Chuyến đi thực tế tại miền Tây Nam Bộ của lớp Cao cấp lý luận chính trị khóa 10 (Nam Định) đúng dịp cả nước tưng bừng chuẩn bị kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám, đón mừng Tết Độc lập Quốc khánh 2-9, đoàn đã tổ chức tham quan di tích lịch sử văn hóa Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam Phú Quốc.
“Địa ngục trần gian”
Hòa trong dòng người đông đúc, chúng tôi nhận thấy có không ít cựu chiến binh về thăm lại trại tù để ôn lại ký ức cuộc đấu tranh “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” nơi “địa ngục trần gian” của những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt giam, bị tù đày, tra tấn dã man. Trại giam tù binh Phú Quốc nằm tại Thị trấn An Thới ở cực nam đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang do thực dân Pháp, sau này là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai dựng lên. Dù thời gian đã trôi qua nhiều năm và chỉ là tái hiện lại hình ảnh, thế nhưng, những hình nộm mô tả cảnh tra tấn các chí sĩ yêu nước và các hiện vật được lưu giữ nguyên vẹn như những chiếc răng, những mảnh xương bánh chè, những chiếc đinh xuyên mẩu xương lượm được từ những nấm mồ tập thể cũng đủ để làm tất cả mọi người phải rùng mình về sự man rợ của các tội ác mà những người cộng sản xưa phải trải qua nơi ngục tù vì lý tưởng sống cao đẹp của mình. Sử liệu đã ghi lại, đây là trại giam tù binh trung tâm lớn nhất của chế độ Việt Nam Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam, có diện tích khoảng 400ha với gần 500 nhà giam, từng giam giữ hơn 40 nghìn tù binh qua các thời kỳ. Trại giam có tất cả là 12 khu, mỗi khu trại giam có khả năng chứa khoảng 3.000 tù nhân, thường được chia làm 4 phân khu. Bao quanh mỗi khu nhà lao là 10-15 lớp kẽm gai ken cứng với hệ thống điện chiếu sáng dày đặc. Bên cạnh bộ máy cai ngục, lúc cao nhất tới 4 tiểu đoàn lính gác trang bị đầy đủ vũ khí và phương tiện cơ động canh giữ, tuần tiễu ngày đêm. Ngoài biển thường xuyên có một hải đoàn tuần tiễu vòng ngoài. Ngay từ khi bước chân vào trong tù, tất cả mọi tù binh đều bị đánh phủ đầu để uy hiếp nhằm làm nhụt tinh thần, và để lấy cung. Trong suốt thời gian tù đày, những người cộng sản còn phải chịu hàng trăm đòn tra tấn dã man của bọn tay sai, đế quốc như: bị phạt phơi nắng trên những dàn thiếc nóng như rang ngoài trời, da thịt ở bụng, ở ngực phỏng rộp lên, nhiều chỗ da non bị cháy xém, người yếu sức thường là ngất xỉu. Nếu cựa quậy chúng dùng dùi cui phang thẳng cánh vào đầu hoặc sẵn sàng bắn bỏ. Bị phạt leo lên ngọn cây nhum đầy gai nhọn rồi bắt tụt xuống, không leo chúng đánh; chỉ cần vài ba cái nhoài người là đùi, ngực, tay, chân bị nhòe máu (!)… Trong đó có tới 45 kiểu nhục hình tàn bạo, dã man nhất không khác gì hình phạt thời trung cổ như: thiêu sống, chôn sống, đóng đinh vào 10 đầu ngón tay, đóng đinh vào các khớp chân, vào đầu, đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng, trùm bao tải chế nước sôi hoặc đổ lửa than, ném vào chảo nước sôi, giam vào chuồng cọp bằng kẽm gai cao 1m, dài 2m. Độc ác hơn nữa là địch bắt tù binh ăn cơm trộn cát với nước tiểu, phân; không ăn chúng đánh, đang ăn ói ra chúng cũng đánh và bắt hốt hết lên ăn tiếp. Với bộ máy cai quản và phương thức tra tấn tù binh này, địch tin rằng không những có thể trấn áp tinh thần tù nhân mà còn đánh bại bất cứ một lực lượng ngoại nhập nào liều mạng giải phóng tù binh trại tù Phú Quốc.
Học viên lớp Cao cấp lý luận chính trị khóa 10 (Nam Định) cùng các du khách tham quan Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam Phú Quốc. |
Tồn tại từ năm 1953 đến tháng 3-1973 trại giam tù binh Phú Quốc không chỉ là nơi địch giam cầm gần 40 nghìn lượt tù binh cộng sản, mà còn là nơi chứng kiến quá trình các chiến sĩ cộng sản bị địch bắt đã biến trại giam thành trận tuyến chiến đấu đặc biệt. Một bên là những chiến sĩ cách mạng cộng sản, chỉ có vũ khí duy nhất là lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, sẵn sàng tiến công kẻ thù để giành quyền sống để tiếp tục tham gia đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Một bên là bọn cai ngục, là bộ máy phản động được trang bị vũ khí giết người hàng loạt, ra sức đàn áp, tra tấn tù binh đến chết, hòng bắt các chiến sĩ cách mạng khuất phục. Dù ngày ngày phải hứng chịu sự tra tấn dã man của địch nhằm hủy hoại thể xác, tinh thần, thậm chí phải hy sinh cả tính mạng, song các chiến sĩ cách mạng trại tù Phú Quốc vẫn nêu cao ý chí bất khuất, kiên trung, dũng cảm mưu trí đối phó với chúng bằng nhiều hình thức đấu tranh từ thấp đến cao. Tại đây, các tù binh vẫn bí mật thành lập tổ chức Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh với kẻ thù. “Cái khó ló cái khôn”, muôn kiểu hoạt động được các đảng viên sáng tạo ra để vừa bảo đảm xây dựng tổ chức, chỉ đạo hoạt động vừa bảo đảm bí mật, an toàn lực lượng. Một cuộc đánh cờ hay lần giả vờ đi tiểu ngoài hàng rào cũng có khi là cuộc họp chi bộ hay cuộc hội ý chớp nhoáng. Yếu tố bí mật luôn được đặt lên hàng đầu bởi nếu kẻ thù phát hiện ra một chút manh mối là thẳng tay tiêu diệt người đứng đầu, truy tìm tổ chức của ta. Những cuộc đấu tranh và bị đàn áp đẫm máu ở nhà tù xảy ra thường xuyên. Chẳng hạn vào năm 1965, địch bắt tù binh tập hợp chào cờ ngụy và hô “đả đảo cộng sản” nhưng các chiến sĩ không chịu hô, thế là chúng dùng dùi cui, báng súng đánh tới tấp, anh em đánh trả lại, chúng xả súng giết chết 78 người. Đầu tháng 9-1969 ở khu A4 biết được tin Bác Hồ mất, sáng hôm sau ngay trước cửa trại xuất hiện một băng vải đen rộng 10cm dài 200cm viết chữ trắng “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Bọn giám thị bị bất ngờ nhưng chúng cũng chỉ dám lẳng lặng gỡ xuống rồi lặng lẽ đem đi chứ không gầm gào như mọi khi. Theo chị Phạm Thị Kim Sương, thuyết minh viên của Bảo tàng Phú Quốc: nhiều chiến sĩ lúc mới bước chân vào nhà tù đã nung nấu ý định trốn tù. Các vụ vượt ngục ở Nhà tù Phú Quốc có ba dạng trốn là: Vượt rào, đánh lính khi áp giải để chạy trốn, đào hầm thoát ra ngoài; có những vụ từ trong tự thoát ra, có những vụ được lực lượng vũ trang bên ngoài hỗ trợ. Theo tổng kết có tất cả 42 vụ vượt ngục, trong đó có 16 vụ vượt rào, 15 lần đi riêng lẻ, 7 cuộc đánh quân cảnh, 4 lần đào hầm và có hơn 400 chiến sĩ trốn thoát khỏi trại tù, nhưng chỉ có 239 người về được căn cứ kháng chiến.
Chia sẻ từng cơ hội sống
Trở về Nam Định, chúng tôi tìm gặp cựu tù binh Phú Quốc Vũ Minh Tằng, ở thôn Tiên Hào, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản). Ông chính là người đã trao tặng Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày do những người cựu tù Phú Quốc lập nên ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) 9 chiếc răng của mình bị bọn cai ngục Nhà tù Phú Quốc dùng tuýp sắt đánh gãy. Sức khỏe suy giảm nhiều bởi tuổi tác và hậu quả đòn thù nhưng ông Tằng vẫn nhớ như in những ký ức kinh hoàng nhưng vẻ vang của hơn 40 năm trước. Tháng 6-1962, ông Vũ Minh Tằng cùng 8 người con ưu tú của quê hương Vĩnh Hào lên đường vào Nam chiến đấu. Từ tháng 12-1965 đến tháng 9-1967, ông là chiến sĩ của Sư đoàn 320 chiến đấu với Không vận số I của Mỹ tại chiến trường Quảng Ngãi. Với tinh thần chiến đấu quả cảm, 2 lần ông được tuyên dương Dũng sĩ diệt Mỹ. Trong một trận đánh ác liệt tại hang Đá Chẹt, ông bị thương vào đầu và bị địch bắt đưa về nhà thương Phú Tài (Quy Nhơn, Bình Định), sau 13 tiếng nằm tại nhà thương, ông bị địch đưa lên máy bay trực thăng chở thẳng ra trại tù Phú Quốc. Ông Tằng kể, trong tù, dù phải chịu những hình phạt tra tấn rất dã man song với ý chí kiên cường quyết giữ khí tiết người cộng sản các tù binh Phú Quốc luôn nung nấu niềm khát khao tự do và có thể tiếp tục đóng góp sức mình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Dù biết rằng chỉ một lần vượt ngục không thành là cầm chắc cái chết trong tay, nhưng các chiến sĩ vẫn quyết định tổ chức các cuộc đào thoát với tâm niệm “đi vào chỗ chết để tìm sự sống”. Trừ những cuộc vượt rào lẻ tẻ tự phát, còn lại tất cả các cuộc vượt ngục đều được Đảng ủy, chi bộ các phân khu lãnh đạo chặt chẽ, lên kế hoạch kỹ lưỡng, tỉ mỉ, chi tiết và các phương án thành công cũng như không may bị địch phát hiện trong các cuộc vượt ngục. Có trường hợp những đường hầm đang đào bị lộ, tổ chức cử anh em tù tình nguyện đứng ra nhận trách nhiệm. Khi đó những đòn tra tấn của địch thật thảm khốc. Ông Tằng được bầu làm bí thư chi bộ. Năm 1971, trong một cuộc vượt ngục do Đảng bộ nhà lao chỉ đạo tiến hành đào hầm vượt ngục, trong đó ông Tằng là người phụ trách vượt ngục của một Chi bộ Phân khu A2. Phải đào hầm, khoét ngạch mất đúng 1 năm, đất đá nghiền vụn dúi vào các thùng phuy đựng xỉ than của trại, tống ra bãi thải. Gần 100 chiến sĩ “độn thổ” từ phòng giam ra ngoài, biến mất trong rừng cao su cổ thụ của đảo, phối hợp với dân chài vượt biển vào đất liền. “Tổ chức cho anh em chạy xong, thì trời cũng sáng, lại bị mấy đứa “gián điệp” được địch cài vào đóng giả tù nhân tố cáo, thế là tôi bị địch bắt lại” ông Tằng hồi tưởng. Dưới sự chỉ đạo của tên cai ngục Bảy Nhu khét tiếng tàn ác, kẻ đã đề ra hàng trăm kế sách tra tấn các tù chính trị, bọn quân cảnh còng chân ông vào cùm rồi dùng vồ đập mỗi đầu gối 70 nhát, sau đó, chúng còn đóng mỗi bên gối 3 chiếc đinh. Chưa dừng lại, bọn địch còn dùng tuýp sắt bẻ liên tiếp 10 chiếc răng của ông. Sau màn tra tấn khủng khiếp, chúng đưa ông về giam tại “chuồng cọp” A2. Đây là nơi giam giữ những chiến sĩ cách mạng trung kiên, gan dạ nhất và bị chúng coi là nguy hiểm nhất, được anh em tù nhân gọi là “nhà mồ” bởi rất nhiều người bị giam giữ ở đây rồi mãi mãi ra đi. Chỉ có khí tiết, lý tưởng của người cộng sản mới giúp những người bị đẩy vào trại giam Phú Quốc quyết giữ trọn lời thề danh dự thứ ba “Nếu bị địch bắt, dù trong trường hợp nào cũng giữ vững khí tiết là chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam… quyết không cung khai, phản bội”. Và tinh thần đồng chí cao cả luôn yêu thương sẻ chia, tranh thủ mọi lúc động viên an ủi nhau xoa bớt những nỗi đau. Tại “chuồng cọp”, mặc dù diện tích rất chật hẹp, chỉ cao 1,8m được chia thành 3 tầng, với diện tích chỉ khoảng 24m2 lại thường xuyên chứa tới 300 người nhưng anh em tù nhân vẫn dành cho ông Tằng một khoảng trống để nằm vì đầu gối đã bị dập nát bởi đòn thù. Được sự chăm sóc của các bạn tù, đặc biệt là 2 người đồng hương Nam Định là Trương Mỹ Lâm (Xuân Trường) và Vũ Trung Huấn (Vụ Bản), ông Tằng đã vượt qua cơn “thập tử nhất sinh”. Những chiêu trò hành hạ tù nhân ở Nhà tù Phú Quốc thật khó bút nào tả xiết về sự man rợ, tàn ác. Bỏ đói là còn nhẹ nhàng, nhiều khi chúng trộn cơm với máu, phân của tù nhân ngay trước mặt rồi bắt họ ăn. Mỗi ngày chúng cho mỗi người chỉ được 10cc nước. Nhiều khi không có nước uống, các anh em tù phải đi tiểu ra tay rồi chia nhau mỗi người uống một hớp để sống. Những chiến sĩ phụ trách khâu nấu bếp đã cố gắng tìm cách lược gan những con cá đuối, bóp lẫn vào cơm giúp các anh em chiến sĩ bị đánh đập, đau đớn có thêm chút dưỡng chất. Không có quần áo để mặc, những tù binh khéo tay đã xé màn và tỉ mỉ dùng kim khâu thành quần áo để anh em có trang phục che thân. Bản thân ông Tằng, do trước khi nhập ngũ ông đã học y sĩ nên có kinh nghiệm. Ông đã lấy lõi những dây điện nhỏ li ti, vê thành kim, lắp vào bàn chải làm bàn châm cứu giúp các anh em chiến sĩ bớt đau sau mỗi trận bị đánh đập bầm dập. Đặc biệt, để ngăn tâm trạng tuyệt vọng trong suốt những tháng ngày bị giam cầm biệt lập, các chiến sĩ trong tù còn hỗ trợ nhau học tập, nâng cao nhận thức; người biết nhiều dạy người biết ít, học tất cả những gì có thể, làm toán, viết văn, viết báo… Để bồi đắp, giữ vững tinh thần kiên trung với cách mạng, các chiến sĩ cách mạng thường xuyên cắt cử người kiểm tra việc học thuộc Điều lệ Đảng, Điều lệ quân đội của anh em tù. Năm 1973, sau 8 năm ở tù, được trao trả theo Hiệp định Pa-ri, người tù cộng sản Vũ Minh Tằng chỉ còn có 23kg. Sau gần 45 năm đi qua cuộc chiến, ông Tằng vẫn tâm đắc rằng: vượt qua những đau đớn về thể xác mà ông phải trải qua thì cuộc đấu tranh cách mạng giúp ông được trưởng thành, kiên cường, gan dạ, biết sống sẻ chia, học tập. Sau này, chính những kinh nghiệm giá trị tinh thần từ những năm tháng hoạt động cách mạng và đấu tranh để sống sót trong Nhà tù Phú Quốc là hành trang để ông trở về thời bình, tham gia công cuộc lao động, nuôi dạy cả 5 người con khôn lớn, thành đạt.
Nhà tù Phú Quốc là điểm đến du lịch chắc chắn để lại ấn tượng sâu đậm với mỗi người đặt chân tới. Từng người sẽ tìm thấy những giá trị tinh thần, giá trị sống cho bản thân từ những gì được nghe, được thấy. Trên tất thảy là lòng biết ơn sâu sắc những thế hệ đã can đảm, anh dũng quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Và đó là trách nhiệm lớn lao cho thế hệ hôm nay phải gìn giữ nguyên vẹn sự tự do, độc lập ấy, thành quả lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự đấu tranh không mệt mỏi của các thế hệ, giai tầng người Việt./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý