Hình ảnh những chiếc xe chở hàng hóa cồng kềnh, lưu thông trên đường không còn xa lạ với người tham gia giao thông. Nó diễn ra hằng ngày trên các tuyến đường ở đô thị cũng như ở nông thôn, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đe doạ đến tính mạng người đi đường.
Xe xích lô chở hàng hóa cồng kềnh cản trở tầm nhìn của người tham gia giao thông. (Ảnh chụp tại đường Hàn Thuyên, TP Nam Định). |
Những ngày vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 14 giờ 30 phút ngày 23-9-2016 trên đường Tân Mai, quận Hoàng Mai (TP Hà Nội), cháu Trần Minh Hoàng, 9 tuổi đi xe đạp trên đường cùng nhóm bạn bất ngờ đâm vào xe xích lô chở tôn dừng ven đường và bị tôn cứa vào cổ làm chảy nhiều máu, cháu nhập viện trong tình trạng nguy kịch và tử vong sau đó. Chỉ 2 ngày sau vào khoảng 13 giờ 45 phút ngày 25-9-2016 trên Quốc lộ 6, đoạn qua cầu Mai Lĩnh thuộc địa bàn phường Biên Giang, quận Hà Đông (TP Hà Nội) đã xảy ra vụ tai nạn do xe máy kéo theo xe cải tiến chở tôn bị đứt dây chằng. Mảnh tôn trên xe va vào người phụ nữ đang chờ ô tô ở vệ đường làm nạn nhân tử vong. Đó là hai trong rất nhiều những vụ tai nạn thương tâm xảy ra gần đây nhất liên quan đến xe xích lô, xe tự chế, xe 3 bánh chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm lưu thông trên đường… Theo quan sát của chúng tôi, đi khắp các tuyến đường trên địa bàn tỉnh ta không khó để bắt gặp những hình ảnh xe tự chế, xe xích lô, xe 3 bánh… chở hàng hóa cồng kềnh lưu thông trên các tuyến đường đông đúc, có nhiều phương tiện giao thông tham gia qua lại. Những chiếc xe chở đầy những thanh sắt xây dựng, tôn, vật dụng hàng hóa lưu thông cao ngất mà không được che chắn cẩn thận. Chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ, chúng tôi đã đếm được gần chục lượt xe xích lô chở hàng hóa cồng kềnh chạy từ hướng cầu Đò Quan xuống phố Trần Hưng Đạo vốn rất đông đúc xe cộ qua lại và lượng người tham gia giao thông rất đông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn cho người điều khiển xe đang lưu thông trên đường. Hay tại ngã tư Hàng Cấp, Mạc Thị Bưởi (TP Nam Định), xe xích lô chở nhiều tấm tôn vẫn vượt qua khi đèn đỏ vẫn còn đang hoạt động lưu thông với tốc độ khá nhanh khiến cho các phương tiện khác phải vội vã nhường đường… Chị Trần Thị Huê ở phố Hàng Sắt (TP Nam Định) đang lưu thông trên phố Trần Hưng Đạo cho biết: “Mỗi khi tham gia giao thông gặp những xe chở các vật liệu như sắt thép, tôn… cồng kềnh, tôi thấy không đảm bảo an toàn thì thường phải chủ động tránh trước khoảng 10-15m hoặc gặp chỗ thông thoáng là tôi vượt lên trước để tránh nguy hiểm cho bản thân”. Hay anh Ngô Văn Bắc đang lưu thông trên đường cho biết: Đi ra ngoài đường gặp những xe chở hàng cồng kềnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi tham gia giao thông tôi thường nép vào lề đường, cho xe vượt lên trước mà không dám chạy kè kè phía sau…
Theo khoản 4, điều 18, Thông tư 07/2010 của Bộ GTVT quy định, xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3m, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5m. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy là 2m. Lỗi chở hàng cồng kềnh trên xe máy hoặc mô tô sẽ bị xử lý theo điểm k khoản 4 Điều 6 Nghị định 171 với mức tiền phạt từ 200-400 nghìn đồng. Tuy nhiên, chế tài xử phạt đối với các phương tiện vi phạm hiện vẫn còn nhẹ không đủ tính răn đe. Thiết nghĩ, tính mạng con người là trên hết. Sau khi những vụ việc đau lòng xảy ra đối với các phương tiện xe xích lô, xe tự chế… chở hàng cồng kềnh gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, các ngành chức năng cần phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về trật tự ATGT dẫn đến các vụ tai nạn, triển khai việc thực hiện nghiêm việc quản lý các phương tiện thô sơ, phương tiện cơ giới 3 bánh theo Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 4-2-2008 của Chính phủ. Tích cực tuyên truyền rộng rãi, tạo ý thức cho người dân, đồng thời cấm các cơ sở sản xuất, tự lắp ráp, chế tạo những xe không đúng chủng loại kích cỡ theo quy định, cấm các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, bàn ghế, tủ giường… dùng xe không an toàn để chở hàng trên đường. Các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cần rà soát các loại xe 3-4 bánh thô sơ tại địa phương để tuyên truyền, nhắc nhở các chủ xe chấp hành tốt trật tự về ATGT. Tuyên truyền cho người dân biết được về việc người điều khiển phương tiện chở hàng hóa cồng kềnh gây thiệt mạng cho người dân khi tham gia giao thông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý làm chết người”, hay tội “Cản trở giao thông” theo Điều 203 của Bộ luật Hình sự…
Hy vọng trong thời gian tới, với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt những người làm dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng các phương tiện thô sơ xe xích lô, xe ba bánh và sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, tình trạng chở hàng hóa cồng kềnh quá khổ, quá tải sẽ được ngăn chặn… góp phần giảm thiểu những nguy hiểm rình rập người tham gia giao thông./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh