguồn thu vì các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn xã làm ăn thua lỗ, hoặc không có dự án... 
 
Đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ (BHXH tỉnh) cho biết: Thực trạng khối các cơ quan đơn vị, sự nghiệp nợ BHXH, BHYT theo quy định, sau 59 ngày, nếu đơn vị không đóng BHXH cho người lao động thì xem như nợ BHXH. Từ ngày 60 trở lên, sẽ bị tính lãi (11%/năm) theo lãi suất đầu tư của quỹ BHXH. Chính quy định mức lãi suất chậm đóng thấp hơn mức lãi vay ngân hàng nên một số đơn vị hành chính sự nghiệp, UBND các xã, một số tổ chức đoàn thể cố tình nợ BHXH chấp nhận phạt để chiếm dụng quỹ (!?). Vậy tiền không đóng BHXH đi đâu? Các đơn vị đã sử dụng tiền vào mục đích gì? Đại diện một số ngành liên quan cho rằng, do chưa có những đợt thanh kiểm tra liên ngành về đóng BHXH ở khối hành chính sự nghiệp nên cũng không nắm được số tiền chậm đóng BHXH các đơn vị sử dụng vào mục đích gì? Điều đáng nói là, theo Luật BHXH, khi các cơ quan trên vi phạm chính sách BHXH, chưa đóng đủ các khoản BHXH, BHYT cho người lao động thì những người về hưu, hay nghỉ các chế độ ốm đau thai sản của đơn vị sẽ bị kéo dài. Thực tế, có không ít cán bộ, công chức, viên chức ở đơn vị hành chính sự nghiệp than phiền, sau khi sinh con, gần đi làm trở lại họ mới nhận chế độ thai sản. Theo quy định của BHXH, khi các đơn vị gửi đầy đủ thủ tục thì sẽ giải quyết chế độ ngay, không có tình trạng để lâu như vậy, trừ trường hợp đơn vị nợ BHXH. 
 
Đồng chí Nguyễn Lương Ba, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Việc đóng phí tham gia BHXH, BHYT, BHTN của người lao động không chỉ là nghĩa vụ của bản thân người lao động mà còn thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động. Nhằm đảm bảo thực thi nghĩa vụ đóng phí BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động, pháp luật cũng dự liệu những chế tài áp dụng đối với hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN. Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt hành chính với mức cảnh cáo, phạt tiền và buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc truy nộp số tiền bảo hiểm chưa đóng, chậm đóng; buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm chưa đóng, chậm đóng. 
 
(Còn nữa)
Việt Thắng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com