Dệt may, một trong những mũi nhọn xuất khẩu của tỉnh ta và liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm qua ở cả giá trị sản xuất, kim ngạch xuất khẩu và tốc độ đầu tư. Tuy nhiên trong nửa đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu hàng may mặc chỉ tăng 4,8%, thấp hơn so cùng kỳ năm trước (trên 15%) và bình quân chung của cả nước. Đây được xem là thời điểm khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp dệt may trong nhiều năm trở lại đây.
Nhận diện khó khăn của doanh nghiệp dệt may
Vốn được mệnh danh là thủ phủ của ngành dệt may toàn quốc, ngành dệt may tỉnh ta có tính ổn định cao với số lượng doanh nghiệp nhiều, mức đầu tư lớn và liên tục gia tăng trong thời gian gần đây. Hiện toàn tỉnh có khoảng 250 doanh nghiệp cùng 6.000 cơ sở sản xuất nhỏ phân bổ ở khắp cả khu vực thành thị và nông thôn. Sản phẩm chính của ngành dệt may là quần áo may sẵn, sợi và khăn các loại, chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khối Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên từ cuối năm 2015 đến nay, các doanh nghiệp dệt may tỉnh ta gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng mới, đặc biệt là các đơn hàng sơ mi, quần, áo giắc-két. Nhiều khách hàng quen thuộc từ nhiều năm nay đã chuyển hướng thuê gia công sang các nước khác như Lào, Căm-pu-chia, Mi-an-ma, Băng-la-đét… khiến lượng đơn hàng của các doanh nghiệp sụt giảm. Nhiều nguyên nhân đã được các chuyên gia thị trường và ngành dệt may chỉ ra. Nguyên nhân khách quan là tác động của suy thoái kinh tế và những bất ổn chính trị ở nhiều nước khiến mức tiêu thụ của các thị trường trên thế giới bị chững lại. Xu hướng tiêu dùng tiết kiệm của người châu Âu cũng chuyển dần sang việc mua theo nhu cầu sử dụng và chỉ mua khi thật sự cần thiết chứ không còn mua theo ý thích như trước đây. Trong khi đó hàng dệt may của nước ta bị mất khả năng cạnh tranh so với một số nước trên thế giới về thuế suất.
Dệt sợi tại Cty TNHH Thiên Nam, KCN Bảo Minh (Vụ Bản). |
Cụ thể là các doanh nghiệp trong nước phải chịu thuế suất sang thị trường các nước Mỹ trung bình là 17%, vào EU gần 10%, trong khi Căm-pu-chia đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0% dành cho các nước kém phát triển. Thêm vào đó giá nhân công của các nước này lại rẻ nên những đơn hàng đơn giản không đòi hỏi kỹ thuật cao đã dịch chuyển dần sang các nước được ưu đãi về thuế như Căm-pu-chia, Mi-an-ma và Lào. Một lý do khác khiến các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may khó khăn do nhiều nước tại châu Á không tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã nhanh chóng có những chính sách mang tầm vĩ mô nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh làm đối trọng với các doanh nghiệp của Việt Nam để thu hút đơn hàng. Ví như Trung Quốc giảm tỷ lệ đóng BHXH từ 22%/năm/người lao động xuống còn 18%/năm/người lao động; mở rộng đầu tư sang các nước tham gia TPP để hưởng ưu đãi trong giai đoạn Hiệp định có hiệu lực để giảm giá thành sản phẩm. Nhóm các nước Băng-la-đét, Pa-kít-xtan, In-đô-nê-xi-a, Căm-pu-chia đã có chính sách điều chỉnh tỷ giá tiền tệ, giảm thuế nhập khẩu, lãi suất ngân hàng để hỗ trợ xuất khẩu. Cùng lúc đó các doanh nghiệp dệt may trong nước lại tiếp tục gặp phải nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính, lộ trình tăng lương tối thiểu và nạn “giấy phép con” đối với hàng xuất nhập khẩu của các bộ, ngành. Cùng với những khó khăn chung của toàn quốc, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh ta còn có nhiều khó khăn riêng đó là làn sóng đón ưu đãi và thực hiện quy chế xuất xứ từ sợi do cả TPP và EVFTA mang lại nên các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước và ngoài nước đổ xô đầu tư mở rộng phát triển nhà máy sản xuất, tăng thiết bị nhà xưởng. Trong giai đoạn từ 2014 đến nay, tốc độ đầu tư dệt may ở tỉnh ta đạt mức cao với khoảng gần 40 dự án FDI cùng hàng trăm doanh nghiệp nhỏ của các Cty may lớn trong tỉnh nâng cao năng lực sản xuất, mở chi nhánh ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh. Xu hướng này đã khiến mối quan hệ giữa việc làm và năng lực sản xuất mất cân đối, khủng hoảng thiếu đơn hàng tiếp tục đẩy cao. Một số doanh nghiệp để có được đơn hàng đã hạ giá gia công dẫn đến giá cả, nguồn hàng bị cạnh tranh kéo xuống thấp. Cùng với đó thị trường lao động dệt may khan hiếm khiến các doanh nghiệp đưa ra đủ mọi hình thức ưu đãi để tuyển công nhân, thậm chí tuyển cả lao động không đủ tiêu chuẩn quy định về sức khỏe, độ tuổi, tay nghề từ đó dẫn đến những bất cập, tốn kém như chi phí huấn luyện, đào tạo nâng cao tay nghề, lực lượng lao động không ổn định… Ngoài ra, có một vấn đề là số doanh nghiệp dệt may tỉnh ta nhiều nhưng hầu hết có quy mô vừa và nhỏ, vốn ít nên sử dụng thiết bị, công nghệ lạc hậu. Tình trạng phát triển sản xuất theo phong trào, năng lực quản lý sản xuất kém, lỏng lẻo, không sát thực tế dẫn đến năng suất lao động hiệu quả thấp, chi phí tốn kém dẫn đến giá thành cao. Thêm vào đó là việc hạ giá để cạnh tranh nên doanh nghiệp không thể trả lương công nhân cao, họ sẽ “nhảy việc” nhiều... Tất cả những khó khăn trên đã kéo theo hệ lụy là doanh nghiệp dễ bị tổn thương ngay khi gặp những khó khăn trong giai đoạn đầu. Theo số liệu của cơ quan chức năng, từ năm 2015 đến nay đã có rất nhiều doanh nghiệp dệt may nhỏ hình thành theo phong trào mà không có cơ sở nền tảng là thương hiệu, uy tín trên thị trường đã bị phá sản. Hàng trăm cơ sở sản xuất gia công hàng xuất khẩu ở nông thôn cũng phải dừng hoạt động. Đồng thời thị trường cũng có sự phân hóa rõ rệt giữa các doanh nghiệp dệt may có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp địa phương. Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp dệt may địa phương lớn như: Cty TNHH Youngor Smarts Shirt Việt Nam; Cty TNHH Sợi dệt nhuộm YULUN; Cty CP May Sông Hồng; Cty CP Thời trang Thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy ít bị tác động bởi những vấn đề nêu trên.
Theo cơ quan chuyên môn, thực trạng khó khăn của doanh nghiệp dệt may trong nước nói chung và tỉnh ta nói riêng tại thời điểm hiện nay một lần nữa đã cho thấy trong nền kinh tế thị trường, nếu doanh nghiệp đầu tư theo phong trào, không chắc chắn; không có chiến lược kinh doanh và quản trị tốt có định hướng phấn đấu vì chất lượng sản phẩm và uy tín doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ bị thải loại. Quá trình thanh lọc của thị trường dệt may cũng như nhiều ngành hàng tiêu dùng khác sẽ ngày càng gay gắt hơn. Các quốc gia có lợi thế tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng xuất khẩu và tăng cường rào cản kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu. Trong khi các doanh nghiệp dệt may trong nước nói chung và địa phương nói riêng phải tự chèo chống và nếu không có gì thay đổi thì cũng phải chờ đến giữa năm 2018 các TPP và EVFTA mới có hiệu lực, lúc đó mọi ưu đãi về thuế quan mới được áp dụng. Do đó nếu không có những đánh giá đúng tình hình thị trường và giải pháp mang tính đột phá để củng cố lại doanh nghiệp cả về quy mô sản xuất, công tác quản trị để đảm bảo sản xuất, vượt qua thời kỳ khó khăn này thì tình trạng khó khăn và thiệt hại của doanh nghiệp sẽ khó lường hơn. Đây là bài toán đặt ra rất cấp bách cho mỗi doanh nghiệp, các cấp, các ngành để giữ vững tốc độ tăng trưởng và vị thế là cái nôi của ngành dệt may toàn quốc./.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Nguyễn Hương