Trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách trợ giúp người khuyết tật như trợ cấp xã hội, hỗ trợ về y tế, giáo dục, giúp họ giảm bớt khó khăn. Đặc biệt việc thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề cho người khuyết tật mỗi năm đã giúp cho hàng trăm người khuyết tật có những công việc phù hợp với trình độ và sức khoẻ, giảm bớt sự lệ thuộc vào gia đình, vươn lên tự chủ trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho người khuyết tật tại Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh (Sở LĐ-TB và XH). |
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB và XH, hiện nay toàn tỉnh có 42.859 người khuyết tật, trong đó có 26.004 người được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, gồm 3.474 người khuyết tật đặc biệt nặng và 22.530 người khuyết tật nặng, không có khả năng lao động hay không có khả năng tự phục vụ bản thân; còn lại phần lớn những người khuyết tật nhẹ, có sức khỏe đều mong muốn tìm việc làm để có thu nhập giúp đỡ gia đình và xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng. Những năm qua, trong quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia dạy nghề và giải quyết việc làm, các địa phương trong tỉnh đều ưu tiên đào tạo nghề cho đối tượng là người khuyết tật có nhu cầu học nghề, có sức khỏe và có khả năng lao động. Tuy nhiên, với những khó khăn của bản thân, thời gian học nghề cho người khuyết tật có khi gấp 3-4 lần so với người thường. Việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng nghề phụ thuộc rất nhiều vào mức độ và dạng khuyết tật, đòi hỏi người khuyết tật cũng phải vượt qua tự ti, mặc cảm để vươn lên. Đồng chí Đặng Ngọc Dinh, Trưởng Phòng Đào tạo nghề (Sở LĐ-TB và XH) cho biết: Để tạo thuận lợi cho người khuyết tật học nghề phù hợp với điều kiện sức khỏe, khả năng tiếp thu kiến thức, Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp với các cơ sở dạy nghề có uy tín, chất lượng và doanh nghiệp tổ chức các lớp học nghề dành riêng cho người khuyết tật. Thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật, trong năm 2015, Sở LĐ-TB và XH đã tổ chức đào tạo nghề cho 179 người khuyết tật. Năm 2016, với kế hoạch đào tạo nghề cho 241 người khuyết tật, đến nay Sở LĐ-TB và XH đã mở 4 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 135 người. Trong đó, các đơn vị chức năng của Sở phối hợp với Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghiệp Nam Định tổ chức 1 lớp đào tạo nghề cho 15 người khuyết tật tại xã Nghĩa Phú và 1 lớp đào tạo nghề cho 20 người khuyết tật tại xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng); phối hợp với Cty TNHH Dệt may Vĩnh Oanh tổ chức 2 lớp đào tạo nghề may cho 100 người khuyết tật tại xã Yên Trị (Ý Yên). Các học viên được học nghề miễn phí và được hỗ trợ chi phí đi lại, ăn ở nếu nhà ở xa. Cùng với học lý thuyết, người khuyết tật được dành phần lớn thời gian để thực hành, học theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Tuy nhiên, do đối tượng học viên có nhiều dạng tật, đối với người câm điếc, việc đào tạo nghề còn thuận lợi; các trường hợp chậm phát triển trí tuệ, đao nhẹ thì việc học nghề gặp nhiều khó khăn hơn. Song với mong muốn có việc làm, có thu nhập để giảm gánh nặng cho gia đình, được hòa nhập cộng đồng nên các học viên đều nỗ lực, kiên trì học tập. Được sự hướng dẫn tận tâm của đội ngũ giáo viên, thông qua các lớp dạy nghề, người khuyết tật đã được trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm việc, được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Ngoài Đề án trợ giúp người khuyết tật, hiện trên địa bàn tỉnh có Trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật và Trường trẻ em khuyết tật ở huyện Giao Thủy có nhiệm vụ dạy nghề cho các em. Các trung tâm dạy nghề của các địa phương, các tổ chức hội của người khuyết tật như: Hội Người mù tỉnh và Thành phố Nam Định, Hội Người khuyết tật tỉnh, các đoàn thể: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… cũng tổ chức các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Sau khóa học nghề, các học viên được nhận vào làm tại doanh nghiệp hoặc giới thiệu việc làm, một số người xin vào làm tại doanh nghiệp gần nhà hoặc tự tạo việc làm. Với tay nghề được đào tạo, hầu hết các học viên đều có việc làm, thu nhập ổn định để nuôi sống bản thân, tự tin hòa nhập đời sống xã hội. Tiêu biểu như anh Trương Văn Lợi, ở xã Tam Thanh (Vụ Bản), sau khi học nghề mộc mỹ nghệ đã mở xưởng tại nhà, dạy nghề và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động ở địa phương. Anh Phạm Thành Công, ở xã Lộc An (TP Nam Định), bị câm điếc bẩm sinh, sau khi hoàn thành khóa học may công nghiệp, anh làm việc tại Cty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Bạch Việt (CCN An Xá, TP Nam Định).
Với nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hỗ trợ của các ngành, đoàn thể, sự chung tay của các doanh nghiệp và sự nỗ lực vươn lên của bản thân, nhiều người khuyết tật đã vươn lên làm chủ cuộc sống của mình. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, hiện nay, người khuyết tật vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong học nghề, nhất là tìm việc làm phù hợp với sức khỏe và khả năng lao động do sức khỏe yếu, trình độ tay nghề chưa cao, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật làm việc còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động còn e ngại tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc hoặc có tuyển dụng nhưng không thể bố trí nơi sản xuất riêng; bất đồng giao tiếp… Vì vậy, điều kiện tiên quyết là bản thân người khuyết tật phải được đào tạo nghề phù hợp, phải nâng cao trình độ chuyên môn, giỏi tay nghề thì mới đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng tốt hơn cần sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành chức năng, sự chung tay của các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và toàn xã hội./.
Bài và ảnh: Minh Tân