Đồ chơi trẻ em là sản phẩm đặc thù không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí mà còn liên quan đến an toàn, sức khoẻ của trẻ em, được sử dụng phổ biến trong các gia đình có trẻ nhỏ. Do vậy lựa chọn được đồ chơi hữu ích, an toàn cho trẻ là điều được các phụ huynh đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, trên thị trường đồ chơi trẻ em hiện nay, bên cạnh những đồ chơi an toàn, phù hợp với trẻ theo các lứa tuổi thì vẫn tồn tại nhiều mặt hàng không đảm bảo chất lượng, không phù hợp và thiếu tính giáo dục, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho sức khoẻ của trẻ. Nhận thức và ý thức của một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về chất lượng an toàn của đồ chơi trẻ em còn nhiều hạn chế.
|
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra tính hợp quy của đồ chơi trẻ em lưu thông trên địa bàn huyện Hải Hậu. |
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em (QCVN 3:2009/BKHCN) thì đồ chơi trẻ em phải đảm bảo 6 nhóm kỹ thuật về cơ lý, hóa học, mức giới hạn xâm nhập của các độc tố, yêu cầu chống cháy và biểu tượng cảnh báo tuổi trẻ em không được sử dụng. Mọi sản phẩm đồ chơi lưu thông trên thị trường phải có dấu hợp quy (CR) và nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện có tới 80% đồ chơi trẻ em trên thị trường nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng không rõ xuất xứ hàng hóa hoặc vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, nhiều sản phẩm chứa hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em. Nhiều loại đồ chơi trẻ em xuất xứ Trung Quốc bị phát hiện có chất độc hại và bị cấm tại các nước văn minh vẫn xuất hiện phổ biến, công khai ở nước ta như thú nhún, chút chít nhựa, bóng bay, búp bê đầu quả, bóng bơm hơi và lựu đạn nổ… Vào dịp Tết Trung thu, lễ hội hóa trang (Halloween), những đồ chơi tạo cảm giác mạnh như đôi cánh thiên thần, mặt nạ quỷ, trang phục siêu anh hùng, thầy tu, phù thủy… chiếm đa số trên các cửa hàng đồ chơi và được tiêu thụ mạnh. Nhưng theo cơ quan chuyên môn hầu hết các sản phẩm này sử dụng phthalates và một số hóa chất khác như chì, thủy ngân, crôm… để tạo độ dẻo, mùi thơm và màu sắc hấp dẫn vượt mức cho phép. Đây chính là tác nhân gây ra các bệnh liên quan đến giới tính, trí tuệ và ung thư cho người sử dụng. Đặc biệt với những trẻ nhỏ có thói quen ngậm đồ chơi thì tỷ lệ bị ngộ độc hóa chất càng cao và nguy hiểm hơn rất nhiều. Đáng lo ngại là trong khi người bán chỉ quan tâm đến lợi nhuận bất chấp quy định về chất lượng hàng hóa thì chính người tiêu dùng cũng không mấy quan tâm đến chất lượng an toàn của đồ chơi mà chỉ chú ý hình thức, giá cả sản phẩm. Sự thiếu hiểu biết và cẩn trọng khi mua đồ chơi đã dẫn đến không ít trường hợp tai nạn đáng tiếc do đồ chơi gây nên. Tại khu vui chơi cho trẻ trong các siêu thị, trung tâm thương mại lớn ở Thành phố Nam Định, trò chơi xúc cát với các nguyên liệu chính là hạt muồng bằng nhựa (thay cho cát tự nhiên), cùng các loại đồ chơi là máy xúc ủi, băng trượt, dụng cụ công trường rất phổ biến và được trẻ yêu thích. Trò chơi này được cho là an toàn và kích thích sự sáng tạo, yêu lao động, vận động cơ thể toàn diện, trẻ có thể vui chơi tập thể hoặc chơi một mình theo ý thích. Tuy nhiên không ít tai nạn đã xảy ra khi trẻ chơi trò này do hạt muồng rất nhỏ dễ tạo độ trơn trượt trên sàn; mặt khác trường hợp trẻ hiếu động cầm cả nắm hạt ném nhau khiến hạt dễ dàng lọt vào tai, mắt, mũi vô cùng nguy hiểm. Trước nguy cơ đồ chơi ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em, các cơ quan chức năng đã tăng cường tuyên truyền cảnh báo những sản phẩm đồ chơi trẻ em có hóa chất độc hại trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số trang thông tin điện tử và tạp chí chuyên ngành để các cơ quan chức năng, hộ kinh doanh và người dân không buôn bán, tàng trữ và sử dụng các loại đồ chơi đó. Khi được cảnh báo những mối nguy hiểm của đồ chơi này, chị Phùng Thị Hiền, khu Đồng Tháp Mười (TP Nam Định) cho biết: “Con tôi rất thích chơi trò xúc cát. Tôi cũng như nhiều bà mẹ khác còn mua riêng cho con một bộ xúc cát để chơi tại nhà... Từ trước tới nay, tôi vẫn cho rằng đây là trò chơi an toàn với con mà chưa từng nghĩ tới những nguy hiểm tiềm ẩn trong trò chơi này. Chắc chắn tôi sẽ dừng việc cho các con chơi và phổ biến cho các phụ huynh khác nữa”. Trước những cảnh báo về nguy cơ mất an toàn của đồ chơi Trung Quốc và các đồ chơi gia công rẻ tiền khác, nhiều người tiêu dùng đã thay đổi nhận thức, chuyển dần sang mua hàng sản xuất trong nước hoặc hàng nhập ngoại rõ xuất xứ chất lượng. Thị trường đồ chơi nhập khẩu từ các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nhật đã khá phong phú. Tuy nhiên sản phẩm này có giá quá cao, thậm chí đến vài triệu đồng, nên chỉ phù hợp với những gia đình có thu nhập khá. Một loại đồ chơi tuy sản xuất trong nước song do các cơ sở gia công nhắm vào nhóm khách hàng ít tiền cần mua hàng giá rẻ nên cũng kém an toàn do sử dụng nhựa kém chất lượng (cả nhựa tái chế) công nghệ sản xuất lạc hậu. Mẫu mã đồ chơi khá đơn giản nhưng lại hợp tâm lý trẻ con như bộ xe đẩy, hoa quả 4 mùa, đồ chơi nghề nghiệp và đồ chơi dụng cụ nấu ăn... Các loại đồ chơi này giá chỉ 70-90 nghìn đồng/kg, màu sắc sản phẩm nhợt nhạt, ba via khuôn mẫu còn nguyên chưa cắt gọt và mùi nhựa rất khó chịu. Đáng chú ý là bộ đồ nấu ăn được mô phỏng theo tất cả dụng cụ thìa, dĩa, chén bát, củ quả có trong thực tế, do đó nhiều sản phẩm đơn lẻ như củ tỏi, hành củ, quả cà pháo, hạt đậu… có kích thước quá nhỏ, khiến trẻ dễ đút vào mũi, tai, miệng, họng gây nguy hại đến sức khỏe trẻ nhỏ, không đảm bảo theo quy chuẩn Việt Nam. Để ngăn chặn các loại đồ chơi không đảm bảo điều kiện lưu thông trên thị trường, các lực lượng chức năng như: thanh tra Sở và Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở KH và CN); lực lượng quản lý thị trường (Sở Công thương) đã thường xuyên tiến hành kiểm tra, kiểm soát nhóm hàng đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường tỉnh; trong đó ngay trước mùa Trung thu này tổ chức một đợt. Tại thời điểm kiểm tra, hầu hết các vi phạm về sản phẩm đồ chơi trẻ em đều liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn an toàn như quy định của pháp luật. Đặc biệt tại khu vực nông thôn, hầu hết các sản phẩm trong danh mục đồ chơi nhiễm hóa chất độc hại như bóng gai, thú nhún, súng đạn nhựa, lựu đạn nổ, búp bê hoa quả… đều có. Cá biệt có hiện tượng trung tâm thương mại lớn đã nhập loại sản phẩm này, khi lực lượng chức năng nhắc nhở đã không tiêu hủy mà tìm mọi cách khuyến mại, hạ giá sản phẩm hoặc luân chuyển sản phẩm về vùng nông thôn để tiêu thụ.
Đồ chơi là một công cụ giúp trẻ làm quen với cuộc sống, phát triển trí thông minh, tư duy sáng tạo. Do đó để trẻ em được tiếp cận, sử dụng các loại đồ chơi an toàn, các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định sản xuất, tiêu thụ và sử dụng đồ chơi trẻ em an toàn sâu rộng tới người tiêu dùng, người sản xuất và kinh doanh mặt hàng này. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bảo đảm lành mạnh thị trường đồ chơi trẻ em. Đó là cách thể hiện thiết thực nhất quan điểm “giành những gì tốt nhất cho trẻ em”./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương