Rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của hệ thống chợ trên địa bàn toàn tỉnh để có hướng tổ chức, sắp xếp lại cho hợp lý nhằm phát huy tối đa vai trò của chợ truyền thống trong phục vụ đời sống dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là yêu cầu quan trọng trong việc phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại và tránh lãng phí trong đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ.
|
Chợ tạm, xã Giao Thiện (Giao Thủy) do những người khai thác thủy hải sản lập nên để trao đổi hàng hóa. |
Toàn tỉnh có 213 chợ nằm trong quy hoạch đang hoạt động bao gồm 4 chợ hạng I, 27 chợ hạng II, 182 chợ hạng III, phân bổ ở khắp cả 10 huyện, thành phố. Trong những năm qua, UBND tỉnh đã đầu tư hơn 70 tỷ đồng ngân sách mục tiêu cho việc xây mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ. Bên cạnh đó, các địa phương trong quá trình xây dựng NTM cũng tập trung đầu tư hoàn thành tiêu chí số 7 về chợ nông thôn... Do đó cơ sở hạ tầng của hệ thống chợ (đình chợ, ki ốt, giao thông, cấp thoát nước, môi trường, PCCC…) đã được nâng cấp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu giao thương của người dân trong khu vực. Đồng thời phát huy tốt vai trò quan trọng là kênh phân phối bán buôn và bán lẻ chủ yếu của địa phương thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Tuy vậy vẫn còn tồn tại nhiều bất cập ở cả khâu quy hoạch, quản lý, khai thác và sử dụng dẫn đến tình trạng ở một vài chợ được đầu tư xây mới, nâng cấp nhưng khai thác không hiệu quả gây lãng phí trong khi ở nhiều nơi chợ vẫn còn xập xệ, không có kinh phí đầu tư. Nguyên nhân được xác định là đối với chợ của xã ở một vài địa phương chợ họp theo phiên, số phiên mỗi tháng không nhiều, quy mô nhỏ, mỗi chợ chỉ có vài điểm kinh doanh không thường xuyên nên việc khai thác chưa hiệu quả dẫn đến không có động lực và nguồn lực để chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp. Một số địa phương thực tế không có nhu cầu xây chợ mới do các địa phương liền kề có chợ phát triển từ lâu, quy mô lớn nên người dân trong xã xưa nay vốn đã quen với việc giao thương ở các chợ đó. Nhưng do hiểu sai tiêu chí số 7 về chợ nông thôn nên nhiều xã dù không thật cần thiết vẫn đầu tư xây chợ mới gây lãng phí nguồn lực của xã hội... Trong đó Thành phố Nam Định có chợ Đông Mạc, phường Lộc Hạ, xây mới nhưng nhiều năm nay không khai thác được, nguyên nhân chủ yếu do nằm ở vị trí không thuận tiện cho việc sinh hoạt của nhân dân trong khu vực tái định cư. Tại huyện Giao Thủy, có tổng số 19 chợ ở 22 xã, trong đó có 3 xã không có chợ và 2 đơn vị khác mỗi nơi có 2 chợ (xã Giao Tiến và Thị trấn Quất Lâm). Thời gian qua, huyện đã đầu tư xây dựng mới 3 chợ theo chương trình NTM. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn có 2 chợ hoạt động không hiệu quả là chợ xã Giao Hà và chợ Bình Hòa. UBND huyện đã thống nhất phương án đề nghị UBND tỉnh, Sở Công thương hỗ trợ kinh phí để nâng cấp hệ thống chợ trên địa bàn và điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch đối với những chợ hoạt động không hiệu quả tại 3 xã Giao Thịnh, Hoành Sơn và Giao An. Huyện Hải Hậu cũng mạnh dạn đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng đưa ra khỏi quy hoạch đối với chợ Hải Ninh do hoạt động không hiệu quả để tập trung đầu tư, tránh dàn trải lãng phí. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở các địa phương khác trong toàn tỉnh.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương, UBND các huyện và Thành phố Nam Định tiến hành rà soát, đánh giá để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống chợ toàn tỉnh đến năm 2020 cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và việc xây dựng NTM của các địa phương. Theo đó với quan điểm phát triển mạng lưới chợ trên cơ sở từng bước đầu tư cải tạo nâng cấp các chợ đang hoạt động nhằm phát huy và khai thác có hiệu quả số chợ hiện có. Phát triển thêm chợ mới trên cơ sở quy hoạch nhưng chú trọng đến yếu tố tập quán, nhu cầu trao đổi hàng hoá từng địa phương để lựa chọn bố trí đúng địa điểm, đảm bảo không gian, kiến trúc của chợ vừa phải thuận tiện cho hoạt động mua bán hàng hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường và ATGT... vừa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ, mua sắm hàng hoá cũng như mở rộng giao thương, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Chủ động đưa ra khỏi quy hoạch các chợ có cơ sở hạ tầng thấp kém, nhu cầu mua bán của nhân dân trong vùng không cao, tránh lãng phí, đầu tư không hiệu quả. Qua rà soát, đã xuất hiện nhiều vấn đề cần điều chỉnh trên quy mô toàn tỉnh như cần tiếp tục đầu tư nâng cấp một số chợ hạng I, chợ đầu mối nông sản cấp vùng, cấp tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất lưu thông hàng hoá, tiêu thụ nông sản thực phẩm cho nông dân.
Để việc đầu tư hệ thống chợ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, bên cạnh việc sắp xếp tổ chức lại hệ thống chợ, các ngành chức năng cũng cần đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa đầu tư chợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh chợ, các doanh nghiệp, HTX có thể liên doanh, liên kết đầu tư với các đối tác trong và ngoài nước để tạo nguồn vốn lớn bảo đảm đầu tư đồng bộ, quy mô tương xứng. Tăng cường công tác tổ chức và quản lý chợ không chỉ chú trọng đến hiệu quả kinh tế mà còn phải chú trọng đến những ảnh hưởng của chợ đối với mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương