Bài học kinh nghiệm qua vụ lúa mùa 2016 (kỳ 2)

08:10, 24/10/2016

[links()]

(Tiếp theo và hết)

II - Bài học kinh nghiệm

Mặc dù giành thắng lợi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhờ sự nỗ lực, cố gắng của ngành Nông nghiệp và bà con nông dân, tuy nhiên vẫn cần nghiêm túc, thẳng thắn đánh giá lại những tồn tại, hạn chế trong sản xuất vụ mùa năm nay. Do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt mưa bão cộng với bất cập của yếu tố giống và các kỹ thuật chăm bón không hợp lý đã làm bệnh bạc lá lây lan rộng, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất.

Trên các cánh đồng lúa chín ở các xã, HTX: Yên Dương, Yên Bằng, Yên Mỹ, Yên Minh, Yên Xá (Ý Yên); Trung Thành, Cộng Hòa, Liêm Thái, Bảo Xuyên (Vụ Bản); Nam Toàn, Nam Cường, Hồng Tiến, Nghĩa An (Nam Trực)… xen lẫn màu vàng óng là những mảng màu xám, tối. Đây là những địa phương thiệt hại nặng bởi bệnh bạc lá. Nhìn hơn 1 sào lúa cấy giống BT7 của gia đình bị nhiễm bệnh bạc lá, ông Hoàng Văn Thuấn ở xóm 9, xã Nghĩa An (Nam Trực) thở dài: Vụ mùa năm nay là vụ mùa khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đầu vụ bão số 1 gây ngập úng, hết lo tiêu úng cứu lúa đến lo dặm tỉa, chăm bón cho lúa phục hồi. Lúa tốt lên được mấy hôm chưa kịp mừng thì lại bị bệnh bạc lá. Theo ông Thuấn, ở xóm 9 có những nhà năng suất chỉ đạt 60kg/sào, bình quân 70-80kg/sào, những diện tích đẹp cũng chỉ đạt 100kg/sào. Còn tại xã Trực Đạo (Trực Ninh), gia đình ông Phạm Văn Minh, thôn 18 cấy 6 sào BT7 cũng bị mất mùa do bệnh bạc lá hoành hành. Ông Minh cho biết: Đầu vụ thời tiết bất thuận, cây lúa xấu tôi đã phải bón tăng đạm mong cho lúa được mùa. Vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, ruộng lúa của gia đình cũng như của nhiều bà con khác lúa chưa trỗ, bộ lá đã cháy xám gần hết. Huyện Nghĩa Hưng là huyện có diện tích bị bệnh bạc lá nhiều nhất tỉnh với 3.000ha. Đồng chí Trần Trung Hiếu, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện cho biết: Đến cuối vụ, từ ngày 28-9 khi lúa đã chín được khoảng 45% thì bệnh bạc lá lúa và bệnh đốm sọc vi khuẩn bùng phát trên diện tích trồng giống BT7 kháng bạc lá. Ở những diện tích bị bệnh, năng suất giảm khoảng 20%. Các xã bị nặng là Nghĩa Sơn, Nghĩa Hồng, Nghĩa Phú, Nghĩa Lạc…

Tham quan mô hình canh tác lúa hiệu quả, bền vững và giảm phát thải tại xã Giao Hải (Giao Thủy).
Tham quan mô hình canh tác lúa hiệu quả, bền vững và giảm phát thải tại xã Giao Hải (Giao Thủy).

Vụ mùa này, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh sớm hơn trung bình nhiều năm. Quy mô và mức độ gây hại của bệnh cũng cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn vụ mùa năm trước. Do ảnh hưởng của bão số 1, nhiều diện tích bị ảnh hưởng nên sinh trưởng chậm và kém đồng đều. Sau khi được khắc phục nhiều diện tích lúa phục hồi nhanh. Tuy nhiên, thời kỳ lúa đẻ nhánh rộ bệnh đốm sọc vi khuẩn và bệnh bạc lá phát sinh, lây lan nhanh, gây hại trên diện rộng ở các giống BC15, lúa lai…, nhất là trên giống BT7. Bệnh xuất hiện từ cuối tháng 8 và tiếp tục lây lan trong tháng 9. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV, toàn tỉnh có 13.786ha (17,8% diện tích) bị nhiễm bệnh đốm sọc vi khuẩn và bệnh bạc lá, tập trung ở các huyện: Nghĩa Hưng, Nam Trực, Ý Yên, Hải Hậu… Trong đó có gần 9.000ha nhiễm bệnh mức độ từ trung bình đến nặng, ước giảm năng suất trung bình khoảng 20% (giống BC giảm 15% năng suất, giống BT7 giảm 20% năng suất, Nếp 97 giảm 10% năng suất). Phân tích về nguyên nhân phát sinh và gây hại của bệnh bạc lá trong vụ mùa này, đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: Đầu tiên phải kể đến việc bố trí cơ cấu giống lúa trong vụ mùa của các địa phương hiện nay. Mặc dù Sở NN và PTNT đã khuyến cáo các huyện, thành phố tập trung sử dụng các giống lúa ngắn ngày, có năng suất, chất lượng khá, ít nhiễm bệnh bạc lá… Tuy nhiên do tư tưởng chủ quan của nhiều hộ nông dân nên ở nhiều nơi giống BT7 vẫn được gieo cấy với tỷ lệ khá cao như: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Thành phố Nam Định… đây là giống nhiễm nặng bệnh bạc lá. Thứ hai là do thời tiết vụ mùa năm 2016 rất thuận lợi cho bệnh bạc lá, ngay từ cuối tháng 7, cơn bão số 1 đã gây mưa to và gió giật mạnh làm cho nhiều diện tích lúa bị dập nát, tạo điều kiện cho bệnh bạc lá phát sinh sớm hơn so với vụ mùa 2015 và trung bình nhiều năm. Ngoài ra, do ảnh hưởng liên tục của các cơn bão số 2 và số 3, gây mưa lớn và dông gió cung cấp thêm lượng đạm tự nhiên cho cây, trong khi trước đó bà con đã bón tăng cường cho lúa dẫn đến dư thừa nhiều trùng vào giai đoạn xung yếu của cây lúa tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh gây hại. Cuối vụ có đợt mưa to từ ngày 10 đến 13-9, sau đó thời tiết khô hanh nên bệnh bạc lá tăng mạnh. Bên cạnh đó, nhận thức của nhiều hộ nông dân về các biện pháp phòng, chống bệnh bạc lá còn hạn chế, sử dụng phân bón chưa đúng kỹ thuật, còn bón nhiều đạm, bón muộn, bón không cân đối. Bệnh bạc lá khi đã biểu hiện ra bên ngoài thì việc phun thuốc điều trị gần như vô dụng nhưng nông dân vẫn phun trừ, thậm chí phun nhiều lần và cộng nhiều loại thuốc cùng một lúc. Điều này vừa gây lãng phí, vừa ảnh hưởng lớn đến môi trường. Do biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp nên các đối tượng dịch hại trên cây trồng nói chung, cây lúa nói riêng phát sinh, gây hại nhiều hơn, đặc biệt là bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn. Theo ý kiến của các chuyên gia nông nghiệp, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh gây ra, các địa phương cần hạn chế gieo cấy giống nhiễm bệnh bạc lá nặng như BT7 trong vụ mùa, nhất là ở các chân đất, các vùng thường xuyên bị nhiễm bệnh bạc lá từ các vụ sản xuất trước. Đặc biệt, khi lúa đã bị bệnh bạc lá, các địa phương cần cảnh báo người dân, có biện pháp kiểm soát ngăn chặn không nên phun thuốc tràn lan. Áp dụng các biện pháp canh tác lúa cải tiến, cấy thưa, thông thoáng, bón ít đạm để hạn chế vi khuẩn lây lan phát triển.

Cũng trong vụ mùa 2016, tình trạng nông dân bỏ ruộng tiếp tục gia tăng. Đã có 11.698 hộ nông dân ở 80 xã, thị trấn bỏ ruộng hoang với tổng diện tích gần 1.100ha; tăng 1.788 hộ và 145ha so với vụ xuân 2016. Các huyện có diện tích bỏ ruộng nhiều là Ý Yên 463ha, Trực Ninh 139ha, Thành phố Nam Định 130ha, Mỹ Lộc 124ha, Nam Trực 121ha… Ở các xã, thị trấn có làng nghề, cụm công nghiệp phát triển hoặc gần đô thị thường có nhiều diện tích đất bị bỏ hoang và còn có xu hướng tăng thêm mặc dù có nhiều diện tích rất thuận lợi về giao thông thủy lợi. Tình trạng nông dân bỏ ruộng gia tăng ảnh hưởng đến tăng trưởng của lĩnh vực trồng trọt cũng như gây lãng phí trong sử dụng đất; lâu dài sẽ gây thoái hóa đất, nhất là những vùng xen kẹt trong khu dân cư, cụm công nghiệp. Đây cũng là nơi tích lũy nguồn sâu bệnh gây hại cây trồng. Việc các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, có ít ruộng bỏ không cấy có thể tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân thuê gom tích tụ diện tích lớn để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa nếu có cách làm phù hợp. Các ngành và các địa phương cần quyết liệt “vào cuộc”, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp: tổ chức quy gọn diện tích của các hộ không có nhu cầu canh tác thành vùng tập trung để kêu gọi thu hút đầu tư, có kế hoạch chuyển đổi linh hoạt những diện tích bị hạn, mặn sang trồng cây ngắn ngày, cây dược liệu và những diện tích úng trũng sang mô hình lúa - cá… Những tồn tại hạn chế trong sản xuất vụ mùa 2016 cũng cho thấy những yếu kém trong chỉ đạo, tổ chức sản xuất ở cấp huyện, cấp xã. Chuyển dịch cơ cấu giống và thời vụ ở một số địa phương còn chậm. Nhiều giống cây, con và mô hình tiến bộ kỹ thuật mới, mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả nhưng chưa được nhân nhanh ra diện rộng. Tình trạng vi phạm các công trình thủy lợi vẫn tái diễn, gây ách tắc dòng chảy khó khăn trong điều tiết nước, chống úng phục vụ sản xuất. Qua vụ sản xuất lúa mùa gặp rất nhiều khó khăn bởi các cơn bão và bệnh bạc lá lúa, đồng chí Đỗ Hải Điền, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho rằng, các địa phương cần rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là phải chủ động làm tốt công tác giải tỏa, khơi thông dòng chảy và các biện pháp phòng chống mưa úng. Phải tích cực chuyển đổi cơ cấu giống và thời vụ theo hướng sử dụng giống ngắn ngày, ít nhiễm sâu bệnh nhằm hạn chế mức độ ảnh hưởng của thiên tai, sâu bệnh cuối vụ. Phải thực hiện nghiêm túc quy trình thâm canh tổng hợp, bón phân cân đối, không lạm dụng phân đạm nhằm tạo cho cây lúa khỏe, tăng sức đề kháng và chống chịu của cây trồng. Thực tế vụ mùa 2016 mặc dù bị thiên tai, phải gieo cấy lại nhưng nếu khắc phục kịp thời trong tuần đầu tháng 8 và thực hiện tốt các biện pháp thâm canh theo chỉ đạo thì vẫn đảm bảo thắng lợi.

Trong các bài học rút ra từ vụ lúa mùa năm nay có một số vấn đề không mới, nhất là cơ cấu giống, cụ thể là giống BT7. Đây là vấn đề cần nhìn nhận, phân tích nghiêm túc, toàn diện các lý do khiến tỷ lệ trồng giống này ở các địa phương vẫn cao trong khi tỉnh đã chỉ đạo rõ là không sử dụng. Từ đó mới có giải pháp đồng bộ để khắc phục triệt để nhằm có các vụ mùa bội thu, đảm bảo công sức cho người nông dân đầu tư trên đồng ruộng không bị “cháy” theo bạc lá./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com