Ngày 17-10, Vinastas (Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) công bố kết quả kiểm nghiệm sản phẩm nước mắm trên thị trường cho thấy: 67% mẫu nước mắm (trong tổng số 150 mẫu nước mắm lưu thông trên thị trường) phát hiện có hàm lượng arsen vượt ngưỡng tối đa cho phép. Điểm đáng lưu ý, các loại nước mắm bị nhiễm arsen hầu hết đều là nước mắm truyền thống có độ đạm cao (95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên có hàm lượng arsen vượt ngưỡng quy định). Cũng theo kết quả công bố của Vinastas, các loại nước mắm công nghiệp đều có hàm lượng arsen nằm trong giới hạn cho phép. Thông tin này đã nhanh chóng lan truyền qua các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội và cả hình thức phát tờ rơi danh sách các nhãn hàng nước mắm có dư lượng arsen cho người tiêu dùng tại các chợ truyền thống và cửa hàng bán lẻ. Tuy nhiên theo các chuyên gia thì thông tin này không chính xác bởi: Arsen hữu cơ là hoạt chất tự nhiên sinh ra từ nguyên liệu cá làm mắm, không gây độc đối với người sử dụng. Còn arsen vô cơ gây độc nhưng chẳng có nhà sản xuất nước mắm truyền thống nào cho vào sản phẩm, vì chất này không có bất cứ tác dụng nào đối với nước mắm.
Sản xuất nước mắm theo phương pháp cổ truyền tại làng nghề Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy). |
Ngay sau khi thông tin gây “bão” thị trường, khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, triển khai một loạt các biện pháp nghiệp vụ “minh oan cho nước mắm truyền thống”. Sự việc đã được chỉ ra nguyên nhân là một chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh của nhà kinh doanh nước mắm công nghiệp. Tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn thông tin được tung ra đã khiến ngành sản xuất nước mắm truyền thống trên cả nước (trong đó có các làng nghề nước mắm của tỉnh ta) bị lao đao. Mặc dù thông tin đã nhanh chóng được làm sáng tỏ nhưng qua khảo sát tại các làng nghề và cơ sở sản xuất nước mắm trong tỉnh cho thấy hiệu quả “minh oan” cho nước mắm truyền thống mới chỉ có tác dụng đối với hoạt động xuất nhập khẩu và những người tiêu dùng có kiến thức, còn rất đông người tiêu dùng ở nông thôn hoặc những vùng thiếu thông tin đã sợ và chối bỏ nước mắm truyền thống từ khi tiếp nhận thông tin.
Tại làng nghề sản xuất nước mắm Sa Châu (nhãn hiệu đã được đăng ký và bảo hộ), nhiều chủ cơ sở sản xuất nước mắm cho biết bán nước mắm, ăn nước mắm truyền thống từ bao đời nay không thấy ai, cơ quan nào nhắc hay cảnh báo gì về hàm lượng arsen, nay “đau đầu” vì tình trạng khách hàng liên tục điện thoại băn khoăn về chất lượng nước mắm, không ít khách hàng thông báo dừng nhập hàng, trả lại hàng vì lo sợ nhiễm độc arsen (?!). Lượng nước mắm cung ứng ra thị trường giảm dần. Ông Vũ Văn Hai, chủ cơ sở sản xuất có tiếng trong làng nghề cho biết: nhiều khách hàng của cơ sở đã dừng sử dụng nước mắm truyền thống, một vài đại lý, cửa hàng bán lẻ đã thông báo tạm dừng cung ứng sản phẩm làng nghề để thăm dò tình hình thị trường. Theo ông Hai: “Khách hàng của chúng tôi hầu hết là người dân địa phương, người dân ở vùng nông thôn, khu vực trung du, miền núi… nên không có điều kiện cập nhật thông tin đầy đủ, nhất là thông tin cải chính. Mà bản thân người sản xuất đi giải thích thì khó thuyết phục”. Chị Hoàng Thu Thủy, phường Trường Thi (TP Nam Định) cho biết: Từ trước đến nay nhà tôi thường sử dụng nước mắm truyền thống. Tuy nhiên khi nghe thông tin nước mắm truyền thống nhiễm arsen, cảm thấy bất an nên gia đình tôi chuyển sang sử dụng nước mắm công nghiệp, thấy các thông tin thành phần khá rõ ràng.
Trên địa bàn tỉnh ta có 3 làng nghề sản xuất nước mắm nổi tiếng cả nước, có lịch sử lâu đời như: làng nghề Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy), Ngọc Lâm, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng), Thị trấn Cồn (Hải Hậu) cùng hàng trăm cơ sở sản xuất. Nước mắm ở đây được sản xuất theo phương pháp cổ truyền có quy trình nghiêm ngặt từ việc chọn lựa nguyên liệu đến bảo quản, ngâm ủ và thời gian chắt lọc… Thêm vào đó, hầu hết các cơ sở này đã được các ngành chức năng như Sở KH và CN, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Sở NN và PTNT) hướng dẫn đăng ký tiêu chuẩn, chất lượng, nhãn hiệu và thương hiệu sản phẩm. Do đó, sản phẩm không chỉ có chất lượng hoàn hảo, đảm bảo các tiêu chí về ATVSTP, nguồn gốc xuất xứ, chỉ tiêu chất lượng thành phần rõ ràng mà còn có sức cạnh tranh lớn trên thị trường. Tuy nhiên trước thông tin nhiều loại nước mắm truyền thống trên toàn quốc nhiễm arsen đã khiến người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm của địa phương. Cùng với các động thái tích cực của cơ quan chức năng vào cuộc “minh oan” cho nước mắm truyền thống; nghiên cứu đưa ra quy chuẩn về các chất có trong nước mắm như arsen, chì, phụ gia… để thông tin rõ ràng với người tiêu dùng thì các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống cần tiếp tục nâng cao khả năng phòng vệ thương mại để đủ sức chống lại hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường; tự chuẩn hóa sản phẩm, quy trình sản xuất và minh bạch thông tin; thường xuyên giám sát nội bộ để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Phối hợp thực hiện tốt các chương trình truyền thông, các kênh xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm giúp người tiêu dùng hiểu rõ về giá trị nước mắm truyền thống và địa chỉ bán nước mắm truyền thống./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương