Phát triển tổ hợp tác, hướng đi mới của kinh tế tập thể

08:10, 03/10/2016

Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 2.000 tổ hợp tác (THT) hoạt động trong các lĩnh vực như: đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản, sản xuất muối, dịch vụ nông nghiệp, vệ sinh môi trường, cơ khí, dệt may, chế biến gỗ. THT là nơi tập trung các hộ có cùng ngành nghề sản xuất, tụ hợp nhau lại để cùng liên kết sản xuất, kinh doanh, bao tiêu sản phẩm. Trong điều kiện hiện nay, THT được xem là mô hình thích hợp vì tính năng động, thể hiện được tính đa dạng về loại hình tổ chức của kinh tế tập thể.

Thành viên Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) tham quan, trao đổi kinh nghiệm nuôi cá diêu hồng.
Thành viên Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) tham quan, trao đổi kinh nghiệm nuôi cá diêu hồng.

Qua khảo sát hiện nay trong số 2.000 THT có đến 80% THT hoạt động hiệu quả. Nhiều THT có liên kết với các THT khác, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để cung ứng vật tư, giống đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Tiêu biểu như THT nuôi trồng thủy sản Phú Lễ, xã Hải Châu (Hải Hậu); THT nuôi trồng thủy sản Nghĩa Bình, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), THT vệ sinh môi trường xã Bình Hòa (Giao Thủy), THT nuôi tôm xã Bạch Long (Giao Thủy)... Đa số các THT được hình thành từ năm 2013 đến nay, một số ít các THT được thành lập từ năm 2006 và duy trì đạt hiệu quả. Đây là nơi tập hợp, liên kết những người có chung một sở thích trong phát triển kinh tế; hoạt động dựa trên quy chế và kế hoạch sản xuất, kinh doanh được tổ lập ra. Sau khi được thành lập, một số THT đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, các ngành; đặc biệt là sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh trong việc tư vấn thành lập; lập phương án kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Việc phát triển các THT không chỉ thúc đẩy kinh tế hộ gia đình mà đây còn là xu hướng của kinh tế tập thể trong giai đoạn hiện nay. Điều đáng nói là việc hình thành các THT đều mang tính chất tự nguyện, không trông chờ ỷ lại vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước như thời bao cấp trước đây. Các THT hoạt động trên cơ sở được bảo đảm bằng tính tự nguyện, tự quyết định sự tồn tại và phát triển của mình thông qua hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, đề cao tinh thần tương thân, tương ái vì cộng đồng. Bên cạnh đó, các THT có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị khép kín, thành lập các tổ hợp sản xuất từ giống đến sản phẩm. Bởi THT hiện đang kết nối những hộ gia đình cùng chung mục đích, cùng lợi ích về một lĩnh vực trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất cùng ngành nghề. Điều đó góp phần hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tránh được manh mún. THT phát triển và hoạt động hiệu quả còn giúp các thành viên trong tổ chủ động sản xuất, tránh được rủi ro và tìm được nơi tiêu thụ sản phẩm đầu ra ổn định. Thực tế cho thấy, ở nhiều THT, khi các thành viên tham gia đã thường xuyên được trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức trong sản xuất, kinh doanh. Giá cả vật tư, giống đầu vào thông qua THT cũng rẻ hơn so với khi chưa tham gia THT. Việc đưa khoa học kỹ thuật, thực hiện sản xuất, kinh doanh theo quy trình cũng mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao hơn so với trước đó. Như vậy, khi các thành viên tham gia và THT sẽ khắc phục được một số yếu kém của kinh tế hộ như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất; ngược lại, các THT cũng sẽ sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực về lao động, vật tư và tiền vốn... Vì vậy, có thể thấy mô hình THT là tổ chức kinh tế phù hợp với trình độ phát triển kinh tế ở vùng nông thôn, bất kỳ hộ nông dân nào cũng có thể tham gia và mang lại lợi ích trực tiếp cho tổ viên trong tổ, đặc biệt đối với các thành viên thiếu nguồn lực hoặc thiếu vốn. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thực, tổ trưởng THT nuôi trồng thủy sản Phú Lễ, xã Hải Châu cho biết, THT được thành lập từ năm 2006, lúc đầu chỉ có 10 thành viên nhưng nay đã có trên 30 thành viên, tập trung chủ yếu ở xóm 10 thôn Phú Lễ. Trước đây việc nuôi cá chủ yếu dựa vào việc trao đổi kinh nghiệm, phát triển theo phong trào, còn việc xuất bán cá lại mạnh ai nấy bán nên thường bị tư thương ép giá. Vì vậy, có năm giá cả bấp bênh, nhiều hộ bán bị lỗ vốn. Sau khi tuyên truyền, vận động các hộ dân thành lập THT, các thành viên đã liên kết lại. Các thành viên trong THT còn được tham gia các lớp tập huấn, phổ biến kỹ thuật chăn nuôi địa phương tổ chức; từ đó áp dụng vào nuôi trồng. Nhiều mô hình nuôi cá diêu hồng, cá truyền thống, cá bống bớp… trong tổ khá quy mô, hiệu quả. Còn ở THT nuôi trồng thủy sản xã Nghĩa Bình, các thành viên được hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn. Anh Trần Văn Thiêm, tổ trưởng THT cho biết, từ khi tham gia THT, anh cùng các thành viên khác được tham dự các lớp tập huấn kiến thức về nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ. Ngoài việc được nâng cao kiến thức nuôi thủy sản, các thành viên cũng được hỗ trợ trong việc cung ứng thức ăn, bao tiêu sản phẩm. Một năm bình quân, THT nuôi trồng thủy sản xã Nghĩa Bình xuất bán từ 300 đến 400 tấn cá bống bớp, cá diêu hồng cho các địa phương trong tỉnh và xuất bán đi các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng. Theo anh Vũ Ngọc Quý, xóm 12, xã Nghĩa Bình, việc tham gia THT đã tạo cơ hội cho anh được tiếp cận với những kiến thức mới trong nuôi trồng thủy sản theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm cũng thuận lợi hơn, giá cả cao hơn, không bị tư thương ép giá. Bình quân mỗi năm, với 8 sào ao nuôi cá diêu hồng, trừ chi phí, anh thu lãi 120-150 triệu đồng.

Việc phát triển các THT là tiền đề hình thành kinh tế tập thể có sự kết nối giữa người nông dân - doanh nghiệp - thị trường nhưng hiện nay, việc phát triển THT vẫn chủ yếu là tự phát. Hiện, toàn tỉnh chỉ có 59 THT có đăng ký và được chính quyền cấp phép, còn lại là do các hộ dân tự liên kết, thành lập. Do vậy, sự cần thiết cần phải hỗ trợ, hướng dẫn các THT xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đồng thời chính mỗi THT trước và sau khi thành lập cũng cần xác định được phương hướng kinh doanh hiệu quả, cụ thể và phù hợp với địa phương. Đồng chí Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, để thúc đẩy THT phát triển mạnh mẽ hơn, trong thời gian tới Liên minh HTX tỉnh sẽ nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ THT. Phải phát huy được vai trò của tổ chức hội, đoàn thể, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ, tổ chức hỗ trợ phát triển trong nước và ngoài nước trong việc hỗ trợ THT phát triển./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com