Bà Nguyễn Thị Phượng, xã Nam Mỹ (Nam Trực) là đối tượng thuộc hộ nghèo, có tiền sử bệnh cao huyết áp, hiện đang điều trị nội trú bệnh xuất huyết dạ dày tại Bệnh viên Đa khoa Sài Gòn - Nam Định cho biết: “Trước đây, mỗi lần đi khám bệnh tôi đều phải ra trạm y tế xã, sau đó, xin giấy chuyển tuyến lên huyện khám, thủ tục rườm rà, mất thời gian. Nay nhờ có quy định mới chỉ cần thẻ BHYT, làm thủ tục là có thể khám, chữa bệnh (KCB) ở huyện và phòng khám đa khoa tương đương và được hưởng 100% chi phí khám”. Mắc căn bệnh suy thận mãn tính, bà Nguyễn Thị Hòa, 59 tuổi, xóm Bàn Thạch, xã Hồng Quang (Nam Trực), thuộc diện cận nghèo, trước năm 2014, mỗi tháng chạy thận, bà phải chi trả thêm 20% tiền viện phí, điều trị bệnh. Theo Luật BHYT sửa đổi, đối tượng có BHYT thuộc diện cận nghèo như trường hợp bà Hòa, được Quỹ BHYT hỗ trợ 95% (trước đây là 80%). Và từ 1-1-2016, chính thức áp dụng mở thông tuyến KCB BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh, bà Hòa đã chọn lựa điều trị chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Công an tỉnh và được Quỹ BHYT chi trả 95% chi phí. Ông Đoàn Duy Khang, xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) điều trị bệnh tại khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ông nhập viện trong tình trạng cấp cứu do chảy máu dạ dày nghiêm trọng và được Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai. Sau 7 ngày chữa bệnh nội trú, ông Khang được hưởng các dịch vụ KCB chi phí cao như nội soi, truyền máu và được chỉ định dùng các loại thuốc tốt nhất. Hiện tại sức khỏe ông Khang đã được phục hồi. Là người tham gia BHYT thuộc đối tượng người trên 80 tuổi, ông Khang được Quỹ BHYT chi trả 100% với số tiền hơn 11 triệu đồng.
Bệnh viện Đa khoa Công an tỉnh đổi mới phương pháp công tác quản lý, tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ người bệnh. |
Qua 6 tháng triển khai thông tuyến KCB BHYT và tăng giá dịch vụ y tế người có thẻ BHYT đã thuận lợi hơn rất nhiều khi đi KCB. Trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 1.009.956 lượt người KCB BHYT, tăng 146.468 lượt người KCB BHYT (tương ứng với tăng 14,5%) so với cùng kỳ năm 2015 với tổng chi phí 315,373 tỷ đồng. Trong đó, KCB ngoại trú là 858.702 lượt người tăng 75.479 lượt người (tăng 0,79%) so với cùng kỳ năm 2015 với tổng số tiền 160,686 tỷ đồng; KCB nội trú là 151.254 lượt người, tăng 70.989 lượt người (tăng 46,9%) so với cùng kỳ năm 2015 với tổng số tiền 154,686 tỷ đồng. Đa tuyến ngoại tỉnh ước tính đến 30-6-2016 có 1 triệu 225 nghìn lượt người với tổng số tiền là 200 tỷ đồng. Tại tỉnh ta, điều ghi nhận qua 6 tháng triển khai thông tuyến KCB đã thuận lợi hơn rất nhiều cho người bệnh BHYT khi không cần giấy chuyển tuyến vẫn được KCB và đảm bảo quyền lợi tại các cơ sở KCB tuyến huyện. Người bệnh được lựa chọn KCB tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân đang được xếp tương đương tuyến huyện (bệnh viện hạng III). Đồng chí Nguyễn Lương Ba, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Nếu như trước đây người bệnh khi đi KCB trái tuyến ở bệnh viện tuyến huyện, chỉ được hưởng 70% chi phí, nhưng từ 1-1-2016 thì được hưởng 100% chi phí BHYT. Điều này đã tạo thuận lợi và mở rộng quyền lợi đối với người tham gia BHYT trong việc đi KCB. Bên cạnh đó, Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế - Bộ Tài chính về quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Cụ thể, từ ngày 1-3-2016, giá của 1.887 dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ được điều chỉnh tăng bình quân khoảng 30% khi tính thêm chi phí phụ cấp phẫu thuật thủ thuật và phụ cấp trực của cán bộ y tế. Giá dịch vụ KCB gồm: Các chi phí trực tiếp như chi phí về thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế; chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ; Chi phí phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật (phụ cấp đặc thù); Chi phí tiền lương theo lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Với các dịch vụ KCB chưa được quy định mức giá cụ thể sẽ áp dụng theo mức giá của các dịch vụ được Bộ Y tế xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện. Việc tăng giá dịch vụ y tế thống nhất trên toàn quốc sẽ khuyến khích các bệnh viện phát triển kỹ thuật y tế, đồng thời người dân được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn và được BHXH thanh toán, tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT. Mức giá chi trả của dịch vụ kỹ thuật sẽ thống nhất tại tất cả các cơ sở KCB cùng hạng trên cả nước, người bệnh sẽ được cung cấp dịch vụ y tế công bằng, đồng đều ở tất cả cơ sở KCB không phân biệt vùng miền. Việc chi trả KCB từ tiền túi người dân sẽ giảm đi rất nhiều. Toàn bộ chi phí thuốc, vật tư y tế, nhất là những chi phí trực tiếp như khấu hao, duy tu, bảo dưỡng… từng bước được kết cấu vào giá dịch vụ y tế theo lộ trình và được Quỹ BHYT chi trả.
Không chỉ mang lại thuận lợi cho người bệnh, thông tuyến KCB BHYT, tăng giá dịch vụ y tế còn là động lực để các cơ sở KCB nâng cao chất lượng dịch vụ y tế bằng việc đầu tư đúng mức về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để thu hút sự lựa chọn của người dân. Bệnh viện huyện và các bệnh viện hạng III trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, thay đổi phong cách phục vụ theo hướng làm người bệnh hài lòng. Cụ thể, sau 6 tháng triển khai liên thông tuyến huyện, tại Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu, bệnh nhân ngoài huyện đến KCB tăng gần 30% so với năm 2015. Để đạt được kết quả đó, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất với quy mô bệnh viện từ 450-500 giường bệnh; đầu tư thêm trang thiết bị y tế từ nguồn trái phiếu Chính phủ là 13,3 tỷ đồng và từ nguồn thu khác của bệnh viện là 7,5 tỷ đồng, bệnh viện đã chủ động đào tạo cán bộ chuyên môn để triển khai thêm một số kỹ thuật mới như: nội soi tiết niệu, sử dụng thuốc tiêu sợi huyết trong điều trị tai biến mạch máu não, một số xét nghiệm về miễn dịch, sử dụng kháng sinh; thực hiện tốt quy tắc ứng xử hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định là bệnh viện hạng III, thời gian qua, bệnh viện nâng cao chất lượng công tác KCB, đảm bảo quyền lợi và thu hút người bệnh. Trong đó, bệnh viện coi trọng công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ nhân viên y tế có kỹ năng chuyên môn, tận tụy và các trang thiết bị hiện đại. Đồng thời đầu tư trang thiết bị hiện đại, triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, đáp ứng được yêu cầu của người bệnh. 6 tháng đầu năm 2016, bệnh viện đón 30.266 người đến KCB, đã thực hiện 1.344 ca phẫu thuật. Hiện tại bệnh viện có 180 cán bộ, nhân viên (trong đó có 45 bác sĩ) với 180 giường bệnh, hằng ngày đón tiếp 200-300 bệnh nhân đến khám và điều trị.
Việc triển khai thông tuyến KCB BHYT và tăng giá dịch vụ y tế trên địa bàn tỉnh đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân và tạo ra sự cạnh tranh bằng chất lượng cho các cơ sở y tế trong tỉnh, với mục tiêu cao nhất là thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Thực hiện thông tuyến KCB BHYT cũng đồng nghĩa với việc người bệnh có quyền được lựa chọn cơ sở KCB tốt nhất để điều trị. Điều đó đòi hỏi những cơ sở KCB trước đây vốn tồn tại nhờ vào bệnh nhân khám BHYT đúng tuyến sẽ phải chủ động thay đổi, nâng cao chất lượng để thu hút bệnh nhân. Bên cạnh đó, để quản lý tốt quỹ BHYT bảo đảm đúng người, đúng quyền lợi, BHXH tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thẻ BHYT xác định đúng người có thẻ khi đến KCB tại các cơ sở y tế. Tăng cường các biện pháp để đồng bộ hóa phần mềm liên thông quản lý dữ liệu KCB tại các cơ sở y tế. Kể từ ngày 1-7-2016, triển khai đồng bộ phần mềm quản lý dữ liệu đối với 100% cơ sở KCB trong toàn tỉnh và toàn quốc, khi bệnh nhân đến KCB chỉ cần gõ mã vạch trên thẻ sẽ xuất hiện thông tin thời gian qua bệnh nhân đã điều trị ở đâu, đã uống thuốc gì. Đây sẽ là cơ sở để từ chối thanh toán chi phí KCB đối với những trường hợp trục lợi quỹ BHXH./.
Bài và ảnh: Việt Thắng