Sau hơn 10 năm chính thức hoạt động, đến nay CCN Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) đã cơ bản được lấp đầy với 35 doanh nghiệp đầu tư trên 50,2 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, trang bị các loại máy móc hiện đại để phát triển sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp hoạt động trong CCN đều xây dựng và định vị được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho 554 lao động chính thức và hàng trăm lao động thời vụ.
Đúc các sản phẩm chi tiết máy tại Cty TNHH Cơ khí đúc Ngọc Hà, CCN Tống Xá, xã Yên Xá. |
Hình thành và phát triển từ làng nghề cơ khí đúc Tống Xá chuyên sản xuất, gia công các chi tiết máy phục vụ ngành khai thác mỏ, ngành GTVT, sản xuất xi măng... CCN Tống Xá được xác định là CCN chủ lực để tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất CN-TTCN của huyện Ý Yên. Vì thế, những năm qua, UBND huyện Ý Yên đã chỉ đạo các phòng chức năng tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong CCN đầu tư phát triển sản xuất. Cùng với giải quyết mặt bằng, huyện chỉ đạo tổ chức tốt công tác dạy nghề, trong đó ưu tiên đào tạo nghề ngắn hạn miễn phí, bổ sung nhân lực có tay nghề cho các doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí tổ chức các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ kinh phí khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ… Hằng năm, cơ sở dạy nghề của huyện tổ chức từ 10-12 lớp đào tạo nghề cho 350-400 lao động nông thôn để cung ứng nguồn lao động tại chỗ có tay nghề phù hợp cho các doanh nghiệp. Với sự hỗ trợ tối đa của UBND huyện và các phòng chức năng, từ ngành nghề chính là sản xuất các sản phẩm cơ khí - đúc, nhiều doanh nghiệp trong CCN Tống Xá đã mạnh dạn đầu tư thiết bị hiện đại, xây dựng nhà xưởng để phát triển sản xuất, kinh doanh và từng bước khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Điểm nổi bật trong đổi mới công nghệ ở đây là các doanh nghiệp đã tích cực ứng dụng, thay đổi từ lò đúc thủ công sử dụng than sang lò đúc sử dụng điện. Nếu như trước kia các cơ sở sản xuất coi nặng kinh nghiệm gia truyền thì nay các doanh nghiệp đã tích cực, chủ động mời các nhà khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu về hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp trong CCN đã đầu tư máy phân tích quang phổ trị giá từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng để nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ đúc kim loại đen (sắt, gang, thép) và kim loại màu (đồng, nhôm). Việc đổi mới thiết bị, công nghệ đã giúp các doanh nghiệp vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa góp phần bảo vệ môi trường bảo đảm phát triển bền vững. Sử dụng lò đúc điện đã nâng công suất mỗi mẻ đúc từ 100-300kg lên mức 700-1.000kg; mỗi ngày đúc được từ 2-3 mẻ, chất lượng đảm bảo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong CCN đã có sự liên kết trong sản xuất, phân chia công đoạn, mặt hàng, thực hiện nhanh chóng các hợp đồng đã ký với khách hàng. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp trong CCN đã đạt mức tăng trưởng hằng năm từ 15-20% như các Cty: TNHH Cơ khí đúc Toàn Thắng; TNHH Cơ khí đúc Ngọc Hà; TNHH một thành viên Cơ khí đúc Minh Quang; Doanh nghiệp tư nhân Cơ khí đúc Tân Phú... Cty TNHH một thành viên Cơ khí đúc Minh Quang thành lập năm 2010 chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ công nghiệp khai thác mỏ và vận tải thủy như: trục, bạc, chân vịt, mỏ neo... Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Cty đã đầu tư 1 lò đúc điện công suất 500 kg/mẻ và áp dụng đa dạng các công nghệ làm khuôn như: khuôn cát, khuôn đất sét và khuôn xốp tự hủy... Với công suất từ 2-3 mẻ/ngày, bình quân mỗi tháng, Cty sản xuất được từ 20-30 tấn sản phẩm, tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Với hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, hệ thống 2 lò đúc điện công suất 1.100 tấn/mẻ và 800 kg/mẻ cùng các loại máy móc đồng bộ với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng, Cty TNHH Cơ khí đúc Ngọc Hà đã đạt công suất mỗi ngày từ 2-2,5 tấn sản phẩm các loại chi tiết máy, bi nghiền... phục vụ các ngành công nghiệp nặng. Cty đã tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động làm việc liên tục 2 ca/ngày, mức thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Tổng mức đầu tư xây dựng cơ sở nhà xưởng, máy móc gần 20 tỷ đồng, Cty TNHH Sản xuất và Thương mại Chiến Thắng chính thức bước vào sản xuất từ năm 2010, với 1 lò đúc sử dụng điện công suất 1 tấn và hệ thống máy móc phụ trợ được đầu tư bài bản, đồng bộ (1 trạm biến áp công suất 1.800KVA trị giá 1,4 tỷ đồng; lò cao tần nấu thép trị giá 1,5 tỷ đồng; hệ thống bể chứa làm lạnh...). Cty đã nhanh chóng khẳng định được vị thế trên thị trường cả nước với các sản phẩm chủ yếu: hàm nghiền, côn (sử dụng trong các dây chuyền khai thác đá); lô nghiền (trong các dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ lò tuy-nen). Mỗi ngày, Cty sản xuất được từ 3-5 tấn sản phẩm, đủ năng lực đảm nhiệm và hoàn thành những hợp đồng trị giá từ 2-10 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp trong CCN Tống Xá hoạt động hiệu quả đã góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất CN-TTCN của huyện Ý Yên. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, để các doanh nghiệp trong CCN Tống Xá hoạt động hiệu quả, bền vững xứng đáng là CCN chủ lực của huyện, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành chung tay tháo gỡ những vấn đề tồn tại: Do đặc thù của nghề đúc kim loại, cùng với tiếng ồn thì lượng khí thải và bụi từ hoạt động đúc kim loại, gia công cơ khí… xả ra rất lớn gây tình trạng ô nhiễm không khí khu vực sản xuất và xung quanh. Tại nhiều xưởng sản xuất, môi trường làm việc ô nhiễm, độc hại cộng với ý thức của chủ doanh nghiệp và công nhân chưa cao nên còn xảy ra tai nạn lao động gây thương tích và nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn. Ngoài ra, tình trạng các doanh nghiệp tập kết nguyên liệu sản xuất cát, đất làm khuôn; sắt thép tràn lan lấn chiếm lòng, lề đường gây nguy cơ mất an toàn giao thông…
Bài và ảnh: Thành Trung